Vài dòng cảm nghĩ khi đọc Hai mặt của gia đình

Quyển sách được viết từ một tác giả người Hàn Quốc, nơi có cùng nét văn hóa phương Đông cùng với văn phong nhẹ nhàng. Quyển sách như tấm gương phản chiếu những gì mình đã trải qua, những điều vi tế nhỏ nhặt từ quá khứ kéo dài đến tận hôm nay.



"Hai mặt của gia đình", cuốn sách về tâm lý gia đình, những ảnh hưởng của cha mẹ lên con cái. Những dấu vết của quá khứ, của thế hệ đi trước lưu dấu trên cuộc đời ta. Những vòng lặp mà cha mẹ vô thức tạo ra từ ảnh hưởng của ông bà và rồi đến lượt ta. Trong vòng lặp có những thứ thật thân thương, quen thuộc và cả những bất ổn, những nỗi đau chưa từng được xoa dịu. Những sang chấn mà người ta gặp ngay trong gia đình. Điều đáng buồn là những người chịu tổn thương từ nơi thân thuộc như gia đình lại không hề ít. Và khi lớn lên người ta lại vô thức tái hiện lại những bất hạnh ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình, trong cuộc hôn nhân của chính mình.


Mình đã đọc được một phần ba quyển sách, mình luôn thấy bóng hình của mình phảng phất trong đó. Những vòng lặp mà ba mẹ vô tình tạo ra từ những tàn tích của thuở ấu thơ. Vô tình làm tổn thương con cái. Mình biết nếu như con cái gặp nguy hiểm hay khó khăn họ sẽ không màng đến mọi thứ để cứu lấy con mình. Nhưng có những vết thương không phải là phát súng đoàng một phát khiến người ta gục ngay. Mà là hàng ngàn vết cắt nhỏ, chi chít khắp trái tim khiến nó không thể nào quay về như cũ được nữa. Những vết cắt ấy đã tồn tại từ rất lâu, rất lâu trước khi mình sinh ra đời và giờ đây mình mang theo nó. Những mảnh vỡ ấy không chỉ phản chiếu chính mình mà còn là bóng hình của ba và mẹ thời thơ ấu. Mình biết khi mình chữa lành cho chính mình, tự cứu lấy chính mình thì cũng là chữa lành cho chính họ, những người vốn chẳng nhận ra vết thương trong tim một đời.


Hỏi khi nhận ra những điều này mình có đau không? Có giận dữ không? Mình có đáng sinh ra để nhận lấy nó không? Những vết sẹo chằng chịt trong tâm hồn mình mang theo suốt đời. Với một người chỉ 20 tuổi, còn quá trẻ khi biết có lẽ những ám ảnh kia sẽ đi theo mình cả đời, 30 năm, 40 năm sau, cho đến khi mình già rồi và chết đi. Nó quá tàn nhẫn. Mình đã từng không dám chấp nhận mọi chuyện một thời gian, nhưng tránh né thì làm được gì ngoài đau khổ. Mình đã từng rất đau, rất oán giận. Không ít lần mình chỉ muốn hét lên: "Con có đáng phải chịu những điều này không? Con có đáng để sinh ra không?". Và mình cũng dần nhận ra bản thân ba và mẹ mình cũng không đáng phải nhận những nỗi đau đó. Không ai đáng phải nhận nó cả. Không ít lần mình muốn hét lên: "Hai người có biết những gì con đang mang đau đớn thế nào không?". Nhưng bản thân họ còn không nhận ra rằng họ đang mang một nỗi đau di truyền thì làm sao thấy ở mình. Mình may mắn hơn ba và mẹ. Mình đã nhìn ra được vòng lặp đó, cái cách nó hoạt động từ những tổn thương chưa được chữa lành kia. Nỗi đau mà mình cảm nhận cũng là nỗi đau của thế hệ đi trước.




Mình không muốn cuộc đời mình bị nuốt chửng trong vòng lặp ấy. Mình không muốn giống như những thế hệ đi trước, cũng không muốn rất nhiều năm sau lại có một phiên bản khác giống như mình đi tìm lại cuộc đời bị lạc mất của nó. Mình muốn thay đổi nó từng chút một làm cho vòng lặp không còn đi theo hướng đi cũ nữa. Từng chút một vòng lặp ấy sẽ không còn là đau thương nữa Bắt đầu từ việc quay về với đứa trẻ bên trong của mình. Đứa trẻ của thời thơ bé được tái hiện bằng ký ức mà mình luôn mang theo.


Khi mới đọc mình đã khóc. Quyển sách được viết từ tác giả người Hàn cùng nét văn hóa phương Đông và văn phong nhẹ nhàng, quyển sách như tấm gương phản chiếu rất thật những điều nhỏ nhặt vi tế mà quá khứ để lại kéo dài đến tận đến tận hôm nay. Một quyển sách rất đáng đọc.

Hiểu để chữa lành.

(Và giờ mình đã đọc gần hết quyển sách rồi, có lẽ đến một lúc nào đó mình lại viết về quyển sách)

---------

Tác giả: Hồng Hạnh.

Ảnh: Pinterest.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan