Tự Sát: Những Lời Thực Sự Muốn Nói Trước Khi Quyết Định Ra Đi

Cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống góp phần tạo nên mẫu hình mà mình muốn trở thành – và việc chia sẻ những trải nghiệm to lớn trong cuộc đời với nhau có thể cải thện cách mà chúng …

Cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống góp phần tạo nên mẫu hình mà mình muốn trở thành – và việc chia sẻ những trải nghiệm to lớn trong cuộc đời với nhau có thể cải thện cách mà chúng ta đối xử với người xung quanh. Đây là một quan điểm chính xác.

 Đó là một buổi chiều muộn tháng Giêng năm 2018, hai ngày sau khi tôi có một cuộc phẫu thuật lớn. Nửa mê nửa tỉnh sau liều thuốc giảm đau, tôi nghiêng người để xem điện thoại. Và ở ngay trên màn hình là tin nhắn từ mẹ của bạn tôi: “Hãy gọi 911”.

 Và đó cũng chính là khoảnh khắc bắt đầu cho cú rơi tự do của tôi vào vực thẳm của nỗi đau. Ngay đêm đó, một người bạn đáng quý của tôi, người sở hữu nụ cười có thể làm sáng bừng căn phòng tối tăm nhất, đã qua đời trong bệnh viện sau nỗ lực tự kết liễu cuộc đời mình.

 Một làn sóng dấy lên và lan truyền qua khu dân cư mà chúng tôi sinh sống. Mỗi khi ai đó quyết định từ giã cõi đời, những người ở lại không khỏi thắc mắc, dằn vặt rằng chuyện gì đã xảy ra. Và vì vậy mà khoảng thời gian này mọi người xung quanh tôi đều canh cánh một câu hỏi: Sao chuyện này lại có thể xảy ra được chứ?

 Dù vậy, tôi chẳng buồn đặt câu hỏi ấy. Bởi vì gần một thập kỷ trước, bản thân tôi cũng đã nỗ lực tự sát một lần.

 Nhưng, tất nhiên, điều đó cũng không thể khiến nỗi đau này nguôi đi. Đứng trước cái chết của bạn mình, nhiều lúc tôi vẫn bị giày vò bởi những suy nghĩ tự trách, những rối bời và tuyệt vọng. Nhưng khác với những người xung quanh, tôi hiểu quá rõ những dằn vặt này.

 Dù thế nào thì, trải nghiệm đứng giữa bờ sinh tử mà tôi đã có cũng ẩn chứa một phúc lành. Khi những người xung quanh hỏi tôi vì sao một người lại tử sát, tôi có thể cho họ một câu trả lời. Và sau khi giải đáp phần nào những thắc mắc của họ, tôi thấy một điều tuyệt diệu xảy ra: chúng tôi dần được chữa lành đối với nỗi đau tinh thần to lớn này và có thể đồng cảm nhiều hơn với người bạn đã qua đời.

Mặc dù tôi không thể nói thay nỗi lòng của tất cả những người đang vật lộn với ý tưởng tự tử, nhưng tôi đã tiếp xúc và tâm sự với khá nhiều những người sống sót sau nỗ lực tự sát – đủ để có thể nhận ra những điểm chung trong cảm nhận của chúng tôi về kinh nghiệm này.

 Và hôm nay tôi muốn chia sẻ chúng với bạn với hy vọng rằng nếu chẳng may phải đối mặt với việc mất người mình yêu thương vào tay tử thần, bạn cũng có thể tìm được sự xoa dịu từ những lời của một người đã quay về từ con đường đó.

 Tôi nghĩ rằng, nếu người thân yêu của bạn có thể nói chuyện với bạn ngay lúc này, thì đây cũng là một trong những điều mà họ muốn nhắn gửi.

1. Tự sát không đơn giản chỉ là một “lựa chọn”Những người thực hiện ý tưởng tự sát đi đến bước đường này không phải vì họ bị thuyết phục rằng đây là lựa chọn duy nhất mà mình có. Thông thường, đó là vì họ đã cạn kiệt năng lượng cảm xúc dùng để theo đuổi những lựa chọn khác. Hiểu theo nhiều cách khác nhau thì đây là trạng thái cao nhất của tình trạng kiệt sức (burnout).

 Và trạng thái kiệt sức cũng không xuất hiện một sớm một chiều.

 Để có thể đi đến nỗ lực tự sát, một người phải ở trong trạng thái thần kinh nghiêm trọng đến nỗi họ từ chối cả những bản năng sinh tồn cơ bản của mình . Ở thời điểm đó, nó là một trạng thái cấp tính (thời gian tồn tại rất ngắn nhưng cường độ rất mạnh) – không khác mấy so với một cơn đau tim hay những cơn khủng hoảng sức khỏe khác.

 Nói cách khác, một người phải đạt đến mức độ mà họ cảm thấy những nỗi đau về cảm xúc mình phải gánh chịu đã quá lớn so với lượng thời gian mà họ có để phục hồi, và cũng ngay lúc đó, trong tầm tay họ lại sẵn có phương tiện (hay cơ hội) để tự kết liễu đời mình.

 Điều mà tôi thường hay nói với người thân của họ là nỗ lực tự sát có thể được xem như một “tai nạn khác thường” – chính bởi sự xuất hiện đồng thời của nhiều yếu tố (một sự kết hợp không mong muốn) mà tự sát mới có thể diễn ra.

 Sự thật rằng một người bị đẩy đến bước đường cùng như thế chính là sự phản ánh mạnh mẽ về tình trạng sức khỏe tinh thần ở cả một đất nước mà họ đang sống.

Họ không thất bại, bạn cũng vậy. Chính hệ thống vận hành đã khiến chúng ta thất vọng. Hệ thống của chúng ta gần như luôn đòi hỏi ta phải chờ đợi rất lâu (khiến một người ngày càng đi gần đến trạng thái thần kinh cấp tính kia) và phân biệt đối xử trong việc chăm sóc, khiến những người cần giúp đỡ phải tự mình chống chọi cho đến phút cuối cùng trước khi nhận được hỗ trợ – nếu may mắn, vào lúc mà họ chẳng thể nào chờ đợi được nữa.

Nói cách khác, thời điểm mà một người rơi vào khủng hoảng, cần đến nhiều năng lượng nhất để níu giữ sự sống – dùng cho việc dập tắt những suy nghĩ tiêu cực xâm nhập vào tâm trí, những cơn xung động và cảm giác tuyệt vọng hoàn toàn – thường là thời điểm mà họ còn ít năng lượng nhất.

Điều đó nói lên rằng, tự sát là một hệ quả bi thương của tập hợp những điều kiện khác thường mà trên thực tế, ít người trong chúng ta có thể thể kiểm soát được.

 2. Những người nỗ lực tự sát thường rất, rất mâu thuẫnNhiều người nhìn vào sự ra đi của những người thân yêu của họ và hỏi tôi, “Lỡ như đây không phải là điều họ thực sự muốn thì sao?”Nhưng thực tế thường không đơn giản như vậy. Đúng hơn là, nội tâm họ thường rất xung đột, mâu thuẫn, đây cũng là lý do vì sao khi rơi vào trạng thái đứng trước bờ vực này, người ta khó mà suy nghĩ thấu suốt.

 Hãy tưởng tượng tâm trí của họ như một cán cân, hai đĩa cân đại diện cho hai luồng suy nghĩ trái ngược nhau. Những quả cân cứ thế được đặt lên hai bên, mỗi lần như vậy, cân lại nghiêng về một bên nhiều hơn bên kia. Cho đến khi cân nghiêng hẳn về một bên – một sự kích ngòi, một khoảng khắc nông nổi, cửa sổ cơ hội hé mở phá vỡ đi sự cân bằng cần thiết để duy trì một sự sống.

 Việc cố gắng đứng vững giữa những suy nghĩ giằng xé đã rút cạn năng lượng của họ, che mờ đi lý trí cũng như khả năng đánh giá vấn đề.

 Câu châm ngôn dưới đây có thể truyền tải được mối xung đột bên trong này: “Chúng ta không phải suy nghĩ của mình – chúng ta chỉ là người lắng nghe chúng”. Những ý nghĩ tự tử, một khi chúng bắt đầu phát triển trong tâm trí, sẽ như quả cầu tuyết bắt đầu lăn từ trên đỉnh núi, ngày càng lớn và lớn hơn cho đến khi đủ sức dìm chết phần lý trí mong muốn một lựa chọn khác cái chết.

 Không phải chúng tôi đã đầu hàng ý nghĩ đó dễ dàng. Chúng tôi đã đấu tranh, đã kháng cự, đã dậy những đợt sóng mâu thuẫn trong lòng. Nhưng những suy nghĩ về cái kết êm dịu ấy cũng ngày một lớn dần, lớn đến mức lấn át hết những lý lẽ còn lại.

 Cũng chính vì những mâu thuẫn này mà một số người trong chúng tôi (thường là trong vô thức) tự phá đám những nỗ lực tự sát của chính mình. Có thể là bằng việc chọn thời điểm hay địa điểm thực hiện dễ bị phát hiện bởi người khác. Hoặc bằng cách để lộ những dấu hiệu, manh mối không thể chối cãi về tình trạng khủng hoảng tinh thần của bản thân. Cũng có thể là việc chọn một phương pháp tự sát có độ đảm bảo thấp.

 Ngay cả những người lên kế hoạch tự sát tỉ mỉ và có vẻ rất quyết tâm thực hiện thì ở mức độ nào đó, họ cũng đang tự phá hủy nỗ lực của mình. Thời gian dành cho việc lên kế hoạch càng dài, thì khả năng để bản thân bị phát hiện và can thiệp càng cao.

 Điều duy nhất chúng tôi cảm thấy chắc chắn chính là: chúng tôi khao khát trong vô vọng sự bình yên và an lòng. Một nỗ lực tự sát không thực sự phản ánh cảm nhận của một người về cuộc đời mình, về những tiềm năng của bản thân, hay là về những người thân yêu của họ; mà nó phản ánh rõ nhất trạng thái tinh thần tại thời điểm đó.

3.  Chúng tôi không muốn làm tổn thương những người mình yêu thươngChia sẻ của cá nhân tôi: Khi tôi nỗ lực tự sát, đã có những khoảnh khắc mà suy nghĩ về những người tôi thương chiếm trọn tâm trí mình.

 Vào một đêm khi vừa được bạn trai chở về nhà, tôi đứng bất động trên đường và cố ghi nhớ từng chi tiết của khuôn mặt anh ấy. Lúc đó, tôi thực sự nghĩ rằng đây sẽ là lần cuối cùng tôi được nhìn ngắm anh. Tôi cứ đứng đó nhìn theo hình dáng chiếc xe anh cho đến khi nó mất hút. Đó cũng là kí ức rõ ràng cuối cùng mà tôi có về đêm hôm đó.

Thậm chí, tôi còn ngụy trang sao cho vụ tự sát của mình giống với một tai nạn, bởi vì tôi không muốn những người thương yêu nghĩ rằng tôi đã cố tình chấm dứt cuộc đời mình. Tôi không muốn họ phải trách móc bản thân. Và vì thế, bằng cách ngụy tạo vỏ bọc cho cái chết của mình, tôi đã làm những gì mình có thể để giảm bớt nỗi đau của họ.

 Ở mức độ nào đó, tôi hiểu rõ cái chết của mình sẽ đem lại nỗi đau lớn như thế nào cho những người thân yêu. Và tôi không thể diễn tả bằng lời sức nặng mà nó đè lên tim mình.

Nhưng ở một thời điểm nhất định, khi bạn cảm thấy cuộc sống này như đang thiêu đốt mình, tất cả những gì mà bạn có thể nghĩ đến là làm cách nào để dập tắt ngọn lửa ấy – càng nhanh càng tốt.

 Khi thực sự đi đến hành động tự vẫn là lúc tôi đã cảm thấy quá xa cách xã hội và tầm nhìn thì bị thu hẹp đến mức phần lớn những kí ức về đêm đó đã bị xóa sạch khỏi ý thức của tôi. Tự sát không chỉ là một sự kiện liên quan đến thần kinh mà còn liên quan rất nhiều đến cảm xúc.

 Khi nói chuyện với những người sống sót sau tự sát, nhiều người trong số chúng tôi đã cùng chia sẻ một chung một cảm nhận: Chúng tôi không hề muốn tổn thương những người thương yêu của mình, nhưng tầm nhìn thu hẹp và trạng thái đau đớn cấp tính ấy – cùng với cảm giác mình là gánh nặng cho họ – thực sự có thể làm lu mờ mọi phán đoán lý trí.

 4. Chúng tôi biết rằng mình được yêu thươngMột nỗ lực tự sát không phải lúc nào cũng có nghĩa là: người ấy không tin rằng mình được yêu thương.

Điều đó không có nghĩa là họ không biết rằng bạn quan tâm đến họ hay nghĩ rằng sẽ chẳng nhận được bất kỳ sự chấp nhận vô điều kiện và lo lắng nào từ bạn.

 Giá mà tình yêu thương, một mình nó, có thể đủ để giữ một người ở lại cuộc đời.

Khi bạn tôi mất, chúng tôi phải có đến hai buổi lễ tưởng niệm bởi vì số lượng người tham dự quá lớn. Họ ngồi kín cả một giảng đường đại học ở địa phương được dùng để tổ chức buổi lễ, và thậm chí chẳng còn đủ chỗ để đứng. Còn có cả một buổi drag show được tổ chức để tưởng niệm bạn tôi, và quán bar lúc ấy đông đến nổi mà tôi nghĩ rằng hẳn chúng tôi đã vi phạm gần hết những quy tắc phòng cháy chữa cháy của thành phố Oakland.

 Và đó chỉ mới là những gì diễn ra ở khu vực Bờ Tây. Nó chưa là gì so với buổi lễ ở New York, nơi mà bạn tôi sinh ra.

 Nếu chỉ cần tình yêu thương là đủ để một người tiếp tục sống, thì sẽ có ít sự ra đi vì tự tử hơn. Và tôi biết rằng – thật sự cảm nhận được rằng – nó đau đớn như thế nào để chấp nhận sự thật là: dù ta có yêu một người nhiều đến mấy, như cách ta ví von “yêu đến tận mặt trăng và quay trở lại” (thậm chí tới Sao Diêm Vương), thì vẫn không đủ để giữ họ ở lại. Giá như lý do để sống chỉ đơn giản như thế.

 Nhưng tôi có thể nói với bạn rằng tình yêu thương của bạn không hề vô giá trị. Nhờ bạn mà khoảng thời gian sống trên Trái Đất này của họ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi cũng có thể khẳng định rằng, tình yêu của bạn đã giúp họ vượt qua rất nhiều những giai đoạn đen tối trong cuộc đời mà chỉ họ mới biết.

 Nếu chúng tôi thực sự cảm thấy mình có khả năng ở lại thế giới này lâu hơn một chút vì bạn, thì chắc chắn chúng tôi sẽ làm thế. Trước khi nỗ lực tự sát, tất cả những gì tôi mong mỏi là có thể cảm thấy ổn hơn và mạnh mẽ hơn để tiếp tục sống. Nhưng kể từ khi những bức tường được dựng lên vây hãm tôi, tôi đã chẳng thể tin vào khả năng của mình nữa.

 Nỗ lực tự sát của người bạn yêu thương không thể nói lên điều gì về tình cảm bạn dành cho họ, hay về ý nghĩa của bạn trong tim họ. 

Nhưng nỗi đau của bạn có thể phản ánh điều đó – bởi sự đau đớn mà bạn đang trải nghiệm vì sự vắng mặt của họ đã thể hiện rất rõ mức độ sâu sắc trong tình yêu mà bạn đã (và vẫn đang) dành cho họ.

Nếu thực sự cảm xúc của bạn về sự mất mát mạnh mẽ đến vậy, thì có khả năng cao là tình cảm giữa bạn và người ấy cũng vậy – một tình cảm xuất phát từ cả hai phía, đầy thương yêu và được cảm nhận trọn vẹn. Và việc họ muốn chấp dứt cuộc sống sẽ không bao giờ thay đổi được điều đó. Tôi khẳng định với bạn như vậy.

5. Đây không phải là lỗi của bạnTôi sẽ không vờ như mình chưa bao giờ tự trách bản thân vì cái chết của bạn mình. Và tôi cũng sẽ thú thật rằng đến tận bây giờ tôi vẫn làm vậy, chỉ mới vừa hôm qua thôi.

 Không khó để rơi vào hố sâu dằn vặt, tự hỏi rằng mình có thể làm gì khác đi để cứu lấy họ. Nó khiến ta đau quặn thắt nhưng, ở một khía cạnh khác, lại mang đến cho ta sự yên lòng. Bởi vì nó khiến ta tin vào một ảo tưởng rằng mình có khả năng kiểm soát những gì xảy ra.

 Chẳng phải thế giới sẽ có cảm giác an toàn hơn nếu như chúng ta có khả năng cứu lấy tất cả những người mà mình yêu thương sao? Bằng khả năng giải thoát họ khỏi những nỗi đau bằng những từ ngữ đúng đắn, quyết định đúng đắn? Trong thế giới đó, ta có thể cứu lấy tất cả mọi người chỉ bằng ý chí và nỗ lực đơn thuần. Hay ít nhất là, những người mà ta không thể sống thiếu trong cuộc đời.

 Tôi đã tin vào điều đó trong một khoảng thời gian rất dài. Thực sự đã tin như vậy. Trong suốt 5 năm qua, tôi liên tục viết các bài viết công khai về sức khỏe tinh thần và tự sát, với niềm tin mãnh liệt rằng, nếu một người nào đó mình thương yêu gặp khó khăn, họ sẽ biết rằng họ có thể tìm đến tôi mà không cần mảy may suy nghĩ.

 Cảm giác an toàn của tôi tan vỡ khi mất đi một trong những người bạn thân nhất của mình. Và với vai trò là một người làm trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần, tôi cũng đã bỏ sót những dấu hiệu.

 Tôi vẫn đang trong một quá trình dài trước khi có thể hoàn toàn quy phục sự thật rằng không một ai – dù thông minh, đầy tình yêu thương, hay quyết tâm đến thế nào – có thể giúp người khác duy trì sự sống.

Bạn đã từng gây ra những lỗi lầm? Có thể bạn đã nói điều không nên nói. Có thể bạn đã quay lưng lại với họ vào một đêm nào đó mà không lường trước những hậu quả có thể xảy ra. Hoặc cũng có thể, bạn đã đánh giá thấp những tổn thương mà họ đã phải gánh chịu.

Nhưng khi một ấm nước đã được đặt trên bếp lửa, thì dù có vô tình chỉnh lửa lớn hơn một chút, bạn cũng chẳng thể chịu trách nhiệm về việc ấm nước sôi. Bởi vì chỉ cần ấm nước vẫn ở trên bếp, sớm hay muộn nó vẫn sẽ đạt đến nhiệt độ sôi.

Hệ thống sức khỏe tinh thần của mỗi người có vai trò cung cấp một chế độ tự bảo vệ để có thể nhấc ấm nước ra khỏi bếp, để khi lửa có được điều chỉnh như thế nào, thì ấm nước vẫn không bị ảnh hưởng.

Bạn không cần phải chịu trách nhiệm cho thất bại của hệ thống sức khỏe tinh thần của người mình yêu thương, dù bạn có gây lỗi lầm với họ hay không.

Chính bạn cũng là nạn nhân, bởi vì, bạn bị bắt phải cảm thấy có trách nhiệm với cuộc sống của một người khác – vốn là một việc quá nặng nề cho bất kỳ một ai. Bạn đâu phải là một chuyên gia tham vấn khủng hoảng, hoặc nếu bạn có là, thì bạn cũng không hoàn hảo. Chúng ta chỉ là con người thôi.

Bạn đã yêu thương họ trọn vẹn theo cách mà bạn có thể. Tôi cũng ước rằng bản thân tình yêu chứa đủ sức mạnh để duy trì một sự sống, vì lợi ích của người trao đi lẫn người được nhận. Tôi biết là thật đau đớn để chấp nhận điều ngược lại.

Kể từ buổi chiều kinh khủng của tháng Giêng năm ngoái, ngày nào tôi cũng tự hỏi bản thân, “Tại sao bạn tôi lại chết, còn tôi thì vẫn ở đây?”

Đây là câu hỏi mà đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời. Việc không ngừng tìm kiếm lời giải đáp cũng chính là một nhắc nhở đối với tôi về sự bất công sâu sắc của thế giới. Tôi không nghĩ là mình có thể nói được điều gì để thay đổi sự bất công trong việc mất đi người thân yêu như thế này.

Nhưng từ sau chuyện này, tôi học được rằng, nỗi đau là một người thầy uyên bác.

Chính những giày vò từ sự ra đi của người bạn đã thách thức tôi, lần này qua lần khác, phải sống một cuộc sống tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn. Trao đi yêu thương một cách cởi mở và sẵn sàng hơn, đấu tranh với quyền lực, và quan trọng nhất, trân trọng cuộc sống của mình như một sự cống hiến đối với người bạn mà tôi đã yêu thương rất nhiều.

Nhờ đó tôi đã học được cách sống chung với nỗi đau, và cho phép nó tạo ra những bước xoay chuyển bất ngờ trong tôi.

Cứ mỗi khoảnh khắc tôi tìm được sức mạnh để làm điều đúng đắn, để dũng cảm và kiên trì trong việc đấu tranh cho một thế giới công bằng hơn, hay chỉ đơn giản để sống vô tư hơn và không cần để tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác về mình, tôi cảm thấy như mình là một bằng chứng sống cho tất cả những đức tính mà người bạn của mình đã từng đại diện: đam mê, can đảm, vui tươi.

Tôi sẽ không vờ rằng mình đã có một câu trả lời thỏa đáng cho việc vì sao bạn tôi lại ra đi. Tôi đã luôn tìm kiếm nó và so với một năm trước đây thì bây giờ tôi vẫn chưa tiến gần đến câu trả lời được thêm bao nhiêu cả.

Nhưng tôi có thể nói với bạn, với tư cách là người đã từng tự sát lẫn người đã mất đi người thân yêu, rằng cuộc sống này rất đáng giá – không có gì để bàn cãi, và giờ đây tôi tin vào điều đó mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Bạn vẫn còn ở đây. Và dù lý do của sự tồn tại này là gì, thì bạn vẫn đang nắm trong tay cơ hội để làm điều gì đó phi thường với cuộc đời mình.

Điều mà tôi cầu chúc cho bạn, và tất cả những ai đang trải qua đau đớn giày vò, chính là một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng mình không cần thiết phải nhấn chìm bản thân trong nỗi đau. Hãy để nó là kim chỉ nam đưa bạn đến những nơi chốn mới lạ. Hãy để nó đưa bạn đến gần hơn với mục đích sống của mình. Và xem nó như là một lời nhắc nhở rằng cuộc sống của chúng ta quý giá biết bao.

Bạn là một trong những gì quý báu và đáng giá nhất mà người thân yêu của bạn đã để lại cho cuộc đời này. Mỗi khoảnh khắc bạn chọn sống trọn vẹn và yêu thương sâu sắc cũng là lúc bạn làm sống dậy những giá trị tốt đẹp của người mình thương yêu.

Hãy đấu tranh cho cuộc sống của bản thân như cách mà bạn đã mong ước có thể làm cho họ. Bạn cũng đáng được sống một cuộc sống tốt đẹp, tôi có thể khẳng định điều đó.

Dịch: Lyo Kiu

Biên tập: Mai

Nguồn: https://www.healthline.com/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan