[VĐTT] Học cách chấp nhận

Tôi từng có nhóm bạn rất thân. Chúng tôi chơi với nhau đến hơn 7 năm, một con số không quá dài nhưng cũng không ngắn, đủ để chúng tôi chia sẻ nhiều kỉ niệm, hiểu rõ và trân trọng …

Tôi từng có nhóm bạn rất thân. Chúng tôi chơi với nhau đến hơn 7 năm, một con số không quá dài nhưng cũng không ngắn, đủ để chúng tôi chia sẻ nhiều kỉ niệm, hiểu rõ và trân trọng nhau. Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời, chúng tôi không còn chơi với nhau nữa, không một cuộc cãi vã, không một lời từ biệt. Không biết các bạn có giống tôi không nhưng tôi mất rất nhiều thời gian để chấp nhận một sự thật nào đó. Tôi phải mất đến vài năm mới có thể thật sự chấp nhận rằng tôi và những người bạn của mình đã đi theo những con đường riêng. Tôi từng trách cứ họ sao không nỗ lực cứu lấy mối quan hệ của chúng tôi, trách cứ bản thân sao lại để họ rời xa tôi dễ dàng như thế. Việc chấp nhận thật sự không phải là một điều dễ dàng.

Lớn hơn rồi, những điều khiến tôi thật khó chấp nhận không ít đi mà còn nhiều thêm. Tôi phải chấp nhận mình vẫn chỉ là đứa trẻ con to xác, chấp nhận rằng tôi buộc phải lớn lên, chấp nhận rằng có những mối quan hệ sẽ chẳng theo tôi đến cuối đời, chấp nhận rằng không phải công sức nào tôi bỏ ra cũng sẽ được đền đáp, chấp nhận rằng có rất nhiều người tài giỏi hơn tôi, chấp nhận rằng thế giới không công bằng và rất nhiều sự thật đau lòng khác.

Tôi từng cho rằng “chấp nhận” là một thứ mang hàm ý tiêu cực, có ý nghĩa là chịu thất bại, là trốn tránh, là bị khuất phục trước thách thức của cuộc sống…Có những sự thật hiển nhiên tôi phải chấp nhận, nhưng tôi chỉ chấp nhận bằng bộ não, chứ không chấp nhận bằng trái tim. Miệng tôi nói rằng tôi chấp nhận sự thật, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn có chút không cam tâm. Có lẽ phải mất rất nhiều thời gian tôi mới thật sự hiểu rằng “chấp nhận” không phải là sự chịu đựng một cách thụ động với bất kỳ hoàn cảnh nào xảy đến với mình và cứ phó mặc, chẳng làm gì cả. Chấp nhận cũng không có nghĩa là thôi, không thiết lập kế hoạch hoặc không còn tích cực hành động nữa. Thật ra, “chấp nhận” lại là một hành động cho thấy sự can đảm, bởi đó là lúc ta đối diện với thực tế và lấy đó làm bàn đạp để tiến bộ hơn.

Vậy học cách chấp nhận như thế nào? Đây là những cách tôi áp dụng với chính mình.

Sống thật với cảm xúc. Khi gặp những chuyện chẳng thể thay đổi, tôi buồn, tôi khóc, tôi ở một mình. Đó là lúc tôi thừa nhận và thể hiện đúng cảm xúc của mình. Lớn lên rồi thì tôi không dễ dàng khóc nữa, thay vào đó, tôi giữ im lặng. Tại sao lại là im lặng? Bởi vì đó chính là thời điểm để tôi lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của chính mình, để nhìn lại toàn bộ vấn đề đang xảy ra một cách bình tĩnh nhất, để rồi chấp nhận những khuyết điểm, chấp nhận sự thật đáng sợ phía trước và chấp nhận cả việc từ bỏ những điều không còn thuộc về mình nữa.

Tìm đến một người có thể đưa ra những lời khuyên thẳng thắn. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, đây là một cách vừa thiết thực cũng vừa tàn nhẫn. Người ngoài luôn tỉnh táo và khách quan hơn người trong cuộc. Vào những lúc đang phải trải qua những cảm xúc tiêu cực hay những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đôi lúc không còn đủ sáng suốt nữa. Lúc này, một người đáng để tin tưởng và thẳng thắn sẽ giúp ta nhìn nhận được những vấn đề. Nhưng sự thật vốn chẳng đẹp đẽ. Có thể khi nghe được những lời nói thật lòng, chúng ta lại càng cảm thấy đau lòng và khó chấp nhận. Tuy nhiên, thuốc đắng giã tật, tôi cảm thấy những sự thật đau lòng tốt đẹp hơn những lời giả dối lung linh rất nhiều. Nghe những lời an ủi không thật lòng chỉ càng khiến ta có cái nhìn méo mó hơn mà thôi.

Mong đợi ít hơn. Có một câu nói vô cùng phổ biến, đó là: càng mong đợi thì sẽ càng thất vọng. Dường như thế giới ta đang sống luôn thủ thỉ bên tai rằng chúng ta phải muốn, muốn nhiều hơn nữa. Đây không hẳn là một thông điệp tiêu cực, nhưng nó thường cản trở không cho chúng ta hài lòng với cuộc sống. Khi một cái gì đó không đáp ứng mong đợi, ta cảm thấy thất vọng và tức giận, sau đó đổ lỗi. Ta nên thiết lập những mục tiêu phù hợp với khả năng, xác định rằng ta có thể thất bại bất cứ lúc nào, mọi thứ có thể thay đổi bất cứ lúc nào, giữ cho mong đợi ở mức vừa phải. Ta cần tập trung nhiều hơn vào quá trình thay vì kết quả.

Thiết lập các mục tiêu mới. Khi gặp thất bại, ta cảm thấy như mình đang bị mắc kẹt. Cuộc sống sẽ có những bước ngoặt bất ngờ và khi điều này xảy ra, quỹ đạo của chúng ta cũng có thể phải thay đổi. Cuộc đời không phải lúc nào cũng tuân theo điều mà ta mong muốn và không phải mục tiêu nào ta đề ra cũng có thể thành hiện thực. Sẽ có những thời điểm ta phải từ bỏ những điều mình yêu thích và những điều mình muốn để rẽ sang một con đường khác. Chẳng có ai đi thẳng một mạch đến vạch đích cả, chúng ta đều phải tự mày mò, tự trải nghiệm để tìm ra con đường của mình, như nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Chấp nhận không hề dễ dàng cũng không hề nhanh chóng, ít nhất là trong trường hợp của tôi. Mỗi người cũng sẽ có những cách khác nhau để chấp nhận một điều gì đó, nhưng chúng ta đều biết “chấp nhận” là một điều cần và chắc chắn sẽ xảy ra. Bởi vì cuộc sống là vậy, có rất nhiều thứ khiến ta thất vọng, rất nhiều điều không thể như ta mong muốn, có nhiều sự thật thực sự khó nuốt trôi. Nhưng vấn đề không thể được giải quyết nếu ta không đối mặt. Chấp nhận chính là bước đầu tiên. Có những điều ta không thể thay đổi nhưng có thể thay đổi cách ta nhìn nhận về nó. Chấp nhận cũng là một phần của quá trình trưởng thành. “Chúng ta không thể thay đổi bất kì điều gì trừ khi chúng ta chấp nhận nó” (Carl Jung).

Nguồn ảnh: houstonchronicle.com

Tác Giả: Minh Nguyệt
Tham gia cộng đồng Viết để trưởng thành tại:  https://www.facebook.com/groups/2600614563539615/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan