16 tuổi, mình đi làm chui. 


Bước vào lớp 10, còn rất xa lạ, thậm chí mình chưa từng nghĩ đến điều đó, và bất ngờ hơn là có ngày sẽ đi làm theo đúng nghĩa đen của nó. Đi làm, dường như đã thay đổi gần như toàn bộ cuộc sống của mình.


Nhiều người nói, ‘cứ học chăm chỉ đi mai sau giỏi giang kiếm nhiều tiền không giá trị hơn sao’, hay ‘mới có lớp 10 ai đi làm, ai cho đi làm’... Khi ý nghĩ về việc kiếm tiền và đi làm nảy ra, mình không nghĩ nhiều những câu hỏi như thế. Tại thời điểm ấy, mình chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải kiếm tiền để tự trang trải cuộc sống, không phụ thuộc vào ai. Giờ nghĩ lại, sự đột ngột và ngay lập tức như vậy cũng đáng quý lắm. Nếu không có nó, mình sẽ chẳng hiểu được cuộc đời.


Công việc chính thức đầu tiên của mình là phục vụ hàng ăn. Ngày đầu tiên đi làm, mình không nhớ đã đánh vỡ mấy cái bát, làm sai công thức, mang nhầm đồ cho khách bao nhiêu lần. Một cái bát rơi xuống, một bát tào phớ thiếu dầu chuối, hay mang nhầm bát có hành cho khách gọi không hành, mình chột dạ, lo sợ. Mình nghĩ đã có thể bị đuổi việc ngay hôm đầu tiên đó. Nhưng cảm ơn cuộc đời đã tha thứ, đã nâng đỡ mình. Đi làm là một quyết định dũng cảm, mất nhiều thứ thì cũng được vài điều. 



Trưởng thành là niềm vui khi nhận đồng tiền lương đầu tiên không dám xài, rồi lại ỉu xìu vì tiêu một lần hết sạch cho sở thích của bản thân. Những đồng tiền ấy đánh đổi với kết quả học tập, với nỗi sợ bị phát hiện, với thời gian, với những mối quan hệ. Phải “đánh” để “đổi” lấy một chữ “ổn”, ngây ngô nghĩ rằng, với số tiền đó, dù có không được chu cấp thì mình vẫn sống được (:v). Nhưng mình nhận ra một điều, vì không có đủ khả năng kiểm soát nỗi sợ mà phải cố gắng vượt qua, tìm cách mà phá tan nó. Vì không đủ trải nghiệm nên phải nỗ lực bồi đắp bản thân mình “giàu” vốn sống lên. “Vì không có đủ mà phải cố gắng đi lên”. 


Nhận những tờ tiền minh chứng cho sức lao động của bản thân, mình thấy “thần tượng” ba mẹ hơn idol Kpop. 16 tuổi mình mới biết vì sao ba mẹ hay bảo “đau đầu vì tiền”. Không có tiền thì phải học cách kiếm, có tiền thì phải học cách tiêu sao cho xứng. Đó là một bài học về tài chính cá nhân mà giờ mình mới gọi tên được. 


Trưởng thành với một trải nghiệm nhớ đời như thế quả là “khắc nghiệt”. Nhờ có nó, mình bắt đầu ý thức về giá trị của bản thân, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giá trị của bản thân được đo bằng số tiền mình làm ra. Nhưng nhận thức về bản thân qua những câu hỏi còn có giá trị hơn rất nhiều. 


Mình đi làm để làm gì? Để bằng bạn, bằng bè, theo phong trào? Mình làm thế nào để quyết định đi làm nhanh đến vậy? Nếu không phải là công việc bàn giấy, liệu mình có đi làm không? Bản thân sẽ làm gì trong thời gian đi làm? Đi với tâm thế như thế nào để thực sự nói “mình đã đi làm, đã kiếm ra tiền” mà không phải chột dạ nghĩ lại trong lòng về công việc mình thực sự đã làm?  


Đối mặt với những câu hỏi ấy, chính mình cũng thấy ngỡ ngàng. Bởi tâm trí của một đứa trẻ 16 tuổi, nếu không có sự kiện đi làm “nông nổi” này, thì chắc nó sẽ không thể nghĩ được nhiều như vậy, sẽ không thể tránh khỏi sự lúng túng khi chọn ngành, nghề theo đuổi. Nhưng ngay cả khi con người ta đã trải nghiệm, vẫn có quá nhiều những thắc mắc, vẫn cảm thấy băn khoăn, và chưa biết chừng, nếu không cẩn thận sẽ dễ tự cho mình là “đã có kinh nghiệm”, không nhận mình “ngu” nữa.


Thực ra, trải nghiệm là điều tuyệt vời, nhưng đó mới chỉ là điều cận cần. Để “đủ”, mình phải ngồi lại, suy nghĩ và viết về nó như thế này, để thấy vui vì mình đã lớn thêm đôi chút, và cũng để chuẩn bị cho con đường sắp tới. Nhưng làm thế nào thì cũng chỉ là sự chuẩn bị tương đối, biết đâu “cứ làm tới đi” lại hay hơn, hoặc đôi lúc chuẩn bị kỹ càng mới là chìa khóa.

_________________________________________


Tuổi 16, mình không đọc truyện tình nữa. 


Nghĩ lại, mình không hiểu tại sao bản thân lại bắt đầu sự đọc bằng truyện ngôn tình, có lẽ là do ảnh hưởng từ bạn bè. Nhưng 16 tuổi, mình không còn đọc nó nữa, vì chán, vì phải đọc thứ khác, vì phải dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời, và nhất là vì không tin vào tình cảm như mơ nữa :))


Có lẽ càng đến những ngày cuối lớp 10 mình mới suy nghĩ thực sự về cái gọi là thích ai đó. Mình phát hiện ra mình đã ngu ngơ vì cách thể hiện và khoảng dành thời gian cho việc này. Không biết cách thực hiện nên tốn nhiều thời gian vào việc không đem lại kết quả như mong muốn, nhưng mình cũng trân trọng những “giác ngộ” của bản thân nhiều hơn.



Mình học được cách chờ đợi và đặt trọng tâm đúng chỗ: khi không có mục tiêu, không đặt ra kế hoạch cụ thể, không hành động, không làm gì cả thì điều nhận lại cũng là số không. 


Không đọc truyện tình, mình nhận ra mọi thứ không kết thúc có hậu, và bản thân phải học cách chấp nhận cảm xúc. Trước giờ mình đều sống một cách khá khép kín và vỏ bọc, nên sự thành thực trong việc chấp nhận mình đang thích ai đó có ý nghĩa thật quan trọng. Việc này giúp mình đơn giản hoá nhiều suy nghĩ, nhất là về cái nhìn của người khác nếu mình công khai. Nó không nghiêm trọng như mình nghĩ, và tất cả đều phụ thuộc vào sự quyết định nhìn nhận với việc mình làm ra sao.


Một khi mình đã nhìn nhận đúng, mình sẽ hành động khôn ngoan hơn. Một khi đã đúng, mình sẽ chấp nhận trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Mình dường như thoải mái, thả lỏng hơn với chính suy nghĩ của mình dù nó vẫn còn nhiều rối ren, phức tạp. 


Không phải sự nỗ lực, chờ đợi nào cũng sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Mọi sự nỗ lực, nếu thiếu mục tiêu và hành động cụ thể, đều trở thành công cốc, không có nghĩa lý gì cả. Và ngược lại, nếu có mục tiêu mà không dành toàn vẹn tâm trí cho nó thì cũng không tiến triển được. Đi khi sống chậm lại để nhìn nhận cách sống, để điều chỉnh sự quan tâm. Sự buông bỏ kịp thời đôi khi lại chính là liều thuốc tốt nhất và là kim chỉ nam chạy đúng hướng nhất.


Chỉ khi mình chủ động thì mình mới giành được mục tiêu, và việc coi chừng sự đánh giá hay mong chờ sự để ý của người khác chỉ tốn công phí sức, hao mòn tâm trí và sức lực. Chỉ khi hiểu rõ con người mình mới ngẩng cao đầu mà sống được, và phải không ngừng nâng cao giá trị bản thân để không bị ai coi thường và đi xa hết mức trên con đường của mình đã chọn.


Tình yêu thương ban đầu có thể chưa đẹp đẽ như trong các câu chuyện cổ tích, nhưng “với một trái tim ngập tràn yêu thương thì cuộc sống không bao giờ có cơ hội trở thành một gánh nặng.” (Nguyễn Nhật Ánh)

________________________________________


Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: chuyện của N

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan