Tự thương mình 

Tiếng nói từ bên trong bạn Đâu đó trong tâm trí chúng ta luôn tồn tại một tòa thẩm phán. Họ quan sát chúng ta làm việc, học tập ra sao, xem xét sự tác động của chúng ta đối …

Tiếng nói từ bên trong bạn

Đâu đó trong tâm trí chúng ta luôn tồn tại một tòa thẩm phán. Họ quan sát chúng ta làm việc, học tập ra sao, xem xét sự tác động của chúng ta đối với người khác, dõi theo những thành công và thất bại – và sau đó, họ đưa ra phán quyết cuối cùng. Vì vậy, kết quả là sự phán quyết cuối cùng đó tô màu lên toàn bộ ý thức của bản thân chúng ta. Nó quyết định mức độ tự tin và sự thấu cảm bản thân, nó cho ta ý thức về việc liệu chúng ta là người có giá trị hay ngược lại- người đáng lẽ không nên tồn tại. Tòa thẩm phán phụ trách cái mà chúng ta hay gọi là “tự tôn”.

Quyết định của thẩm phán hoặc ít hoặc nhiều lòng nhân từ, hoặc ít hoặc nhiều sự nhiệt tình, nhưng chắc chắn nó không theo bất kì một quy tắc hay một chuẩn mực nào đó. Hai cá thể có thể có tự tôn khác nhau dù họ có làm được những thứ giống nhau. Chỉ có một vài thẩm phán là dễ dãi hơn cả, những thẩm phán này cho ta sự hăng hái, lòng nhiệt tình, sự tôn trọng, lòng rộng lượng đối với bản thân chúng ta. Những thẩm phán còn lại thì xúi giục ta tự gay gắt chỉ trích mình, làm ta cảm thấy thất vọng và thậm chí đôi khi là căm ghét bản thân.

Nguồn gốc cơ bản của tiếng nói từ sâu bên trong đó là để theo dõi: đó là “nội tâm hóa” lời nói của mọi người đã từng ở xung quanh ta. Chúng ta thu nhận cả sự khinh miệt và thờ ơ hay sự thương cảm và ấm áp mà chúng ta sẽ được nghe trong suốt những năm tháng chúng ta trưởng thành..Tâm trí của con người cũng giống như những hang động, và những âm thanh từ nội tâm chúng ta sẽ vang vọng lại trong đó. Đôi khi, một giọng nói tích cực và êm ái cổ vũ chúng ta chạy cho tới cùng: “bạn đang ở rất gần rồi, tiếp tục đi, tiếp tục đi”. Nhưng thường thì tiếng lòng không phải lúc nào cũng như vậy.  Có khi nó sẽ đầy bi quan, hoảng loạn, gò ép và chế nhạo. Nó không đại diện cho sự minh mẫn hay sự trưởng thành của chúng ta. Chúng ta thấy bản thân như đang nói: “Mày làm tao ghê tởm, mọi thứ luôn rối tung lên vì những đứa như mày”.

Tiếng lòng thường chính là tiếng mọi người xung quanh nói với ta, và ta biến nó thành của mình một cách vô thức. Chúng ta thu nhận thanh âm yêu thương từ cô giữ trẻ dịu dàng thời thơ ấu, người mà luôn cười một cách âu yếm với ta ngay cả khi ta mắc lỗi, luôn đặt những cái tên đáng yêu cho ta. Hay giọng nói của bố mẹ lúc khó chịu và bực tức; âm thanh dọa nạt của anh chị lớn, thứ làm chúng ta sợ hãi; những lời cay độc của kẻ bắt nạt ở trường học hay của người giáo viên khó tính, nghiêm khắc.

Chúng ta thu nhận tất cả giọng nói này vì ở những thời điểm đó trong quá khứ, chúng có vẻ có lý và khó có thể chống lại. Họ lặp đi lặp lại thông điệp của mình, cho đến khi chúng ta bị cuốn theo dòng suy nghĩ của họ- theo cả hướng tiêu cực và tích cực.

Bài tập : Thực hiện một bài kiểm tra về tiếng nói nội tâm 

Chúng ta có thể hiểu được tiếng lòng của mình như thế nào khi hoàn thành các câu sau đây:

Khi tôi làm thứ gì ngu ngốc, tôi thường tự nói với mình …

Khi tôi thành công, tôi thường tự nói với mình …

Khi tôi thấy mình lười, tôi thầm nghĩ rằng …

Khi tôi muốn quan hệ tình dục, tôi thầm nghĩ rằng …

Khi tôi nổi giận với ai đó, tôi thầm nghĩ rằng …

Thẩm phán nội tâm đang xét xử bạn một cách tử tế hay trừng phạt bạn?

Tiếng lòng của bạn có phải rất giống với lời nói của ai đó, họ đã từng nhiều lần nói với bạn như vậy phải không? (hãy viết tên họ ra trong từng tình huống).

Tại sao tiếng nói từ bên trong lại đáng quan tâm như vậy?

Mức độ của tự thương mình được tích tụ dần xuyên suốt cuộc đời chúng ta. Nó có thể biểu hiện qua xu hướng khiến chúng ta tin rằng khắt khe với bản thân, dù rất đau đớn, nhưng cuối cùng lại khá hữu ích. Tự làm khó bản thân giống như là một chiến lược sinh tồn giúp ta phòng tránh nguy hiểm đến từ sự nuông chiều và tự mãn. Nhưng thiếu đi sự cảm thông cho chính mình cũng nguy hiểm tương tự như vậy, nếu không muốn nói là nguy hiểm hơn. Sự tuyệt vọng, trầm cảm và tự tử là một hậu quả rất lớn.

Những mối quan hệ lãng mạn trở nên bất khả thi khi đối phương thiếu đi lòng yêu thương bản thân, vì một trong những yêu cầu cơ bản để có được một tình yêu lại là một khoảng tin cậy của sự yêu thương bản thân, được vun đắp qua hàng năm mà phần lớn là từ thời thơ ấu. Chúng ta cần ý thức được rằng chúng ta ai cũng xứng đáng được yêu, để ta không hiểu lầm tình cảm của người yêu tương lai. Nếu không có một chút tự yêu bản thân nào thì lòng tốt của người khác sẽ được chúng ta cảm nhận là mù quáng hoặc giả tạo, thậm chí là xúc phạm, vì chúng ta quy chụp rằng họ thậm chí còn chưa hiểu rõ mình, nên họ không thể nào đánh giá đúng về những gì mà chúng ta xứng đáng nhận được. Chúng ta tự hủy hoại, phá hỏng một cách vô thức những tình cảm lạ lẫm mà ta nghĩ rằng mình không thể nhận, vì đó là tình cảm đến từ những kẻ chưa biết một chút gì về bản chất của ta.

Chúng ta đang cảnh giác cao độ với sự nguy hiểm của những người quá đề cao bản thân họ. Cho rằng một người “đang quá yêu chính bản thân mình” có vẻ là một lời chỉ trích nặng nề. Sự tự yêu bản thân dường như luôn gắn với sự tự luyến, kiêu căng, ích kỷ, và mù quáng trước nhu cầu của người khác.

Nhưng phần lớn vấn đề thực sự của chúng ta nằm ở một hướng rất khác: với xu hướng có sự thù địch sâu sắc với bản thân; thói quen suy nghĩ nhiều về thất bại, từ chối tha thứ cho những việc làm ngu ngốc của chúng ra, và nghi ngờ bất cứ người nào nghĩ tốt về chúng ta. Nếu ai đó cũng đối xử với bạn như cách bạn đang đối xử với chính mình, bạn sẽ thấy người đó thật tàn ác. Đúng, bạn đang tàn ác với chính mình đấy.

Cuối cùng, bạn lại thấy rất bình thường và thoải mái khi bị ghét bỏ hoặc phớt lờ. Chúng ta muốn tìm ra người nghĩ xấu về chúng ta hơn mức ta tự đánh giá. Sự khinh miệt không mấy dễ chịu như ít nhất nó cho ta cảm giác quen thuộc và đúng hướng. Nếu chúng ta không ý thức chính xác rằng bản thân xứng đáng được yêu mến thì việc tiếp nhận tình cảm sẽ chỉ giống như việc nhận giải thưởng cho thành tựu mà chúng ta chưa từng đạt được mà thôi. Những người không may rơi vào lưới tình với kẻ có xu hướng căm ghét bản thân, sẽ phải chuẩn bị một tâm lí vững vàng trước những lời khiển trách vô lý, khi người ta luôn cho rằng những lời mà người yêu dành cho mình đều là xu nịnh và giả dối. Chúng ta sẽ cho rằng hẳn những người cảm thấy bị thu hút bởi chúng ta hẳn là có khẩu vị thật tồi tệ, hay là có vấn đề về thường thức. 

Nếu không có đủ lòng tự ái, chúng ta sẽ khước từ mọi sự hỗ trợ và giúp đỡ về mọi mặt: về tình bạn, về sự thăng tiến trong công việc, những lời ngợi khen những điều này sẽ đều trở thành tín hiệu đe dọa . Chúng ta sẽ mắc sai lầm trong những cuộc phỏng vấn, tuột mất cơ hội việc làm, ta sẽ trở nên kì lạ và thô lỗ xung quanh những người bạn mới khi nỗ lực đồng nhất tiếng nói nội tâm với thực tại khách quan.

Thay đổi tiếng nói sâu bên trong bạn 

Có thể , tại thời điểm này, chúng ta tạm rút ra bài học là không nên tự phán xét bản thân thêm nữa. Chúng ta hãy đơn giản tiếp nhận và cho đi yêu thương. Nhưng chúng ta cần ý thức rằng một tiếng nói nội tâm tốt giống như (cũng quan trọng như) một thẩm phán tốt vậy; chúng ta cần vị thẩm phán ở đó để phân biệt cái tốt và cái xấu nhưng đồng thời ngài ấy phải là người khoan dung, công bằng, hiểu chính xác những gì đang diễn ra và tận tâm giúp chúng ta đưa ra hướng giải quyết. Vậy bài học không phải là chúng ta nên ngừng việc đánh giá bản thân lại, mà là chúng ta nên học cách trở thành một vị thẩm phán tốt với chính mình.
Một bước quan trọng để cải thiện khả năng đánh giá của chúng ta là học nói với chính mình theo hướng khác một cách chủ động – có nghĩa là để bản thân tiếp xúc với những tiếng nói tốt đẹp hơn. Chúng ta cần lắng nghe những tiếng nói mang tính xây dựng, tích cực đủ nhiều, và khi vây quanh ta là những vấn đề đủ phức tạp, những tiếng nói đó sẽ bật ra như một phản xạ tự nhiên- để rồi, cuối cùng, chúng biến thành những suy nghĩ của riêng chúng ta.

Một cách để thực hiện bước trên là xác định một tiếng nói tích cực mà chúng ta đã được nghe trong quá khứ rồi sau đó mở rộng phạm vi để tìm những âm thanh tốt đẹp  như vậy. Có thể là giọng nói dịu dàng của người bà, người dì, những người luôn nhanh chóng nhìn ra quan điểm của ta, người luôn ngầm khuyến khích động viên ta. Nếu ta làm đổ cốc nước cam lên tấm thảm,họ sẽ nói với chúng ta rằng ai cũng có lúc bất cẩn như vậy ( ví dụ như tuần trước họ cũng làm đổ cà phê lên ghế sô pha). Thay vì mắng mỏ hay phạt, họ luôn thể hiện sự bình tĩnh và hiểu cách để giải quyết vấn đề. Chúng ta có thể tập trung cách hữu dụng này và sử dụng nó thường xuyên; hơn là đợi nó tự xuất hiện (vì nó rất hiếm khi tự xuất hiện) trong đầu chúng ta, chúng ta hãy nuôi dưỡng và huấn luyện nó. Khi mọi thứ không như ý ta mong muốn, chúng ta có thể tự hỏi rằng người bà, người dì và những người tương tự thế sẽ nói gì với mình nếu họ ở đây– và sau đó tự nói lại với chính mình những lời an ủi mà những người đó có thể sẽ nói với chúng ta.

Về cơ bản, tôn giáo được sáng tạo ra với sứ mệnh giúp đỡ chúng ta thông qua những tiếng nói nhân từ vang vọng trong tâm hồn. Ví dụ về đạo Phật, Bồ tát có thể nghe thấy nỗi phiền muộn của chúng ta, từ bi với chúng ta, tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta đối mặt với những vấn đề của cuộc sống. Quan điểm cơ bản của thuyết Quán Thế Âm là được yêu và thành công là hai việc riêng rẽ. Bạn xứng đáng nhận được tình thương không phải vì bạn làm việc xuất sắc ra sao, mà là vì bạn có trên cuộc đời này. Thành tích không phải là thước đo của lòng tốt. Nguyên căn của sự căng thẳng không chỉ đơn thuần là nỗi sợ thất bại, mà là ta sợ sau khi thất bại chúng ta sẽ bị chế giễu và bị bỏ rơi. Khi chúng ta để nỗi sợ này nhấn chìm, chúng ta đã vô tình trao cho những người khác cơ hội tiến lên và hoàn thành các nhiệm vụ trước chúng ta.

Một chiến lược khác cho việc thay đổi tiếng nói trong tâm trí chúng ta là cố gắng trở thành một người bạn tưởng tượng của chính mình. Điều này nghe có vẻ kỳ quặc vì chúng ta tưởng tượng ra một người bạn lấy hình mẫu người khác- chứ không phải là chính ta. Nhưng việc này hoàn toàn có ích vì chúng ta thường biết cách đối xử với bạn bè mình bằng sự cảm thông mà ta chưa từng dành cho bản thân. Nếu một người bạn gặp rắc rối, ta sẽ không bao giờ nói rằng họ thật ngu ngốc và là một sai lầm của tạo hóa. Nếu một người bạn phàn nàn rằng người yêu của họ không còn yêu họ nữa, chúng ta sẽ không bao giờ nói với rằng đó là những gì họ đáng phải nhận. Chúng ta cố gắng trấn an họ rằng họ đáng được yêu thương và họ cần xem xét lại thật kỹ những gì có thể đã xảy ra. Trong tình bạn, chúng ta rất biết cách làm thế nào để an ủi bạn mình một cách khéo léo, nhưng chúng ta luôn ngoan cố từ chối áp dụng cách này cho chính mình.

Có ba hành động một người bạn tốt thường làm mà ta nên noi theo. Đầu tiên, một người bạn tốt yêu quý ta vì chính con người ta. Bất kỳ góp ý nào họ đưa ra, hay hy vọng họ sẽ giúp ta thay đổi, đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng, đồng thuận. Khi họ nói rằng ta hãy thử một cách khác xem sao, đó không phải là mệnh lệnh hay lời đe dọa. Họ không hề ép buộc rằng ta phải thay đổi bằng không ta sẽ bị họ bỏ rơi. Người bạn đó khẳng định ta đã khá ổn rồi. Nhưng họ muốn kề vai sát cánh cùng với chúng ta để giải quyết những thử thách sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ta khi vượt qua.

Không tâng bốc chúng ta, những người bạn luôn ghi nhớ trong đầu những điều chúng ta làm đúng. Họ không bị ảnh hưởng bởi những lời khen thừa thãi và tung hô quá đà về điểm mạnh của chúng ta. Khá là bực bội khi rắc rối ập tới, ta lập tức mông lung về những điểm mạnh của mình. Người bạn đó thì không rơi vào cái bẫy này dễ dàng như vậy; họ có thể đứng trước những khó khăn, mà vẫn giữ được sự sáng suốt về ưu điểm của ta. Người bạn tốt là người bạn biết cảm thông. Khi chúng ta thất bại, họ biết thấu hiểu và bao dung với những mất mát ta phải chịu. Sự dại dột của chúng ta không làm họ từ bỏ tình bạn này. Người bạn tốt nói với ta rằng sai lầm và thất bại là việc con người chúng ta đều đã, đang và sẽ gặp phải. Tất cả chúng ta đều lớn lên từ thời thơ ấu với những tiêu cực trong tính cách , hậu quả từ những thiếu sót trong cách nuôi dạy của cha mẹ. Và những thói quen này sẽ khiến chúng ta thất vọng khi đã trưởng thành. Nhưng không thể trách được chúng ta – vì chúng ta không cố tình trở nên như vậy. Chúng ta không có lựa chọn nào tốt hơn. Chúng ta bị yêu cầu đưa ra quyết định mà chưa thực sự hiểu những rủi ro hay lựa chọn của chúng ta sẽ diễn biến ra sao. Chúng ta như lạc lối trước những bước ngoặt xung quanh tình yêu và công việc. Chúng ta quyết định chuyển đến một thành phố khác – mà không hề biết liệu chúng ta có thể phát triển ở đó được hay không. Chúng ta phải tự chọn một con đường sự nghiệp khi chúng ta vẫn còn trẻ và chưa rõ chúng ta thực sự muốn gì. Trong các mối quan hệ lâu dài, chúng ta phải tận tâm với người khác mà chưa cân nhắc đến việc liệu sự gắn bó sâu sắc này sẽ đưa ta đi đến đâu.  

Người bạn tốt hiểu được thất bại là gì hoàn toàn không khó tìm. Họ mang đến kinh nghiệm sống dày dặn về việc làm rối tung mọi thứ trong vở kịch chính là điểm cốt lõi. Họ liên tục nói với chúng ta rằng vấn đề của chúng ta có thể là duy nhất nhưng nhìn chung lại rất phổ biến. Mọi người không chỉ đôi khi thất bại. Mà mọi người đều thất bại, chỉ có chúng ta không biết điều đó. 

Thật là mỉa mai – nhưng vẫn còn hy vọng – rằng chúng ta thường biết rõ cách để trở thành một người bạn tốt với những người xa lạ hơn là trở thành bạn tốt với chính mình. Hy vọng nằm ở chỗ chúng ta thực sự đã sở hữu những kỹ năng để kết bạn. Chỉ là chúng ta vẫn chưa định hướng được việc trở thành người bạn tốt với người cần ta nhất là bản thân chúng ta. 

Một chiến lược khác để nuôi dưỡng lòng yêu thương bản thânlà suy nghĩ lại về thái độ của chúng ta đối với việc tự thương cảm (đau buồn cho bản thân vì nghĩ rằng bạn có rất nhiều khó khăn phải đối mặt hay phải chịu đựng rất nhiều thứ). Chúng ta đã học được sự tự thương hại khi chúng ta còn trẻ. Đó là một chiều chủ nhật đầy nắng khi bạn chín tuổi. Cha mẹ của bạn sẽ không cho bạn có kem nào nếu bạn không làm bài tập về nhà. Việc đó thật không công bằng. Mọi đứa trẻ khác đều chơi bóng đá hay xem tivi. Không ai có một người mẹ keo kiệt như vậy. Nó thật kinh khủng.

Tất cả chúng ta về mặt lý thuyết thì vô cùng phản đối thói thương hại bản thân quá mức.. Lý do dường như rất đơn giản bởi vì nó  làm lộ ra tính vị kỷ ở dạng cơ bản nhất: không thể so sánh sự đau khổ của bản thân bằng một cái nhìn khách quan đối với lịch sử phát triển của loài người. Chúng ta than thở về nỗi buồn nhỏ bé của chúng ta và lạnh lùng nhìn vào những thảm kịch lớn trên thế giới. Một vấn đề vớ vẩn hay một miếng bít tết nấu chín sai cách xâm chiếm tâm trí ta trong khi ta đang bỏ qua điều kiện làm việc ở Trung Quốc và hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) của Brazil.

Không ai thích tự thương hại mình. Nhưng nếu để nói thật lòng, thì đó là điều mà chúng ta làm thường xuyên. Và trên thực tế, nó đem đến một cảm xúc khá dễ chịu.

Sự thật là chúng ta xứng đáng nhận được nhiều lòng xót thương hơn là tất cả những gì người khác bạn tặng. Cuộc sống này luôn khó khăn theo nhiều cách khác nhau – ngay cả khi người ta có một kế hoạch hay sự chuẩn bị tốt nhất. Tài năng của chúng ta không bao giờ được công nhận một cách công bằng, những năm tháng rực rỡ nhấtsẽ trôi qua nhưng chúng ta vẫn không tìm được tình yêu chúng ta muốn có. Chúng ta đáng nhận được thương cảm và nhiều lúc chẳng có ai bên cạnh để cho chúng ta điều đó, vì vậy chúng ta phải có đủ yêu thương để yêu lấy chính mình. Đôi khi lý do cho những sự tủi thân nghe thật là nhỏ nhặt và chẳng đẹp đẽ hay cao cả tẹo nào, ví dụ như– “thật tội nghiệp cho tôi, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội được lái một chiếc xe Ferrari; thật đáng buồn, tôi đã mong chờ được đến nhà hàng Nhật và có một kỳ nghỉ tuyệt vời hơn thế.Nhưng những thứ tưởng chừng như nhỏ bé này, sẽ dẫn ta đi đúng đường đến một điều quan trọng hơn, rằng trong cuộc đời này, mỗi con người đều  thực sự xứng đáng với sự cảm thông dịu dàng nhất.

Hãy tưởng tượng mọi thứ sẽ như thế nào nếu chúng ta không thể yêu thương chính mình. Chúng ta chịu đựng một tổn thất tâm lý to lớn: trầm cảm. Người trầm cảm là người đánh mất tình yêu thương với chính bản thân mình, trở nên khắt khe với bản thân. Nếu bạn nghĩ đến những cha mẹ nuông chiều con cái, họ sẽ dành hàng giờ vào những việc nhỏ nhặt: món đồ chơi bị mất, chiếc mắt của con gấu bông bị hỏng, những bữa tiệc mà con họ không được mời tới. Họ không hề lập dị hay lố bịch, họ thực ra chỉ đang dạy con họ cách để tự chăm sóc bản thân- và ý thức được rằng những nỗi buồn vặt vãnh khi tích tụ lại sẽ gây ra những hậu quả tâm lý lớn.

Dần dần chúng ta học cách bắt chước thái độ của cha mẹ dành cho mình và có thể cảm thấy tiếc cho chính mình khi không có ai ở bên. Không hoàn toàn hợp lý, nhưng nó là một cơ chế đối phó. Một lớp vỏ bảo vệ đầu tiên mà chúng ta dựng lên để có thể tự xoa dịu nỗi thất vọng và sụp đổ mà cuộc sống dường như đang chống lại chúng ta.. Cơ chế tự vệ của lòng tự trọng khác xa với sự khinh miệt. Nó rất hiệu quả và quan trọng. Nhiều tôn giáo đã mô tả cơ chế  này bằng cách tạo ra các vị thần nhìn nhận con người với lòng trắc ẩn, sự thương cảm không thể diễn tả bằng lời. Chẳng hạn trong Công giáo, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria thường bày tỏ sự khóc thương, đau đớn cho cuộc sống khốn khổ của con người bình thường. Những sinh mệnh tử tế như vậy thực sự cần phải thương hại. 

Tự thương cảm là lòng trắc ẩn chúng ta mang tặng  cho chính mình. Phần trưởng thành hơn trong con người chúng ta, lại gần phần tâm hồn bị tổn thương và an ủi nó, vuốt ve nó, nói cho cái tôi bị tổn thương biết rằng, “mình hiểu cậu, “cậu rất đáng quý, cậu chẳng qua chỉ đang bị hiểu lầm thôi. . Lòng trắc ẩn cho phép chúng ta là chính mình, một chút hơi trẻ con- vì tận sâu trong thâm tâm ai chẳng là một đứa trẻ?. Lòng thương cảm mang tới  tình thương yêu vừng chắc cho mọi đứa bé, nhưng quan trọng hơn hết, là thứ tình yêu mà mỗi người lớncần để vượt qua những nỗi thống khổ của mà cuộc sống này mang lại.

Chúng ta có thể kết nối bản thân thường xuyên hơn với các tấm gương có một tiếng nói nội tâm tốt đẹp và lành mạnh, điều này rất đúng đắn, nó mang tính xây dựng hơn và sẽ mang đến nhiều màu sắc hơn so với những gì chúng ta đang sở hữu. Nếu giọng nói hiện tại mà ta đang giống như của một người cha khó tính, cầu toàn hay một người mẹ cay nghiệt, chúng ta có thể cần đến sự giúp đỡi của một người tâm lý, tốt bụng và biết thông cảm hơn, chẳng hạn như nhà phân tâm học người Anh thế kỷ hai mươi – Donald Winnicott.

Winnicott đặc biệt quan tâm đến những người khắt khe với bản thân và người luôn thất bại trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn phi thực tế. Ông thường trò chuyện với những bậc cha mẹ mà trên thực tế đã rất cố gắng hết sức để chăm sóc con cái nhưng vẫn day dứt, lo lắng rằng họ vẫn làm chưa tốt. Winnicott khuyến khích họ nghĩ rằng họ không cần phải là một người mẹ hay người cha lý tưởng mà chỉ cần họ “đủ tốt”. Ông tìm cho các bậc cha mẹ này một tiếng nói nội tâm lành mạnh và thích hợp, để họ có thể công nhận những nỗ lực tuyệt vời mà họ đã thực hiện, đồng thời tha thứ cho những sai lầm không thể tránh khỏi của họ. Để họ có thể đối xử đúng mực hơn  với những đứa con của mình. Winnicott đã nhận ra sự hậu quả khủng khiếp khi tiếng nói nội tâm trở nên quá khắt khe. Nó nói với ta rằng nó chỉ đang cố gắng làm cho chúng ta tốt hơn. Nhưng thực sự gánh nặng từ việc liên tục bị chỉ trích từ chính bên trong con người mình lại có tác dụng ngược lại.

Không phải là chúng ta nhất thiết phải tìm đến sự giúp đỡ của Winnicott . Chúng ta có thể tìm thấy  tiếng nói ấm áp mà chúng ta cần ở một nhà văn hào phóng và đáng khích lệ, ở một người bà hiền lành hay một người bạn tốt. Chúng ta cần liên tục tự hỏi bản thân: họ sẽ nói gì với tôi trong hoàn cảnh này? Họ sẽ đánh giá tôi như thế nào – có phải là tốt hơn so với cách tôi đánh giá bản thân mình không?. Chúng ta đang bắt đầu nội tâm hóa những âm thanh chúng ta nghe được, để chúng trở thành những giọng nói chúng ta nghe thấy khi cần.

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/self-love/

Dịch: Hà

Nguồn ảnh: Pinterest

Nếu bạn thấy bài viết bổ ích, dự án có ý nghĩa đối với cộng đồng, donate cho A Crazy Mind qua: http://acrazymind.vn/donate/ nhé!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan