[VĐTT] Ai dành cho đời một chút yêu thương?

Một đứa trẻ khi nhìn thấy cảnh bạo lực trước mắt đều sẽ khóc. Vì tâm trí của nó cho rằng, việc đó có thể sẽ gây đau đớn cho nạn nhân, nó cảm nhận được nỗi đau đó, sợ hãi và sẽ khóc thay cho nạn nhân mà nó nhìn thấy, dù chúng không hề biết gì về bản thân. Trong khi đó, con người chúng ta khi lớn lên lại khác. Trong quá trình phát triển và lớn lên cùng bản thân, nhiều biến cố xuất hiện khiến ta không còn ngây thơ như lúc ban đầu, cũng khiến khả năng thấu cảm của người trưởng thành giảm sút.

Ai dành cho đời một chút yêu thương?


Một đứa trẻ khi nhìn thấy cảnh bạo lực trước mắt đều sẽ khóc. Vì tâm trí của nó cho rằng, việc đó có thể sẽ gây đau đớn cho nạn nhân, nó cảm nhận được nỗi đau đó, sợ hãi và sẽ khóc thay cho nạn nhân mà nó nhìn thấy, dù chúng không hề biết gì về bản thân. Trong khi đó, con người chúng ta khi lớn lên lại khác. Trong quá trình phát triển và lớn lên cùng bản thân, nhiều biến cố xuất hiện khiến ta không còn ngây thơ như lúc ban đầu, cũng khiến khả năng thấu cảm của người trưởng thành giảm sút.


Trong một cuộc phỏng vấn của tờ The Herald Sun về một người phụ nữ có ba con nhỏ. Cô bị phạt vì tội ăn trộm thức ăn của một siêu thị trị giá 36 đô la để con mình không bị chết đói. Điều đặc biệt trong bài phỏng vấn này là hành động của hai nhân viên cảnh sát Keith Bradshaw và Candace Spragins của Sở Cách sát Hillsborough. Sau khi nhận được nhiệm vụ điều tra vụ trộm, hai người cảnh sát buộc người phụ nữ phải nộp phạt cũng như trả lại toàn bộ thức ăn cho siêu thị. Nhưng rồi, chính họ cũng là người quay trở lại cửa hàng của siêu thị, dùng tiền túi để mua 140 USD thực phẩm gồm thịt, hoa quả, rau và một số nhu yếu phẩm khác và quay trở lại đưa cho người phụ nữ kia. Hỏi hai người cảnh sát về hành động của mình, họ đã trả lời “Đôi khi công việc của cảnh sát không phải lúc nào cũng theo kế hoạch. Đầu tiên chúng tôi là con người, sau đó mới là cảnh sát.”. Và vì “Đây không phải là sự phạm tội vì lòng tham, mà là sự cần thiết của một người mẹ để con mình có cái ăn”. Đó là những câu nói dậy lên trong lòng chúng ta một sự thấu cảm. Người ta thường cho rằng kẻ thực thi pháp luật là những người cứng rắn với những quy luật và quy định, nhưng thực chất ở trong họ luôn có sự thấu cảm của tình người. Họ đã đứng trên cương vị của một người mẹ vì tình mẫu tử mà buộc phải làm những điều sai trái, điều trái pháp luật để hiểu hơn cho người phụ nữ kia.


Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng học văn Nam Cao, với tác phẩm gây ám ảnh suốt những năm thiếu thời “Lão Hạc”. Đối với tôi, đọc tác phẩm đó nhiều lần, chỉ nhớ nhất câu cô tôi nói rằng, cái hay của Nam Cao là ở đó. Khi thị vợ của ông giáo tỏ ý khinh miệt Lão Hạc, cho rằng lão có tiền mà cứ kibo mà chẳng hiểu nỗi lòng đằng sau của lão, ông giáo đã thốt lên rằng “Chao ôi! Đối với người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,…toàn những cớ cho ta tàn nhẫn không bao giờ thấy được họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”. Tiếng lòng ông giáo cũng như tiếng của Nam Cao thể hiện sự thấu cảm sâu sắc đối với tình cảnh đáng thương của người nông dân đương thời. Câu nói ấy ghim sâu vào lòng tôi một ý nghĩ về một năng lực mà con người có thể chợt lãng quên: Khả năng thấu cảm.


Chúng ta đang thông cảm hay thấu cảm?

Trong cuộc sống nhiều lắm những sự khó khăn này, nỗi đau khổ như một điểm tất yếu. Bạn đã bao giờ dừng lại và tự hỏi xem ta đã hành động như thế nào trước những khó khăn và đau khổ của người khác chưa. Khi nghe những lời tâm sự của ai đó về một vấn đề nào đó của họ trong cuộc sống, phản ứng đầu tiên của chúng ta có lẽ là “Không sao đâu” “Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi” “Cố lên nhé” hay đơn giản hơn là “Đừng buồn nữa”. Hơn nữa, người ta thường nói lên những điểm tốt đẹp để an ủi người kia như “Ít ra thì mày vẫn tốt ở chỗ này chỗ kia”. Và ổn hơn, người ta có thể lên tiếng để cùng làm một điều gì đó tốt đẹp “Vậy chúng ta cùng đi dạo đi”. Những điều ấy rõ ràng là việc tốt, tuy bạn chưa thể thay đổi được gì cả, nhưng ít ra vẫn có thể góp phần làm cho người buồn bã đó cảm thấy ổn hơn. Tuy vậy, nó vẫn chỉ dừng lại ở lòng tốt và lòng cảm thông. Còn năng lực thấu cảm lại đòi hỏi con người ta ở những điểm khác.



Thấu cảm khác với thông cảm, vì trong khi thấu cảm là thực sự hiểu được cảm xúc của người khác thì thông cảm chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy được vấn đề này. Người thấu cảm là người có trực giác tốt, cảm nhận được những năng lượng ở ngoài những giác quan thông thường. Xét về mặt khoa học, các tài liệu về thấu cảm phức tạp, song, một đánh giá gần đây trên tạp chí Nature Neuroscience bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Columbia, bao gồm Jamil Zaki và Kevin Ochsner đã phân chia hiện tượng này thành ba giai đoạn trung tâm.


Giai đoạn đầu là “chia sẻ trải nghiệm” tức là bạn cảm nhận những cảm xúc của người khác và cho nó là của mình. Người ta tức giận thì bạn cũng tức giận, người ta hạnh phúc thì mình cũng trở nên hạnh phúc. Giai đoạn thứ hai là “ý thức”. Ở giai đoạn này ta phải xem xét đến gốc rễ của những cảm xúc đó để cố gắng hiểu chúng. Và giai đoạn cuối cùng “quan tâm đến xã hội” hay thúc đẩy hành động, tiếp cận sự đau đớn và chữa lành. Có những người không cần trải qua tất cả những giai đoạn trên để thấu cảm. Và thay vào đó, nó là ba điểm trong hành trình thấu cảm. Đầu tiên là cảm nhận, cảm nhận và hiểu, cảm nhận hiểu và bắt buộc phải hành động. Điều quan trọng nhất trong hành vi “thấu cảm” phải là sự cảm nhận.


“Cảm thông” đã có từ lâu đời, từ trong tiếng Hy Lạp cổ đại đã có những khái niệm trên nhưng với “thấu cảm” lại mới xuất hiện ở thời hiện đại. Năm 1909, nhà tâm lý học nhận thức người Anh Edward Titchener đã khẳng định thấu cảm là một lại “cảm nhận” trạng thái cảm xúc của người khác. Sau đó, các nhà tâm lý trị liệu tâm thần như Carl Rogers, một nhà tâm ký học người Mỹ và là người sáng lập cách tiếp cận nhân văn trong tâm lý trị liệu đã viết trong cuốn sách của ông vào năm 1951 thấu cảm như một cách “sống với cuộc sống của người khác. Năm 1986, nhà tâm lý học Lauren Wispe đã cố tóm tắt khái niệm thấu cảm lại trong một hệ thống. Cuối cùng, bà định nghĩa sự thấu cảm ban đầu dựa trên cảm giác, một sự ép buộc. Chúng ta bị thôi thúc với những người thích hợp. Hoặc có thể không bị thôi thúc, mà thay vào đó ta chọn để suy nghĩ và hành động vì lợi ích của người khác. Như vậy, cơ sở của sự thấu cảm là có thể nhìn sự việc từ vị trí của người khác, cảm nhận nó và hiểu sâu sắc nó.


Cuộc sống càng hiện đại, con người ta càng cô đơn hơn. Ngày nay có rất nhiều page Facebook ra đời, viết rất nhiều trạng thái cô đơn và nhận hàng nghìn đến hàng chục nhìn lướt share. Những công ty tư vấn tâm lý đã mọc lên như nấm. Nói vậy mới thấy tâm trạng của con người ra sao. Thực chất gần như trong mọi lúc, những cái mà ta cần khi đứng trước khó khăn hay mệt mỏi, đôi khi không bài là lời khuyên định hướng hay một bài diễn thuyết, mà đó chỉ đơn thuần là sự sẻ chia. Đôi khi ta không mong họ nói gì trước tất cả những gì ta kể, chỉ cần lặng im, chỉ cần một cái ôm cũng đã là ổn. Đôi khi con người ta lại chọn tâm sự với vật nuôi, bởi vì bằng một cách thần kỳ nào đó, họ biết rằng đây là điều có thể cảm được ra trong tất cả sự đớn đau này. Và vì công nghệ dần trở nên thành một thứ ngăn cách cảm xúc con người. Qua một cái màn hình, ta đâu thể nhìn ra những xúc cảm của người khác để hiểu, để nghe, để nhận mà chỉ là những dòng gõ vô hồn. Ta đã quên mất rằng, ngồi lại, yêu thương và cho nhau tình thương đôi khi tốt hơn là đề ra cách giải quyết.



Khả năng thấu cảm là thứ khi sinh ra đã có, chúng sẽ mất đi hay tăng dần lên theo thời gian là do cách chúng ta lựa chọn nó như thế nào trong suốt quá trình lớn lên và trưởng thành. Khi ta càng lớn, trải nghiệm càng dày hơn so với đứa trẻ sơ sinh, kinh nghiệm để hiểu cảm xúc người khác của chúng ta cũng dày dặn hơn. Nhưng đáng buồn là ta dường như ta chẳng thể như một đứa trẻ, nhanh chóng hiểu được nỗi buồn của người khác và bày tỏ một cách tự nhiên nhất có thể.

 

Yêu thương người khác để yêu thương chính mình

Khi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ta thường có xu hướng quay lại với thế giới, và không thể cảm nhận được những đau khổ của người khác. Nam Cao cũng nói rằng: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì đó khác đâu?”. Ta thầm nghĩ “Thế còn ai lo cho nỗi đau của tôi” và chăm lo giải quyết việc của mình trước khi nghĩ đến việc của người khác.

Có một điều đặc biệt là các nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại. Khi ta thực sự thấu cảm được ai đó, đi sâu vào tâm hồn của ai đó, nó tạo ra một sự kết nối kỳ lạ khiến con người không chỉ chữa lành cho người khác mà còn hiểu sâu sắc bản thân và tự chữa lành cho bản thân mình. Rõ ràng, khả năng thấu cảm giúp con người ta sống tốt hơn, bớt những hành vi mâu thuẫn, hướng đến người khác, sống vì người khác nhiều hơn, những chứng bệnh tâm lý qua đó cũng bị đẩy lùi. Điều quan trọng hơn là ta kết nối được với xã hội nhiều hơn, từ đó xây dựng một cộng đồng xã hội vững mạnh khi hiểu và chữa lành lẫn nhau.


Khả năng thấu cảm của con người có thể bị những gồng gánh lo toan mà vơi bớt, đã bị những nỗi đau trong cuộc đời nhấn chìm xuống sâu thẳm, nhưng đâu đó vẫn còn tiềm ẩn trong ta, chỉ đợi ta thức tỉnh. Ta vẫn hoàn toàn có thể, thức tỉnh trái tim mình. Mỗi ngày hãy lắng nghe và tự hỏi: Nếu là họ, ta sẽ như thế nào? Nếu là họ, ta sẽ cần gì từ những người xung quanh? Nếu là họ, ta sẽ cần nghe những lời như thế nào? Rồi hành động. Rồi những nỗi đau cũng sẽ mau qua thôi.




Tác giả: Cloudyy

Theo dõi tác giả tải: Cloudyy

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan