[VĐTT] Thế giới của tôi và thế giới của người trưởng thành

Đây là góc nhìn của một người trẻ về người trưởng thành. Bài viết chia sẻ góc nhìn của người trẻ, cách họ tiếp cận và giải quyết vấn đề khác với người trưởng thành như thế nào

Thế giới của tôi và thế giới của người trưởng thành


Lúc tôi 18 tuổi, đứng trước những ngã rẽ có sẵn cho tương lai phía trước, tôi quyết định không chọn con đường nào cả. Thay vào đó tôi tự chọn con đường riêng của mình: tôi không học đại học.


Lựa chọn này khiến tất cả mọi người xung quanh tôi phát hoảng. Thầy cô, bạn bè, ông bà, cha mẹ, thậm chí cả hàng xóm của tôi. Đơn giản vì tôi được xem là con ngoan trò giỏi và là một “con nhà người ta” chính hiệu trong mắt mọi người. Vì lẽ đó, họ nghĩ cuộc đời tôi sẽ đi theo một đường thẳng như thế này: tôi học đại học ở một trường danh tiếng nào đó, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, đi làm, kết hôn, có con, nuôi con và già đi - một con đường theo tôi là đơn điệu, tẻ nhạt và chán ngắt. 


Nhưng họ không ngờ rằng tôi lại tuyên bố mình sẽ không đi học đại học, và tôi sẽ tham dự một chương trình giáo dục thay thế đại học kéo dài hai năm rưỡi. Khi biết tôi có ý định như vậy, thay vì hỏi tôi sẽ học cái gì, cái chương trình đó có ý nghĩa như thế nào với tôi, tại sao tôi lại chọn điều đó, họ lại nhảy dựng lên và phản đối: không được, cái này không có bằng cấp gì cả, chỉ có đứa ngu mới đi học cái chương trình vớ vẩn này. Mày lo học đại học đi.


Tôi còn chưa có cơ hội để giải thích, họ đã hành động trước để ngăn chặn tôi thực hiện ý định của mình. Thế là họ đã tịch thu mọi thứ quan trọng đối với tôi, từ hộ chiếu, đến thẻ bảo hiểm và cả tài khoản ngân hàng. Sau đó là một tuyên bố khác đến từ họ: đi học đại học hoặc không đi đâu cả! 



Trước đây, tôi rất tức giận khi phải trải qua sự việc đó. Nhưng giờ nghĩ lại, người lớn hành xử như vậy cũng có lí do của họ, tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm cho họ.


Lí do của họ bắt đầu với sự sợ hãi về sự không chắc chắn, sự thay đổi và sự không ổn định. Tôi đã để ý nhiều rồi, người trưởng thành luôn chọn những thứ giúp họ có được cảm giác an toàn và sự quen thuộc.


Giữa làm công ăn lương để có được sự đảm bảo về tài chính và việc khởi nghiệp kinh doanh  với khả năng đạt được thành tựu song luôn đi kèm những rủi ro thất bại, người trưởng thành chọn cái đầu tiên.


Giữa đi theo đám đông và cảm thấy được sự an toàn từ việc nhiều người có lựa chọn giống mình so với việc chọn lối đi riêng của mình để đối mặt với rủi ro và sự bất định, người trưởng thành chọn cái đầu tiên.


Giữa việc không làm gì để thúc đẩy bản thân và việc thi thố để thử thách chính mình, người trưởng thành chọn cái đầu tiên.

Bạn thấy đấy, người trưởng thành thiếu sự can đảm để chiến thắng nỗi sợ hãi và cho bản thân cơ hội để phát triển. Họ thà chọn sự an nhàn để bảo toàn những gì họ có hơn là phải đối mặt với những rủi ro. Đơn giản bởi vì họ bị chế ngự bởi nỗi sợ. Nỗi sợ chính là thứ đằng sau những lựa chọn của họ. Vì thế đời sống của họ rất tẻ nhạt, vô vị và rất nhàm chán.

 

Nhưng dù sao thì cũng chỉ vì họ quan tâm tới tôi và họ muốn những thứ tốt đẹp nhất sẽ đến với tôi mà thôi. Tuy nhiên tôi không đồng ý với cách làm của họ.


Bạn biết đấy, người lớn – người “đã trưởng thành” sống và chấp vào sự an toàn, khiến cho họ rơi vào sự nguy hiểm mà không hề hay biết. Những người trưởng thành ngoan cố họ gặp khó khăn khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ. Họ vốn không thích những thứ mới mẻ, nên đã từ chối tiếp cận với những thứ công nghệ tân tiến nhất của con người. Họ không biết gì về blockchain, họ không quan tâm đến trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), họ thiếu sự hiểu biết về kết nối vạn vật (internet of things) và những thứ công nghệ khác. Và thế là họ đang đối mặt với sự thay đổi về mặt nhân sự lớn nhất lịch sử khi máy móc đang dần cướp đi công việc của con người. Những người không có những tri thức và kĩ năng phù hợp với sự thay đổi đang diễn ra chắc chắn sẽ bị đào thải.


Sự sợ hãi đã khiến cho họ đang lâm vào một tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết. Và họ vẫn cứ mê muội như thế mà không chịu thức tỉnh.

Người trưởng thành bị bó buộc vào công việc, trách nhiệm xã hội và gia đình. Vì thế họ không tìm được thời gian cho bản thân. Họ không phát triển sở thích cá nhân, họ không theo đuổi đam mê, đôi lúc họ còn ép bản thân làm những thứ khiến họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí là tội lỗi. Sau cùng, họ quên mất rằng họ đã từng là những người trẻ đầy hoài bão, nhiệt huyết và rất năng động. Vì thế, tất cả những gì họ làm là kiếm tiền để tồn tại qua ngày.


Để rồi những con người thế hệ sau tiếp nhận cách sống đó từ cha mẹ chúng, và có cuộc đời giống như họ.


Đứa trẻ sinh ra là phải bắt đầu chạy đua, vì một thứ vô hình nào đó mà nó không hề hay biết. Chúng phải học đọc, học viết để không phải thua kém bạn bè. Chúng phải cố gắng đạt được thành tích tốt nếu không sẽ bị gắn cho cái mác “ngu dốt”, “kém cỏi”. Khi lớn hơn một chút, chúng vẫn phải dành hết thời gian chỉ để học, để có thể tìm được một vé vào học ở một trường đại học nào đó. Sau đó, bọn trẻ lại phải tiếp tục “học” để có thể tốt nghiệp. Tiếp theo, bọn trẻ lại phải đi làm để kiếm tiền. Tiếp đến, chúng phải lập gia đình, sinh con.


Vòng lặp này cứ thế mà tiếp diễn.



Bọn trẻ như tôi lớn lên trong một xã hội mà phần lớn mọi người đều như thế. Nhưng thay vì mù quáng chạy theo đám đông mà không một phút dừng lại để suy nghĩ, bọn tôi đã biết phản tư để xem những gì mình làm có ý nghĩa gì và liệu có đáng để theo đuổi hay không.


Ở trường hợp của tôi, tôi đã dừng lại và hỏi những người trưởng thành:

- Tại sao con lại phải học đại học?


- Để mày có được một tấm bằng chứ sao nữa! Họ đáp một cách rất dứt khoát.


- Có tấm bằng để làm gì ạ?


- Trời ơi! Bây giờ mày đi xin việc mà không có bằng thì còn lâu người ta mới nhận mày nhá! Họ vẫn rất tự tin trong câu trả lời của mình.


- Có hai điều con muốn hỏi: vậy thì tại sao phải là “xin việc” mà không phải một điều gì đó khác? Và làm thế nào mà biết được có tấm bằng thì đồng nghĩa với chuyện sẽ có việc làm? Chẳng phải doanh nghiệp vẫn hay phàn nàn là việc thì đầy nhưng người để làm thì không có đó sao?


Đến đây thì họ quát tôi, “Lắm chuyện! Người ta có bằng đại học, đi làm và kiếm tiền đầy cả ra, bộ không thấy à? Bớt lôi thôi và lo mà đi học đi!”


Cái việc quát tôi để khiến tôi im đi cũng là bởi vì họ sợ. Họ sợ mình không trả lời tiếp được những câu hỏi của tôi. Họ sợ sẽ đối mặt những câu hỏi đó và họ sẽ không biết làm thế nào. Vì thế họ quát, họ làm náo loạn mọi thứ cả lên, và chạy theo người khác để khỏi phải đương đầu với nỗi sợ từ bên trong họ.


Tôi không phải là đứa mù quáng, tôi đã hỏi họ về lí do phải đi học đại học. Nhưng tôi lại không nhận được những câu trả lời thuyết phục. Không thuyết phục thì thôi, tôi làm theo những gì tôi nghĩ là đúng.


Khi nhìn vào người trưởng thành, tôi thấy họ bị nỗi sợ kìm hãm rất nhiều. Làm gì họ cũng sợ, nên không bao giờ nghĩ đến những khả năng khác có thể tồn tại trên đời. Họ không muốn đánh đổi và họ cũng không muốn thử cái mới. Điều này khiến lối tư duy của họ rất đóng, bảo thủ và đầy thiên kiến.


Người trưởng thành hễ thấy một người trẻ với mái tóc bảy sắc cầu vồng, họ sẽ lắc đầu và thở dài rằng: “Hỏng rồi!”


Người trưởng thành thấy hai người nam hay hai người nữ tình tứ với nhau, họ sẽ bảo: “loạn cả rồi.”


Người trưởng thành thấy đứa trẻ học giỏi thì sẽ đinh ninh rằng nó sẽ học đại học và làm việc với mức lương ngàn đô. Nếu nó rẽ hướng đi làm móng hoặc mở tiệm săm mình, họ chỉ kịp thốt lên: “Sao lại như thế được, nó học được chứ có phải ngu đâu!”


Thế đấy, vì bị nỗi sợ chắn tầm nhìn, họ chỉ thấy mọi thứ dưới cái nhìn thiển cận và hạn hẹp. Họ không thấy những người trẻ, và cả tất cả những người khác đều có những đam mê, những định hướng, những mong muốn và những nhu cầu riêng biệt, độc nhất vô nhị, không ai giống ai cả.



Chính vì thế, tôi quyết định không theo họ. Tôi không làm tất cả mọi thứ chỉ để kiếm tiền. Tôi chú trọng vào việc phát triển tri thức, tôi rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản trên đời, tôi quan tâm đến tâm hồn và sức khỏe tinh thần của mình. Tôi làm mọi thứ để biến mình thành một con người có tài, có tâm và có tầm.


Tôi đã lập một trang blog để viết bài, dịch bài để chia sẻ kiến thức đến mọi người. Tôi làm điều này đơn giản là để thỏa mãn nhu cầu phục vụ cộng đồng và lan tỏa tri thức với người khác. Và đây cũng là một cách để giúp tôi duy trì động lực, để liên tục học hỏi và cải thiện bản thân.

 

Tôi đã đi đến Thái Lan để bản thân được va chạm với bên ngoài. Ở đây tôi phải tự học cách đặt vé máy bay, tôi tự nghiên cứu giao thông ở Thái Lan, cách di chuyển, cách giao tiếp với người bản địa dù không biết ngôn ngữ của họ. Tôi học cách đối mặt với sự sợ hãi – sợ những điều không may xảy đến và sợ rằng mình không có khả năng để làm tất cả những việc này.


Tôi chủ động dậy sớm để thiền và đi bộ thể dục mỗi ngày. Tôi chỉ đơn giản muốn rèn luyện sức khỏe, rèn luyện sự kỷ luật và học cách đầu tư vào những thứ quan trọng với bản thân.


Tôi học nấu ăn, tôi học viết, tôi học nhảy, học rubik để nuôi dưỡng những hạt giống tích cực trong tôi.


Tôi đến tận những vùng quê ở miền Tây để cho bản thân cơ hội bước ra khỏi vùng an toàn. Ở đây tôi học cách sống của người miền tây, tôi tìm hiểu văn hóa của họ, tôi tìm hiểu những vấn đề và trăn trở của họ với hy vọng có thể giúp đỡ điều gì đó cho họ.


Tôi đã phát triển sự đam mê, sự quyết tâm theo đuổi một điều gì đó. Tôi cũng nhận được niềm vui, sự tự tin vào bản thân trong quá trình làm những điều này. Tôi ổn và tôi thích cách sống này của mình.


Người lớn – người trưởng thành cũng không thấy được những khả thể khác đang tồn tại trên đời.


Tại sao chúng ta phải đi “xin việc” mà không phải hợp tác làm việc đôi bên cùng có lợi? Tại sao phải đi “xin việc” khi chúng ta có thể “tạo việc” và “cho việc”? Tại sao cứ học giỏi thì phải làm việc trí não và có lương ngàn đô? Những khả thể đấy, người trưởng thành không nhìn thấy được.


Sau cùng, tôi thấy rằng thế giới của người trưởng thành không phù hợp với tôi. Vì thế tôi quyết định sẽ sống theo cách của mình. Đương nhiên vì họ cũng có ý tốt với tôi, nên tôi sẽ tìm cách để dung hòa mọi thứ trong khả năng của bản thân.


Cuối cùng, tôi quyết định mình sẽ theo học tại một trường đại học trực tuyến của Mỹ - University of The People. Đồng thời, tôi vẫn sẽ tiếp tục những gì mình đang làm. Tôi vừa làm hài lòng người lớn, vừa đáp ứng những nhu cầu của bản thân. Đây cũng là cách thế hệ trẻ của tôi nhìn nhận và giải quyết vấn đề.


Tác giả: Huy Pavel


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan