Từ Một Sinh Viên Và Thực Tập Sinh, Tôi Đã Trở Thành Một Tác Giả Trẻ Như Thế Nào?

Thay vì ngồi một chỗ và tự trách móc bản thân, hay cảm thấy cảm bản thân mình kém cỏi, tôi chuyển hóa chúng vào từng dòng chữ. Tôi không viết những gì tôi nghĩ, tôi viết những gì tôi cảm nhận.


Sách đã ra cách đây một tháng và giờ đây tôi mới đủ khả năng để cảm nhận và trào tuôn cảm xúc để viết những dòng này. Bởi tôi nghĩ những điều dưới đây có thể là động lực cho nhiều bạn vững bước khi lựa chọn theo đuổi đam mê - viết lách.


Khoảng đầu năm hai đại học, tôi tham gia dự án triết học tuổi trẻ (THTT) và trở thành thực tập sinh của Ybox. Tham gia cùng dự án từ những ngày đầu tiên và sau một vài tháng, tôi trở thành giám khảo chấm thi, đồng thời cũng là người viết đóng góp cho dự án. Và khi THTT ngày một lớn lên, nhiều người quan tâm hơn, cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người hơn biết đến bài viết của tôi.


Tôi nghĩ mình là một người may mắn. Vì khi tôi bắt đầu nghiêm túc viết cho đến khi tôi trở thành một tác giả sau 2 năm kiên trì. Và được một BTV mời viết khi mới làm thực tập sinh được 6 tháng. Quá nhanh để một người trẻ như tôi kịp thích ứng. Bởi khi viết những dòng chữ tận sâu trong lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ những dòng mình viết lại nằm gọn trong những trang sách thơm tho kia. Vào thời điểm lúc đó, tôi chưa trưởng thành. Nhưng đó là những điều tôi đã trải qua để học cách trưởng thành, giống như THTT là một phần trong đó. 


Nhiều người hay thắc mắc làm thế nào để viết được một cuốn sách khi còn ở độ tuổi 19, 20. Tôi thường trả lời rằng đó là điều có thể hoàn toàn được. Tôi đã từng có cơ hội gặp những bạn còn rất trẻ đã trở thành một cây viết cứng, hoặc đã từng xuất bản sách riêng khi tuổi còn chập chững 18-20.  



Chuyển hóa tâm tư vào những bài viết


Thay vì ngồi một chỗ và tự trách móc bản thân, hay cảm thấy cảm bản thân mình kém cỏi, tôi chuyển hóa chúng vào từng dòng chữ. Tôi không viết những gì tôi nghĩ, tôi viết những gì tôi cảm nhận. Và những gì tôi cảm nhận, hóa ra lại là những gì của hầu hết người trẻ cảm thấy, và họ cũng gặp những khó khăn tương tự. Và tôi chỉ là người nói lên những điều khó nói, như một người ngụp lặn sâu trong tâm trí để mang những ẩn ức sâu trong tối lên khỏi bề mặt ý thức mà thôi. Thật may mắn là những gì tôi viết lại được nhiều người đón nhận.


Đồng hành cùng THTT đã hơn 2 năm, tôi thấy mình đã trưởng thành hơn nhiều. Còn trẻ, có thể tôi đi làm sớm, có thể làm nhiều hơn người khác. Nhưng càng về sau, tôi nhận ra sự làm với sự học dường như là một. Và vận dụng những điều ấy để giúp đỡ nhiều người khác càng như một sự đầu tư lớn nhất cho bản thân. Nếu bạn đang cảm thấy khó khăn khi đi trên con đường này, tôi hi vọng qua bài viết, bạn có thêm động lực để cố gắng, không phải ngay hôm nay, mà là một giai đoạn nào đó trong đời, bạn cảm thấy đây là sứ mệnh của mình - viết, thì tự khắc những điều bạn thấy và gặp trên con đường đó còn quan trọng hơn cả việc đến được đích hay không, thậm chí cái đích khác bạn đến còn lớn lao hơn cái đích ban đầu. Với tôi, mục đích viết bài chỉ đơn thuần là học cách viết những cảm xúc, suy tư của mình trở thành ngôn ngữ hữu hình. Để đến một ngày nào đó, khi đọc những dòng chữ lúc tuôn trào ra mỗi khi khó khăn ấy, tôi thấy mình đã mạnh mẽ nhường nào. Để đến khi nhận những lời cảm ơn từ ai đó khi đọc bài viết của mình, tôi thấy mình đã làm những điều thật tuyệt vời biết bao nhiêu, ít nhất tại thời điểm đó, và cũng là những động lực tích lũy không hề nhỏ cho tôi sau này.



Có những khó khăn gì khi viết không? 


Nếu tôi nói là không thì 100% các bạn sẽ nghĩ tôi nói dối.


Khi bạn chọn theo đuổi bất cứ điều gì, đã luôn có một rào cản, đó là chính bản thân bạn, chứ chưa nói đến các yếu tố ngoại cảnh. Đó là lý do vì sao tôi đã thất bại ngay sau khi làm ở Ybox được một tháng. Tôi đã nghĩ mình làm được mọi thứ một cách trơn tru cho đến khi tôi bị cạn ý tưởng, tôi bị mỏi mệt cơ thể, đau nhức óc đầu vì làm việc quá sức, tập trung cao độ quá lâu. Để sau một thời gian nhất định, tôi hoàn toàn kiệt quệ và đã xin nghỉ. Thật may mắn cho tôi là leader dự án giữ tôi lại, bằng cách thuyết phục và giảm KPI xuống. Tôi bắt đầu biết cách học nghỉ ngơi, biết đâu là giới hạn để ngưng nghỉ đúng lúc, biết cách dung hòa chính thời gian cũng như công sức của mình.


Quay trở lại vấn đề cạn ý tưởng, điều khiến rất nhiều người viết khó chịu, bản thân tôi còn trẻ, kiến thức chưa nhiều, trải nghiệm chưa đủ độ sâu nên việc thiếu ý tưởng là điều dễ hiểu. Nhiều khi tôi thấy điều đó làm mình kém cỏi hay bản thân không đủ năng lực nhưng dần dà, khi càng trải nghiệm nhiều thứ, tôi lại cho rằng đó là cơ hội để mình học hỏi thêm, trau dồi cả kiến thức lẫn kỹ năng nhiều hơn nữa. Sự thiếu ý tưởng hay không thể viết viết gì chỉ là sự phản hồi đến tôi rằng tôi vẫn còn phải cố gắng hơn rất nhiều.



Có áp lực nào khi trở thành tác giả trẻ? 


Tất nhiên là có. Nhưng chính mình cảm nhận điều đó như thế nào mới là điều quan trọng. Bởi tự mình nảy sinh những kỳ vọng còn tệ hơn việc người khác gây ra áp lực rất nhiều. Tôi bắt đầu được mời viết cuốn thứ hai, tôi bắt đầu được nhận những ánh mắt, lời nói từ những người xung quanh mình, mà đôi khi, nhìn hành xử của họ, tôi chỉ ước rằng có lẽ mình không nên trở thành một tác giả sớm như thế. 


Đúng là tôi đã từng trải qua những khoảnh khắc mang cảm giác khá tệ như trên, nhưng cũng có nhiều khi tôi cảm thấy tự hào về bản thân, về tất cả những gì mình đã nỗ lực bằng không gì khác ngoài năng lực chính mình. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được không ít những động viên, lời khen hay lời cảm ơn chân thành. Không chỉ bằng lời nói, mà cả là những tin nhắn được gửi từ những người xa lạ, họ theo dõi tôi từ bao giờ, mà tôi chưa hề hay biết. 



Viết đến đây thì có tin nhắn được gửi từ một bạn đã từng thi cuộc thi TTHT, bạn nói là đừng đóng cuộc thi này lại, vì thực sự nó rất bổ ích. Còn tôi nghĩ thêm, nhiều bạn trẻ tham gia không chỉ để nhận phần thưởng, mà còn là sự tâm huyết, những trăn trở cần được bộc lộ, những khúc mắc cần được lên tiếng, để rộng rãi nhiều người biết hơn, trong một thời đại toàn cầu hóa đang được diễn ra mạnh mẽ đến vậy. Tôi cảm thấy tự hào hơn khi trở thành một phần của THTT và hơn hết, để trở thành một tác giả, nếu không có THTT thì tôi không có ngày hôm nay. 



Như đã nhắc, tôi không viết những gì tôi nghĩ, nên về kỹ năng viết tôi không có gì để chia sẻ lại những phương pháp để viết thế nào cho hay hay những thủ thuật làm thế nào để hút người đọc nhất. Tôi không có phương pháp nào cả, kể cả tôi có dùng thì nếu sự viết không xuất phát từ những gì tôi rung động và chân thành từ tận con tim, của gốc rễ cảm xúc, thì tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ chạm đến trái tim người đọc, chứ đừng nói đến việc họ sẽ nhớ mình. Trở thành một tác giả là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Và trở thành tác giả ở độ tuổi này là một điều xa xỉ. Nhiều người còn ngạc nhiên hơn nữa khi suốt quãng thời gian học trung học, tôi chỉ đầu tư học các môn toán và lý. Cho đến khi điều này không chứng minh hay trở thành chướng ngại khi tôi có khả năng viết lách. Và cho dù bạn đã cố gắng và chưa đạt được điều gì, tôi chỉ có thể chia sẻ rằng hãy cứ viết, rồi một ngày bạn sẽ nhận được tín hiệu rằng việc bạn đang làm trở nên có ý nghĩa với cuộc đời của bạn.


Tác giả: Yến Nhi

Nguồn: Triết học tuổi trẻ

BẢN THẢO
Bài viết liên quan