[VĐTT] Cuộc đời tái bản

“Tự truyện cuộc đời bạn, bạn chính là tác giả, đừng để ai nắm chiếc bút của bạn. Bạn không phải là phần hai của ba mẹ, không phải tuyển tập của định kiến xã hội, càng không phải là phiên bản tái bản của người khác.”

CUỘC ĐỜI TÁI BẢN

 

“Tự truyện cuộc đời bạn, bạn chính là tác giả, đừng để ai nắm chiếc bút của bạn. Bạn không phải là phần hai của ba mẹ, không phải tuyển tập của định kiến xã hội, càng không phải là phiên bản tái bản của người thân.” 


Chắc hẳn, mỗi chúng ta đã từng nhiều hơn một lần được gia đình, bạn bè, thầy cô dùng kỳ vọng vẽ giúp cho một con đường tương lai.

Không biết các bạn thì sao, nhưng tôi đã quá quen thuộc với câu nói này của họ hàng trong nhà: “Cố gắng học giỏi để tốt nghiệp, tìm một công việc ổn định rồi lấy chồng, sinh con. Sống một cuộc đời bình thường mà bình yên là được rồi con ạ”. Mỗi lần được khuyên răng như thế tôi chỉ biết dùng nụ cười làm câu trả lời. Thật ra tôi rất muốn hỏi rằng họ quan niệm: “Một công việc ổn định là như thế nào? Cuộc đời bình thường mà bình yên mà họ thường nói đến là một cuộc đời ra sao?”.


Mỗi khi có kỳ nghỉ từ thành phố trở về quê, tôi hay nhận được câu hỏi “Học xếp loại gì? Có rớt môn nào chưa? Sau này, ra trường làm công việc gì?”, mọi người thắc mắc rất nhiều về cuộc sống của tôi ở thành phố nhưng chưa một ai hỏi tôi “Ước mơ của con là gì? Muốn sống cuộc đời như thế nào? Sống có hạnh phúc không?”. Thay vì nhận được sự quan tâm từ người thân thì tôi cảm thấy mình thường xuyên được “ăn hỏi” nhiều hơn.



Một mình sinh sống và học tập ở thành phố lớn như Sài Gòn, hai năm qua tôi học hỏi được rất nhiều: cách tự lập, cách bảo vệ bản thân, cách ứng xử, tầm quan trọng của các mối quan hệ và đặc biệt là sức nặng của đồng tiền, ngày qua ngày tâm tư của tôi chất cao như những tòa nhà cao tầng của thành phố này vậy.


Cuối tuần, sau mỗi buổi học tôi hay ngồi ở cửa hàng tiện lợi quen thuộc, bên cạnh một ly nước, một quyển sổ, một cây bút và lặng người suy nghĩ về cuộc đời, về cuộc sống này, về ước mơ của mình và những câu nói quen thuộc mà người thân hay nói với tôi về lối đi tương lai rồi lại nhìn ra dòng người tấp nập ngoài kia và tự hỏi “Liệu những người ngoài kia đang sống cuộc đời của riêng họ hay trở thành cái bóng cuộc đời của người khác?”. Mỗi ngày, họ phấn đấu vì ước mơ của riêng mình hay chọn một cuộc đời được xem là lý tưởng: nhiều tiền, nổi tiếng, thành công, có nhà có xe, dùng đồ hiệu để phấn đấu theo? Có phải ít nhiều họ đang trở thành cái bóng của người khác chứ không có được một hình hài của riêng mình.  


Tôi nhìn lại cuộc đời của bà tôi, mẹ tôi, út, cô, chú, cậu mợ trong gia đình thấy mỗi người đều có một cuộc sống riêng, một gia đình nhỏ, một công việc khác nhau nhưng họ có một vòng lặp cuộc đời giống nhau: “lớn lên – đi học - đi làm – lấy chồng/ lấy vợ – sinh con – làm ba/ làm mẹ - chăm lo gia đình - mỗi ngày chật vật, lo lắng cho gia đình, lo cơm áo gạo tiền”. Thoáng nhìn ai cũng nghĩ mỗi người đang sống một cuộc đời khác nhau nhưng thật ra nhìn kỹ lại thì tất cả đang sống cùng một cuộc đời ở những nơi khác nhau.



Tôi gọi đó là “cuộc đời tái bản”, cuộc đời như một quyển sách vậy, quyển sách được sự đón nhận của độc giả, được yêu thích và phiên bản gốc được tái bản hết lần này đến lần khác. Đúng, chính là một cuộc đời như vậy, không chỉ người thân của tôi mà có biết bao nhiêu người ở ngoài kia chắc hẳn cũng đang sống một cuộc đời như bản sao của người khác. Và thế hệ này truyền lại tư tưởng cho thế hệ sau là hãy sao chép nội dung chính: sống một cuộc đời bình thường mà bình yên của quyển sách “cuộc đời tái bản” vào bản thảo cuộc đời mình đi, như cái cách người thân của tôi hay khuyên bảo tôi vậy. Tôi càng nghĩ, càng thắc mắc “Tại sao họ lại có thể chấp nhận mình trở thành bản sao của người khác dễ dàng như vậy? Điều gì đã thỏa hiệp được họ? Tại sao quyển sách cuộc đời họ lại để người khác cầm bút?”.


Tôi đã chứng kiến quá nhiều trường hợp những người thân quen xung quanh tôi bằng lòng đưa chiếc bút cuộc đời mình cho người khác. Những người mẹ chỉ chăm lo cho gia đình mà quên đi sở thích của bản thân, đi chợ luôn mua cho mình những món đồ rẻ nhất, cái áo xinh nhất thì mua cho con gái, coffee loại nhất thì mua cho chồng.


Đàn chị cùng trường của tôi vốn dĩ học rất giỏi, chị ấy còn muốn đi du học Anh, còn rất nhiều hoài bão muốn thực hiện nhưng đành ngậm ngùi gác lại ước mơ mà thỏa hiệp với cuộc sống, lấy chồng sau khi tốt nghiệp, làm một cô nhân viên văn phòng bình thường, hằng ngày đi đi, về về căn trọ nhỏ mà để lại ước mơ của mình nơi giảng đường.


Còn cô bạn của tôi, một cô nàng xinh xắn, giỏi Văn, muốn lên Sài Gòn học đại học ngành Văn học nhưng vì gia đình cô ấy sợ nơi đất khách quên người nhiều cám dỗ, lo lắng không ai thân thích, sợ tiền học phí đắt đỏ, sợ cô bị lừa gạt và hàng tỉ tỉ nỗi sợ khác mà không ủng hộ cô, người nhà cô khóa lại giấc mơ của cô bằng ổ khóa mang tên nỗi sợ. Người nhà đưa ra thỏa hiệp an toàn với cô là hãy học một trường đại học ở quê, ở nhà với ba mẹ, chọn ngành dễ tìm việc làm, sau này ra trường có người nhà giới thiệu việc làm cho cô, không cần lo thất nghiệp hay cơm áo gạo tiền. Thế là cô bạn của tôi cũng chấp nhận thỏa thuận với gia đình, đặt bút ký thỏa hiệp sống một cuộc đời tái bản, còn ước mơ của cô ấy chỉ có thể sống trong những trang nhật ký ngày cũ mà thôi.


Đàn chị tôi quen, cô bạn của tôi hay những người cũng thỏa hiệp sống như thế, không biết đã bao giờ họ hạnh phúc với quyết định của mình chưa? Tôi biết ai cũng mong có được một cuộc sống tốt, bình yên và hạnh phúc nhưng nếu lúc trời cũng nắng ráo thì cả vùng đất sẽ thành sa mạc mất. Chúng ta cần đi qua những ngày bão để trân trọng hơn những tia nắng, cần có mục tiêu, ước mơ để sống có ý nghĩa, những trải nghiệm, ước mơ ngày trẻ sẽ làm rực rỡ khu vườn thanh xuân của mỗi người.



Người thân của tôi chưa bao giờ hỏi tôi ước mơ của tôi là gì, tôi vốn không phải là một người hoạt bát nên cũng chẳng tha thiết kể với ai về ước mơ của mình. Thế là ngoài tôi ra chẳng ai biết rằng tôi muốn trở thành một tác giả, tôi muốn viết sách. Tôi tôn thờ giá trị của con chữ, của văn chương, tôi đọc nhiều sách, từ những quyển sách nhỏ tôi mong bản thân có thể trở thành một quyển sách lớn, mỗi ngày tôi cầm trên tay quyển sách của những tác giả khác nhưng tôi khao khát trong tương lai tôi có thể cầm trên tay quyển sách của chính mình. Tôi viết mỗi ngày, tôi đọc mỗi ngày, tôi cố gắng mỗi ngày để trở thành một tác giả thì làm sao tôi chấp nhận được việc cuốn sách cuộc đời mình lại để người khác cầm bút? Làm sao tôi chấp nhận được việc sống một cuộc đời tái bản như người thân của tôi đã và đang sống?


Tôi là chính tôi, là bản thể duy nhất trong xã hội đại trà này. Tự truyện cuộc đời tôi, tôi là tác giả, tôi nắm chiếc bút. Tôi không phải phần hai của ba mẹ, không phải tuyển tập của định kiến xã hội, càng không phải là phiên bản tái bản của người khác. Tôi không muốn sống cuộc đời: đi học – đi làm – lấy chồng – tìm một công việc ổn định, mỗi ngày đi làm mấy giờ, về nhà lúc mấy giờ, nghỉ phép bao nhiêu ngày đều do người khác quy định sẵn hay rơi vào vòng xoáy “sống để kiếm tiền hay kiếm tiền để sống?”. Tôi biết cái giá phải trả khi đi ngược lại quy luật của đám đông, con đường tôi chọn gian nan bao nhiêu và phải đối diện với bao lời trách mắng, bình phẩm của người khác nhưng tôi thà sống khó khăn để viết nên cuốn tự truyện cuộc đời mình còn hơn là trở thành bản sao của người khác, trống rỗng, vô vị, chỉ là một quyển sách tái bản được đặt ở một cái kệ khác.


Tôi xin phép không đưa bản thân mình vào guồng quay vốn có của xã hội. Từ chối sống một cuộc đời tái bản. Tôi có lý tưởng của riêng mình, có con đường của riêng mình. Sau khi hoàn thành chương trình bậc đại học, tôi muốn học tiếp cao học, học và học sâu hơn nữa về tâm lý con người. Bên cạnh đó, tôi sống để viết và viết để sống, tôi muốn trở thành một tác giả trẻ mà câu từ của tôi có thể chạm đến ranh giới của cảm xúc, trang văn của tôi có thể chữa lành những vết thương vẫn đang cháy âm ỉ trong tâm hồn của mỗi người, hay xa hơn là “một nhà văn nữ cường, không lập gia đình, sống một mình thật oách đến già” như nhà văn Sohn Won – Pyung đã từng viết.


Tự truyện cuộc đời tôi, tôi chính là tác giả, chiếc bút do chính tay tôi cầm, hay hay dở, tốt hay xấu cũng do chính tôi chịu trách nhiệm.


Tác giả: Young

Ảnh: tác giả chụp và sưu tầm

Theo dõi tác giả tại: https://www.facebook.com/hongphan.le.077

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan