[VĐTT] Lúc có lúc không (Tiếp theo)

Câu chuyện về những cái bóng ẩn hiện trong một gia đình

Lúc có lúc không (Tiếp theo)


Cách nhau một tuổi cộng thêm việc ngay từ nhỏ đã không có bạn chơi cùng, anh trai là tất cả mối quan hệ xã hội một thời của cô. Chỉ tiếc là, giữa cả hai tồn tại một loại bi thương không lời, không thanh âm.

Lúc bé, gã ta rất ốm, đâu đó tầm 25 cân cho một đứa trẻ lớp năm. Thân hình cao ngồng mà lại xanh xao tựa như kẻ bị bỏ đói lâu ngày. Và điều đó được khắc họa rõ nét hơn mỗi lần cả nhà đi biển cùng nhau. Cứ như thể, những cơn sóng đã hút cạn máu của gã. Bởi khi trở lại bờ, đôi môi gã đã bầm tím như mụ già 80 hút thuốc lâu năm. Cùng với đó là bộ xương sườn hiện rõ từng đốt dưới làn da mỏng tang.

Thế nhưng, điều đó chẳng thể ngăn cản anh cô trở thành kẻ dẫn đầu ở những nơi gã đi qua, trùm đám nhóc ở xóm hay trùm trường tiểu học. Đánh nhau để thể hiện quyền uy phải chăng là chất gây nghiện mạnh mẽ hơn cả ma túy? Bởi đến tận bây giờ, cô vẫn cảm nhận được cái nguồn năng lực mãnh liệt tỏa ra từ gã mỗi lần nhắc về ngày xưa cũ hay những gì liên quan đến “vận động tay chân”.

Đôi con ngươi vằn lên vài tia đỏ như làm rõ cái nét tươi sáng trong ánh mắt của gã. Cánh mũi mở rộng đến nỗi bất kỳ con ruồi nào cũng có thể bay thẳng vào hang động bên trong. Cả cái khóe miệng được kéo cao, cao mãi, cao mãi. Tất cả dáng vẻ hăng hái, sục sôi dưới tác động của adrenalin đều được trưng bày một cách rõ nét. Nhưng chỉ đến hai năm trước, bức tranh trước mắt mới được hiện hữu trong đời cô.

Người ta thường bảo: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.” Quả chẳng sai! Anh trai cô sở hữu hầu như mọi tính xấu từ người đàn ông của đời cô và chỉ ngoại trừ nét gia trưởng thôi. Nóng tính, háo thắng và bảo thủ liệu sẽ lại được truyền hết đời dòng họ Lê? 

Bẽ bàng thay cho hai chữ anh em khi mà mọi kí ức trong cô về anh lúc được lục tìm đều là một mảng màu tăm tối.

Tâm trí cô là chiếc hộp kỳ lạ đến đáng ngờ. Chẳng có quy luật nào cho những mảnh ghép được nó cất giữ. Từ mấy bận gọi đúng tên người dù đã rất lâu kể từ lần gặp gần nhất. Hay cái trò nhớ như in những người quen biết của gia đình mà anh mình dở tệ. Đến cả những mảng ký ức u tối phủ đầy bụi trần. Đôi lần cô tự hỏi liệu rằng là do đầu ghi hình bên trong hỏng hóc hay là vì tháng ngày trước đó tệ bạc đến vậy?

Đứa trẻ nào cũng muốn trọn vẹn sự chú ý và tình yêu của mẹ cha. Có lẽ, vì vậy, anh trai mới để lại những dấu ấn hữu hình trên cơ thể và tâm hồn cô. Ngày đó, bị đánh đập là chuyện thường ngày mà cô phải đối mặt.

Gã đánh khi cô trái ý. Gã đánh khi cô hét lên cầu cứu bố mẹ. Gã đánh khi cô không tránh chỗ. Gã đánh khi chẳng vì lý do gì. Nào là cái tát bỏng rát trên da mặt. Nào là cái nắm tóc đau nhức và kéo lê trên sàn nhà. Nào là cái đạp đau đớn ngay bụng. Cứ thế cuộn phim chạy mãi mà vẫn chẳng chạm đến được chút tươi mới.

Kẻ nhìn vào cứ nghĩ đó là trò đùa của con trẻ. Nhưng đâu ai biết, ngày nhìn lại, chẳng có khuôn mặt nào hiện lên. Mà thứ còn sót lại là từng xúc cảm vươn lại trên từng nơi bị va chạm. Cái bóng đen với khuôn hình của anh trai đã đi theo tâm trí cô như vậy.

Bố từng là tất cả với gã, là người yêu thương và là người hùng. Có thể là vì những câu chuyện đầy mê hoặc của bố. Và cũng có thể là vì vòng tay chở che cứng rắn nhưng êm ái. Và gã cũng đã từng là niềm tự hào to lớn duy nhất trong lòng ông. 

Mãi đến hết cấp hai, anh trai vẫn luôn là tấm gương được cả dòng họ nhắc đến mỗi dịp tụ họp. Một thiếu niên cao ráo, lễ phép và học giỏi. Bởi suốt từ năm mười tuổi, bằng khen gã đem về treo đầy trên tường trong căn nhà cấp bốn chật hẹp. Cậu con trai cưng còn nổi bật với đức tính thật thà mà chẳng hề có ở đứa con gái. Do vậy mà mọi ước muốn của gã đều được ưng thuận. Từ con robot đắt tiền, chiếc xe điều khiển xịn xịn vào mỗi dịp Tết đến chiếc máy nghe nhạc, chưa một lần bố lắc đầu với gã. Trong mắt bố, gã chính là vị hoàng tử một ngày nào đó sẽ làm rạng danh ông.


Có ai đó đã từng nói qua về mối liên kết giữa mẹ và con trai. Đại loại đó là thứ tình cảm sâu sắc, day dứt và lắm ân tình. Tình yêu mà mẹ cô dành cho anh trai cũng chẳng ngoại lệ. Bà lo sợ cho đứa trẻ gầy nhẳng sẽ bị bắt nạt hay cảm thấy thua thiệt bè bạn. Nên mọi của ngon, thuốc quý người đời đồn đại đều không thể thoát khỏi vòm họng cậu trẻ. Dẫu có phải dành hàng giờ đồng hồ để dỗ dành con trai ăn, bà cũng sẵn lòng. Dẫu có phải mua món đồ chơi đắt đỏ để dỗ dành con trai ăn, bà cũng sẵn lòng.

Cũng như chồng, bà xem đứa trẻ như món trang sức quý hiếm. Một chút góc cạnh tuy có thể cắt đứt tay nếu không cẩn thận, nhưng lại khiến viên đá trở nên sắc sảo và đắt giá hơn bao giờ hết. Mặc cho nét đặc trưng được thừa hưởng từ bố, bà vẫn một mực cưng chiều cậu con trai bé nhỏ. 

Đáng tiếc thay, chuyện tương lai đã chẳng êm đềm như cổ tích với vị hoàng tử nhân ái một lòng vâng lời vua và hoàng hậu.

Những tháng ngày ở trường cấp ba là bước ngoặt lớn cho sự đổ vỡ của bức tượng hoàn hảo trong lòng người người. Gã đã chẳng còn là đứa con trai thần tượng bố hết lòng hết dạ. Gã đã chẳng còn là đứa con trai bé bỏng miệng cười toe toét khoe điểm mười với mẹ. Nhưng gã vẫn là kẻ bạo hành đầy hung tàn với cô em gái.

Như người đời vẫn ví von, sự tức giận là ngọn lửa hủy diệt, nhẫn tâm thiêu đốt tất cả mọi thứ xung quanh. Và ngọn lửa đó đã lấy đi ngày tháng bình yên của gia đình cô. 

Đồ đạc trong phòng gã đã chẳng còn nguyên vẹn sau vài cú chạm đất. Gã đập nát, xô đổ những gì trong trong tầm mắt. Gã gào thét với mỗi câu hỏi đến từ bố. Gã phẫn nộ với tiếng gọi mỗi sáng của mẹ. Gã chửi mắng giáo viên động chạm đến mình. Một khi đã chuyển sang nút bật, cỗ máy nghiền nát trong gã chưa một ngày được tắt.

Bố cô nhìn con trai với ánh mắt căm phẫn vì không thể bóp nát cái thứ uy quyền trong gã. La hét, đánh đập đến chuyện trò, bố đã làm mọi cách để kéo đứa con mà ông hằng nhớ thương trở về. Mà ông đâu biết, mọi nỗ lực đó dưới góc nhìn của gã đều là châm thêm dầu vào lửa. 

Để rồi lòng tự trọng của gã đàn ông gia trưởng đâu để ai đó tước đoạt cái quyền lực mình nắm giữ. Như hai mãnh hổ đối đầu nhau, sát thương để lại là dấu ấn muôn đời. Giờ đây, trong mắt ông, gã là cái bóng xa lạ mang dáng hình con trai mình.

Nước mắt mẹ rơi mỗi ngày một nhiều hơn theo từng bước chân anh trai cô. Mọi ngóc ngách có thể đi được đều không thiếu dấu vết bánh xe bà. Cũng như chồng, bà muốn cứu lấy đứa trẻ trong lòng mình. Và với tình yêu của người mẹ, bà tin một ngày nào đó, anh trai cô sẽ lại là thiếu niên ngoan ngoãn và chăm học năm nào. 

Theo đuổi mãi cái hình bóng mang nhân dạng con trai mình, mẹ cô đôi lần mệt mỏi mà đưa ánh nhìn xa lạ về phía trước. Đứa nhóc đang điên cuồng chửi bới bố nó trước mắt mình đâu phải là con mình. Đứa nhóc đang điên cuồng thét gào mình đâu phải là con mình. Sự ghẻ lạnh của bà, phút chốc, đã lọt vào ánh mắt của gã. Sự ghẻ lạnh mà cả đời gã không thể quên.

Trong vài lần lang thang với cô bé từng thân với anh trai mình, cô ngỡ ngàng về hình bóng khác của gã. Gã hiện lên với dáng vẻ của cậu nhóc mang trái tim đầy tổn thương và những ước muốn bị kìm nén. Trong bức tranh kia, một anh nam sinh lớp trên dịu hiền, hay cười và luôn lắng nghe mọi phiền muộn. Dưới ánh cam vàng của hoàng hôn, anh trai cô với cô bé là người anh trai luôn yêu thương và lo lắng cho cô. 

Trong vài lần sau này, gã kể cô nghe về câu chuyện ẩn giấu đằng sau “một thiếu niên chăm ngoan và học giỏi”. Gã đã từng có một đám bạn ngoài trường, một đám dùng nắm đấm để giải quyết mọi chuyện. Đôi lúc là chuyện đứa này ăn hiếp anh em mình, đôi lúc là vì quá thèm muốn mà tổ chức đánh nhau. Mọi cảm xúc mãnh liệt ẩn sâu bên trong gã được bày biện ra ngoài trong từng cú đấm. Và khi đám bạn tan rã, cũng là lúc cái hừng hực trong gã nuốt chửng vị hoàng tử của bố mẹ cô.

Chẳng giống bất kỳ ai trong gia đình, cô chẳng thể nhìn thấy đâu là cái bóng, đâu là nhân dạng của anh trai mình. Liệu đứa con trai ngoan ngoãn đó hay người thanh niên đập nát mọi đêm bình yên của gia đình cô mới là đáp án đúng? Liệu gã luôn đánh đập cô hay người anh trai dịu dàng trong câu chuyện của cô bé kia mới phải?

Mà cái bóng hay không đâu còn quan trọng nữa. Bởi tất cả chúng ta đều có quyền quyết định cách mình xuất hiện như thế nào trong cuộc đời người khác. Vậy thì câu hỏi còn lại là khi chỉ còn lại một mình, anh trai cô sẽ chọn là cái bóng hay nhân dạng để đối diện.


Tác giả: Tomorrow

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan