[VĐTT] Để Thấu Hiểu Bản Thân: Quan Sát Và Thành Thực

Thales, nhà triết học Hy Lạp cổ từng được đặt câu hỏi: “Khó khăn là gì?”. Và ông trả lời: “Là tự thấu hiểu bản thân mình!”. Tôi không định và cũng không có khả năng nói một điều gì …

Thales, nhà triết học Hy Lạp cổ từng được đặt câu hỏi: “Khó khăn là gì?”. Và ông trả lời: “Là tự thấu hiểu bản thân mình!”.

Tôi không định và cũng không có khả năng nói một điều gì mới mẻ hơn hẳn những bí quyết đã được chia sẻ trên internet. Search cụm từ “Thấu hiểu bản thân” trên trang tìm kiếm Google thu về hơn 14 triệu kết quả trong 0.36 giây. Một số cách để thấu hiểu bản thân được cho là: xác định và tạo dựng hệ giá trị của bản thân, biết được tính cách của bản thân, biết được ước mơ của bản thân, biết được mình thích gì và không thích gì, lắng nghe cơ thể. Ngoài ra sẽ có nhiều thủ thuật nhỏ khác. Mỗi “hướng dẫn” như vậy đều sẽ có những điểm riêng nổi trội. Người viết chỉ đề cập đến khía cạnh mà các nhân người viết cảm thấy là khía cạnh phổ quát trong nhiều “hướng dẫn” đã được chỉ ra: quan sát và thành thực.

Cho đến khi có trải nghiệm, những khía cạnh khác nhau về bản thân mới dần được lật mở. Nhưng cần quan sát để thu thập những “bằng chứng” cho sự thấu hiểu. Chẳng hạn việc tôi nhận ra bản thân là một người thiếu quyết đoán. Tôi “chứng minh” được điều này sau khi trải qua đôi ba lần do dự và phải trả giá. Sự do dự của tôi đi kèm với những biểu hiện: hỏi ý kiến của rất nhiều người (mặc dù đều là những người tôi rất tin tưởng), vừa quyết chọn A thay vì chọn B thì đã cảm thấy hối hận, ngồi tỉ mỉ vạch ra ưu nhược của A và B nhưng vẫn không quyết được mình nên làm gì. Thậm chí có những “bằng chứng” ngớ ngẩn hơn cả: bốc thăm J, xem Tarot quá đà. Nhờ có những bằng cớ này, tôi hiểu mình là người thiếu quyết đoán.

Sau đó, tôi đi vào giải quyết từngbiểu hiện. Tôi không tìm đến Tarot nữa vì cảm thấy bản thân dễ bị ảnh hưởng. Đứngtrước mỗi lựa chọn quan trọng, tôi dành ra một khoảng thời gian, không gian màbản thân cảm thấy thoải mái nhất, vẫn ngồi tỉ mỉ vạch ra ưu nhược điểm của từnglựa chọn, nhưng tôi đặt deadline cho mình: phải đưa ra lựa chọn – sau khi kếtthúc khoảng thời gian cho phép. Sau khi đã có quyết định, tôi bắt đầu hỏi ý kiếncủa những người mà bản thân tin tưởng. Nghe có vẻ ngược đời, quyết xong rồi thìhỏi làm gì? Nhưng với tôi, đây là cách để tôi tránh cho quyết định của bản thânphải chịu nhiều tác động ngoài luồng. Quyết định trước, rồi mới hỏi ý kiến mọingười, khi đó tôi tìm đến mọi người để có thêm những góc nhìn, chứ không phải đểlung lay quyết định. Tôi biết thêm được là: à, lựa chọn A mà mình chọn có mộtvài rủi ro mình chưa nhận ra, nên bổ sung thêm. Từ đó có trong tay một bứctranh rộng lớn hơn. 

Từ việc quan sát cách hành xử, phản ứng của bản thân trong những trường hợp khác nhau, tôi có thể đưa ra một vài nhận định về bản thân. Trong học tập, công việc, trong các mối quan hệ, việc quan sát giúp tôi dần hiểu được bản thân thích làm gì, thích công việc như thế nào (chẳng hạn nhiều hay ít tương tác với con người), hợp với kiểu người như thế nào. Tất nhiên, vẫn chỉ là dần dần thôi, chưa thể hiểu hết được.

Đây cũng là một trong những lý do khiến việc viết nhật ký được khuyến khích. Bởi vì việc quan sát trong suy nghĩ có thể không rõ ràng, nhanh đến nhanh đi. Nhưng khi dành thời gian để viết, để quan sát thông qua việc viết, ta phải hồi tưởng lại trải nghiệm, sắp xếp suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Mọi ý nghĩ, tư tưởng trở nên rõ ràng khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ. Khi người ta có thể truyền tải một ý niệm, một tư tưởng bằng ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc, khi đó mới là lúc người ta thực sự hình thành tư tưởng đó trong tâm trí. Trước khi những ý nghĩ được biểu hiện thành ngôn ngữ, chúng chỉ là những ý nghĩ mơ hồ không rõ ràng, không phải tư tưởng hay hiểu biết thực sự. Khi người ta nỗ lực tìm kiếm từ cần thiết để diễn đạt cũng là quá trình làm cho ý nghĩ, khái niệm trở nên rõ ràng, hay nói một cách khái quát hơn, chính là quá trình tư duy để hình thành tư tưởng, chiêm nghiệm.

Nhưng sự quan sát cần đi đôi với thành thực. Nhiều lúc sự quan sát của chúng ta không đáng tin như chúng ta tưởng. Chúng ta dễ dàng thêm vào sự quan sát của mình những cảm xúc, tình cảm, sự thiên vị. Giả dụ thay vì nhìn nhận khuyết điểm thiếu quyết đoán của mình, tôi lại viện lý do rằng đây là lựa chọn hệ trọng nên mình quyết định lâu và do dự là bình thường.

Tập thành thực với chính mình, tập đối diện với chính mình. Trong cuốn “12 quy luật cuộc đời”, quy luật thứ 9 mà tác giả Jordan B. Peterson đề xuất là: hãy nói sự thật, chí ít cũng đừng nói dối. Bởi vì những lời nói dối tưởng chừng vụn vặt và nhỏ nhặt nhất cũng nguy hiểm, nó có thể là những góp nhặt đầu tiên hình thành một lời nói dối lớn. Có thể việc thành thực với người khác sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như hoàn cảnh, tình trạng mối quan hệ, suy nghĩ đến cảm nhận của đối phương, nhưng với chính mình thì không có lý lẽ nào để không thành thực cả. Nhưng thực tế là, dẫu với việc viết nhật ký thì lắm lúc chúng ta cũng nói dối ngay cả khi biết chẳng ai đọc, chẳng ai biết.

Nhưng hãy thành thực. Chỉ có mình mình biết thôi – mình mình biết là mình cũng có lúc tồi tệ và ích kỷ thế này đây. Mình nhìn nhận được những lúc tồi tệ và ích kỷ như thế, thì dần dần mình mới sửa sang bản thân cho bớt tồi tệ và ích kỷ lại. Chỉ có mình mình biết thôi – nên hãy trả lời thành thực mong muốn thực sự của mình là gì. Cô Nguyễn Phi Vân từng chia sẻ trên trang cá nhân, rằng người trẻ khi vào làm ở bất cứ công ty, tổ chức nào, cũng hãy thành thực với bản thân về mục đích mình vào làm ở đó. Mình cần tăng độ nhận diện thương hiệu, mình cần học hỏi thêm về lĩnh vực này, lĩnh vực kia, mình muốn trau dồi kỹ năng này, kỹ năng kia, mình muốn lên được vị trí này, vị trí kia; rồi sau đó dốc sức thực hiện điều mong muốn đó. Nếu mình không thành thực với chính mình, thì xem chừng mình bất hạnh quá, vì như thế là mình chối bỏ bản thân mình mà? Có một ví dụ xem chừng vui, mà cũng xem chừng buồn: Sinh viên bảo chỉ cần qua môn thôi, nhưng vào phòng thi có cơ hội thì vẫn chép lấy chép để để được điểm cao chứ không chỉ được qua môn. Thành thực một chút, mong muốn của mình là gì? Mình xác định được mong muốn của mình rồi phải không? Thế thì mình dốc sức cho mong muốn ấy thành sự thực đi? Để thành thực với chính mình cũng cần lòng can đảm.

Hãy quan sát bản thân mình, thành thực với bản thân mình, hãy theo sát hànhtrình trưởng thành của bản thân, dần dần, chúng ta sẽ thấu hiểu bản thân mình.

Thales, nhà triết học Hy Lạp cổ từng được đặt câu hỏi: “Khó khăn là gì?”. Và ông trả lời: “Là tự thấu hiểu bản thân mình!”.

————————————-

Tác giả: Thu Giang

Tham gia cộng đồng Viết để trưởng thành tại: https://www.facebook.com/groups/2600614563539615/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan