[VĐTT] Thế giới của người trưởng thành chỉ là bức tranh nịnh người (Hồi kết)

Góc nhìn phủ định của một cô gái sắp 21 tuổi về thế giới người trưởng thành

Thế giới của người trưởng thành chỉ là bức tranh nịnh người (Hồi kết)


Chương 3: Hành trình yên phận.


Viết là cách hồi tưởng tuyệt nhất trần đời, theo cô là vậy. Có thể, xem phim cũng có công dụng tương tự. Nhưng với kẻ luôn bị cuốn theo xúc cảm của diễn viên như cô, thì nó không hiệu quả.

Mang trong mình lỗ hổng về mặt tư duy khá lớn, cô đã từng rất vật vã. Không một chút sắc màu hay con người hiện lên khi mảng ký ức được công chiếu, đó là nỗi đau với kẻ quyết tâm theo hướng sáng tạo. Tuyệt nhiên chỉ có màu trắng của chữ và đen của không gian não bộ.

Cô luôn được dạy về những hành trang đi kèm với “trưởng thành”. Trong số đó: mơ ước hay đam mê vẫn là cọng dây thừng vất vưởng giữa nhà. Thứ chỉ chực chờ vòng quanh cổ cô, từ từ đè lên khí quản và cướp đi từng hơi thở. Đúng! Như cái cách mà cô đơn từng làm.



Hồi học cấp ba, mỗi lần ai đó hỏi về nghề tương lai, cô chẳng ngần ngại mà huyên thuyên. Nào là ngành đó tuyệt vời như thế nào. Nào là câu chuyện chị cô đã tác động thế nào. Nào là tương lai sẽ học sâu đến bậc nào. Có điều, cô quên hỏi bản thân rằng mình có thật sự thích nó.

Hồi đó bắt đầu nổi lên mấy cái test tính cách để tư vấn nghề nghiệp này nọ. Cũng tò mò nên cô làm thử vài ba lần. Điều đặc biệt là đều có cùng một lời khuyên. Theo như mấy câu từ trên màn hình máy tính thì cô hợp với nghệ thuật, hợp với những công việc sáng tạo. Nhưng cái ngạo nghễ của tuổi “vội lớn” chẳng cho phép bất kỳ sự phủ định nào về chính mình. Bởi nếu chấp nhận kết quả ấy, chẳng khác nào tự nhận rằng tâm thức này hoàn toàn xa lạ với cô. 

Ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, chị đã cho cô vài ba con chữ tích lũy từ xương máu: “Bài học nào mua được bằng tiền thì đều rẻ.” Suy đi tính lại, có lẽ cái cố chấp lấy đi hai năm học phí ở trường đại học thì vẫn quá bèo. Nghĩ tích cực hơn một tẹo, thì đoạn thời gian này cho cô cơ hội để bắt đầu hành trình học về bản thân.

Sài Gòn là thành phố hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Đó là điều mọi người hay nói về nơi này. Bé con trong cô thì đầu lắc nguầy nguậy bởi chẳng hiểu nổi dù chỉ là một chữ. Mặc vậy, thiếu nữ mười tám tuổi đôi phần gật gù ra vẻ cảm hiểu.

Trở về Sài Gòn, như bao bạn bè cùng trang lứa, cô bắt đầu tham gia câu lạc bộ tuổi trẻ. Thật ra, một vài người sẽ chọn con đường kiếm tiền từ các công việc bán thời gian. Mà cô thì đâu phải kẻ phải bận tâm đến chuyện tiền nong, nên giúp đỡ cuộc đời là lý do được dùng để huyễn hoặc bản thân.

Thức đêm thức hôm, chỉnh sửa hàng chục cái CV, cốt chỉ muốn khoe khoang điểm “kỳ quặc” của chính mình. Rồi cũng chạy xe vòng vòng Sài Gòn để tham gia phỏng vấn, có nơi cô biết mình đậu ngay từ những giây đầu. Nhưng cũng có những vị trí thẳng thừng lắc đầu lúc cô vừa xoay người ra về. Năm mười tám tuổi, liệu mấy ai không cảm thấy tức tối khi bị chối từ? Nỗi dỗi hờn của đứa trẻ tự cao tự đại về bản sắc chính là gai nhọn trên thân xương rồng. Trưng bày biểu cảm cáu kỉnh như thể sẵn sàng cắt đứt gân tay của bất cứ ai nếu chạm vào. Chỉ là, cô không ngờ, dẫu ánh sáng chẳng phải là điều kiện thứ yếu, nhưng nếu xa “mặt trời” quá lâu, xương rồng cũng chết mà thôi.

Loay hoay vài ba cuộc hẹn, cuối cùng, tổ chức thanh niên nọ cũng nhận cô. Đã là bản chất thì khó bỏ, đứa nhỏ tuổi nhất ứng cử vị trí cao nhất. Đó là chưa kể kinh nghiệm cô còn chẳng có một mảnh vác vai. Thứ duy nhất để lòe người là thái độ tự tin. Mỗi một ánh mắt, mỗi một cử chỉ đều áp đảo đối phương. Vì mặc cho sau khi ra về, chẳng nhớ nổi mình đã nói gì, cô luôn tin vào bản thân một cách tuyệt đối tại thời điểm “giao tranh”.



Gặp gỡ nhóm người mới đồng nghĩa với những lần viếng thăm của nghi hoặc trở nên thường hơn. Bỏ lên bàn cân, thứ sức mạnh cô có dường như quá nhẹ so với bất kỳ nhân vị nào ở phía còn lại. Nếu những buổi triển lãm trước đây, cô chưa từng cảm thấy lẻ loi vì xung quanh, ít nhất đều là khung tranh. Cái khác biệt là nội dung bên trong. Thì ở đây lại khác, chẳng có giới hạn nào từ dáng hình, thể loại cho đến chất liệu. Ở góc này là tượng điêu khắc, góc kia lại là khu trưng bày gốm. Lọt thỏm giữa trăm ngàn “độc nhất”, bức tranh bỗng trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Bởi ngôn từ trắng cùng nền đen đã quá lỗi thời chăng? 

Điểm thú vị của con trẻ chính là không cam chịu thứ khái niệm mang tên “số phận”. Có lẽ, chỉ có nam châm mới là hình ảnh chân thực nhất để so bì với lòng gan dạ của chúng. Nó tỏa ra lực hút một cách quyết liệt và dứt khoát nếu bất kỳ sự chú ý nào nằm trong phạm vi chạm được. Đứa trẻ trong cô cũng thuộc loại ngoan cố như thế. Bằng mọi nỗ lực, bức tranh lẻ loi ra sức thu hút ánh nhìn của kẻ đi qua người đi lại. Điểm xuyết vài chi tiết cóp nhặt từ tác phẩm này, tác phẩm kia, thoáng nhìn, vẻ lạ mắt cũng níu được vài đôi chân.

Cô là đứa trẻ có lòng đố kỵ rất rất rất lớn. Sẽ là dối lòng nếu nói rằng cô rất hạnh phúc khi bè bạn thành công. Đâu đó trong lồng ngực dập dìu những cơn sóng mỗi lúc như vậy. Thế nên, lần đầu tiên trong đời, cô trở thành người phục vụ. Bán buôn trong tiệm trà sữa be bé ở quận 1 là cơ hội để hòa mình cùng dăm ba lớp người xa lạ. Chưa một lần, cô nghĩ sẽ có lúc phải nỗ lực hết sức trong việc giao tiếp với ai đó. Vậy mà ở đây, cô nhìn thấy sự phân chia rõ rệt giữa mình và phần còn lại của thế giới. Chán ghét thể loại nhạc họ thích, chán ghét mấy thể loại áo quần họ mặc, một lần nữa, viễn cảnh đơn độc giữa triển lãm lại hiện về.

Nhận thức rõ ràng về tham vọng, ở vị trí nào, khát khao trở thành thủ lĩnh luôn bùng cháy. Dùng thời gian để đánh đổi kinh nghiệm, dùng tư duy để lấp đầy lỗ hổng, chẳng mấy chốc, đứa trẻ bên trong cô đã có được những gì nó muốn. Hả hê với chiến thắng bé tẹo, cô quên rằng hành trình chỉ vừa mới bắt đầu.

Chúng ta luôn cần người khác để thấy mình cô độc. Cái dáng vẻ khinh khỉnh của kẻ chiến thắng là nhát kéo sau cùng cắt đi mối liên kết với mọi người. Vì mải mê đắm say với bản sắc khác biệt, vô tình, người người xem cô như kẻ dị biệt và hống hách. Mà cảm giác thắng cuộc đâu thể lấp đầy nỗi niềm bị tách biệt, nhất là khi chưa từng cảm thấy an yên với chính mình. Rồi tháng ngày của trách nhiệm, của sức mạnh đồng tiền đến. Tâm hồn cô từng chút vỡ vụn, từng chút.

Hai năm để đổi lấy sự tự do cho mình, cô tự hỏi liệu có đáng? Chẳng đáng đâu bởi làm gì có tự do nào khi ta cứ phải đeo hết chiếc mặt nạ này đến chiếc mặt nạ kia. Nhưng hai năm để đổi lấy kinh nghiệm chấp nhận bản thân thì chẳng phí hoài.

Vội “lớn” hay vội “bé” đều đẩy cô về phía hố sâu. Yên phận và để con người sâu thẳm bên trong tự lên tiếng mới là hạnh phúc thật sự. Bé con thì vui, mà cô gái sắp 22 tuổi cũng tốt.

Cơ bản, sống trên cõi đời này giống như vẽ một bức tranh. Mà đã là vẽ tranh thì đâu thể chỉnh chu nếu chỉ được dùng một loại cọ. Mà đã là vẽ tranh thì đâu thể trọn vẹn nếu chỉ được tô lên một màu sắc. Nhiệm vụ của những kẻ nghệ sĩ đơn độc như ta là dâng hiến góc nhìn của bản thân trong từng đường nét. 

Thật lòng mà nói, chẳng có bất kỳ công thức cố định cho việc cảm thụ. Mỗi người sẽ có quyền chọn loại cọ phù hợp. Mỗi người sẽ có quyền đồ lên những mảng màu đậm chất “tôi”. Trưởng thành hay trẻ con cũng chỉ là cách nghĩ tầm thường. Nếu muốn bức tranh giản đơn, hãy tự trao quyền vẽ các đường thẳng. Nếu muốn bức tranh trừu tượng, hãy tự trao quyền vẽ thế giới tưởng tượng của riêng mình. 

Thế giới của người trưởng thành chỉ là bức tranh nịnh người khi cô chẳng chịu sống hết mình ở thì hiện tại.


Tác giả: Tomorrow

*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: 

http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan