Một Chuyến Về Quê (Phần 2)
Khoảng thời gian khi mới bước chân ra xã hội, bắt đầu đối mặt với những thử thách đầu đời, cũng là lúc gã suy nghĩ thật nhiều về chỗ đứng của bản thân trong cái thế giới mà gã đang sống. Trải theo năm tháng cùng những vấp váp đến sau sự hấp tấp và bồng bột của tuổi trẻ, gã thấy những suy nghĩ non trẻ trong gã dần được thay thế bằng lối tư duy cứng cáp và người lớn hơn, khôn ngoan hơn. Song, nếu ai đó hỏi rằng gã đã thực sự sống đúng với vai trò, vị trí của một người trưởng thành hay chưa, thì có lẽ gã vẫn chưa dám đưa ra câu trả lời mang tính khẳng định.
Phải cắt nghĩa như thế nào về hai chữ “trưởng thành” cho đúng? Có hay không một định nghĩa tuyệt đối cho khái niệm ấy? Và nên hiểu như thế nào về những khía cạnh mà nó hàm chứa? Hiện tại, gã vẫn chưa thể nào tìm ra câu trả lời xác đáng cho những thắc mắc của mình. Gã chỉ thấy những gì bản thân đã trải qua trong vỏn vẹn gần ba mươi năm sống với tư cách là một con người đã mang đến cho gã suy nghĩ, rằng trưởng thành cũng giống như một thước phim sinh động được quay dưới lăng kính của chủ nghĩa hiện thực. Bao quát nhưng không hề bỏ sót bất kỳ một chi tiết nào.
Gã có thể tìm nơi thước phim đó tất cả những ngọt bùi, chát đắng, chua cay của đời người. Gã nhìn thấy ở đó trách nhiệm – là trách nhiệm với chính bản thân gã, và trách nhiệm với những người mà gã yêu thương. Rộng hơn là trách nhiệm với chính cái xã hội mà gã đang sống. Cũng trong thước phim đó, gã không chỉ nhìn thấy những hoài bão, nhiệt huyết tuổi trẻ hừng hực trong mình, mà còn tận mắt chứng kiến bản thân gã đã phải thất vọng, suy sụp như thế nào khi đối diện với những thất bại cả trên phương diện tình cảm, các mối quan hệ xã hội, lẫn sự nghiệp cá nhân.
Nếu xem cuộc đời của mỗi người là một thước phim, thì gã nghĩ có lẽ thước phim của gã mang một sắc màu hơi khác so với những thước phim của phần đông người trẻ còn lại. Gã thấy may mắn vì nhờ tình yêu, sự thông hiểu và ủng hộ hết mình của mẹ mà gã chưa bao giờ phải đối mặt với áp lực đến từ cái gọi là “sự kỳ vọng” – kỳ vọng đến từ phía gia đình. Thi thoảng gã vẫn nghe lũ bạn than thở về việc bị bố mẹ họ hàng thúc ép việc cưới xin, hoặc những lời thăm hỏi dồn dập liên quan chuyện thăng tiến, lương bổng đến không đúng lúc. Dĩ nhiên là gã cũng đã nhiều lần và trong suốt một thời gian dài phải sống cùng với thứ áp lực đến từ những kỳ vọng không của ai khác mà là của chính gã. Không, nói đúng hơn thì đó là những kỳ vọng mà xã hội đã nhét vào đầu gã: phải thành công trong một thế giới phẳng như hiện tại, và vì nó là thế giới phẳng nên chỉ cần nỗ lực hết mình, một ngày nào đó anh chắc chắn sẽ thành công! Một cách quán tính, gã cùng những bạn bè đồng trang lứa khác đều gò ép mình phải đi theo cái guồng xoáy chung đó. Đến một ngày gã giật mình nhận ra, rằng gã đang đi ngày càng xa con người chân thật và an nhiên của mình. Cuộc sống của gã khi ấy như thể bị bao quanh bởi những tính toán, đua chen không hồi kết.
Cái guồng xoáy kia đã khiến gã và những người như gã quên mất rằng, thế giới mình đang sống không hề bằng phẳng, rằng xuất phát điểm của mỗi người không giống nhau nên mọi sự so sánh nếu có đều sẽ trở nên khập khiễng. Người ta cũng không nhận ra, rằng những giá trị mà họ hằng theo đuổi chưa chắc là cái sẽ đưa họ đến với hạnh phúc thực sự, ngược lại đang khiến họ sống ngày một thiếu đi tình người. Và rồi sau tất cả những nỗ lực hết mình mà kỳ tích không xuất hiện, người ta thường dễ rơi vào chỗ đổ lỗi cho người, cho hoàn cảnh, hoặc tệ hơn là quay ra so sánh bản thân họ với người khác, rồi lại trách móc, dằn vặt chính mình. Gã nghĩ, phải bước ra khỏi guồng xoáy đó thì người ta mới thấy rằng, nếu chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân thôi thì chắc chắn vẫn chưa đủ để đảm bảo một tương lai sáng lạng mang tính chất đổi đời cho họ. Sự nỗ lực chỉ đóng vai trò như một điều kiện cần thiết trong câu chuyện này. Và đương nhiên khi nghĩ đến điều ấy gã hoàn toàn không có ý phủ nhận sự tồn tại của kỳ tích. Kỳ tích vẫn tồn tại, song nó luôn cần phải đi kèm theo nhiều yếu tố khác: sự may mắn, cơ duyên, tính chất môi trường xã hội mà người đạt được kỳ tích kia đang sống.
Trong thước phim đó, gã cũng nhìn thấy sự cô đơn của chính mình khi chọn cách suy nghĩ và lối sống ngược chiều với đám đông. Gã không chạy theo danh vọng hay địa vị, cũng chẳng để bản thân mình bị cuốn vào cuộc đua tìm kiếm vật chất xa hoa. Đôi khi gã thấy mình lạc lõng ngay giữa đồng nghiệp và bạn bè. Đến cái công việc mà gã đang theo đuổi bằng tất cả sự tận tụy và đam mê – nghiên cứu viên thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - cũng khiến họ hàng, bạn bè gã cảm thấy khó hiểu. Họ luôn cho rằng với khả năng sẵn có, gã nên và phải tìm cho mình một công việc gì đó thực tế hơn, mang lại cho gã mức lthu nhập cao hơn. Nói không ngoa, một vài người trong số bạn bè và người thân từng nửa đùa nửa thật mà bảo với gã, rằng họ lo nếu gã cứ học và đọc nhiều như thế, e rằng một ngày nào đó gã sẽ hóa thành một lão già lẩn thẩn với mớ lý thuyết xa vời chẳng ai hiểu nổi. Mỗi lần họ bảo như vậy, gã lại chưng ra điệu cười hề hề không lẫn vào đâu được.
Gã chưa bao giờ nghi ngờ về việc lựa chọn con đường mà mình đang đi. Song có rất nhiều khi gã thấy bản thân mình như đứng trước ngã ba đường. Tận sâu trong thâm tâm, gã, cũng như các chị của gã, đều mong muốn mình có thể toàn tâm toàn ý lo cho mẹ, dành nhiều thời gian bên mẹ hơn. Song giữa mong muốn và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa. Các chị của gã đều đã có gia đình và đều phải lo lắng cho cái gia đình riêng ấy. Thu nhập ít ỏi từ vườn cà phê mà các chị có được cũng chỉ vừa đủ để trang trải cho những nhu cầu cơ bản hàng ngày của gia đình, nói chi đến chuyện chăm lo đủ đầy cho mẹ. Gã hiểu và thương các chị. Thương cho nỗi vất vả nhọc nhằn mà những tiểu nông như các chị đang từng ngày phải đối mặt, thương cho cả những trăn trở, đôi khi là ý nghĩ tự trách ẩn sâu trong ánh mắt những lần các chị về thăm lúc mẹ ốm. Gã nhìn thấy hết nhưng lực bất tòng tâm. Có lẽ với điều kiện hiện tại, những gì gã làm được cho mẹ cũng chỉ dừng lại ở một ít tiền quà hàng tháng, lâu lâu sắm cho mẹ chiếc áo ấm, hoặc đưa mẹ đi đâu đó những lúc quỹ thời gian ốm o của gã cho phép. Rất nhiều khi gã thấy mình bị giằng kéo giữa một bên là khao khát thực hiện chí hướng của bản thân, và một bên còn lại là tìm một công việc khác với thu nhập khá hơn để có thể chăm sóc chu đáo cho mẹ. Sống cho chính mình hay sống cho người khác là câu hỏi đôi khi vẫn làm gã thức giấc giữa đêm khuya.
Nhưng gã biết mẹ hoàn toàn không muốn nhìn thấy gã phải từ bỏ con đường mà gã đang theo đuổi.
Mẹ hiểu tất cả những suy nghĩ cùng mối lo của gã, nên chưa bao giờ mẹ gò ép gã vào bất cứ điều gì.
(Hết phần 2)
--------------------------------------------
Tác giả: Mèo Mun
Theo dõi tác giả tại: Mèo Mun
Nguồn ảnh: Lưu trữ cá nhân của tác giả
(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT
(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”
(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT