[VĐTT] Khả năng quản lý tài chính cá nhân có liên quan gì đến các vấn đề tâm lý?

Khả năng quản lý tài chính cá nhân thì có liên quan gì đến các vấn đề tâm lý? Chỉ cần áp dụng theo các phương pháp quản lý thông minh xuất hiện nhan nhản trên internet và qua sách, báo là xong. Bạn thấy mình ổn chứ?

Khả năng quản lý tài chính cá nhân có liên quan gì đến các vấn đề tâm lý?


Khả năng quản lý tài chính cá nhân thì có liên quan gì đến các vấn đề tâm lý? Chỉ cần áp dụng theo các phương pháp quản lý thông minh và hiệu quả xuất hiện nhan nhản trên internet và qua sách, báo là xong. Bạn thấy mình ổn chứ?


Lúc còn là học sinh cắp sách đến trường, từ tiểu học cho đến bậc đại học, tôi luôn được bố mẹ lẫn người lớn trong nhà răn dạy rằng “Việc của trẻ em là phải tập trung và

o học hành cho tốt, không sau này đi hót phân hay ăn xin mà ăn."


” (Những năm bao cấp có những khu nhà mà tất cả mọi người dùng chung một nhà vệ sinh công cộng không tự hoại vì vậy hồi đó vẫn còn có cái nghề ‘hót phân' nếu như những bạn nào chưa biết.) Cô giáo chủ nhiệm năm cấp hai của tôi thì cứ mỗi buổi họp tổng kết cuối tuần của lớp đều hô khẩu hiệu "

Nhiệm vụ duy nhất của các em là ph

ải học cho thật tốt. Thi đỗ cấp ba rồi sau đó là đỗ đại học. Bạn bè, yêu đương đến lúc đó muốn làm gì thì làm. Chỉ có như vậy mới nên người, mới làm ra tiền có cái mà ăn.


" Giờ nghĩ lại đôi khi tôi lại thấy hài hước, một nhóm người không quen biết mà sao lại có giọng điệu giống nhau đến vậy.


Nhờ có kim chỉ nam là những lời răn dạy đanh thép đó mà tôi đã luôn ao ước mình nhanh nhanh chóng chóng học xong cấp ba, học xong đại học, có một công việc "chính thức", nhận được tháng lương đầu tiên, đó là thời điểm tôi chân chính coi mình đã đặt chân vào thế giới người trưởng thành thiên đường đó. Vâng, như các bạn thấy đó, ngay từ bé, khái niệm thế giới của người trưởng thành với tôi đã gắn liền với tiền bạc. Học hành, bằng cấp rồi cũng để phục vụ cho cái đích cuối cùng là kiếm ra tiền. Tiền bạc quan trọng lắm, mục tiêu duy nhất và hấp dẫn nhất của thế giới người trưởng thành là kiếm được ra tiền.



“Không thể hiểu nổi bằng cách nào cậu có thể làm cái nghề đó được!”


Tôi đã nghe các bạn tôi nói đi nói lại câu này hàng trăm lần mỗi khi nhìn tôi đánh vật với bài toán chi tiêu cá nhân mỗi tháng. Tôi làm công việc liên quan đến tài chính, làm những báo cáo với các con số không lệch đến một đồng nhưng tôi lại không thể nào kiểm soát được chi tiêu cá nhân của bản thân. Tôi đã từng không nhớ được cả tháng mình thu nhập được từ những nguồn nào, tổng thu nhập là bao nhiêu và chi tiêu cho những việc gì nhưng có một điểm chung là cuối tháng tôi luôn trong tình trạng sạch túi và không có bất kỳ một khoản tiết kiệm dự phòng nào.


Một lỗ hổng chi tiêu cá nhân khổng lồ!


Ngay tại thời điểm đó tôi không thể nào hiểu nổi và cũng không thật sự quá quan tâm vì tôi luôn tự tin vào khả năng của bản thân, "Với khả năng của mình không cần phải lo, sẽ luôn kiếm ra tiền." Khi đọc những bài viết về các cách quản lý tiền hay các quỹ dự phòng, tôi đều cười khẩy và tự nói rằng "ai hơi đâu mà tính xa như vậy, mệt đầu." Tôi đã tự lấp liếm, che đậy cái lỗ hổng xấu xí đó bằng cái mác "người phóng khoáng không giỏi tính toán nhưng biết tận hưởng cuộc sống" . Người phóng khoáng thì suy nghĩ thoáng, không quan tâm đến tiền bạc, không để ý so kè từng đồng từng hào, chi tiêu phải hào phóng, mà chi tiêu hào phóng theo quan niệm xã hội là biết tận hưởng cuộc sống đúng không?


Gán cho mình cái mác đó, tôi ngầm thừa nhận vấn đề là ở nơi tôi nhưng đồng thời tôi cũng phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan của bản thân trong việc khắc phục lỗ hổng đó.


Vậy là trong suốt nhiều năm trời, tôi phung phí (những năm đó tôi cực ghét ai đó nói tôi phung phí, tôi thích dùng từ hào phóng hay rộng rãi hơn) tiền bạc, cũng chính là phung phí công sức lao động của mình vào những thứ phù phiếm bên ngoài như quần áo hàng hiệu, chăm sóc sắc đẹp, những chuyến du lịch trong và ngoài nước, những bữa ăn tại những nhà hàng sang trọng, đắt đỏ, những món quà không cần thiết cho những người không quan trọng, và vô số những thứ không thể nhớ nổi khác.



Rồi con người tôi cũng trưởng thành dần cùng những bước vấp ngã trong cuộc sống. Và một lúc tôi đã nhận ra được việc mất kiểm soát chi tiêu cá nhân cũng là một dạng tổn thương tâm lý và nó là một trong những rào cản đang ngăn trở tôi đến với cuộc sống an toàn, ổn định cả về mặt thể chất, lẫn tinh thần. "Đã đến lúc mình cần phải xem xét lại lỗ đen sâu hoắm này rồi", tôi tự nhủ.


Nhìn nhận một vấn đề tâm lý ở chính bản thân mình một cách trung thực và trần trụi nhất là một điều không hề dễ chịu. Nó giống hệt như trong thực tế bạn là một người sợ độ cao chết khiếp và bạn đang phải đứng bên rìa một cái hố đen, phải mở trừng trừng mắt nhìn vào cái hố đen sâu thăm thẳm đầy những điều bất an, sợ hãi mơ hồ nhưng rất thật đó. Gió gào thét táp vào mặt bạn, bạn chấp chới chòng chành chực ngã không biết bám víu vào đâu. Chỉ có niềm tin vào chính bạn, chỉ có bạn là người duy nhất giúp cho mình trụ vững, không bị rơi vào cái hố đáng sợ đó. Chẳng có ai ngoài chính mình.


Khi bắt đầu nhìn lại những khuôn mẫu chi tiêu của bản thân và liệt kê toàn bộ những tài sản hiện có, tôi đã phải thốt lên “Mình đã làm cái quái gì với cuộc đời mình thế này.” Vâng đây chính là lúc tôi đối diện trực tiếp với thất bại. Tôi đã phải đặt câu hỏi "Mình thật sự đã trưởng thành hay chưa? Những tiêu chuẩn về trưởng thành của mình trước đây có đúng đắn hay không? Lúc này trưởng thành trong mình là gì?"

Tôi đã có mọi thứ mà tôi hằng mong ước từ thời đi học như tôi thường được dạy, nhưng sao giờ nhìn lại tôi lại thấy mình trắng tay cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi có công việc ổn định, lương cao, tôi cho phép bản thân hưởng thụ nhưng sao giờ tôi trống rỗng, bất mãn, hoang mang cả về hiện tại mà mình đang có lẫn tương lai.




Như tôi đã từng đọc được ở đâu đó, làm việc với chính mình như bóc từng lớp vỏ hành, càng ngày càng tiến sâu vào bên trong và càng cay khiến chúng ta rơi nước mắt. Tôi thẳng tiến một đường từ lớp một đến khi xong đại học đều do bố mẹ, giáo viên, mọi người xung quanh bảo thế. Tôi không biết ước mơ của mình là gì và nói một cách trần trụi là tôi đã từng không có ước mơ. Tôi không có giá trị nào hay kế hoạch nào cho tương lai để theo đuổi. Tôi chạy theo mục tiêu "trưởng thành để kiếm tiền" một cách mông lung, u mê.


Chạy theo ảo ảnh mà không hay biết, đến khi chạm vào ảo ảnh vỡ tan thì ngơ ngác và mất mát. Chúng không thật vì chúng không phải là của tôi, là người khác đã dựng nên cho tôi. Tôi đã lạc vào ma trận mà những người xung quanh tạo nên cho mình.


Sâu xa hơn nữa, mục tiêu kiếm tiền còn là động lực mạnh mẽ cho khao khát được chứng tỏ bản thân. Tôi luôn mong muốn chứng tỏ mình với tất cả những con người đã luôn răn dạy tôi những câu nói đó. Tôi muốn họ nhìn thấy tôi thành công ra sao, đã ngoan ngoãn, nghiêm túc làm theo lời họ và đã thành công đến mức nào. Tôi vung tiền ra đắp mọi thứ vật chất hào nhoáng bên ngoài gần như chỉ phục vụ cho việc đó. Tôi không thích một số người, nhưng họ là những người thành công, quen biết với họ khiến mình thật là oách, phải tạo dựng mối quan hệ. Mối quan hệ không xuất phát từ tình cảm chân thật thì phải dùng vật chất để tạo dựng và duy trì, vậy thôi. Tôi thấy những loại mỹ phẩm, quần áo đắt tiền không thật sự cần thiết và cũng hơi cao so với thu nhập của tôi, nhưng vì chúng là hàng hiệu mà, sẽ giúp nâng lên giá trị con người tôi, vậy thì cứ gồng lên mua dùng thôi. Trong mọi việc mà tôi gọi là "hưởng thụ cuộc sống" đó tôi đều phải gồng lên. Tôi không còn là thực tại chính mình lúc đó nữa. Tôi tỉ mỉ tô vẽ cho chiếc mặt nạ "người phóng khoáng không giỏi tính toán nhưng biết tận hưởng cuộc sống'" một cách vô thức như vậy đó.



Chia sẻ thêm về một vế trong cái mác mà tôi tự gắn cho bản thân "không giỏi tính toán". Tính toán ở đây không phải là khái niệm tính toán thông thường như cộng, trừ, nhân, chia. Kỹ năng này thì giờ trẻ con lớp hai đã làm thông thạo. Tính toán ở đây là việc theo dõi, nắm rõ đến từng chi tiết về thu nhập lẫn chi tiêu của bản thân và qua đó nhận ra những khoản thu chi chưa phù hợp để điều chỉnh. Nghe cũng rất đơn giản đúng không? Nhưng ở sâu bên trong tôi đã không biết mình thật sự mong muốn điều gì, kế hoạch cho tương lai là gì, cuộc sống của mình sẽ diễn tiến tiếp theo dựa trên những điều gì, vì vậy bên trong tôi phủ định luôn việc theo dõi chi tiết và kiến tạo cuộc đời mình. Tôi cứ để nó trôi qua như xây lâu đài trên cát, khi sóng rút thì chẳng còn lưu lại dấu vết gì.


Như vậy việc cho phép bản thân hưởng thụ những thứ xa xỉ nhất, kết giao với những người giàu có, có địa vị trong giai đoạn đó là tôi có yêu thương bản thân mình hay không? Câu trả lời là không. Tôi đã không cho phép tôi được là chính mình, không cho phép bản thân mình lắng nghe và kết nối với chính mình. Tôi đã không trân trọng công sức, trân trọng giá trị của chính mình. Tôi đã nhầm giá trị thật của con người mình với giá trị ảo của những thứ vật chất bên ngoài.



Và giờ đây, tôi vẫn cho phép mình nuông chiều bản thân, cho phép bản thân tận hưởng cuộc sống, cho phép bản thân kết giao bạn bè mới nhưng những điều này đã hài hòa với sở thích và mong muốn của con người bên trong tôi, với những giá trị cốt lõi mà tôi đang theo đuổi. Tôi cũng đã bắt đầu ghi nhận mọi khoản tiền đến với mình với lòng biết ơn và trân trọng.


Trưởng thành đâu phải chỉ để kiếm tiền, và kiếm được nhiều tiền lại càng không giúp chúng ta trưởng thành hơn. Nhờ thông qua quá trình chúng ta theo đuổi những ước mơ, phát triển và trải nghiệm những giá trị của mình, chúng ta trưởng thành, nhận được những trái ngọt, và một trong những trái ngọt đó là kiếm được tiền từ chúng.


Tác giả: Mộc Yên

Theo dõi tác giả tại: https://www.facebook.com/hongphan.le.077

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan