[VĐTT] Lúc có lúc không (Tiếp theo)

Câu chuyện về những cái bóng lúc ẩn lúc hiện trong một gia đình

Mẹ cô là người phụ nữ mạnh mẽ, có thể nói như vậy. 

Để miêu tả về mẹ thì ngôn từ nào là đủ để bộc lộ hết tình yêu và sự cố chấp của người đàn bà ấy. Nhưng cũng không tồn tại khung cảnh hay sự vật nào có thể so bì với nội lực tiềm ẩn bên dưới thân hình nhỏ bé kia. Thế mà, phận đời mờ nhạt của chiếc bóng vẫn không để bà là trường hợp ngoại lệ.

Thật lòng mà nói, ký ức về mẹ trong cô những ngày bập bẹ lớn dường như bằng không. Tất cả như quả bóng bay lơ lửng giữa trời. Tưởng chừng bên trong là chất chồng đồ vật bởi cái vẻ căng phồng bên ngoài. Nhưng thật ra, chẳng có gì. Trống huơ trống hoác. Phải chăng vì vậy mà tình cảm giữa mẹ con cô cứ ngỡ đong đầy mà lại nhẹ bẫng nên quả bóng cứ thế bay mãi giữa bầu trời vô định?

Phải mất rất lâu, hình ảnh tấm lưng hao gầy, nhỏ nhắn của mẹ mới hiện ra giữa màn đen. Từ ngày đầu tiên đến trường cho đến lúc tạm biệt tà áo dài trắng, yên sau xe vẫn luôn là chỗ dành cho cô và tay lái là dành cho bà. Dẫu nắng dẫu mưa, cung đường phía trước chỉ một mình bà chiến đấu. Vậy thì lỗi là vì mẹ luôn quay lưng về phía cô hay vì sự vô tâm của cô khi mà những tấm ảnh của người đàn bà ấy trong cô đã phai màu?

Vốn dĩ, thuở đầu, gia đình cô có năm người, ông nội, bố, mẹ, anh trai và cô. Quãng thời gian đó cũng chính là đoạn phim bị cháy sáng của cuộn phim mang tên mẹ và con gái. 

Đậm đặc màu gia trưởng của gã đàn ông gốc Huế, ông nội đã là hàng triệu giọt nước mắt của mẹ. Mỗi ngày thực đơn của ông luôn là giống nhau, sáng bánh ướt chay, trưa gồm đậu cô ve xào cùng cà chua và nấm khô, tối luôn độc nhất cháo đậu xanh ăn với đường trắng. Nhưng mỗi ngày lại là một khẩu vị khác nhau, nên tiếng than trách vẫn luôn là đoạn nhạc mở đầu cho bữa ăn. Rồi chuyện áo quần, giày dép, hay ly tách chén muỗng, chẳng chuyện nào mà bố chồng bà hài lòng.

Cứ cách vài tuần hoặc thậm chí vài ngày, anh em cô lại cùng mẹ về ở nhà ngoại hay cậu cả ít hôm. Đối với cô, đó luôn là những chuyến du lịch dài ngày đầy tiếng cười. Thế còn mẹ? Người đàn bà bị cái đay nghiến hành hạ đến nỗi bỏ về nhà mẹ cảm thấy thế nào? Chỉ biết rằng cả ba lại trở về nhà, và bản nhạc mỗi một lúc to hơn, day dứt hơn và giận dữ hơn.

Hồi cấp hai, giáo viên thường hay giao vài đề văn liên quan đến chủ đề gia đình. Như: “Miêu tả về ông/bà của em” này hay “Kể về một kỉ niệm em nhớ nhất về gia đình”. Lần đó, năm anh trai cô học lớp 7, sự vô hình của người đàn bà ấy như được khắc họa rõ nét hơn. “Hãy miêu tả về một thành viên trong gia đình mà em yêu thương nhất”, đó là đề bài của cậu cả. Và bài văn được điểm khá cao với sự tán dương không ngừng vì lòng ngưỡng mộ và tình yêu trong đó. Nó được viết về bố, người hùng của anh trai cô. 

Trong giây phút vui mừng của mọi người, người mẹ bất chợt lên tiếng: 

  • Tại sao con không kể về mẹ?
  • Mẹ thì có gì để kể - cậu con trai ngây thơ trả lời.

Hình như, mặt trời trong bà cũng tắt từ đó. Cái bóng trong bà cũng nhạt dần từ đó. 

Ngay cả đứa con trai bé nhỏ còn nhận ra được sự vắng mặt của bà dưới mái nhà này, thì liệu còn ai thấy bà nữa? Cậu càng ngây ngô, bà càng đớn đau. Ắt hẳn là vậy. Bởi một cách sách vở, ai có thể mỉm cười khi tiếng nói của mình bị tước đoạt, hình ảnh của mình bị xóa sạch? Thế mà, cố gắng đến mấy, cô cũng không tài nào nhớ được khuôn mặt mẹ lúc đó thế nào, mẹ đã làm gì lúc đó.

Là một người yêu nhiếp ảnh ngay từ ánh nhìn đầu tiên, vậy mà lúc này cô như muốn đập nát tất cả camera trên thế giới này. Tại sao lại bất công đến thế khi mọi bức ảnh về bà chỉ có nụ cười? Tại sao lại bất công đến thế khi mọi bức ảnh về bà chỉ có cái ôm ấm áp vòng quanh con? Tại sao lại bất công đến thế khi chẳng có gì ghi lại tháng ngày vỡ vụn để ai đó có thể nhìn thấy bà?

Yêu một người đàn ông bảo thủ và khô cằn có phải là điều tàn nhẫn với bà? Bởi mãi đến lúc ốm yếu, đứa con gái chưa một lần nhìn thấy nụ hôn nào trên trán bà. Bởi mãi đến lúc ốm yếu, đứa con gái chưa một lần nghe được lời khen nào mấp máy nơi đầu môi ông. Bởi mãi đến lúc ốm yếu, đứa con gái chưa một lần cảm được tình yêu của ông dành cho bà.

Tiệm điện đã ở đó trước khi bà về làm vợ. Vậy nên, tất cả mọi quyết định đều là chuyện của ông. Phận đàn bà ít học thì làm gì có quyền xen vào. Việc dạy dỗ con cái cũng phải nghe theo ý chồng bà. Học trường nào, giáo viên nào dạy kèm phải thông qua cái gật đầu của chồng bà. Việc duy nhất nằm trong tay người mẹ là con cái ăn gì, mặc gì. Vậy mà nỡ lòng nào cậu cả và cô út lại khước từ sự tồn tại của bà trong tâm trí chúng. 

Số phận của người mang giới tính nữ đâu chỉ dừng lại ở việc làm mẹ, làm vợ. Với người đàn ông của đời bà, chăm sóc và làm hài lòng bố ông là nhiệm vụ lớn nhất của bà. Và cam chịu mọi lời phỉ báng, chửi bới của bố chồng, với ông, cũng là một phần công việc. Bố cô đã làm gì vào những lần ông nội đánh đuổi mẹ? Liệu bố có ôm mẹ cô vào lòng và an ủi? Liệu bố có lên tiếng bảo vệ mẹ? Cô không biết gì ngoài việc mẹ vẫn quay về và chiều lòng ông nội.

Cưới người chồng luôn câu nệ chuyện nam nữ, chuyện phép tắc và quyền uy trong gia đình, mẹ cô ngày đó đâu từng nhận được cánh tay trong chuyện nhà cửa. Mỗi sáng thức sớm chuẩn bị cho con cái đến trường. Về đến nhà, dọn hàng ra trước cửa và phụ chồng bán buôn. Trưa lại chạy đôn chạy đáo đến chợ, mua thức ăn tươi ngon tẩm bổ cho gia đình. Chuẩn bị cơm cho bố chồng, rồi đến bốn năm món để chồng vừa bụng. Cơm chưa kịp trôi đã tất tả chạy lên trường đưa nước cam cho đứa con. Rồi lại trông hàng để bố cô nghỉ trưa, cũng tranh thủ quét dọn. Sau đó là cái nhà bừa bộn bởi bụi bặm và đống đồ chơi lăn lóc đợi bà. Mãi đến chiều là lúc đón con và tắm rửa cho tụi nó. Chẳng ngơi nghỉ giây nào là lao vào nấu bữa tối khi mà bốn miệng ăn đang đợi. Ăn xong thì một mình dọn rửa chén bát, đóng cửa hàng và dạy con học. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, bà đã từng chẳng ngơi tay. Và đằng sau bà, chẳng có ai cả.

Cái bóng bà lặng im trong căn bếp, trong phòng khách, trong mọi ngóc ngách của ngôi nhà. Cái bóng bà lặng im trên chiếc xe giữa dòng xe tấp nập. Liệu có ai trong tháng ngày đó nhìn thấy niềm đau in hằn trên trán hay khóe miệng bà? Chắc là không đâu nhỉ? Bởi cái bóng thì chỉ là một màu đen với đầy đủ tứ chi mà thôi. Mặt mũi ở đâu mà bắt người ta nhìn thấy được ậng nước chực trào rơi.

Mẹ cô sở hữu giọng hát rất hay, cao ngút ngàn khi cần và trầm ấm khi cần. Có lẽ, chính điều đó cũng dự báo về đời bà và cả những người đi cùng bà. Chịu đựng khi cần thiết, phản kháng khi chạm đáy.

Từ ngày bệnh tật ôm lấy bố, mẹ như nhận thức rõ được “quyền lợi” và trách nhiệm mới mẻ. Trở thành trụ cột cho gia đình này, trở thành chỗ dựa vững trãi cho sự mỏng manh của chồng. Câu chuyện của mẹ cũng từ đó mà được kể nhiều hơn từng ngày. Nhân dạng mẹ cũng từ đó mà rõ nét hơn từng ngày.

Ngày còn là thiếu nữ, biết bao kẻ si mê cô gái trinh nguyên, dịu dàng với mái tóc đen dài. Các dì thay phiên kể về một bóng hồng giọng hát như làm tan chảy tảng băng trong mọi gã trai cùng tiếng đàn ghi ta nhẹ nhàng. Nếu là một thiếu niên thời đó, chắc cô cũng sẽ si mê mẹ như si mê những giọng mưa long lanh.

Bà chẳng hay trang điểm hay dành hầu hết thời gian trong những tiệm áo quần. Bà cũng chẳng hay tới lui quán cà phê với mấy bà bạn thường. Tóc của bà ngắn ngang vai và một năm cũng chỉ được nhuộm nâu một lần. Nhưng nét đẹp của bà thì không một nếp nhăn hay lớp nám nào có thể che giấu được.

Người đàn bà chỉ cao vỏn vẹn một mét tư ấy cất giữ cho mình lòng tha thứ dạt dào hơn cả biển cả. Bởi ngay cả khi đứa con trai chẳng nhìn thấy mình trong suốt mười ba năm đầu đời thì bà vẫn yêu con bằng tất cả ruột gan. Bởi ngay cả khi từng ngón tay của chồng in hằn lên làn da mình, bà vẫn tình nghĩa vẹn tròn trong từng cử chỉ chăm sóc. Bởi ngay cả khi bố chồng chỉ còn gắng gượng được thêm vài hơi thở thì bà vẫn một mực đưa ông về nhà săn sóc với mong cầu người tai qua nạn khỏi. 

Mẹ cô là người đàn bà mạnh mẽ nhất mà cô từng gặp trong đời mình. Vì từ ngày hình ảnh mẹ rõ nét. Cô chưa từng thấy bà ngã quỵ trước biến cố nào. Ngày đón nhận tin tim người bạn đời của mình phải đặt ống để duy trì sự sống, chẳng một ai thấy bà gào thét. Mọi người kinh ngạc trước vẻ điềm nhiên và cách bà một mình xử lý vấn đề. Không con cái cạnh bên, chỉ bà và chỉ bà vừa lo toan chuyện bán buôn vừa động viên và săn sóc ông. Không một giấc ngủ đủ đầy, bà túc trực xuyên đêm suốt sáng bên giường bệnh. Không một lời than vãn, bà tươi cười ôm lấy ông vỗ về ngày trái tim ông ổn định. Đó là chưa kể đến những ngày cận Tết, mặc cho đôi chân mỏi nhừ vì cứ chạy đi chạy lại, tối về, bà vẫn cần mẫn dọn nhà cửa. Đó là chưa kể đến những ngày hè nóng bức, tấm thân bé nhỏ kia vẫn cẩn thận vác từng thùng hàng qua ba tầng lầu.

Và bà cũng là người cố chấp nhất mà cô từng gặp trong đời. Thuộc tuýp người truyền thống, mẹ luôn ghim vào đầu cô những lời dặn. Không nhuộm tóc, không sơn móng, không xăm hình, không áo quần hở hang. Dù cho bao lần giải thích, bao lần tranh cãi, mẹ vẫn một mực khước từ nguyện vọng của cô. Mẹ luôn tin vào chính mình, vào tất cả lý lẽ của chính mình. Mặc nhiên, mọi ước vọng của mẹ đều trở thành khuôn mẫu cho con cái.

Cũng như bao người phụ nữ châu Á, con chính là niềm tự hào của bố mẹ. Và cô chính là niềm hy vọng cho những khát khao mà mẹ đã bỏ lỡ. Đặt lên bàn cân mọi nỗ lực và những gì mẹ đã hy sinh, chẳng phải mẹ xứng đáng với chút yêu chiều từ mọi người. Đôi lần liếc mắt hay lớn tiếng với chồng vì đã lỡ càm ràm mình thì có sao? Đôi lần đập đồ để thể hiện quyền uy với con cái thì có sao? Đôi lần dùng tình yêu để đe dọa đứa con gái khi không làm theo ý mình thì có sao? Chẳng phải mọi người đã lấy đi quá nhiều thứ của bà sao?

Một khi cái bóng đã trở thành nhân hình bằng nội lực, bằng ý chí và bằng tình yêu thì không ai có thể tước đoạt gì từ nó nữa rồi. Nét vẽ mỗi ngày một đậm hơn, như thể sức mạnh trong bà mỗi ngày một lớn hơn. Câu hỏi còn lại chỉ là liệu ai sẽ là người bị tổn thương bởi ngọn lửa này mà thôi.

(Còn tiếp)


Tác giả: Tomorrow

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan