[VĐTT] Bức tường che chắn sự mong manh

Việc đóng băng cảm xúc ngay trong tình huống đó khiến tôi không nhận diện và kết nối được với cảm xúc của chính mình. Do vậy nó vẫn luôn âm thầm ở đó, nhức nhối và trở thành cái bóng ám ảnh lên tôi. Nó trở thành những nỗi sợ chưa được gọi tên.

Bức tường che chắn sự mong manh



"Nổi giận là bản năng, khống chế cảm xúc là bản lĩnh." Tôi vừa đọc được câu nói này trong một bài báo mạng có tiêu đề là Những lý do vì sao bạn cần phải kiềm chế cảm xúc. Nếu là trước đây chắc tôi sẽ tâm đắc với câu nói này lắm. Nghe thật thời thượng, thật oách đúng không? Làm được điều này là chúng ta đã trưởng thành theo như bài viết nói rồi đấy. Nhưng như vậy liệu đã đủ? 


Đó chỉ là đủ trưởng thành theo tiêu chuẩn của đám đông, những người hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Và nó không nói lên được điều gì về mức độ trưởng thành trong cảm xúc nơi ta hết.


Khống chế, kìm nén cảm xúc không phải là biện pháp hay để chúng ta áp dụng hết lần này đến lần khác. Khống chế là một cách để tránh né. Nó là con dao hai lưỡi nguy hiểm vô cùng. Nó có thể giúp chúng ta tạm thời tránh đối đầu trực diện với khổ đau nhưng về lâu về dài đó là quả nom nổ chậm có thể dẫn tới những hậu quả nguy hại về mặt tâm lý.






Tránh né trong cảm xúc thường kéo theo sự trì hoãn trong hành động thực tế. Đối với vấn đề này thì tôi đã từng là một 'chuyên gia'. Có những chuyện bé nhỏ như một cái email của sếp mà tôi còn sợ để tận hai ngày mới dám mở lên xem và thêm một ngày nữa mới ngồi nghĩ cách trả lời vì nó liên quan đến một vấn đề trong công việc mà tôi chưa có giải pháp. Hay có việc tôi trì hoãn không làm, khách hàng gọi điện thì 'kiên trì' không nghe máy. Việc này bị trì hoãn sẽ kéo theo những việc kia bị trì hoãn. Chúng cứ nối nhau khiến cuộc sống lẫn công việc của chúng ta rối thành một mớ bòng bòng. Đây chỉ là một số tình huống phát sinh hằng ngày, còn vô số những chuyện đã xảy ra, những ký ức buồn, những tình huống xấu hổ thì tôi còn áp dụng chiến lược né tránh 'triệt để' hơn nữa.


Tôi khống chế mọi cảm xúc 'cao trào'. Tôi không bao giờ để bản thân rơi cào trạng thái 'quá' về cảm xúc cả vui lẫn buồn. Cảm giác phiêu, bay bổng, hay thăng hoa đối với tôi là trạng thái nguy hiểm, không an toàn. Trạng thái cảm xúc này đồng nghĩa với việc bản thân sẽ mất khống chế và làm những điều ngu ngốc. Phiêu về cảm xúc là điều cấm kỵ đối với tôi.


Tôi luôn kìm nén bản thân trước những việc đáng lẽ và cần phải thấy vui mừng. Trúng thưởng 10 triệu trong một buổi bốc thăm trúng thưởng bạn có vui không? Tôi đã thấy rất nhiều người nhảy lên hò hét khi trúng giải này những lần trước. Còn tôi, tôi thấy chuyện đó bình thường thôi. Còn buồn thì sao? Dựa trên những trải nghiệm quá khứ của chính bản thân và từ việc quan sát xung quanh, trong tôi hình thành nên cơ chế phòng thủ chọn lọc những điều có khả năng khiến mình đau khổ đến mất trí. Một black list được hình thành. Và sau đó hệ thống phòng thủ này sẽ rà quét 24/24 trong mọi tình huống, quan hệ phát sinh.


Yêu chắc chắn sẽ đem lại khổ đau, vậy thì không thể để mình là bên chịu thua thiệt được, mình phải là người điều khiển trong mối quan hệ đó. Nếu thấy đứng trước một người mà cảm xúc dâng trào, dấu hiệu tiềm tàng của việc mình khó có thể kiểm soát được cảm xúc sau này, tôi sẽ lựa chọn là làm cho mối quan hệ đó biến mất khỏi cuộc đời tôi (và sau đó lại thấy đầy nuối tiếc).


Vậy là vô thức tôi cứ gặp những anh chàng mà bản thân tôi rất thích và cứ le ve xung quanh người ta không tài nào cưỡng lại được nhưng khi người ta đổ lại thì lại chạy mất, tỏ thái độ lạnh lùng, quay ngoắt 180 độ khiến mọi ánh sáng tình yêu chưa kịp le lói đã tắt ngóm ở cả đôi bên. Kết thúc không êm đẹp. Và rốt cuộc tôi lại chọn yêu đương chính thức với toàn anh hiền lành, công việc ổn định, nói chung bình thường của bình thường và chết chìm trong sự buồn chán. Tôi đã vô thức làm mọi cách để thao túng họ. Tôi luôn đề cao bản thân, luôn chứng tỏ tôi giỏi hơn bạn trai mình. Họ phải thấy may mắn vì đã có được tôi. Bên cạnh đó tôi còn hạ thấp, nghi ngờ khả năng của họ thông qua những lời nói, hành động mà chính mình cũng không hề nhận ra. 'Anh có chắc là anh đi đúng đường không? Anh biết thật không đấy?' v.v... Tôi làm chủ mối quan hệ nhưng không hề có chút đam mê và luôn đứng núi này trông núi nọ với câu 'Giá mà được như người yêu của người ta...' Và các mối quan hệ này cũng kết thúc không êm đẹp. Cả hai bên đều phải chịu những tổn thương.





Bùng nổ về cảm xúc là điều cấm kỵ vậy nên mọi thứ liên quan đến hay gợi nhắc đến việc này cũng là điều phải tránh với tôi. Mọi loại phim, truyện, hay tiểu thuyết với câu chuyện tình yêu bi thương, yêu chết đi sống lại, mong nhớ khắc khoải là tôi không bao giờ dám sờ đến. Có đọc thì cũng phải dở vội qua phần đau khổ, tổn thương nhất. Những câu chuyện nhẹ nhàng, ít cao trào, và có kết thúc tốt đẹp, những siêu anh hùng không có tình yêu, đơn thương độc mã chiến đấu với các thế lực tà ác mà vẫn sống đến khi hết truyện là thể loại mà tôi yêu thích. Sợ mà! Nên sợ tất cả các thứ liên quan hay gợi nhắc tôi về nỗi sợ đó.


Bên cạnh đó tôi luôn sử dụng sự lạc quan tích cực để áp chế đi nỗi sợ hãi. Dùng lý trí để làm tê liệt, đóng băng cảm xúc. Đây là một cơ chế hết sức tinh vi, khó nhận biết vì nó ẩn dưới cái vỏ bọc 'phản ứng nhanh nhẹn'. Cơ chế này được tôi nhận ra là bản thân sử dụng trong mọi tình huống khẩn cấp trong cuộc sống. Tôi sử dụng lý trí và các giải pháp để phủ nhận, dập tắt mọi nỗi sợ, mọi cảm xúc. Và tôi nhận ra nó rõ nhất nhờ vào hai trải nghiệm không mấy dễ chịu. Trải nghiệm đầu tiên là lần cháu tôi bị ngã rách đầu trong lúc chơi đùa trong một quán ăn. Bế nó đi cấp cứu với máu chảy ròng ròng ướt áo, tôi bình tĩnh đến kỳ lạ. Lúc đó trong đầu tôi chỉ có duy nhất một niềm tin là thằng bé nhất định sẽ không sao. Tôi gọi điện cho người nhà, rồi còn ngồi tính toán nếu trong trường hợp không may nhất thì tôi sẽ gọi cho ai và làm những gì. Đầu óc tôi lúc đó như một cái máy nhảy số không ngừng hết từ tình huống này đến giải pháp kia, và trên hết tôi vẫn luôn trấn an bản thân với suy nghĩ 'thằng bé nhất định không sao.' Và khi biết kết quả không có gì đáng lo, tôi cũng không thấy quá vui mừng, lại vẫn là suy nghĩ 'mình tin là thằng bé nhất định không sao mà.'


Trải nghiệm tiếp theo là chính tôi gặp tai nạn xe máy trên đường. Khi sang đường, một người đàn ông không tập trung đã tông mạnh vào đuôi xe máy của tôi khiến người, xe đổ mạnh xuống đường. Mới đầu tôi thấy đất trời chao đảo không hiểu điều gì vừa diễn ra. Nhưng ngay sau đó tôi đứng bật dậy, tự kiểm tra tay chân xem có bị tổn thương đến xương hay không? Có đau chỗ nào khác không? Còn quay ra nói lý lẽ với người đàn ông kia.


Sự việc trôi qua, ngồi nhìn lại tôi ngỡ ngàng vì sự vắng mặt của cảm xúc lo lắng, hoảng loạn mà đáng lẽ mình nên có trong những tình huống như vậy. Cảm xúc của mình đâu mất rồi? Rốt cuộc tôi có sợ hay không? Chắc chắn có! Vì tôi không bao giờ còn quay lại nhà hàng đó lẫn ngã tư đó, tôi luôn đi đường vòng; vì khi người nhà tới bệnh viện, khi phủi hết bụi bặm đi về đến nhà, đầu óc tôi trống rỗng và mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng; vì đôi khi tôi vẫn giật mình thảng thốt do những hình ảnh, âm thanh va chạm thoáng qua trong đầu. Một vòng tròn khép kín hoàn hảo của sự né tránh. Việc đóng băng cảm xúc ngay trong tình huống đó khiến tôi không nhận diện và kết nối được với cảm xúc của chính mình. Do vậy nó vẫn luôn âm thầm ở đó, nhức nhối và trở thành cái bóng ám ảnh lên tôi. Nó trở thành những nỗi sợ chưa được gọi tên.





Cứ như vậy, dần dần trong tôi là một thế giới của những nỗi sợ chưa được gọi tên đó. Việc thường xuyên khống chế cảm xúc một cách vô thức để không rơi vào tình trạng ‘quá’ lại càng khiến tôi rất dễ rơi vào trạng thái đó. Dù bên ngoài luôn tỏ vẻ là mình ổn, nhưng bên trong tôi luôn phải vật lộn với những cảm xúc bấp bênh, trống rỗng. Có những lần tôi một mình òa khóc không rõ lý do, lòng nặng những nỗi buồn vô cớ.


Trong màn sương dày đặc này, việc ghi chép hằng ngày đã giúp tôi rất nhiều. Nó giúp tôi soi chiếu, nhận ra được những khuôn mẫu hành xử bên ngoài, nhờ đó tôi đã có thể liên kết, xâu chuỗi lại và điểm mặt gọi tên những cơ chế tránh né mà bản thân đã và đang mắc phải. Ngay như lúc này đang ngồi viết những dòng chia sẻ này với các bạn, cũng là nhờ vào hành trình ghi chép mỗi ngày đó.


Các cảm xúc tiêu cực là bản năng tự nhiên và chúng thực sự cần thiết. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ về những điều ẩn sâu trong con người chúng ta. Chúng cần được nhận biết và quan sát rõ ràng.




Hãy biết là mình đang giận dữ, đang đau khổ, v.v.... Hãy để nó diễn ra tự nhiên. Mỗi lúc thấy bản thân nổi giận, tôi luôn tìm cách tránh đối đầu, rút lui khỏi tình huống để bảo đảm mình không thiêu đốt bản thân và người khác trong ngọn lửa của sự giận dữ và làm ra những hành động, lời nói không thể vãn hồi. Làm như vậy tôi thấy mình đã không tiếp thêm năng lượng cho nó và có thể dễ dàng tiếp cận nó hơn.


Tôi đã bắt đầu chạm tới ngưỡng của cảm xúc bùng nổ, đó là trốn vào không gian riêng, có thể la hét, khóc thương cho bản thân mình mà không còn những phán xét, buộc tội vì đã trót phạm phải điều cấm kỵ – những điều cấm kỵ rất con người.


Tác giả: Mộc Yên


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT


(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”


(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: 

http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan