Ứng phó với trầm cảm trong đại dịch toàn cầu như thế nào?

Căng thẳng tinh thần gây ra bởi sự bùng nổ của đại dịch toàn cầu đã mang đến nhiều thay đổi trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, biết cách xử lý cảm xúc và quản lý sức khỏe tinh thần một cách lành mạnh có thể giúp bản thân ứng phó với những thay đổi liên tục trong cuộc sống.


Cảm thấy choáng ngợp và tuyệt vọng là điều dễ hiểu trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, trong những giai đoạn khó khăn và đau khổ này, những thay đổi mà COVID-19 mang lại có thể gây “tràn ngập” cho cả người lớn và trẻ em.


Những hành động và quy tắc cụ thể như cô lập và cách ly xã hội được chính phủ thực hiện để giảm bớt sự lây lan của vi rút. Mặc dù những hành động này là cần thiết, nhưng chúng có thể khiến nhiều người cảm thấy cô đơn và bị cô lập. Ngoài ra, sự tấn công của các tin tức xấu, sự bất ổn về kinh tế, cũng như nỗi đau mất mát người thân có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của mỗi người.


Vậy nên, học cách ứng phó với chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng một cách lành mạnh sẽ có ích cho bản thân và những người thân yêu của mình. Dưới đây là một vài cách hữu ích có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn căng thẳng này.


Chăm sóc cơ thể


Có nhiều cách để ứng phó với cảm xúc mạnh và các vấn đề sức khỏe tinh thần trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, cách tốt nhất để bắt đầu là ở chính bản thân mỗi người.


Chăm sóc giấc ngủ ban đêm


Ưu tiên ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi vì điều đó rất quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Hãy dành một chút thời gian ngồi xuống và lập thời gian biểu rõ ràng để theo dõi giấc ngủ, bao gồm thời gian bạn bắt đầu chợp mắt cho đến khi thức dậy vào buổi sáng. Cố gắng tuân thủ kế hoạch này ngay cả khi bạn đang ở nhà.


Tuy nhiên, khi chứng trầm cảm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, hãy cân nhắc hạn chế uống caffeine, nicotine và rượu. Hơn nữa, trước khi đi ngủ, bạn hãy thực hiện một vài bài tập đơn giản như viết nhật ký, đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn.


Vận động thường xuyên


Có thể, tập thể dục là điều cuối cùng bạn cảm thấy hứng thú khi đang chán nản. Tuy nhiên, đó là một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy tâm trạng mỗi người. Tập thể dục thường xuyên cũng có hiệu quả tương đương với việc dùng thuốc chống trầm cảm. Ngay cả khi bạn đang ở nhà hoặc đang trong tình trạng cách ly, vẫn có rất nhiều cách để bạn có thể đưa việc tập thể dục vào thói quen hàng ngày của mình.


Ăn uống lành mạnh


Khi căng thẳng, hầu hết chúng ta đều thích ăn loại thức ăn tạo cảm giác thoải mái, chúng thường chứa nhiều đường, chất béo và carbohydrate tinh chế không lành mạnh. Tuy nhiên, những thực phẩm không lành mạnh này cùng với caffeine và rượu có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta.


Vậy nên, bạn hãy chọn một chế độ ăn uống cân bằng, cố gắng tránh xa đồ ăn vặt và đường tinh luyện. Ngoài ra, bạn nên hạn chế uống caffeine và rượu, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Cùng với đó, tập trung vào thực phẩm tươi và lành mạnh cũng là điều cần thiết. Lưu ý những loại thực phẩm dinh dưỡng cải thiện tâm trạng như axit béo omega-3.



Bữa ăn lành mạnh giúp bạn cải thiện sức khoẻ tinh thần và thể chất| BBC Good Food


Quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn


Giảm các tác nhân gây căng thẳng là một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm khi đối mặt với chứng trầm cảm. Những điều sau đây sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.


Duy trì thói quen lành mạnh


Tạo lập và duy trì thói quen hàng ngày là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn. Bạn hãy tuân theo thời gian biểu đã đặt ra từ việc ngủ, ăn uống, tập thể dục và làm việc, vì nó có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng. Hơn nữa, bạn cũng đừng quên dành thời gian cho các hoạt động mà bản thân yêu thích.


Tuân thủ lịch trình và thói quen của bản thân có thể giúp bạn kiểm soát được căng thẳng và tăng khả năng ứng phó trong những thời điểm đầy biến cố này.


Hạn chế tiếp xúc với tin tức truyền thông


Nghe ngóng những tin tức tiêu cực và nỗ lực đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19 có thể làm tăng nỗi sợ hãi của bạn về căn bệnh này. Do đó, hãy hạn chế tiếp xúc với những loại tin tức này từ tất cả các loại phương tiện truyền thông. Ngoài ra, hãy tránh xa các phương tiện truyền thông xã hội khiến bạn bị lộ thông tin sai lệch và những tin đồn không đúng sự thật.


Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không được cập nhật những tin tức mới nhất. Bạn chỉ cần theo dõi đài tin tức quốc gia và địa phương được đề xuất. Hơn nữa, hãy tìm đọc các nguồn đáng tin cậy như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC).


Giữ cho bản thân luôn bận rộn


Mất tập trung suốt một thời gian dài, đặc biệt là khi thoát khỏi vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực khiến bạn trầm cảm và lo lắng. Bạn hãy tìm những sở thích và hoạt động khác nhau mà bản thân yêu thích khi ở nhà. Bên cạnh đó, khám phá một dự án mới, thử một công thức mới hoặc dọn dẹp nhà cửa cũng là những lựa chọn hữu ích cho bản thân.


Luôn bận rộn bằng cách làm điều gì đó tích cực để kiểm soát sự lo lắng hoặc trầm cảm của bản thân là một chiến lược ứng phó lành mạnh.


Tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết


Dù đã cố gắng hết sức nhưng sẽ có lúc bạn vẫn cảm thấy buồn bã, lo lắng và chán nản dai dẳng. Có những lúc bạn không thể ngủ, bị cản trở bởi những lời phàn nàn về thể chất, không thể làm việc nhà và luôn cảm thấy cáu kỉnh, tuyệt vọng. Khi những điều này xảy ra, bạn không cần phải ở một mình.


Nếu các triệu chứng sức khỏe tinh thần trở nên tệ hơn, bạn hãy lên tiếng nhờ sự giúp đỡ ngay cả khi bản thân cảm thấy khó chia sẻ về cảm xúc của mình. Bạn có thể gọi điện hoặc liên hệ với bạn thân, gia đình hoặc người thân của mình thông qua các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với một nhà lãnh đạo tôn giáo (spiritual leader), mục sư hoặc một người nào đó trong cộng đồng tín ngưỡng của bạn. Nhưng quan trọng nhất, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu vấn đề nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát của bạn.


Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm chương trình hỗ trợ nhân viên hoặc liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính của bạn. Hơn nữa, các chuyên gia có thể kê đơn cho bạn các loại thuốc chống trầm cảm như SSRI và SNRI.


Kết luận


Sự bùng nổ của đại dịch toàn cầu đã mang đến nhiều thay đổi trong cuộc sống của chúng ta. Nó làm thay đổi thói quen hàng ngày của mỗi người, tạo nên áp lực tài chính, căng thẳng về sự không chắc chắn và sự cô lập xã hội. Kết quả là, chúng ta sợ hãi, căng thẳng, buồn bã và cô đơn, dẫn đến các rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng trầm trọng như lo lắng và trầm cảm.


Sự căng thẳng về tinh thần do đại dịch COVID-19 gây ra không phải là chuyện đùa. Tuy nhiên, biết cách xử lý cảm xúc và quản lý sức khỏe tinh thần một cách lành mạnh có thể giúp bản thân ứng phó với những thay đổi liên tục trong cuộc sống.


------------

Dịch bởi: Trúc Phạm 

Biên tập: Ori

Tham khảo:

David Smith. Dealing with Depression During the Global Pandemic [Online] Available at:

<https://thepowerofsilence.co/dealing-with-depression-during-the-global-pandemic/>

----------


BẢN THẢO
Bài viết liên quan