Tuổi thơ em có mặn đắng nơi thành thị, có ngọt bùi nơi làng quê

Nhưng đến một độ trưởng thành nào đó, cái mặn đắng hay cái ngọt bùi cũng trở nên chẳng khác nhau là bao.

Tuổi thơ của em có mặn đắng nơi thành thị, có ngọt bùi nơi làng quê. Nhưng đến một độ trưởng thành nào đó, cái mặn đắng hay cái ngọt bùi cũng trở nên chẳng khác nhau là bao.


Em cất tiếng khóc đầu trên mảnh đất Bắc Giang nhỏ bé mà đủ đầy - nhỏ bé vì đi vài vòng là hết, nhưng đủ đầy bởi nơi đây cho em mọi thứ mà em và tâm hồn em khao khát. 


5 năm đầu đời ở nơi chốn này, ngoại tồn tại trong ký ức của em giống như những mảnh sáng lấp lánh, nhưng không chút chói lóa mà chỉ có dịu êm.


Em lớn khôn cùng đống giấy vụn sặc sỡ sắc màu từ cái nghề làm hàng mã của ngoại - cái nghề mà dù có cướp đi của người ta giấc ngủ yên lành hay đôi bàn tay búp măng đẹp đẽ, thì người ta vẫn cứ ôm lấy nó không buông, bởi nó cho người ta cái khả năng nuôi sống bao con người thân yêu khác. Không có bố mẹ ở bên, ngoại lại quá vất vả, em liền buộc bản thân trở thành một đứa trẻ hiểu chuyện, đêm đêm chỉ núp sau cầu thang tầng trệt mà ngắm đôi tay ngoại sần lên vì dính thứ hồ có mùi ngai ngái như mùi sắn dây. Đó là thứ mùi em ngửi được mỗi khi gối đầu lên tay ngoại mà say giấc nồng. Hít hà mùi hương đó sẽ giúp người ta ngon giấc hơn chăng?


Ngoại thích hát dân ca quan họ, cũng hát rất hay, vậy nên hát cho em nghe mỗi ngày, hát từ khi em còn bé cho đến tận bây giờ vẫn hát. Có lẽ cũng vì vậy mà tâm hồn em luôn dạt dào những xúc cảm ngọt ngào, tươi đẹp. Con người em được bồi đắp nên từ những ca từ bóng bẩy mà giản dị, có sông có núi cao xa, có cả quê hương nhỏ bé. Hồi đó, cứ đến dịp hội hè, dù lớn dù nhỏ, miễn là có nơi thuê, ngoại lại đi hát kiếm thêm thu nhập. Nhớ nhất vẫn là những buổi hát trên thuyền, em được ngoại cho đi theo mà chỉ thấy vui sướng đến nỗi cười cả buổi. Giờ nghĩ lại thế nào mà chỉ thấy buồn thương. Chiếc thuyền nhỏ xíu, lênh đênh giữa hồ rộng ngập nước, mà chứa biết bao nhiêu người. Không đồ bảo hộ, không có cứu hộ, quá nguy hiểm rồi! Hoá ra đồng tiền nó có sức mạnh ghê gớm đến vậy, có thể ép một người yêu sinh mạng như ngoại dùng cái giọng hát mà người luôn yêu, luôn tự hào để đổi lấy chút tiền của mấy kẻ lạ mặt vô tâm. 


Ngoại có một hội bạn đồng niên - thích hát và thích đi đây đi đó. Không có ai giàu vật chất, nhưng lại có thừa tình cảm. Mọi người cùng góp tiền để đi du lịch. Không có tiền ăn nhà hàng thì tự luộc gà, nắm cơm mang theo. Vậy mà cũng thành những chuyến đi khiến người ta phải nuối tiếc mỗi khi kết thúc. Nhưng đó là cái thời còn nghèo, đến giờ thì làm gì còn chuyến du lịch nào như vậy nữa. Những người con gái, con trai, rồi con dâu, con rể của họ, và của ngoại đều có một cuộc sống thành đạt - thành đạt theo cách riêng của họ, nhưng chung quy đều có thể lo lắng chu toàn cho đấng sinh thành của mình. Có thể nói, những chuyến đi với ngân sách hạn hẹp cùng những người bạn hơn mình gần một đời người đã thổi vào tuổi thơ em những làn gió mát lành, thanh khiết, trở thành tầng nổi duy nhất của kho ký ức tuổi thơ đen trắng lẫn lộn.


Sống với ngoại hết gần 5 năm, em của hiện tại cũng không rõ bản thân có từng nhớ da diết bố mẹ ruột của mình hay không, hay chỉ là những cuộc nói chuyện qua điện thoại quá đỗi gượng ép mà sau này, đứa trẻ nào trong nhà em cũng phải trải qua vài chục lần. Thú thực, lục tìm mãi trong mớ ký ức ấu thơ bạt ngàn này mà cũng chẳng thể tìm ra nổi một cái nào liên quan đến hai người họ, ngoại trừ những lời kể khổ khi em đã bắt đầu hình thành suy nghĩ của riêng mình. Không phải em không yêu bố mẹ, chỉ là đóng góp của họ vào những năm đầu đời của em thực sự quá ít ỏi, đến mức không đọng lại trong em bất cứ ấn tượng nào dù là nhỏ nhất. Nếu có nhớ được thì cũng chỉ là những ngày bố mẹ về đón em lên Hà Nội học. Em và ngoại cùng khóc, khóc hết 2 tiếng đồng hồ, đến mức bố mẹ chỉ đành xin nghỉ cho em thêm vài bữa để ngoại dỗ dành đôi chút. Nhiều lúc em cũng cảm thấy bản thân thực sự bất công, dành cho ngoại quá nhiều tình cảm nhưng lại thờ ơ với chính bố mẹ mình. Nhưng có lẽ tình yêu cũng cần có đầu có cuối. Nếu ngoại bắt đầu chặng đường này đã từ rất lâu rồi, thì bố mẹ mới đi từ vạch xuất phát từ đôi ba năm trước, sao có thể so sánh được?


Hà Nội - một thế giới mới, cái thế giới mà khi đứng từ xa, người ta có thể khao khát đấy, giống như cách mà bọn trẻ cùng làng khi xưa vẫn nói với em mỗi khi về lại chốn cũ, nhưng đến khi vùi mình vào mới biết căn nhà cũ kỹ của ngoại tuyệt vời như thế nào. Trong 3 năm đầu ở cái đất thành thị này, gia đình 3 người của em đã chuyển tới 12 căn nhà. Bố mẹ đi lên từ hai bàn tay trắng, hiển nhiên có nhiều thứ để mà lo nghĩ, để mà cố gắng cày cuốc đêm ngày. Trong số 12 căn nhà đó, căn nhà nhỏ xíu chỉ để vừa một chiếc Wave cũ và cái ghế sô pha bọc da đã rách gần hết ở tầng một, lại có giàn bí xanh ngay trước cửa nhà, để lại cho em nhiều thứ để yêu, để hoài niệm nhất. Hồi đó, em rất hay lên cơn sốt buổi đêm, sốt cao lắm mà đâu có được uống thuốc. Thế là bố mẹ cứ phải lọ mọ ra bãi cỏ cách cửa nhà chỉ một bước chân để hái nhọ nồi về đắp trán cho em. Cũng có căn nhà khiến em nhớ vì là nơi lần đầu em được mẹ bấm khuyên tai cho. Có cái lại không khác cái kho là bao, bởi nó được xây tạm bợ từ thanh sắt và những bản gỗ to - dùng để chứa hàng, và chứa luôn cả người. 12 căn nhà - 12 vòng vân gỗ, sắc màu đậm nhạt khác nhau, tạo nên một tâm hồn mạnh mẽ - mạnh mẽ đến nỗi khiến người ta đau nhói, xót thương - trốn trong thân cây mảnh khảnh chưa tròn 8 tuổi đời.


Có oán trách không? Từng oán trách đấy. Oán trách họ vì nhẫn tâm tước đi quyền được ngoại yêu thương. Oán trách họ bởi đem mình ra cái xứ xa xôi, chật chội này mà lại chẳng cho mình thêm được đặc quyền gì tốt đẹp hơn. Oán trách bởi họ lựa chọn chạy đua cùng số phận nghèo khó, tự nguyện mang vác đau đớn, mệt nhọc, áp lực, nhưng lại đem hết thảy mấy thứ cảm xúc đấy về mà cãi cọ cho mình xem, mà mắng nhiếc mình cho hả giận. Họ vì bị cái nghèo khó tổn thương, vậy nên mặc định con cái cũng phải chạy đua cùng họ để thoát khỏi cái nghèo khó đó. Một đứa bé 6 tuổi, học trên trường cả ngày đến 5 giờ, sau liền cắp sách vở đến lớp học thêm Toán bắt đầu lúc 5 rưỡi, tiếp đến là lớp luyện chữ kéo dài 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng đành ngồi ở công viên gần đó mà ăn bữa tối muộn màng. Ngày đó, cứ đến cuối tuần, mẹ lại lôi hết những bài kiểm tra trong tuần ra, bài nào dưới 9 liền lấy 10 trừ đi mà đánh chừng ấy roi. Lâu dần, cái vị trí đứng đầu lớp hay bất cứ giải thưởng nào cũng đều xuất phát từ nỗi sợ mà ra. Nực cười làm sao! Con người ta cố học để có một cuộc sống tốt đẹp sau này, nhưng không ngờ xuất phát điểm của cái vỏ bọc tốt đẹp kia lại là nỗi ám ảnh còn hơn cả ma quỷ. Và liệu cái vỏ kia có đủ chắc chắn để bảo vệ ta khỏi những con quỷ thời thơ ấu?


Gia đình bố trọng nam khinh nữ, vậy nên từ những ngày còn nhỏ, em đã bị kéo vào vòng xoáy ganh đua, chèn ép của gia đình nhà nội. Bởi họ coi thường phụ nữ, em liền buộc bản thân phải trở nên mạnh mẽ, giỏi giang hơn tất cả con cháu là nam trong nhà. Cũng không biết là từ khi nào mà bản thân không dám trở nên nữ tính. Dù biết nữ tính không có nghĩa là yếu đuối, nhưng cái sự gồng mình hết chừng ấy năm làm sao có thể cho phép em làm một người con gái mà em hiện vẫn còn ao ước. Mẹ em sinh được 2 gái 2 trai, trong đó 2 gái là con đầu. Vậy nên cho đến tận bây giờ, em vẫn tự hỏi bản thân rằng liệu sự ra đời của 2 em trai có hoàn toàn thuần khiết? Chúng là kết tinh của tình yêu, hay bản chất là những nỗi sợ, sự ganh đua, xiềng xích? 


Quay trở lại câu hỏi có oán trách hay không? Từng oán trách đấy, nhưng hiện tại thì không. Lớn dần, trải nghiệm thật nhiều, nhiều đến mức một Diệu của tuổi 16 đã không còn cách nào tận hưởng trọn vẹn những cái hồi ức tươi đẹp mà thanh xuân ban tặng, như thứ tình yêu của tuổi học trò lứa trẻ cùng thời vẫn rêu rao, hay những buổi đi chơi cùng hội bạn thân mà em còn không có. Em dành nhiều thời gian hơn để quay lại những đứa trẻ bên trong mình mà an ủi, vỗ về chúng, từng chút, từng chút một, cho đến khi chúng đủ an yên, đủ tin tưởng để chạy tiếp đến tương lai sau này. Vậy nên, bản thân cũng ngộ ra nhiều điều quý giá.


Bố mẹ cũng từng là những đứa trẻ. Họ cũng có quá khứ, và những đứa trẻ bên trong của riêng họ. Nhưng không có ai giúp họ đối mặt với những đứa trẻ này như cách em đang được giúp đỡ, vậy nên họ buộc phải mang chúng bên mình đến cuối cuộc đời, bị chúng chi phối, tất nhiên trong cả cách họ dạy dỗ em. Bởi nhận ra điều này, em cũng có nhiều cơ sở hơn để cảm thông với bố mẹ mình. Vì vậy, thay vì oán trách, em càng muốn giúp đỡ họ và đứa trẻ bên trong họ nhiều hơn.


Nhiều khi, em dù có thấy mệt mỏi vì tâm hồn quá đỗi trưởng thành này, thì cũng vẫn biết ơn tất thảy những chặng đường đầy gai, đầy đá của thuở bé. Nếu không có chúng, em đã không thể tự mình sống cuộc đời mình mong muốn sớm như thế này, và càng không thể chắp bút nên những dòng chữ đủ sâu và đầy chuyện để kể như thế này đâu. Thay vì để em tự mình chống chọi với sóng thần sau tuổi 25, cuộc đời cho phép em trải nghiệm bão tố từ những năm đầu đời, bởi chúng bớt khắc nghiệt đi phần nào, và em vẫn còn những điểm tựa tinh thần to lớn như ngoại hay quê hương mình.


Hối tiếc, hay oán hận quá khứ, có lẽ đã không còn xuất hiện nhiều trong kho tàng cảm xúc của em kể từ khi em bắt đầu trưởng thành đôi chút. Em vẫn có thể nhìn về quá khứ, đối diện với nó như là một bức chân dung đã cũ, nhưng đáng để hoài niệm. Có sắc đỏ rực rỡ em yêu, nhưng cũng có mảng đen u buồn em bài xích. Sau cùng, những ký ức tuổi thơ vẫn là một phần không thể thiếu của em ngày hôm nay. Chúng cho em nhiều thứ để em cảm thấy mình khác biệt - khác so với những con người ngoài kia, và khác so với chính em của ngày hôm qua. 


Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan