Trút bỏ đau thương, gói gọn chương cũ

Thật khó để nói lên tiếng lòng chân thật với bố mẹ. Nhưng nhiều khi, hãy thử lấy hết dũng khí, khéo léo mượn một cái cớ, và viết một lá thư dãi bày mọi thứ với đấng sinh thành. Biết đâu, nhiệm màu sẽ xảy đến! Đây là một bức thư giãi bày mà Diệu gửi đến bố mẹ nhân dịp cuối năm 2021.

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021 


Gửi bố mẹ!


Nốt ngày mai là kết thúc năm 2021. Một năm qua là quãng thời gian tươi đẹp của cuộc đời con. Không nói đến chuyện học hành, điều con thấy biết ơn hơn cả là bản thân đã gặp được những người giúp con thoát khỏi những tổn thương từ quá khứ, và học cách trân trọng cuộc sống này hơn. Đây là những điều còn khó khăn hơn cả việc có một chặng đường học hành suôn sẻ. 


Song, vẫn luôn có những ám ảnh con phải tự mình thoát ra, và dường như nó vẫn cứ đeo bám con tới tận bây giờ. Sẽ có những lúc con tự dưng bật khóc dù chẳng có thứ gì đả động đến con. Rồi con nhận ra, bố mẹ là nguyên do khiến con đau khổ như thế này. Hai người cãi vã, chửi bới nhau, giấu diếm nhau, phòng thủ nhau, đánh đấm nhau,... Và con cái của hai người bỗng dưng trở thành nạn nhân một cách vô cớ. Con đã phải tự mình chiến đấu với căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và nhiều khi là trầm cảm lâm sàng. 


Không biết là may mắn hay xui rủi, con lại là đứa con phải đối mặt với những trận cãi cọ giữa hai người kể từ khi chỉ còn học mẫu giáo. Dù chẳng phải nghĩa vụ bắt buộc, con vẫn nhiều lúc tự nhủ bản thân hãy thông cảm cho bố mẹ. Bởi bố mẹ chưa từng học cách làm cha mẹ của con, làm vợ chồng của nhau. Bởi bố mẹ cũng đã từng là con cái của ai đó và cách hai người hành xử là thành quả của những năm tháng đầu đời. Bởi vợ chồng nào mà chẳng phải cãi vã. 


Nhưng bố mẹ à! Khi cãi nhau, hai người có nghĩ rằng bản thân đang dày vò và hành hạ con cái mình tới cỡ nào? Hay bố mẹ vốn cho rằng, sự tổn thương đó là thứ chúng con đáng được nhận chỉ vì hai người đã làm lụng vất vả nuôi chúng con? Hay rằng ông bà cũng đã từng cãi vã nên bây giờ, khi làm cha mẹ, bố mẹ liền mặc định sự tổn thương đó là điều hiển nhiên? Con không biết là tình thương lại có hình hài đáng sợ như vậy. Vì như con biết, tình thương vốn chưa bao giờ là một vụ cho đi nhận lại sòng phẳng. Tình thương là khi ta chấp nhận làm vì đối phương mà chẳng mong cầu nhận lại điều gì. 


Con vẫn luôn nhắc nhở các em là hãy đặt mình vào vị trí của người khác để tường tận ra mọi chuyện. Bản thân con đã đặt mình vào vị trí của hai người để mà cảm thông cho những trận cãi vã và những tổn thương hai người đã mang đến đời con. Vậy con cũng mong rằng, lần này, bố mẹ cũng sẽ làm điều tương tự với chúng con, để hiểu chúng con đã đau khổ đến mức nào.


Đối với con, các em là bảo vật vô giá mà con không bao giờ muốn thương tổn chúng. Con muốn bảo vệ các em và cho các em một tuổi thơ tươi đẹp. Vì các em mà một người chỉ mới 16 tuổi, chưa kết hôn và chưa có con cái như con, đã bắt đầu học cách làm cha mẹ. Và kể cả khi đã tìm hiểu bài bản về việc này, con vẫn có khi mắc sai lầm hoặc không đủ tận tâm để thực hiện. 


Nhưng sau cùng, yêu thương con cái vẫn là một phần bản năng của người làm cha mẹ. Nếu một người chị như con đã yêu các em đến vậy. Thì con tự hỏi, bố mẹ sẽ yêu thương chúng và dám hi sinh đến mức nào vì chúng? Ở thời điểm hiện tại, con chỉ biết rằng, con nhất định sẽ không tha thứ cho bất cứ ai làm thương tổn đến Giang và hai Gấu, dù đó có là bố mẹ, hay những trận cãi vã xung đột của hai người. 


Những dòng trên, con đã ấp ủ trong lòng từ rất lâu. Nhưng chỉ đến bây giờ, con mới đủ mạnh mẽ để nói cho bố mẹ. Người ta vẫn nghĩ cha mẹ và con cái có một mối gắn kết vô cùng bền chặt. Nhưng trên thực tế, cha mẹ không dám thật lòng với con cái, con cái cũng chẳng dám sẻ chia với bố mẹ. Rồi đến một ngày, sau khi đứa trẻ đã đủ lông đủ cánh, liền bay đi mà chẳng vướng bận gì trong lòng. Kể cả có về thăm cũng chỉ là vì nghĩa vụ.


Con không mong muốn thực tế nghiệt ngã này sẽ rơi trúng gia đình chúng ta. Vậy nên mới lấy hết can đảm nói ra những lời trên với bố mẹ để chúng ta cùng suy nghĩ như những người đã trưởng thành mà suy xét - những người dám vứt bỏ cái tôi mà nhìn vào lỗi lầm của mình. Bố mẹ đã từng là những đứa trẻ, nhưng con cái cũng chỉ có một đời. Không có gì là đòi hỏi ở đây khi con mong bố mẹ cảm thông và thể hiện tình yêu với con cái một cách đúng đắn hơn. Và cũng chẳng cần có sự so sánh nào cả, vì nếu đem so nhà mình với nhà khác thì chi bằng tráo đổi con cái với cha mẹ cho nhau đi. 


Sắp bước sang 2022, con mong rằng nhờ vào những lời bộc bạch thẳng thắn này của mình mà gia đình chúng ta sẽ sống như những người thân chân thật. Ở đó, chúng ta cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chở che và chăm sóc, rồi cùng nhau “làm lại từ đầu” ở một chặng hành trình mới! Đó là một gia đình mơ ước mà Giang vẫn thường nhắn nhủ con mỗi khi em khóc. Và con ở đây để làm Doraemon, giúp một Nobita hậu đậu hiện thực hoá hạnh phúc em vẫn luôn ao ước. Mong rằng bố mẹ cũng sẽ trở thành Doraemon của chúng con, để tuổi thơ của chúng con ngập tràn tình thương và những điều tươi đẹp! 


Cảm ơn vì bố mẹ đã dành thời gian đọc đến những dòng này! Cảm ơn hai người vì tất cả!


Thật khó để nói lên tiếng lòng chân thật với bố mẹ. Nhưng nhiều khi, hãy thử lấy hết dũng khí, khéo léo mượn một cái cớ, và viết một lá thư dãi bày mọi thứ với đấng sinh thành. Biết đâu, nhiệm màu sẽ xảy đến!


Dịp cuối năm không chỉ là lúc để ta nhìn lại những sự kiện đã qua, mà còn là thời điểm để ta trút bỏ những vướng bận cuối cùng trong lòng. Hãy dũng cảm hơn vì một năm mới nhẹ nhàng và thoáng suốt bạn nhé! 


Tác giả: Diệu

BẢN THẢO
Bài viết liên quan