[VĐTT] LỚN RỒI CÒN KHÓC NHÈ

Xem nào, sự lớn lên cũng nhiều chuyện ghê.

LỚN RỒI CÒN KHÓC NHÈ


Tình cờ hôm nay, tôi nghe lại bài hát “Lớn rồi còn khóc nhè” của ca sĩ Trúc Nhân, giật mình vì sao nó diễn tả đúng chặng đời đã qua và hiện tại. Xem nào, sự lớn lên cũng nhiều chuyện ghê.

____________________________________________


Chuyện ước mơ


“Ngày thơ bé có cánh đồng, trưa nắng bên bờ sông

Thời tôi chưa biết vâng lời, chỉ biết chơi và cười…”


Đấy, chưa gì mắt đã cay cay rồi đây này. Mình đã từng mơ sẽ trở thành người xây dựng quê mình thêm trù phù, về quê mở thư viện, mở trường, theo đuổi ngành giáo dục. Giờ thì mình đang ngồi ở một trường kinh tế, quanh quẩn ngày nào cũng mở to-do list ra, hì hục làm cho xong và coi đó là một sự thỏa mãn. Mình trú ngụ trong suy nghĩ về việc mình sẽ tham gia cuộc thi gì trong năm tới, mình sẽ trải nghiệm như thế nào để tìm ra ngành nghề, rồi nhanh nhảu “chốt hạ” rằng sau khi ra trường mình sẽ đi theo một lộ trình vẽ sẵn. 



Mình tự hỏi: “ước mơ kia giờ ở đâu rồi?” Mình có thể đi làm kiếm nhiều tiền, rồi về giúp quê hương, đó là điều bạn sẽ nói, phải không? Nhưng bạn biết không, cái tình cảnh bản thân đang chênh vênh trước ngưỡng cửa cuộc đời bỗng nhiên bám vào được một định hướng (chưa biết đúng hay sai) mang lại cảm giác “an toàn, dễ chịu” hơn, khiến mình cảm thấy có phần “e dè, né tránh” ước mơ kia. Những ngày tưởng chừng rất hăng say, năng suất nhắm đến mục tiêu nhưng nhìn kỹ ra thì mình chẳng có mấy niềm vui thực sự, lo lắng vì bản thân đang tiến chậm so với người khác chứ không phải vì mình đang ngày càng rời xa đứa trẻ hồn nhiên mơ ước ngày nào.

____________________________________________


Chuyện “đi”


“Tôi ôm đàn và hát

Đi xa cùng bè bạn

Ước mơ con là vòng quanh thế gian

Tôi vô tình là thế

Hay quên gọi về mẹ

Ước mơ của mẹ là thấy con về”


Lên cấp 3, mình ôm giấc mộng được tự do, được khám phá thế giới. Không biết vì sao, không biết từ bao giờ, bản thân tự cho rằng nhà và trường thật ngột ngạt, không ai hiểu mình muốn gì, muốn đi đâu. Hoặc cũng có thể, khi ấy mình đã đưa ra một lựa chọn khác: thay vì nói chuyện với gia đình, bạn bè, mình tìm kiếm sự thỏa mãn bên ngoài. Sự lấp đầy khoảng trống tức thì qua những hoạt động ngoại khóa khiến mình mải mê, ngây ngất, quên đi nghĩa vụ học tập, quên đi bổn phận của một đứa con. 


Chưa bao giờ mình nghĩ có ngày bản thân sẽ nhảy nhiều chuyến xe bus như thế, sẽ về muộn, sẽ đội mưa đội nắng, sẽ “trốn”, sẽ “nói dối” đầy tự tin như vậy. Có những hôm chờ xe bus, mẹ gọi điện, mình giật bắn, vì mở máy là mẹ sẽ nghe thấy tiếng còi xe cộ, chứ không phải tiếng những đứa bạn mình “vẽ” ra để trình bày với mẹ. Có thể mẹ biết mình nói dối, có thể mẹ đã giận, nhưng nhiều quá rồi thì mẹ cũng không muốn nói. 



Một dạo, mình quên biệt lần cuối mình rửa bát sau bữa cơm tối là khi nào, quên luôn cả lần cuối mình ngủ trưa ở nhà. Ngày ấy, mình không gọi đó là sự bồng bột của tuổi trẻ, mà gọi là sự nghe theo tiếng gọi của con tim. Không ai, và cũng chẳng bao giờ có ai dạy mình cách bước chân vào giai đoạn trưởng thành như thế cả, nhưng mà mình vẫn bước đó thôi, nhỉ? 


Đôi khi không biết có thứ gì đang chờ đón mình phía trước lại hay, vì không biết nên không sợ, không sợ nên bất ngờ, bất ngờ không ngờ lại tiếp tục xây lên những chặng đường chứ không hề làm mình quay đầu. Cũng nhờ đó, thế giới của người trưởng thành lại thêm một câu chuyện vừa tếu táo vừa đắt giá nữa rồi đấy.

____________________________________________


Chuyện ngu ngơ


“Rồi tôi xơ xác đi nhiều khi mới quen người yêu

Thời tôi mới biết đi làm, em cứ hay càm ràm

Người yêu nói tôi nghe tuy lời hơi khó nghe

Em nói hay hơn lời của mẹ

Thấm thoát lại thấy tôi chẳng thiếu điều chi

Lắm lúc lại thấy tôi chẳng có gì

Phải chăng lớn khôn hơn hay càng ngu ngốc hơn?

Tôi muốn nghe thêm lời của mẹ”


Mình không có người yêu, nhưng có những người bạn “hợp cạ” từ các dự án. Mình cũng hay xin feedback của họ về cách làm việc, ứng xử của bản thân. Nhưng lạ chưa, mình chưa hỏi bố mẹ, anh chị rằng mình là một người như thế nào. Những lời nghe được từ gia đình và những kỳ vọng, còn từ bạn bè là những lời “nổi loạn”, lời nhận xét mĩ miều đôi khi không biết là thật hay đùa. Mình đã dành cả hai tai nghe “người ngoài”, nghe xu hướng, nghe truyền thông, và rồi làm trái lại với nguyện vọng của những người thân cận nhất: mình bảo muốn gap year, muốn học giáo dục khai phóng. Cái “dại” của mình là trở nên quá “khác biệt” trong gia đình, mang những suy nghĩ hay thiên hướng chẳng ai từng có. 



Mình nghe những thứ bóng bẩy hơn lời dặn dò kinh điển của mẹ “ba m đi làm mệt, ổng bảo gì thì lựa mà nghe, hiểu hông”. Suy nghĩ ngông nghênh từng xuất hiện trong đầu mình (ba mẹ thật “lỗi thời”) khiến mình cảm thấy bản thân tệ lắm. Bản thân với ra ngoài với những mộng ảo, với những mối quan hệ nửa vời mà chỉ cần “add friend” đã trở thành “bạn”, chẳng mấy mà hơn 1000 người trong danh sách, tưởng mình “quan hệ rộng”, hay “được nhiều người biết đến”, nhưng hóa ra là chẳng có gì hết. Sự lầm tưởng ấy thật đậm chất một kẻ chưa hiểu sự đời, không biết thứ mình không biết. Nhưng không có ai bảo mình là kẻ ngu ngơ hết, và nếu không có mẹ, có gia đình bảo mình “ngu” thì có lẽ bản thân sẽ trở thành một kẻ ngạo mạn rồi.

____________________________________________


Chuyện vào đời



Mình nhớ câu nói kinh điển của mẹ, “lớn rồi con sẽ hiểu thôi”. Mình tự hỏi là ở tuổi bây giờ thì mình đã lớn chưa, đã trưởng thành thêm chút nào rồi, mà sao có nhiều chuyện mình vẫn chẳng hiểu gì hết. Có lẽ mình ngu thật. Sự tự nhận ngu, tự biết những điều mình không biết là bài học đời ném cho mình lúc cái tôi bản thân đang cao ngút trời khi mới chân ướt chân ráo bước lên đại học.



Mình đi làm, và đó là lần đầu tiên sau nhiều năm rồi mới có người chỉ thẳng mặt và bảo mình ngu. Ngu vì kiến thức thì ít nhưng ngu vì đánh giá quá cao bản thân thì nhiều. À, hóa ra, trẻ con hay trêu nhau hoặc bị gọi ngu, nhưng có những người lớn sẵn sàng nhận mình là ngu để trở thành người học suốt đời. Đó là một cái ngu rất thông minh. Cũng có những người “dở lớn, dở trẻ con” như mình thì lại không tự nhận mình yếu kém. Thực tế đi làm phũ phàng như thế đã đặt một dấu chấm hỏi lớn cho những mơ mộng hồi nhỏ, những niềm tin khai phóng từng bám đuổi. 


Mình lại muốn nghe lời mẹ vỗ về, nhưng đúng lúc đó “trưởng thành” tạo thành một bức tường, khiến bản thân nghĩ rằng không nên kể những chuyện buồn hay khó khăn cho những người đã hy sinh nhiều vì ta, và sâu thẳm bên trong cũng hiện hữu một nỗi sợ “nhỡ may cũng bị nói là ngu thì sao?”. Đó, thật buồn cười, mình không biết bản thân đang ở độ tuổi khôn ra hay ngu ngốc theo cách của một người (đã/đang/sẽ) trưởng thành nữa.

____________________________________________


“Giờ tôi nhớ những cánh đồng, trưa nắng bên bờ sông

Giờ tôi mới biết vâng lời, thương lắm khi mẹ cười

Giờ tôi muốn lắng nghe, cho dù lời khắt khe

Không biết bao lâu còn có mẹ

Ngày thơ bé ngu ngơ ai chẳng hay khóc nhè

Nay lớn cớ sao lại khóc nhè”

____________________________________________


Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: chuyện của N

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan