[VĐTT] AI ĐÃ GÂY RA SCANDAL?

“Sốc: lộ hình ảnh Jacey Nguyễn bắt nhân viên phục vụ quỳ gối xin lỗi trong quán cà phê” “Cư dân mạng đồng loạt tẩy chay nữ diễn viên Jacey Nguyễn vì thái độ ngôi sao” “Sao Việt nói gì về scandal của Jacey Nguyễn: nhiều người cảm thông, cũng không ít người lên án” “Lật lại những scandal trong quá khứ của Jacey Nguyễn: vô trách nhiệm trong công việc, chèn ép đàn em, xem thường đồng nghiệp” “Vấn đề đạo đức của các ngôi sao trẻ hiện nay: đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh”

[Truyện ngắn]

AI ĐÃ GÂY RA SCANDAL?


“Sốc: lộ hình ảnh Jacey Nguyễn bắt nhân viên phục vụ quỳ gối xin lỗi trong quán cà phê”

 

“Cư dân mạng đồng loạt tẩy chay nữ diễn viên Jacey Nguyễn vì thái độ ngôi sao”

 

“Sao Việt nói gì về scandal của Jacey Nguyễn: nhiều người cảm thông, cũng không ít người lên án”

 

“Lật lại những scandal trong quá khứ của Jacey Nguyễn: vô trách nhiệm trong công việc, chèn ép đàn em, xem thường đồng nghiệp”

 

“Vấn đề đạo đức của các ngôi sao trẻ hiện nay: đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh”

 

“Bà ăn ở sao mà ai cũng tẩy chay hết vậy?” – thằng Cau vừa đọc ra rả mấy bài báo trên mạng, vừa quay qua sỉ vả tôi hết lời.


“Các ngôi sao chính là thần tượng, là tấm gương để giới trẻ noi theo. Xã hội này sẽ đi về đâu nếu giới trẻ vẫn tôn sùng những người có tài mà không có đức như vậy? Từ sự việc ngày hôm nay của nữ diễn viên Jacey Nguyễn, đã đến lúc chúng ta phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức của những người được giới trẻ gọi là “thần tượng” này.”


“Quá đúng! Dẹp hết cái bọn thần tượng không có đạo đức này đi. Tuyệt đối không cho bọn chúng đẻ trứng!” – thằng Cau vỗ tay nhiệt liệt tán đồng bài báo nọ.


“Bụp” – một cái gối “khổng lồ” từ đâu bay thẳng vào mặt nó. Nó nhanh tay chụp được, chẳng tỏ vẻ gì là đau đớn, thậm chí vẫn còn y nguyên thái độ cười cợt chọc tức tôi. Từ trên giường, tôi bật dậy, vừa chỉ tay vào mặt nó vừa gào lên tức tối:


“Ê cái thằng kia, mày là em tao hay kẻ thù của tao hả mậy? Đang rầu thúi ruột thúi gan mà mày đổ thêm dầu vào lửa nữa hả?”


“Có kẻ thù nào cho bà ở lại nhà nó từ hôm qua tới giờ không? Có kẻ thù nào mà cơm bưng nước rót, phục vụ bà tận răng không? Bà kể ra tên của kẻ thù đó cho tui coi.”


“Ờ thì, nói chung, cũng cảm ơn mày.” - tôi nhỏ giọng lại, cơn tức tối cũng dịu đi phần nào - “Nhà tao bị tụi phóng viên bu chật kín rồi. Tao tìm nát nước mà không có ai cho ở nhờ. Cực chẳng đã mới phải tìm đến mày thôi.” – Quả thật, sau scandal chấn động hôm qua, nếu thằng Cau không cho ở nhờ, chắc giờ này tôi vẫn đang lang thang đầu đường xó chợ.


“Trời sáng trưng rồi, bà tính nằm trên giường đến bao giờ? Đi ăn sáng đi chứ” - thằng Cau chuyển sang chủ đề ăn uống ngay mà chẳng mảy may bận tâm đến câu “cảm ơn” động lòng người kia của tôi – “Có cái bánh sandwich với hộp sữa trong tủ lạnh, muốn ăn thì lấy ăn đi. Nếu không thích món đó thì ra ngoài đầu hẻm có quán bún bò bà Tư cũng ngon lắm. Tui có để tờ năm chục trên đầu tủ lạnh, bà đi ăn bún bò thì lại đó lấy tiền.”


“Ờ, tao đi ăn bún bò” – tôi đứng dậy, đánh răng, thay quần áo rồi thản nhiên lấy tờ năm chục ngàn trên đầu tủ lạnh, đi ra cửa. Tôi định nói thêm một tiếng “cảm ơn” với nó nhưng câu nói cứ nghèn nghẹn nơi cổ họng mà chẳng thể thoát ra được. Từ bao giờ mà chị em tôi lại trở nên xa cách như vậy?

--------------------


8 giờ sáng. Mặt Trời đã lên cao. Trong con hẻm nhỏ, mấy anh công nhân mặc đồng phục xanh đã bắt đầu vào ca làm việc, mấy bác xe ôm đã đem xe ra đậu dưới gốc cây bàng, mấy chị bán cà phê cóc, bán hủ tiếu, bánh ướt, bánh canh cũng thảnh thơi hơn khi quán dần thưa người.


Con hẻm của dân lao động nhập cư. Nhỏ nhưng sạch sẽ. Ồn ào nhưng thiện lương. Nghèo nhưng vui vẻ. Một thế giới khác xa với thế giới mà tôi vẫn sống bấy lâu nay.


Tôi lững thững đi trên một con đường nhỏ lát xi măng. Ánh mặt trời chiếu thẳng vào lưng, bóng tôi ngã dài trên mặt đất.


--------------------


“Ê sao tao thấy mày rảnh quá vậy Cau? Hôm nay là thứ năm mà mày không đi làm à?” – vừa ăn uống no nê xong, trở về nhà thấy mặt thằng Cau là tôi lại nổi hứng “cà khịa” nó.


“Hôm nay công ty cho làm ở nhà, “work from home” má ơi” – thằng Cau trả lời mà mắt vẫn dán vào màn hình máy tính, chẳng hề liếc sang nhìn tôi lấy một giây.


“À” – như sực nhớ ra điều gì, mắt nó sáng lên, quay qua tôi hỏi – “Bà có thắc mắc là tại sao báo chí lại có tấm ảnh của bà trong quán cà phê không? Bà đã bao giờ nghi có đứa nào đó chụp rồi gửi cho báo chí không?”.


Từ hôm xảy ra vụ việc đến giờ, mải lo chạy trốn sự săn đuổi của đám phóng viên, rồi bận buồn rầu ủ ê, tôi đã chẳng hề nghĩ đến việc này. Bây giờ, nghe thằng Cau nhắc đến, tôi mới thấy thắc mắc.


“Ờ ha, mày không nói thì tao cũng không nghĩ đến chuyện này. Hôm đó, quán cà phê vắng khách. Thời điểm chụp bức ảnh kia, trong quán chỉ có đám tụi tao với hai nhân viên của quán.”


“Đám tụi tao là đám nào?”


“Là tao với ba nhân viên của công ty: một thằng stylist, một nhỏ trợ lý và một ông quản lý.”


“Ê, hỏi thiệt nha. Bà có bao giờ nghi ngờ ai trong ba người này bán đứng bà không?” – thằng Cau đưa tay lên xoa xoa cằm, điệu bộ hệt như thám tử lừng danh Edogawa Conan đang suy luận phá án. Tôi vội vàng xua tay:


“Không đâu mày ơi. Tao lúc nào cũng giúp đỡ ba người đó hết mình. Họ sẽ không bao giờ bán đứng tao đâu. Tao dám chắc là tụi nhân viên quán cà phê làm.”


“Chưa chắc đâu bà. Lại đây tui cho coi cái này” – thằng Cau vừa nói vừa ngoắc tay ra hiệu cho tôi đến nhìn vào điện thoại của nó.


“Đây là tấm hình mà báo chí dùng để giật cái tít “Jacey Nguyễn bắt nhân viên phục vụ quỳ gối xin lỗi”, bà có thấy gì trong đây không?” – thằng Cau phóng to bức ảnh lên rồi chỉ tay vào góc trên bên trái.


“Bà có thấy là ai đó đang đứng ở góc này không? Váy caro đỏ sọc trắng đích thị là đồng phục nhân viên của quán. Bà nói thời điểm đó, quán chỉ có hai nhân viên với đám khách của bà. Một đứa đang quỳ, một đứa đang đứng ở đây. Vậy người chụp bức ảnh này chỉ có thể là một trong ba nhân viên của công ty bà thôi”.


Tôi bất ngờ với kết luận vừa rồi của thằng Cau, một kết luận không thể trật đi đâu được.


“Mày nói cũng đúng ha. Nếu mà nói một trong ba người này, thì tao nghĩ người có khả năng nhất là thằng stylist” – tôi bắt đầu tập tành suy luận kiểu thám tử y như thằng Cau.


“Tại sao lại là thằng stylist?”


“Vì nó là người duy nhất xài điện thoại ngày hôm đó. Nhỏ trợ lý mới từ quê lên, chưa biết xài điện thoại. Ông quản lý thì vừa bị hư điện thoại vào tối hôm trước, sáng hôm đó, tao thấy ổng xài điện thoại gục gạch.” – tôi bắt đầu lục lọi lại cái trí nhớ ngắn hạn của mình để suy luận.


“Đây là facebook của thằng stylist đó phải không?” – thằng Cau vào một trang cá nhân có tên là “David Victoria Trần” rồi hỏi tôi để xác nhận lại.


“Đúng rồi, nó đó.”


“Tìm ra chứng cứ ngoại phạm của thằng stylist rồi” – thằng Cau reo lên mừng rỡ như bắt được vàng.


“Bà xem nè. Buổi chiều hôm đó, sau khi rời khỏi quán cà phê, nó đi tới một nhà hàng trên đường Cộng Hoà để dự sinh nhật bạn. Đây là tấm hình ở nhà hàng mà nó đăng lên, lúc 18 giờ 28 phút, tức là chỉ khoảng 20 phút sau khi nó rời khỏi quán cà phê. Quãng đường từ quán cà phê đến nhà hàng dài khoảng 12 km. Thêm vào đó, tại thời điểm này, đường Cộng Hoà kẹt xe cứng ngắc. Chính vì vậy, tui đoán là nó đã chạy hết tốc lực để kịp giờ ăn sinh nhật. Thời điểm tờ báo đầu tiên đăng tin tức về scandal của bà là 18 giờ 15 phút. Vì thế, chẳng có khoảng thời gian trống nào để nó có thể vừa biên tập câu chuyện ở quán cà phê vừa gửi ảnh cho đám phóng viên cả.”


Tôi há hốc miệng nhìn thằng Cau thao thao bất tuyệt với màn suy luận của nó. Tôi vừa ngạc nhiên vừa khâm phục nó:


“Ê tao thấy mày càng ngày càng giống thám tử Conan rồi đó nha.”


“Conan thì nhằm nhò gì. Thần tượng của tui là Hercule Poirot” – thằng Cau cười đắc chí trước ánh mắt ngưỡng mộ của tôi.


“Là ai mậy?”


“Bà lúa quá đi. Hercule Poirot là nhân vật chính trong loạt truyện trinh thám của nhà văn Agatha Christie. Tui không còn đọc Conan nữa, chuyển qua đọc truyện của Agatha Christie từ lâu rồi. Bộ bà không biết hả?”


“Ừ, tao không biết. Lâu rồi tao không có về nhà, cũng đâu có gặp mày đâu mà biết.” – tôi nói lí nhí, cảm thấy có cái gì đó đang xôn xao trong lòng. Mười năm lăn lộn với nghiệp diễn, số lần tôi gặp người nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Thấy tôi bối rối, thằng Cau được đà lấn tới công kích tôi:


“David Victoria Trần. Sao tui dị ứng cái tên nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt này ghê.” – nó lắc lắc đầu, chậc lưỡi chê bai hệt như một ông cụ non – “Bà cũng vậy, bày đặt Jacey Nguyễn nữa chứ. Ba má đặt tên cho bà là Nguyễn Thị Trầu để bà giục cái tên đó đi hả?”


“Chứ không lẽ tao mang cái tên Nguyễn Thị Trầu đó làm nghệ danh đi diễn luôn hả mậy? Khó tính vừa vừa thôi chứ.” – tôi bắt đầu thấy bực mình về cái độ ông cụ non quá đáng của nó.


“Ừ, tạm chấp nhận là nghệ danh đi. Nhưng sao lúc má gọi bà bằng cái tên “Trầu”, bà chối đây đẩy cứ như ai có cái tên đó chứ không phải là bà. Nghệ danh dùng với khán giả thôi. Với người nhà, bà cũng muốn dùng nghệ danh luôn sao?” – vẫn với cái giọng ông cụ non ban nãy, thằng Cau tiếp tục màn luận tội tôi.


Quả thật, nếu không nhờ thằng Cau nhắc đến, tôi cũng không nhớ mình có cái tên “cúng cơm” là Nguyễn Thị Trầu. Gia đình tôi ở quê sinh sống bằng nghề bán trầu cau. Má tôi có một mảnh vườn nhỏ trồng trầu và cau. Má đặt tên cho tôi là “Trầu”, thằng em kế tôi là “Cau” và nhỏ em út là “Vôi” với ước mong ba chị em tôi có thể yêu thương, quấn quít nhau như trầu, cau và vôi vậy.


Tôi vẫn nhớ, mười năm trước, tôi rời quê, khăn gói lên thành phố theo đuổi ước mơ làm minh tinh màn bạc. Sau vài năm lăn lộn đóng vai quần chúng, vai người ở, vai nữ tì, tôi dần dần được lên vai nữ thứ rồi nữ chính. Phim nào ra rạp có cái tên “Jacey Nguyễn” đều trở nên cực kỳ ăn khách. Hàng loạt giải thưởng đã được trao: “Diễn viên trẻ triển vọng”, “Nữ diễn viên chính được yêu thích nhất”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” v.v. Tiền catse của tôi cũng tăng lên vùn vụt. Dưới ánh hào quang của sự tung hô dành cho cái tên “Jacey Nguyễn”, tôi đã dần dần quên đi tên thật của mình là “Nguyễn Thị Trầu”.

--------------------


12 giờ trưa. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Trong con hẻm nhỏ, mấy anh công nhân áo xanh chạy vội về nhà ăn bữa cơm trưa gia đình để tiết kiệm tiền cơm công ty, mấy bác xe ôm ăn xong cà-mên cơm vợ nấu, ngã lưng ra xe nằm ngủ, mấy chị bán cà phê cóc, bán hủ tiếu, bánh ướt, bánh canh đã dọn dẹp hàng quán từ lâu.


Con hẻm nhỏ chìm vào sự tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng rất đỗi bình yên.


Tôi ra ngoài, vơ vội đống quần áo đã khô đang phơi trên sào. Những tia nắng mặt trời tinh nghịch nhảy nhót trên tay tôi. Tôi như thấy mình đang đứng trong một vườn trầu, những tia nắng mặt trời cũng tinh nghịch nhảy nhót trên những lá trầu xanh mơn mởn như vậy. Hình ảnh đó, sao giờ bỗng trở nên xa xôi dịu dợi?


Ánh mặt trời chiếu thẳng trên đỉnh đầu, bóng tôi chỉ còn lại một vệt ngắn ngay dưới chân tôi.



--------------------


Thấy mặt tôi buồn buồn, thằng Cau gác lại chuyện công kích tôi sang một bên, tiếp tục màn suy luận “phá án” của nó:


“Thế còn nhỏ trợ lý, bà nghĩ nó có khả năng là đứa bán đứng bà không?”


Tôi cắn móng tay, nghĩ nghĩ một hồi rồi trả lời nó:


“Tao không biết nữa. Tao không nghĩ là nó làm chuyện này, vì tao đối xử rất tốt với nó. Hôm Ji Jang Wood sang Việt Nam, khó khăn lắm mới xin được tấm hình có chữ ký của ảnh mà tao cũng cho nó. Tuy nhiên” – tôi bổ sung thêm – “mặc dù nó không có điện thoại để chụp hình, nhưng đọc cái văn phong sến rện trên báo, tao thấy giống y chang giọng văn của nó.”


“Bà hay lắm, bà cho nó tấm hình có chữ ký của Ji Jang Wood. Vậy mà hôm đó, tui nhắn tin hỏi có xin được chữ ký Ji Jang Wood không, bà nói không xin được.” – thằng Cau tiếp tục cái giọng điệu trách móc tỉnh rụi của nó.


“À mà thôi, bỏ qua chuyện này đi” – tôi chưa kịp mở miệng giải thích thì thằng em tôi đã chặn lại, cứ như nó sợ tôi lại tiếp tục bày ra cái vẻ mặt buồn rầu đáng thương ban nãy – “Thế còn ông quản lý thì sao?”


“Hồi tháng 11 năm ngoái, tao cho ảnh mượn 50 triệu trả tiền viện phí cho mẹ ảnh. Ảnh biết ơn tao không hết. Tao không nghĩ là ảnh làm đâu mày ơi. Ảnh không có điện thoại để chụp hình như thằng stylist, cũng không có cái giọng văn sến rện như nhỏ trợ lý. Ảnh là người tao tin tưởng nhất.” – tôi nói về anh quản lý của tôi với giọng điệu đầy tự hào. Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy người duy nhất mình có thể tin tưởng.


“Tháng 11 năm ngoái, dượng gọi điện cho bà hỏi mượn tiền đóng học phí cho Út Vôi. Bà nói bà không có tiền. Bà cũng nói nó tên là “Trần Thị Vôi”, không trùng họ với bà nên không phải em bà.” – có vẻ như, dù đã cố gắng kềm chế, thằng Cau vẫn vô tình bật ra những câu nói đầy tính chất “luận tội” mỗi khi đầu óc nó chợt nghĩ về những chuyện trong quá khứ. Nó thở dài:


“Haizz… Thôi, tui tạm thời tóm tắt sự việc thế này nha: thằng stylist là người duy nhất có điện thoại nhưng nó không có khả năng gửi ảnh và biên tập ra câu chuyện. Nhỏ trợ lý là đứa có văn phong giống với bài tố nhưng nó không biết xài điện thoại chụp ảnh và gửi ảnh. Ông quản lý là người đáng tin nhất, ổng bị hư điện thoại không thể chụp ảnh, cũng không có văn phong như trong bài tố.” – thằng Cau tóm tắt lại diễn biến vụ việc y như một thám tử chuyên nghiệp.


Chẳng thèm để ý đến “bài tóm tắt chuyên nghiệp” của nó, tôi đứng phắt dậy, gắt gỏng:


“Sao mày không tóm tắt hết tội lỗi của tao luôn đi: tao cho nhỏ trợ lý tấm hình có chữ ký Ji Jang Wood mà không cho mày, tao cho anh quản lý mượn 50 triệu mà không đóng tiền học phí cho nhỏ em cùng mẹ khác cha, tao cả chục năm mới về nhà thăm má được mấy lần, tao đổi tên Tây tên Tàu mà quên đi tên cha sinh mẹ đẻ…” – tôi nói một hơi dài không dứt.


Bị bất ngờ trước thái độ thay đổi đột ngột của tôi, thằng Cau chỉ trố mắt ra nhìn mà không nói được lời nào.


Tôi khó chịu trước thái độ công kích của nó, không nghĩ mình có thể ở đây với nó được nữa. Tôi gọi điện cho anh quản lý – người mà vừa nãy tôi đã xác định là đáng tin nhất, hy vọng anh sẽ giúp tôi một chỗ tá túc hết đêm nay. Đầu dây bên kia, một giọng nói quen thuộc trả lời tôi:


“Alo, Jacey đó hả cưng. Cưng đang trốn ở đâu vậy? Cả ngày hôm nay, tụi phóng viên gọi điện cho anh tìm cưng nè.”


“À, mà cưng trốn cho kỹ nghen, anh mà biết được cưng ở đâu, anh lôi ra cho cả thế giới thấy bộ mặt bẽ bàng của cưng đó.”


“Nói cho cưng biết, toàn bộ vụ scandal này là do anh dàn dựng cả đó. Anh kêu thằng stylist chụp ảnh, nhỏ trợ lý biên tập lời văn cho thống thiết, rồi anh gửi cho đám phóng viên đăng chơi.”


“Thế nào, có bất ngờ không cưng? Cưng đừng tưởng mình là ngôi sao rồi muốn hạ nhục ai thì hạ nhục nha.”


“Cưng cho anh mượn 50 triệu mà cưng sai biểu, cưng đày đoạ anh như kẻ ăn người ở. Cưng tặng quà cáp cho thằng stylist với nhỏ trợ lý, nhưng thản nhiên gọi thằng stylist là “bê đê”, nhỏ trợ lý là “đồ nhà quê”. Cưng nghĩ mình giỡn như vậy là vui lắm chắc? Tụi nó hận cưng thấu xương nhưng cứ giả vờ nịnh nọt vậy thôi.”


“Ba người tụi anh đã xin nghỉ công ty này để sang công ty mới rồi. Cưng cứ về đây đi, sẽ có quản lý mới, stylist mới, trợ lý mới. Nhưng cưng có khôi phục lại sự nghiệp như trước kia không thì anh không chắc…”


Tôi cúp máy, bàng hoàng không dám tin đây là sự thật, cảm thấy như cả thế giới này sụp đổ. Tôi mở cửa ra ngoài, lững thững bước đi như người vô hồn.

--------------------


7 giờ tối. Mặt trời đã khuất dạng từ lâu. Trong con hẻm nhỏ, mấy anh công nhân áo xanh quây quần bên vợ con bên mâm cơm đầm ấm, mấy bác xe ôm trở về nhà chơi với đứa cháu nhỏ lên ba, mấy chị bán cà phê cóc, bán hủ tiếu, bánh ướt, bánh canh tụm lại tám chuyện trên trời dưới đất.


Con hẻm nhỏ bỗng trở nên rộn ràng. Một sự rộn ràng nhưng vẫn rất đỗi bình yên.


Tôi đứng trong một góc tối, chẳng còn nhìn thấy cái bóng của mình đâu nữa.


Phải chăng những người giả dối cũng như những cái bóng? Họ đến bên ta vào những thời khắc huy hoàng, rực rỡ nhất. Và họ rời bỏ ta khi bóng tối vây quanh.



--------------------


“Ting ting” – tiếng chuông báo có tin nhắn đến. Là tin nhắn của thằng Cau.


“Mai tui dẫn bà về quê với má. Má đọc báo nên biết chuyện rồi, má nhắn tui kêu bà về nhà từ hôm qua tới giờ. Dượng với Út Vôi cũng nhắc bà miết đó. Tui nói thì nói vậy thôi chứ không ai để bụng giận bà gì đâu. Về với gia đình nghen, bà Trầu.”


Phải rồi, về với gia đình thôi. Chỉ có trái tim ấm áp yêu thương của gia đình mới xua tan được những bóng đen giả dối.


Tôi lại thấy mình đang đứng trong một vườn trầu, những tia nắng mặt trời tinh nghịch nhảy nhót trên những lá trầu xanh mơn mởn.


Thoảng trong không gian, tôi nghe tiếng má tôi gọi:


“Trầu… Cau… Vôi…. Về nhà ăn cơm đi con.”



Tác giả: Nguyễn Thanh Trúc

Theo dõi tác giả tại: Facebook | Nguyễn Thanh Trúc

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT







BẢN THẢO
Bài viết liên quan