[VĐTT] Chiến thuật “Chiếc bóng”

Hãy quan sát cách bạn phản ứng lại một tình huống không mong muốn. Bạn có đang biến mình và người khác thành những cái bóng câm lặng, đứng trước nhau mà chẳng thể nào chạm được tới nhau hay không?

Chiến thuật “Chiếc bóng”


Có bao giờ bạn nhận thấy mình ở trong tình huống đứng trước một người, mình cố gắng trò chuyện, gây sự chú ý nhưng người đó làm ra vẻ không chú ý. Cả hai người không vô hình. Bạn nhìn thấy họ, họ cũng vẫn nhìn thấy bạn, thấy mọi hành động, mọi nỗ lực của bạn nhưng biểu hiện của họ ngụ ý xem bạn và chính họ như những chiếc bóng - như chẳng thể giao tiếp, chẳng thể nhìn thấy nhau.


Đã hai ngày rồi mẹ không nói chuyện với tôi! Khi tôi chủ động nói chuyện, mẹ không trả lời lại tôi. Nếu tôi có đưa vật gì thì mẹ tôi sẽ cầm lấy, rồi sau đó vứt món đồ đó, hoặc đặt nó rất mạnh xuống một chỗ tùy tiện. Không giao tiếp bằng lời, không giao tiếp bằng mắt, phóng chiếu năng lượng phá hủy ra xung quanh như đồ vật, những người yếu thế hơn, v.v… (trừ chính đối tượng mà họ muốn truyền đạt tới) để bày tỏ sự phản đối một việc gì đó, tôi gọi đó là chiến thuật “Chiếc bóng”.




Đó là chiến thuật tạm ngừng giao tiếp dưới mọi hình thức, coi đối tượng kia như một chiếc bóng, đồng thời cũng nhằm biến mình thành một chiếc bóng ám ảnh đối với người kia. Và đây là một chiến thuật yêu thích của bố mẹ tôi, đặc biệt là mẹ tôi.

 

Trước bố tôi, mẹ tôi không thể phản kháng. Mẹ tôi cam chịu chấp nhận mọi điều bố tôi đưa ra dù mẹ tôi có thích nó hay không, thấy nó hợp lý hay vô lý. Dù vô lý mẹ tôi cũng vẫn luôn làm theo và kết quả là bố tôi sẽ lại mắng mẹ tôi là không biết suy nghĩ gì hết. Khi không thể và không dám phản kháng bằng hành động hay lời nói phản biện lại bố tôi, mẹ tôi sẽ áp dụng chiến thuật Chiếc bóng để thể hiện sự giận dữ, sự phản kháng của mình. Và tôi trở thành đối tượng hứng chịu sự giận dữ đó.

 

Tôi một đứa trẻ, không hề hay biết gì về những vấn đề phức tạp của người lớn, vẫn vui vẻ chạy đến nói chuyện với mẹ, đáp lại tôi là một khuôn mặt lầm lì, cau có, mẹ tôi coi như không nghe, không nhìn thấy tôi, tiếp tục công việc của mình. Tôi nghĩ mẹ chưa nghe thấy, lại tiếp tục gọi, lại tiếp tục câu chuyện không đầu không cuối của mình. Vẫn im lặng không hồi đáp. 'Mẹ không nghe thấy mình sao? Mình nói to thế cơ mà! Mình có làm gì sai đâu!', vô vàn câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi. Tôi thật sự bối rối. Đứng đó im lặng một lúc lâu mẹ vẫn không trả lời hay nhìn tới mình, tôi lủi thủi rời đi trong xấu hổ ê chề với suy nghĩ là ‘Tại mình không ngoan, không biết làm mẹ vui lòng nên mẹ mới ghét mình.’




Những vụ cạch mặt như này diễn đi diễn lại đến mức nó thành một phản xạ có điều kiện trong tôi, chỉ cần nghe thấy bố mẹ to tiếng, hoặc nếu từ ngoài bước vào nhà thấy mặt mẹ tôi nặng trịch là lòng tôi đã thấp thỏm, sau đó dù không làm điều gì sai, thậm chí đang làm một việc tốt như làm việc nhà, nấu cơm thì tôi vẫn phải len lén quan sát thái độ của mẹ mình.

 

Và chiến thuật này ăn sâu bám rễ trở thành truyền thống trong gia đình tôi. Tôi áp dụng chiến thuật này với chính em mình, bố mẹ mình, người yêu mình, bạn bè mình. Rồi em gái tôi cũng tương tự.

Chúng tôi đã không được biết cách thức nào khác để phản kháng, để bộc lộ ý kiến của mình ngoài cách mà chúng tôi đã được học thông qua bố mẹ mình.


- Này trường mình tổ chức giải bóng đá nữ cho khối lớp 6, tớ đã ghi tên cậu vào danh sách đội bóng lớp mình.


- Không! Không! tớ không thích đâu. Tớ không tham dự đâu.


- Tớ ghi tên rồi, cậu tham gia nhé.


… Im lặng. Mấy ngày qua đi, đến hôm cuối cùng chốt danh sách.


-Cậu không thích à? Hay làm thủ môn nhé, không bị va chạm, tranh chấp nhiều.


… Im lặng.


- Đồng ý hay không nói một câu xem nào. Này…


Câu chuyện năm lớp 6 hiện lên trong tôi thật sống động. Và thay vì thuyết phục và khẳng định với bạn lớp trưởng là mình không tham gia thì tôi đã áp dụng chiến thuật Chiếc bóng ngớ ngẩn. Tôi kiên trì không trả lời bạn ấy đến tận phút cuối cùng và tôi cũng không hỏi về việc bạn ấy có xếp tôi vào đội hình hay không hoặc có tìm được ai thay thế không. Lúc đó tôi rất sợ việc dù tôi có phản đối thì tôi vẫn không thành công, tôi vẫn phải tham gia vào đội bóng. ‘Kinh khủng quá! Phải cho nó thấy sự phản kháng quyết liệt của mình. Phải im lặng!’


Thật may mắn là tôi đã có thể nhìn ra những khuôn mẫu trong cách hành xử của chính mình và những người trong gia đình để giờ đây ngồi viết những dòng chia sẻ này.




Cách thức này gây ra tổn thương tâm lý, làm bế tắc cảm xúc cho cả "chiến lược giả" và nạn nhân của họ. Áp dụng chiến thuật này thường là những người yếu đuối, cô đơn về mặt tâm lý và yếu thế về mặt thể chất lẫn vị thế. Trong họ tràn đầy những nỗi sợ và nỗi sợ lớn nhất là phải trực tiếp đương đầu với khó khăn, với khổ đau. Vì quá sợ nên không dám cất lên tiếng nói của mình để bày tỏ ý kiến, để phản kháng, để tranh đấu. Vì quá sợ, để tránh nỗi đau tiềm tàng họ lựa chọn im lặng. Nhưng cũng phải có cách để bắn đi tín hiệu là bản thân họ không hài lòng chứ, chiến lược Chiếc bóng là phù hợp nhất. Họ trừng phạt người khác, để khiến cho người khác cảm thấy dằn vặt về những hành động của mình, đồng thời họ cũng gây tổn thương cho chính mình. Sự giận dữ, chống đối không được bộc lộ lâu dần sẽ tích tụ khiến họ bất mãn, bế tắc, u uất, nghiêm trọng hơn là dẫn tới bệnh tật về mặt thể chất. Hoặc họ sẽ vô thức trút cảm xúc tức giận bất mãn đó lên những đối tượng yếu thế hơn họ như con cái, bố mẹ, bạn bè, v.v... Đều là những người mà họ thương yêu.

 

Gây ra những hậu quả nặng nề, vậy chiến thuật này có hiệu quả hay không? Tôi xin được tiết lộ là mỗi lần mẹ tôi áp dụng chiêu này, bố tôi sẽ quay ra bảo với tôi đang ngơ ngác là “Mẹ mày tính dở hơi như vậy đấy!”. Như vậy đó, người chồng mà mẹ tôi nhắm đến để mong bày tỏ sự phản kháng thì vẫn không hề nhận ra được vấn đề cốt lõi và đứa trẻ là tôi lại nhận lấy những tổn thương ám ảnh.

 

Cả thời ấu thơ cứ phải len lén nhìn sắc mặt của bố mẹ mà không dám đưa ra câu hỏi đã tạo ra một rào cản tâm lý ngăn trở tôi với việc biểu đạt tự do những ý kiến của mình. Tôi luôn cảm thấy hồi hộp khi bày tỏ những quan điểm của bản thân, mỗi lúc như vậy tôi lại phải âm thầm quan sát thái độ của những người xung quanh. 'Họ có ủng hộ mình không? Họ có ghét bỏ/chế nhạo mình không khi mình nói như vậy không?'

 

Tôi đã từng tuyệt giao với người bạn thân nhất trong vòng một năm trời vì người bạn đó đã lựa chọn công việc thay vì tham dự một sự kiện quan trọng của tôi. Trước đó bạn tôi cũng đã báo lại cho tôi, nhưng tôi im lặng. Vào ngày đó bạn tôi có nhắn tin, gọi điện nhưng tôi đã không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, cắt đứt mọi liên lạc. Nguyên một năm trời cơn giận dữ mới nguôi ngoai, tôi chủ động gọi lại cho bạn. Câu đầu tiên bạn tôi trả lời đã khiến tôi rơi nước mặt: “

Cậu có biết là cậu làm như vậy khiến tớ buồn lắm không? Cậu không cho tớ một cơ hội để giải thích.

” Vào giây phút đó tôi đã nhận ra mình đã sai rồi và chiến thuật này tồi tệ đến mức nào.





Chính tôi đã tự mình phá hủy cơ hội được nói lên cảm xúc của bản thân, phá hủy cơ hội được giải thích của người bạn và hơn hết phá hủy cơ hội để kết nối, hiểu về nhau sâu sắc hơn giữa hai người.

 

Hãy quan sát cách bạn phản ứng lại một tình huống không mong muốn. Bạn có đang biến mình và người khác thành những cái bóng câm lặng, đứng trước nhau mà chẳng thể nào chạm được tới nhau hay không?


Người viết: Mộc Yên

*

) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 


h

ttp://bit.ly/CuocthiVDTT


(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”


(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: 

http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan