[VĐTT] Một Chuyến Về Quê (Phần 1)

Suy nghĩ của một gã trai thuộc lớp "những người lớn non" về thế giới của người trưởng thành.

Một Chuyến Về Quê (Phần 1)


Bác tài xế giảm dần chân ga rồi cuối cùng đạp nhẹ chân thắng. Chuyến xe xuyên đêm từ Sài Gòn về miền quê cao nguyên đầy nắng gió chầm chậm đỗ lại bên đường, thả xuống gã trai mình mẩy xương xẩu với đống hành lý nặng trịch những sách những vở. Tiếng gió sớm lồng lộng hòa trong mớ thanh âm hỗn tạp phát ra từ hai làn xe trên đường khiến người ta khó lòng nghe rõ những lời người khác nói, dù họ có đứng sát cạnh nhau chăng nữa. Gã khẽ nghiêng mình cám ơn bác tài, không quên kèm theo cái vẫy tay chào tạm biệt, rồi một tay khoác chiếc balo đầy nhóc, tay còn lại kéo chiếc vali to kềnh đi vào ngã rẽ quen thuộc.


Về nhà!


Lâu lắm rồi gã mới được hít thở bầu khí trong lành đến vậy.

Vừa thấy bóng gã đầu ngõ, lũ kiki đã chồm lên tru tréo inh ỏi, giật tung mấy sợi xích rồi bồn chồn chạy tới chạy lui. Mấy cái đuôi lù xù những lông cứ ngoáy tít với tốc độ nhanh nhất có thể. Gã cũng hùa theo, đứng bên ngoài bờ giậu nhại lại tiếng của bọn chúng, lại còn khuyến mãi thêm mấy tiếng gầm ghè nũng nịu. Lũ kiki thấy được đà nên càng làm nhặng xị cả lên. Lần nào cũng vậy, dù đã gọi điện báo trước với mẹ rằng gã sẽ về, nhưng nhân vật đầu tiên dành cho gã phần chào đón sớm nhất và hoành tráng nhất bao giờ cũng không phải mẹ gã, mà là mấy người bạn bốn chân to bự và nhắng nhít này.


- Ô! Út về rồi đó hả?

Gã ngoái đầu nhìn về phía phát ra giọng nói. Mẹ gã đang đẩy cửa bước ra sân, cả giọng nói lẫn dáng đi đều không giấu nổi sự vui mừng. Gã chào mẹ rồi đưa tay dụi dụi mắt. Chẳng biết có lầm không, nhưng gã có cảm giác cái dáng dấp quen thuộc của mẹ gã hình như đã nhỏ đi một chút, gương mặt tươi cười và mái tóc của mẹ như đã bắt đầu nhuốm lên màu thời gian.


Bất giác, gã thấy sống mũi mình cay cay…



Chợ sớm.


Giống như mọi lần về nhà trước đây, giờ gã lại trở thành chân chạy vặt cho mẹ. Gã vui vì điều đó, bởi mấy khi được rong ruổi khắp các ngõ ngách của làng quê yên bình, cũng chẳng còn phải để tâm đến đống tài liệu nghiên cứu chất cao như núi. Mà cái chính là, gã vui vì những ngày gã ở nhà, chân mẹ đỡ đau hơn và giấc ngủ của mẹ không còn chập chờn nữa, bởi ít phải chịu sự dày vò của căn bệnh viêm khớp. Gã cũng vui, vì sau bao nhiêu lâu sống nơi phố thị xô bồ vội vã, giờ gã lại được thong dong ngắm nhìn đám đông những con người nơi quê hương, nhìn những món quà quê mộc mạc đang ngày càng trở nên hiếm hoi ở nơi gã vẫn sống phần lớn thời gian.


Vừa thấy gã ra chợ, các bà các cô hàng rau, hàng cá mà gã quen mặt từ thuở biết đi chợ giúp mẹ đã rộ lên dành tặng gã một tràng hỏi thăm xởi lởi:

- Mới về hả con? Bao giờ mới về luôn?

- Về được lâu không con?

-  Mày làm dưới đó lương bổng khá không? Có phụ được gì cho mẹ mày chưa?

-  Dì nghe mẹ bảo mày đang học lên cao học à?

-  Gớm! Học hành gì mà lâu thế, còn không biết bao giờ mới được ăn cỗ cưới của mày!

-  Thôi! Học gì cho lắm vào, không khéo rồi lại ế chổng cả vó ra con ạ! Gần ba mươi rồi chứ còn ít ỏi gì nữa! Có người yêu rồi thì dắt về cưới ngay và luôn cho mẹ mày yên tâm!

-  A thế bao giờ mày cưới vợ?

Đứng trước tràng chào hỏi nồng nhiệt như thế, gã chỉ cười hề hề và nhắm vào những câu trong khả năng gã có thể đáp trả. Riêng về chuyện cưới vợ, gã tinh nghịch phán chắc nịch một câu:

- Dạ, nói thật thì con cũng đang tính gọi điện hỏi ông Trời, xem khi nào thì Ông ấy mới cho phép con cưới vợ đây ạ!

Ngay giây phút ấy, gã chợt nhớ đến ca khúc Bao Giờ Lấy Chồng của nàng ca sĩ được cộng đồng mạng âu yếm tặng cho danh hiệu Thánh Lầy - Bùi Bích Phương - mà cười thầm trong bụng. Thật giống với suy nghĩ của gã!


Có những lúc gã chỉ ước giá phải chi “lớp người lớn già” – những người lớn hơn gã về vai vế và vượt nhiều về tuổi tác – cũng hiểu được “nỗi khổ” của “những người lớn non” như gã - những-người-vừa-bước-chân-vào-thế-giới-của-người-trưởng-thành. Giá mà các cụ hiểu rằng, người mới trưởng thành cũng có những mối lo của riêng họ. Nào là ngoại hình không bắt mắt, mà tính cách thì cứ như...hách từ trong nôi, nên thả thính hoài vẫn chẳng thấy ma cá nào thèm cắn câu, hoặc cá đã cắn câu nhưng chẳng bao lâu sau thì cá…chuồn đi mất, để lại cho kẻ thả thính kia những nỗi nhớ cồn cào ruột gan, nhớ tới mức dù có lang thang khắp cõi nhân gian thêm vài ba chục năm nữa cũng chẳng thể nguôi ngoai được. Hoặc, bởi một lý do thực tế và ít…trẻ trâu hơn – thế hệ “người lớn non” như gã không muốn bị ràng buộc vào chuyện gia đình quá sớm. Bọn gã cũng chỉ vừa mới bước chân vào xã hội rộng lớn kia chưa được bao lâu. Ở nơi đó, gã và những người như gã còn đang muốn được thỏa sức mình khám phá cái thế giới đa diện ấy, trải nghiệm cho hết các cung bậc cảm xúc cũng như mùi vị cuộc đời, hay dùng hết sức lực và nhiệt huyết tuổi trẻ để theo đuổi hoài bão cá nhân, phát huy cho bằng hết tiềm lực của bản thân. Trong suy nghĩ của không ít người trẻ như gã, kết hôn sớm chẳng khác nào một chướng ngại trên con đường hiện thực hóa ước mơ.


May mắn thay, mẹ gã luôn hiểu và ủng hộ gã.


Gã không ế. Theo nhận xét của chính gã thì độ đẹp trai mà gã có cũng có thể tạm gọi là ổn - ít ra thì hàng ngày chiếc gương trên tường vẫn bảo với gã như vậy - không thuộc hàng xấu ma chê quỷ hờn, cũng chẳng điển trai tới mức phải lo lắng chuyện…lắm mối tối nằm không! Chuyện gì đến rồi thì cũng sẽ đến. Nghĩ vậy nên từ trước tới giờ gã chưa bao giờ cảm thấy xoắn khi nhìn người khác có đôi có cặp. Thật ra thì vẫn có rất nhiều bóng hồng khéo léo ngỏ ý muốn cùng gã bước vào một mối quan hệ nghiêm túc, song gã vẫn cảm thấy bản thân chưa thực sự sẵn sàng – chừng nào gã vẫn tự cho rằng mình vẫn còn ở trong giai đoạn “người lớn non”. Và vì vậy, cái sự lẻ loi đơn bóng hiện giờ của gã hoàn toàn là một lựa chọn cá nhân có chủ đích.


Gã cũng đã từng có vài mối tình vắt vai, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu dẫu gã và những người gã từng thương đã dùng cả tấm chân tình mà đối đãi với nhau. Đôi khi gã nghĩ, suy cho cùng thì cuộc đời đưa ra những thử thách cốt chỉ để gã đi tìm và nhận ra những giá trị ẩn mình đằng sau những thử thách đó. Vậy nên dù đã bước qua vài cuộc chia ly, song gã vẫn gắng giữ cho mình suy nghĩ theo hướng lạc quan nhất có thể. Từ lâu lắm rồi gã đã không còn cảm thấy đau trong lòng sau những vụn vỡ nữa, mà ngược lại là sự biết ơn vì thời gian đã cùng gắn bó, sẻ chia. Với gã, sự biết ơn và lời chúc phúc chân thành sau chia tay bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn việc cứ phải sống hoài trong tâm thế trách người, trách đời.



Người ta thường lấy cái mốc mười tám tuổi để quyết định một người có được gọi là trưởng thành hay không, bởi khi đó sự phát triển về tâm sinh lý đều đã đạt đến độ chín muồi nhất định. Song trên thực tế, khó mà dùng một tiêu chuẩn như thế để định nghĩa sự trưởng thành, bởi sự trưởng thành của một con người không hẳn chỉ được tính bằng số năm họ sống trên Trái Đất và mức độ phát triển về mặt thể chất. Có những người dù đã cán mốc U40 nhưng cách nhìn nhận sự việc, xử lý các mối quan hệ xã hội, cách đối nhân xử thế của họ đôi khi vẫn khiến gã phải mắt tròn mắt dẹt.


Một ví dụ điển hình về tính tương đối của khái niệm trưởng thành là những suy nghĩ nằm sâu trong tâm thức thế hệ đi trước: con người ta chỉ thực sự đạt đến vạch đích trưởng thành không phải khi họ đã bao nhiêu tuổi, mà là họ có được…yên bề gia thất hay không! Nếu điều đó chưa xảy ra, thì trong hầu hết các trường hợp thế hệ đi trước sẽ lo lắng đứng ngồi không yên, như thể trong bụng họ đang có cả một bầy kiến đua nhau chạy marathon vậy. Và rất có thể, các cụ sẽ dùng nhiều phương cách khác nhau chỉ để được nhìn thấy tên con cháu của họ rơi ra khỏi cái danh sách forever alone đầy xúi quẩy kia.


Mà các cụ ngày xưa nghĩ như vậy cũng chẳng sai – gã đang nói đến sự đúng đắn trên bình diện lý thuyết. Không sai bởi lẽ, khi đủ sức tạo dựng và gìn giữ một gia đình ấm yên, lèo lái nó vượt qua những thử thách của cuộc đời, thì thông thường người ta đã tích lũy đủ cho mình một vốn sống kha khá. Họ hoàn toàn có đủ khả năng để lo lắng, che chở cho bản thân và gia đình của mình, đủ sức đối mặt với một nùi một mớ những áp lực đến từ nhiều phía. Đến một lúc nào đó, họ cũng sẽ bước vào giai đoạn “người lớn già”, sẽ dìu dắt con họ, rồi cả cháu của họ tiến bước vào thế giới của những người trưởng thành.


(Hết phần 1)

__________________________


Nguồn ảnh: lưu trữ cá nhân của tác giả

Tác giả: Mèo Mun

Theo dõi tác giả tại: https://www.facebook.com/MunVaNhungVunVat


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan