UNLIMITED PAIN

Đau đáu, đau đớn, đau lòng hay thậm chí là đau đến không tả được. Vậy thì có ngưỡng nào cho nỗi đau?


Đau đáu, đau đớn, đau lòng hay thậm chí là đau đến không tả được. Vậy thì có ngưỡng nào cho nỗi đau?


Nghe mẹ kể lúc mới sinh ra, một con kiến cắn cũng khiến ta khóc òa, vì đối với ta thời bấy giờ, bị kiến cắn chắc là đau nhất. Lớn lên một tí, lúc ta tập đi bị ngã, trầy chân, ta lại khóc, đúng là không có nỗi đau nào bằng bị ngã lúc tập đi. Được thêm vài tuổi, ta lại phải trải qua một nỗi đau khác, đó là ngã xe đạp. Nỗi đau cứ thế hình thành dần theo từng mức độ, nhiều ngưỡng khác nhau, từ đau răng, đau họng, đau bụng ... không đếm xuể. Cho tới khi ta trưởng thành, dành nhiều thời gian cho một thứ gọi là tình cảm, ta lại phải trải qua nhiều loại nỗi đau khác. Hay còn gọi là biến chứng của nỗi đau, nỗi đau nhiều cấp độ. Ta đau lòng. 


Vậy trải qua chuyện gì khiến bản thân cảm thấy đau lòng nhất? - Tôi hỏi một người em. Em bảo, đau nhất chắc là xa nhà, là cảm giác bất lực vì bản thân không thể làm gì khác ngoài những lời hỏi thăm lúc người thân cần mình chăm sóc. Hay cảm giác trải qua một mối tình đầu, nhưng không mấy tốt đẹp. Người ta bảo tình đầu là tình khó quên. Vậy nếu tình đầu là một trải nghiệm rất tệ hại, liệu ta có muốn quên không? Hay ta vẫn cố chấp nghĩ đến, rồi nhận lấy sự đau lòng cho bản thân mình. Nỗi đau khiến ta yếu đuối, có lúc lại mong cầu sự giúp đỡ từ những người khác và đòi hỏi cuộc đời nên nhẹ nhàng với chúng ta hơn. Sau cùng, khi trời quang mây tạnh, bão lớn qua đi, chúng ta nhận thấy chỉ có bản thân mình mới có thể khiến mình thoát khỏi những ngày tăm tối.


Nỗi đau đến khi chúng ta thấy bất lực về bản thân mình, không biết liệu chúng ta đã cố gắng đủ? Hay chúng ta liệu có kịp thành công để trả ơn cho những người nuôi nấng, dạy dỗ mình nên người. Sự đau đớn khi chúng ta thất bại, trải qua một sự kiện gây sang chấn như thất nghiệp, sự phản bội từ những người mà ta tin tưởng, hay đơn giản chỉ là cảm giác vừa đánh mất những điều tưởng chừng như rất quan trọng. Đôi lúc nỗi đau làm chúng ta thay đổi, trải qua càng nhiều nỗi đau ta càng trốn tránh thực tại. Thay vì tự mình đánh bại nỗi đau của bản thân và tận hưởng những thử thách mới trong cuộc sống, ta thu mình trong vòng an toàn mà bản thân tạo ra, ngại giao tiếp với người khác vì nghĩ rằng mình thật nhiều khuyết điểm. Vốn dĩ, những biến cố không thật sự tệ như ta nghĩ, chỉ có tâm trạng và suy nghĩ của chúng ta làm cuộc sống xung quanh trở nên tiêu cực hơn, vậy nên hãy chấp nhận và tận hưởng nó, để rồi một ngày nào đó nhìn lại, sẽ không còn điều gì khiến chúng ta cảm thấy đau đớn nữa.


Mỗi người mang một nỗi niềm riêng, những người trẻ hay đau lòng vì tình cảm, đau đầu vì tiền bạc, vậy những người trung niên sẽ cảm thấy đau khi nào? Với ông bà, bố mẹ chúng ta, điều gì khiến họ đau nhất? Mẹ tôi kể, thời mẹ còn nhỏ, lúc mẹ đau bụng đến không chịu được, mẹ thường bảo thà là để mẹ bị đau răng, đừng bị đau bụng vì mẹ không thể chịu nổi cơn đau ấy. Đến khi bị đau răng, mẹ lại bảo thôi thà đừng bị đau gì thì hơn, đau gì cũng là đau thôi. Đến lớn lên khi lập gia đình, mẹ lại phải trải qua cơn đau khác, mà sau này tôi sẽ trải qua, đau chuyển dạ. Mẹ bảo ai cũng sợ cơn đau đấy, nhưng ai cũng muốn được trải qua một lần trong đời. Nó có thể đau đến mức nào, có giống bị ngã xe, hay đau dạ dày không? Tôi thắc mắc. Mẹ cũng không rõ, chỉ biết lúc đó mong muốn gặp được tôi còn lớn hơn nỗi đau mẹ phải chịu, nên mẹ quên chẳng còn nhớ đến cơn đau đang hoành hành. Tôi cười, thì ra có một loại nỗi đau khiến người chịu đựng lại cảm thấy hạnh phúc như thế. 


Có lúc tôi nghĩ mình chịu đủ nhiều các hình hài, mức độ của nỗi đau, nhưng lại quên mất rằng đôi khi những nỗi đau ấy lại còn chẳng bằng nỗi sợ của bậc phụ huynh không có khả năng lo cho con mình một cách trọn vẹn. Đôi khi lại chẳng bằng lúc các bậc phụ huynh chứng kiến cảnh con mình cứ phải dằn vặt, đau đớn vì một cái gì đấy mà sau này nhắc lại, chẳng biết nó có còn nhớ hay là không. 


Chúng ta rồi sẽ có lúc cảm thấy chẳng có nỗi đau nào qua được nỗi đau mà bản thân đang phải gánh chịu. Tâm lý so sánh với những người xung quanh cứ thế lớn lên hằng ngày. Nhưng, mỗi người mà chúng ta gặp đều phải trải qua một chuyện mà chính chúng ta cũng không thể nào biết được. Thậm chí, có khi chúng ta còn chẳng thể chịu đựng nổi thứ mà họ đang phải gồng gánh. Vậy nên thế giới khắc nghiệt này mới phải cần sự thông cảm. “Put yourself in someone’s shoes” là câu nói luôn đi theo tôi mỗi ngày. Thế giới này đầy rẫy những đau thương, vậy nên chúng ta mới cần đến sự bao dung. Bao dung trong tình cảm giúp tránh được cãi vã, hiểu lầm, từ đó tránh được những nỗi đau có thể xảy ra trong một mối quan hệ. Bao dung trong gia đình giúp tránh được hiểu lầm giữa các thế hệ, không xung đột gia đình gây ra nhiều tan vỡ khó có thể chữa lành về sau.


Trong cuốn sách What I talk about when I talk about running của mình, tác giả Haruki Murakami từng viết “Pain is inevitable. Suffering is optional. Say you’re running and you think, ‘Man, this hurts, I can’t take it anymore. The ‘hurt’ part is an unavoidable reality, but whether or not you can stand anymore is up to the runner himself.” Tạm dịch, nỗi đau là không thể tránh khỏi, nhưng chịu đựng hay không lại là do bản thân mình lựa chọn. Trong một cuộc chạy đua, có khi ta cảm thấy “Ôi, đau quá” và ta không thể chịu đựng được nữa, dù biết tổn thương là một thực tế khó tránh khỏi, nhưng bỏ cuộc hay không lại tùy thuộc vào người vận động viên. Giống như khi ai đó tặng cho ta một món quà, chúng ta có quyền nhận lấy hoặc không. Niềm vui hay nỗi đau cũng vậy, đều là món quà của tạo hóa giúp chúng ta ngày càng trưởng thành hơn, vậy nên nhận lấy hay không đều là do chúng ta chọn. Vui buồn, sướng khổ là do bản thân mình quyết định. 


Suy cho cùng, nỗi đau vốn dĩ không có mức độ, hoặc không có ngưỡng, có thể chúng ta sẽ cảm thấy rất đau đớn vào lần này, lần sau lại nhận thấy hóa ra lần trước chả là gì, cảm giác này mới là đau nhất. Hoặc có thể, đối với ta là đau đớn, nhưng đối với người thì không. Và ngược lại. Đó là cách thế giới này vận hành, mỗi người mang một câu chuyện riêng, mảnh đời riêng, chẳng ai giống ai, và không ai có thể mang vừa chiếc giày của một người khác. Vậy nên thay vì trốn tránh, trách móc, sợ hãi, chúng ta hãy đón nhận nỗi đau như một món quà, một bài học, chào đón và mạnh mẽ vượt qua nó.



Trong quá trình chúng ta trưởng thành sẽ trải qua rất nhiều nỗi đau. Tuy nhiên, bản thân của chúng ta cũng không thể biết rõ khi nào sẽ là đau nhất, hay thậm chí lúc đau nhất đã sớm qua từ rất lâu rồi. Sau này nhìn lại, có khi nỗi đau lại là một bài học đầu đời, hay một trải nghiệm đáng nhớ, và nỗi đau chẳng còn thực sự là một cái gì đó tệ nữa. Nhiều người sợ cảm giác thất bại như một loại nỗi đau, nhưng sau này chúng ta sẽ sợ rằng tại sao chúng ta không cố gắng nỗ lực hơn thay vì sợ thất bại. Đó là lúc chúng ta trưởng thành.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan