[VĐTT] Nỗi Buồn Không Có Lỗi

/nỗi buồn là còn mãi/ “Nỗi buồn là còn mãi” – Câu này của danh họa Vincent Van Gogh, với nhiều bản dịch khác như “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi”, “Nỗi buồn vĩnh cửu”, “Nỗi buồn mãi mãi”… …

/nỗi buồn là còn mãi/

“Nỗi buồn là còn mãi” – Câu này của danh họa Vincent Van Gogh, với nhiều bản dịch khác như “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi”, “Nỗi buồn vĩnh cửu”, “Nỗi buồn mãi mãi”…

“Nỗi buồn là còn mãi”, dường như bản thân câu nói này cũng chở theo một nỗi buồn man mác. Nó gợi nhắc tôi về quan niệm đời là bể khổ trong đạo Phật. Với những người dành nhiều thời gian để đeo đuổi sự hạnh phúc như chúng ta, có lẽ đây là một câu nói không mấy vui vẻ. Nhưng từ một góc độ khác, “Nỗi buồn là còn mãi” – gợi nhắc chúng ta cảm nhận cuộc sống này trong hình hài trọn vẹn của nó. Nếu không có nỗi buồn ở đó, làm sao chúng ta trân quý niềm vui đến thế? Nỗi buồn vẫn sẽ luôn ở đó, luôn song hành cùng với niềm vui trong cuộc đời. Giống như biểu tượng âm dương trong Đạo giáo, trắng đen gắn quyện, trong nửa trắng vẫn tồn tại chấm đen, và trong nửa đen vẫn tồn tại chấm trắng. Hai mặt đối lập gắn quyện với nhau, tạo thành vòng tròn toàn vẹn. Có khi ngay trong niềm vui mà ta cảm nhận được nỗi buồn – giả như ta vừa đạt được một thành tựu quan trọng sau thời gian dài phấn đấu và nỗ lực, nhưng có thể ngay trong chính khoảnh khắc ấy, nỗi buồn vụt thoáng qua tâm trí ta: ta sẽ làm gì tiếp nữa? sau thành tựu này? rồi ta đâm ra hụt hẫng và trống vắng. Và có khi ngay trong nỗi buồn mà ta cảm nhận được niềm vui:

“Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa” (Trịnh Công Sơn).

“Nỗi buồn là còn mãi”, thay vì chối bỏ nỗi buồn, thay vì coi nỗi buồn như một kẻ tử địch với âm mưu quấy phá cuộc sống tươi đẹp của chúng ta, thì có lẽ chúng ta có thể thử nhìn nhận nỗi buồn như một phần tất yếu trong cuộc sống tươi đẹp này. Nó ở đó để góp thêm vào cuộc sống tươi đẹp của chúng ta, vì sự góp phần của nó mà cuộc sống của chúng ta trở nên tươi đẹp trong trọn vẹn hình hài. Nhờ nó mà ta không rơi vào sự lạc quan trống rỗng, không rơi vào sự hoan hỷ đến mức thoát ly thực tại.

/không phải lúc nào chúng ta cũng cần vui vẻ/

Một thí nghiệm chỉ ra rằng sự vui vẻ cổ động còn khiến chúng ta suy sụp hơn cả việc chấp nhận nỗi buồn như một phần thực tại. Thí nghiệm được thực hiện với 120 tình nguyện viên, họ tiến hành giải 35 câu đố tìm từ dựa trên dữ kiện cho trước trong vòng 3 phút. Nhưng thực tế là trò chơi này được sắp đặt để chiến thắng không thể xảy ra. Điều các nhà nghiên cứu quan tâm là thái độ của người tham gia trước thất bại. Nhóm người tham gia được chia thành hai nhóm: một nhóm giải đố trong căn phòng có nhiều tranh ảnh cổ động, khơi gợi niềm vui; nhóm còn lại giải đố trong một căn phòng trung tính (tức là không cố khích lệ niềm vui nơi họ). Kết quả, những người tham gia ở trong căn phòng vui vẻ có xu hướng suy sụp vì thất bại hơn hẳn những người trong căn phòng còn lại. Cố công hướng tới niềm vui hóa ra lại chỉ càng khiến nỗi buồn trở nên tệ hơn.Nếu chúng ta cảm nhận được nỗi buồn trong lòng mình, điều nên làm không phải phủ định nỗi buồn và áp mình vào niềm vui một cách miễn cưỡng.

Nỗi buồn không có lỗi, nỗi buồn không phải điều xấu xa và tệ hại cần trốn tránh, nó là một trong những cảm xúc mà con người sở hữu, nó là một phần của bản thân chúng ta. Nếu chúng ta không chấp nhận chính nỗi buồn của mình, thì ai chấp nhận? Nếu chúng ta không chấp nhận chính nỗi buồn của mình, có phải chúng ta cũng cảm thấy thật khó khăn để chấp nhận bản thân mình? Thiền quán (vipassana) hướng con người ta nhìn nhận cảm xúc như nó vốn là, không phán xét, không đánh giá tốt xấu, chỉ đơn giản là chúng ta đang buồn, có thể có lý do cho nỗi buồn ấy, cũng có thể là không.Chôn chặt nỗi buồn chỉ khiến ta bị mắc kẹt và cần nhiều sức lực hơn để thoát khỏi. Cảm xúc cần được tôn trọng, cần được giải phóng, không có gì đáng ngại ngần khi chúng ta rơi nước mắt, khi chúng ta phơi bày sự yếu đuối của mình trước ai đó mà chúng ta tin tưởng, khi chúng ta thừa nhận rằng chúng ta đang cảm thấy thật tệ.

“Có gì đó thật đẹp ẩn trong nỗi buồn

Bởi những bản nhạc buồn mới đẹp làm sao

Buồn bã không phải là điều gì nên chối bỏ

Chính sự lãnh đạm và tẻ nhạt mới cần được tránh xa

Còn cảm xúc dù thế nào cũng thật tuyệt vời, tôi tin.”

– Joseph Gordon-Levitt

Nỗi buồn góp phần giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống này trọn vẹn hơn. Nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng khi nỗi buồn kề cận bên chúng ta trong một khoảng thời gian nhất định. Ta cần nỗi buồn để sống tốt hơn, nhưng sống mãi trong nỗi buồn thì không. Cuộc sống trọn vẹn khi ta có đủ cả những phút thăng trầm của cuộc sống, khi lên và khi xuống, như điện tâm đồ mô tả nhịp đập của trái tim chúng ta. Trái tim chúng ta hòa vào cuộc sống này, lúc thăng lúc trầm, lúc vui sướng lúc buồn tẻ, và điều đó chứng tỏ chúng ta đang sống.

Tác giả: Thu Giang
Tham gia cộng đồng Viết để trưởng thành tại:  https://www.facebook.com/groups/2600614563539615/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan