[VĐTT] CHUYỆN CỔ TÍCH VỀ CÁI BÓNG

Đôi khi mình thấy lạ, đọc truyện cổ tích quà tặng cuộc sống mà như nghe truyện cổ Andersen. Cũng bởi vì đọc với trí óc và tâm thế của một người vừa mới bước qua ngưỡng tuổi trưởng thành.

Mẩu chuyện thứ nhất:


Nhớ ngày lớp 10 học “Chuyện người con gái Nam Xương”, mình chỉ được nghe về những phê phán người chồng không tỉnh táo, hiểu lầm người vợ, dẫn đến bi kịch, lên án chiến tranh. Người cha đi chiến trận đúng lúc người vợ mang thai đứa con đầu lòng. Ngày qua tháng đoạn, vì không muốn con không biết đến cha, hằng đêm người mẹ đều chỉ vào cái bóng của mình trên tường và bảo đó là cha. Ngày trở về, người chồng đem theo những hân hoan được gặp con, nhưng hình như chiến tranh cũng làm con người thù hận nhiều hơn, tỉnh táo vơi đi ít nhiều, đâm ra hiểu lầm vợ gian díu mà xảy ra chia ly, mất mát. 



Cái bóng tưởng chừng như vô hại mà lại vừa đem đến tình thương, vừa là khởi nguồn của đau khổ. Đó là khi chúng ta nhận thức sai về cái bóng. Cái bóng của mẹ che chở đứa con, nhưng tình yêu thương được nhìn dưới con mắt quen với hận thù, chiến đấu dần trở nên lệch lạc, gây tổn thương cho cả người được bảo vệ (đứa trẻ giờ mồ côi mẹ) lẫn người cho đi sự thấu hiểu (không còn thấy bóng dáng người con gái Nam Xương nữa). Cái bóng của mình, ai ngờ nó sẽ phản bội chính mình? 


Xuyên suốt câu chuyện, cái bóng không lên tiếng, cái bóng không cất lời. Im lặng đôi khi không phải là vàng, và đôi khi im lặng lại có tác động rất lớn. Trong câu chuyện này, im lặng mang cả hai. Cái bóng của người mẹ dường như vội vàng, nông nổi, hoặc sâu hơn là không thực sự hiểu chính mình, chính hành động của mình để tìm cách thanh minh. Yêu thương nên nói thành lời. Nếu có gửi gắm ở một thứ không bao giờ lên tiếng nhưng lại tiềm ẩn nhiều khả năng, thì nên xem xét việc đặt tình thương như thế liệu có phải là cách duy nhất, cách phù hợp nhất không. Trong cuộc sống hiện đại, những cái bóng ngày càng lướt qua nhau nhanh hơn, người ta sẽ càng ít dừng lại để nghe nhau giãi bày, càng không biết khi nào nên trao đi tình cảm thực khi luôn hoài nghi sự đáp lại là khổ đau. Chúng ta sẽ chẳng thể trách ai vì điều gì, chỉ có chính mình là cứu lấy mình, tin vào mình và trở thành mình mà thôi. 


______________________________________________________________________________________________________


Mẩu chuyện thứ hai:


Câu chuyện về rùa con muốn bay như những chú chim, nhờ chim đại bàng dạy mình cách bay. Khác với “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, chuyện chim đại bàng dạy rùa bay dường như là không thể. Nhưng rồi, rùa cũng được lên cao hơn hẳn so với những ngày bò chậm chạp dưới mặt đất. Tưởng chừng khi lên cao, nhìn xuống đất thấy bóng dáng mình to lớn đang sải cánh, nghĩ mình đã biết bay, đòi anh đại bàng thả ra để tự lực cánh sinh. Không thể thoát khỏi móng của đại bàng, rùa ta phản kháng, và cuối cùng rơi xuống đất, đau điếng.


Rùa sẽ không bao giờ biết bay được. Rùa chẳng thấy vẻ đẹp những đồi cỏ, những bãi nước thanh bình dưới mặt đất mà chỉ ngóc đầu trông đợi và cầu mong về một bầu trời cao xa, mãi mãi không với tới được. Tưởng rằng biết bay thì sẽ nhanh hơn thỏ, nhưng ăn gian thì chưa biết chừng sẽ nhận lại những bài học nhớ đời. Trong cuộc sống, chúng ta thường lầm tưởng khi bản thân cố gắng nỗ lực để trở thành người khác, mình sẽ thành công giống họ, nhưng thực chất, mình đang ảo tưởng, mình chỉ là cái bóng của họ, là bản sao. Cái bóng mà rùa nhìn thấy dưới mặt đất đâu phải của nó, mà nó đã bị lấn át bởi thứ “hơn” nó. 


Khi chạy theo những thứ vốn dĩ không phải tự nhiên của mình, phiên bản cuối cùng mình đạt được có lẽ sẽ không làm ta thỏa mãn. Đó là thứ mà chỉ cần có biến cố (ngã từ trên cao) là mình sẽ thất bại (bị thương). Khi không còn hình mẫu, khi những giá trị đích thực sâu bên trong bản thân bị bỏ quên hay đột nhiên bị mâu thuẫn, mình sẽ ko biết dựa vào đâu để cạnh tranh với bầu trời, và thất bại. Nếu không hiểu rõ chính mình mà mơ mộng về những điều quá tầm với, thứ chúng ta nhận về sẽ không phải sự công nhận mà là sự mệt mỏi, buồn khổ và cô đơn, lạc lối trong chính ước mơ của mình. 



Xưa mình hay được nghe chuyện rùa và thỏ, giờ nghe chuyện rùa và chim đại bàng, thấy thật thú vị khi có hai góc nhìn khác nhau. Một chú rùa chấp nhận sự yếu kém của bản thân và cố gắng hết sức mình, cuối cùng giành chiến thắng. Một chú rùa khác “nhảy cóc”, không bao giờ khổ luyện mà muốn có được thành công ngay tức thì, cuối cùng không nhận về bất kì giá trị gì. Một chú rùa tìm về nội lực của bản thân để vượt qua khó khăn, chú kia lại nhờ cậy vào sự giúp đỡ của người khác khi không biết đó có phải sự trợ giúp đúng đắn hay không. Vậy mới thấy, có khi tin vào chính mình lại là quyết định sáng suốt nhất, bởi ta không biết sẽ gặp ai trên đường đời. Hầu hết những quyết định đều dựa vào cảm tính (đánh giá chủ quan rằng chim đại bàng sẽ dạy mình bay được, hơn là chim bồ câu) mà ít khi thấu hiểu tường tận lí do mình chọn lựa. Nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp, mình phải thử, phải chấp nhận ngây ngô để có được những bài học đắt giá, để giác ngộ.


Chuyện con rùa muốn biết bay có lẽ sẽ “dở” nếu đại bàng cứ tiếp tục mang rùa dưới cặp chân của nó, bởi điều đó là không thể. Không người nào sẽ chịu trách nhiệm cho những việc xảy đến với bản thân ta ngoài chính mình. Sự biết bay của đại bàng là thứ rùa hằng mong muốn, nhưng điều đó không có nghĩa là đại bàng phải thôi không biết bay để rùa bớt ảo tưởng. Nói cách khác, người thành công vẫn sẽ tiếp tục tiến trên con đường của riêng mình, không quá để ý ai ghen tị với mình hay có nghĩa vụ giảm bớt sự chênh lệch đó. Chỉ có chính mình là cần nhận thức rõ ràng về đặc điểm, về sự hiện diện của bản thân trên đời, tìm ra hướng đi của riêng và là duy nhất. 


Cuối cùng, nếu chuyện “rùa và đại bàng” là phần sau của chuyện “rùa và thỏ” thì sẽ cho thấy: rùa ta không thỏa mãn sau chiến thắng với thỏ mà tiếp tục thử thách bản thân (muốn biết bay), đó là điều tốt. Nhưng nếu không may, ta gặp phải việc quá muốn thử cái mới mà không biết mục đích của việc đó là gì, thì rất có thể, ta sẽ bị sự tham lam làm cho chệch hướng.


Cái bóng là không thể tách rời. Muốn sống một cuộc đời đúng nghĩa, ta cần chấp nhận và nhận thức nó một cách tỉnh táo, đa chiều, cần dừng lại đôi chút, quay vào trái tim và nghe nó nhiều hơn nữa. 


Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: shorturl.at/pzO07

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan