Khoảng nửa năm trước tôi không tin vào điều này lắm đâu, vì dù sao chúng ta có lớn đến cỡ nào, thì vẫn là con của cha mẹ. Nhưng hiện tại thì tôi chắc chắn một điều rằng, nếu cứ coi mình là một đứa trẻ và để cha mẹ cứ mãi coi mình là một đứa trẻ, hẳn việc trưởng thành của chúng ta sẽ rất khó khăn. Vì sao ư? Bởi khi cha mẹ còn coi con cái của họ như những đứa trẻ, tâm lý bảo bọc và niềm tin cố hữu cho rằng con mình vẫn còn nhỏ tiếp tục được duy trì.
Cha mẹ sẽ luôn nghĩ con cái họ chưa đủ chín chắn để hiểu hết chuyện nhưng lại không dạy cho chúng cách để "chín chắn". Đó có thể là khi cha mẹ không lắng nghe con và cùng con tìm cách giải quyết vấn đề. Làm thế nào mà cha mẹ có thể theo dõi con từng giây từng phút để theo dõi con mình gặp rắc rối gì hay không? Đó có thể là khi cha mẹ có nghe con, nhưng để mặc đấy. Bạn có nghĩ sau khi phát hiện phản ứng ấy, liệu trẻ con còn kể vấn đề của chúng ra nữa không? Hoặc tệ hơn nữa, là khi cha mẹ có nghe con, và trả lời với thái độ “ba/mẹ không biết, con tự đi mà làm”. Thì đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy thế nào?
Cha mẹ nghĩ mình có thể kiểm soát được con cái nên nghĩ chúng sẽ luôn ngoan ngoãn trong "tòa lâu đài" của mình. Nhưng hầu hết các công chúa trong chuyện cổ tích xảy ra chuyện đều từ chính nơi mình ở. Và quá trình trưởng thành hoặc quá trình chinh phục được phần thưởng đều nằm ở bên ngoài tòa lâu đài tưởng chừng đầy sự an toàn và vững chãi. Còn thực tế thì cha mẹ nên chấp nhận rằng, họ cũng từng là một đứa trẻ, và đứa trẻ do họ sinh ra rồi cũng một ngày lớn lên, cần được chấp nhận như là một người bạn có thể chia sẻ một cách đầy bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau về mọi mặt.
Phần lớn cha mẹ sẽ khó chấp nhận điều đó, và việc vượt qua nhãn dán “con nít” trước mặt ba mẹ bạn thật không may, phần lớn phải phụ thuộc vào bạn. Rằng bạn đã sẵn sàng để đi ra khỏi tòa lâu đài của mình hay chưa, kể cả trong quá khứ nó cũng từng xảy ra không hề dễ chịu?
Như Carl Jung viết: “The real therapy only begins when the patient sees that it is no longer father and mother who are standing in his way, but himself...” (tạm dịch: Một liệu pháp thực sự chỉ bắt đầu khi bệnh nhân thấy rằng đó không còn là cha hoặc mẹ đang cản đường anh ta, mà là chính anh ta…). Đến đây có thể thấy, hành trình trưởng thành là sự bắt đầu rời khỏi cha mẹ, kể cả sự bao bọc lẫn những tổn thương mà cha mẹ “vô tình” gây ra. Không ai chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình như chính mình. Và hành trình nào, nếu kiên định tới đích, cũng sẽ có một cái kết đẹp. Tuy không thể như chuyện cổ tích, nhưng ít nhất, sẽ có những khoảnh khắc thật ngọt ngào.
Và sau đấy, bạn sẽ dần thấy được sự thay đổi từ cha mẹ bạn, đối với bạn. Trưởng thành, cũng bắt đầu từ những điều tuy nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa như vậy.
Tác giả: Yến Nhi
——————
Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT
Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành“