[VĐTT] Tổn Thương Từ Những Cảm Xúc Bị Bỏ Mặc - Cái Bóng Của Thực Thể

Tổn thương từ những cảm xúc bị bỏ mặc: nhận diện, đối diện và lấy lại thăng bằng.

Tổn Thương Từ Những Cảm Xúc Bị Bỏ Mặc - Cái Bóng Của Thực Thể


Chiều.


Đọc xong bài chia sẻ đầy tâm trạng của một-bạn-lạ-hoắc trên diễn đàn, như thường lệ cái thói quen vác tù và hàng tổng thôi thúc mấy ngón tay của nó cào nhanh qua bàn phím, để cuối cùng gửi đi những dòng tin nhắn xem chừng như mang đầy sự sẻ chia và thông hiểu:


-         Chào bạn. Mình nghĩ bạn đang có quá nhiều dồn nén trong lòng mà không thể nói ra, hoặc những nỗi đau nào đó chất chồng theo năm tháng.


-         Nếu điều kiện cho phép, bạn nên chia sẻ với một ai đó, tốt nhất là chuyên gia tâm lý (mong bạn đừng hiểu nhầm ý mình. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần là rất chính đáng và cũng rất bình thường, ai cũng có cả. Mình từng rơi vào trạng thái tương tự như bạn, cũng từng gặp chuyên gia tâm lý nên mới nói như vậy.


-         Cố lên bạn nhé! Những nỗi đau sẽ vơi đi chút ít khi được chia sẻ. Mong bạn sẽ không gánh lấy chúng một mình. Nếu lúc nào đó bạn cần một cái “thùng rác tâm trạng” hoặc một ai đó đơn giản chỉ để được lắng nghe thì đừng ngại đổ bầu tâm sự vào đây.


-         Mong bạn luôn an yên, và sớm lấy lại thăng bằng.


Tin nhắn gửi đi xong, nó thấy lòng vui phơi phới, như thể vừa làm được một điều gì đó tốt đẹp lắm. Sau hai tin nhắn đầu tiên, “khổ chủ” – tức người nhận những tin nhắn kia lịch sự gửi lại phản hồi bằng lời cám ơn ngắn gọn hết mức có thể. Máu anh hùng rơm nổi lên, nó lại gửi tiếp hai câu châm ngôn mà nó tự cho là sẽ rất có tác dụng với “khổ chủ” kia vào lúc này. Đại loại là, người ta sẽ trưởng thành sau những vấp ngã, rằng vật cực tất phản, bĩ cực thái lai. Cuối cùng, nó kết thúc bằng lời chúc “khổ chủ” một buổi chiều an lành.


Phản hồi của “khổ chủ” như lời cảnh báo rằng nó đang đi quá xa:


-         Bạn không chúc thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.

Nó đứng hình trong giây lát. Trạng thái hưng phấn do máu anh hùng rơm mang lại thoáng chốc tụt cái vèo, như kiểu điện chập và bóng đèn nổ cái bụp! Tiếp sau đó, nó thấy trong tim một cơn đau nhoi nhói, và cảm giác đó cứ ở lại nơi lồng ngực trong nhiều giờ đồng hồ tiếp theo.

Nó bước ra ngoài tản bộ trên con đường vắng người. Những tán si già rậm lá vươn dài lên khoảng không phía trên như thể đang muốn giang rộng đôi tay hứng lấy ánh trăng bàng bạc đổ xuống từ không trung, để lại những khoảng tranh tối tranh sáng trải dài dọc theo hàng cây. Sự tĩnh mịch của đêm và cái giá buốt của đêm đông khiến tâm trạng nó dần lắng trở lại. Nó hít một hơi thật sâu để cái lạnh len lỏi vào tận trong óc.


-         Cảm giác gì đây? Bực tức vì câu trả lời ngoài dự đoán từ một người lạ?


Không, không phải. Nó không hề bực người bạn lạ hoắc kia, vì nó biết bạn ấy đang trải qua gia đoạn khó khăn, có lẽ vượt ra ngoài sự tưởng tượng của nó. Bởi cả hai đều là người xa lạ ngay cả trên thế giới ảo nên nó càng có lý do để tin rằng đó không phải là nguyên nhân cho những đợt sóng cảm xúc vừa dấy lên trong nó. Người ta chỉ có thể cảm thấy hụt hẫng, thất vọng trước những phản hồi từ người thân cận, những người có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với mình. Và đôi khi, nỗi đau tinh thần kéo theo ấy thậm chí có thể chuyển thành cơn đau về mặt thể lý.


Vậy rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu?




Nó tiếp tục sải bước với dòng suy nghĩ miên man trong đầu. Tiếng lá khô vỡ vụn kêu roàm roạp dưới chân theo mỗi bước đi của nó, nghe thật cô đơn, lọt thỏm giữa không gian vắng lặng. Cái lạnh thấm dần qua lớp áo khoác mỏng manh của nó, cảm giác tê rần vì cái lạnh đã bắt đầu chạy dọc trên từng đầu ngón tay. Nó đút tay sâu hơn vào túi áo, gắng bấu lấy hơi ấm yếu ớt tỏa ra từ bên trong.

Nó dành cho chính mình một cái cười đầy mỉa mai.


Có lẽ nó đã quá ngây thơ – kiểu của những người thiếu vốn sống, ít tiếp xúc xã hội. Mà nó đúng là như vậy. Có lẽ nó đã quá ngạo mạn khi cho rằng vài dòng tin nhắn ít ỏi của mình có thể khiến nó giúp được người bạn kia, và giúp nó trở thành anh hùng thực thụ.


-         Mày nghĩ mày là ai? Đọc được vài quyển sách chưa chắc đã nhìn thấu suốt vấn đề, huống hồ chi đây là một con người với trải nghiệm dài theo năm tháng và những câu chuyện phức tạp chẳng ai hay biết.


Màn độc thoại thoáng vụt qua trong đầu. Và rồi nó cay đắng nhận ra, lòng tốt cho đi không đúng lúc chẳng khác nào một điều thừa thãi. Tệ hơn là có điều mình cho đi rất có thể sẽ thể trở thành gánh nặng phiền toái đối với người nhận. Hơn nữa, trong cái xã hội nơi mà con người hằng ngày sống với nhau bằng tâm thái hoặc đua tranh được mất, hoặc dè dặt đề phòng lẫn nhau, nơi ai cũng có ít nhiều tổn thương về mặt nào đó, và cả những mối lo của riêng mình, thì ai sẽ đủ can đảm trút bầu tâm sự với-một-kẻ-lạ-hoắc-mình-chưa-từng-gặp-mặt? Đã thế lại là một kẻ chỉ tồn tại trong thế giới ảo? 


Nó lại hít một hơi thật sâu.


Người ta có thể nhận thấy những điều đang diễn ra dưới sự vận hành của ý thức, mà hiếm khi biết được những cơ chế ẩn sâu trong tiềm thức đang chi phối mọi suy nghĩ, cử chỉ của họ. Mối quan hệ giữa ý thức và tiềm thức cũng giống như một tảng băng với ba phần nổi của ý thức và bảy phần chìm dành cho tiềm thức.


Có vẻ như nó đã quá hăng say lo chuyện bao đồng mà quên mất rằng thời gian gần đây nó không thực sự ổn. Mà cũng chẳng phải gần đây, lâu nay đã luôn như vậy – luôn lo lắng quá nhiều cho những người xung quanh, còn bản thân nó thì bỏ cù bơ cù bất.


-         Gượng đã. Bỏ mặc?


Đúng rồi! Mấu chốt của vấn đề nằm ở đây! Cái gốc cho đợt cảm xúc khó chịu lúc ban chiều trong lòng nó là đây! Rất nhiều lần không cách này thì cách khác, nó đều có cách phản ứng theo một mô thức như vậy.


Cái cảm giác hụt hẫng pha lẫn thất vọng, thậm chí nhoi nhói tưng tức trong lồng ngực đều xuất hiện mỗi lần ý kiến của nó bị người ta vô ý bỏ qua, khi nó cảm thấy bản thân mình không nhận được sự quan tâm của bạn bè, người thân; hoặc khi những nỗ lực của bản thân nó, sự quan tâm nó dành cho một ai đó mà không được họ đáp trả một cách tương xứng như nó vẫn mong. Vì đâu lại như vậy?


Câu hỏi ấy vụt lóe lên trong đầu, thôi thúc nó tăng nhanh nhịp chân quay trở lại căn phòng quen thuộc nằm trên tầng hai của khu ký túc xá đại học. Về đến phòng, nó lao đến bàn mở ngay laptop và bắt đầu lùng sục trên Google bằng tất cả các từ khóa mà nó có thể nghĩ đến. Chỉ sau 0.52 giây “ông thần” này đã thẩy ra cho nó 74,000,000 kết quả bằng tiếng Việt với từ khóa “những cảm xúc bị bỏ mặc”; 37,200,000 kết quả trong 0.35 giây với từ khóa “被忽略的小孩“; và 943 kết quả khác với từ khóa “the neglected inner child trong 0.39 giây.

Nó nhấp nhanh chuột vào những link dẫn ở các trang tìm kiếm đầu tiên, và câu trả lời mà nó cần dần dần hé mở.



Có thể tạm gọi điều mà nó đang muốn làm sáng tỏ là “những tổn thương từ việc nhu cầu cảm xúc bị bỏ mặc”. Những ai mang tổn thương này có thể hành xử như một người trưởng thành đầy lý trí, nhưng ở phương diện tình cảm thì họ chỉ như những đứa trẻ…nuôi hoài mà chẳng chịu lớn. Họ không biết cách phản hồi sao cho ổn thỏa trước những tình huống đòi hỏi sự sáng suốt về mặt cảm xúc. Đôi lúc giữa các cuộc vui hội họp cùng gia đình bè bạn, những người mang loại tổn thương này sẽ chỉ cảm thấy lạc lõng. Ở hầu hết những cuộc gặp gỡ nơi đông người khác họ cũng đều ở trong trạng thái không tìm được cảm giác tự nhiên. Khắp người họ tỏa ra, nếu không phải là sự khách sáo vượt quá mức cần thiết, thì cũng là vẻ gò bó khiến người khác khó hiểu. Họ như những người sống lệch nhịp với đám đông. Giữa thế giới bên ngoài và họ luôn tồn tại một bức tường vô hình kiên cố.


Ở chiều ngược lại, những người mang loại tổn thương này thường gói mình trong thế giới của riêng họ, mà ở đó họ thường bị giao động giữa hai thái cực đối lập của cái tôi nội tại. Có những lúc họ thấy bản thân mình làm được tất tần tật mọi thứ mà không phải hé răng nhờ đến sự giúp đỡ của bất kỳ một ai. Điều đó giúp họ trở thành “vị thần độc lập, tự chủ” của chính mình. Song đồng thời điều đó cũng chính là điểm yếu chết người mà hiếm khi họ nhận ra. Bởi lẽ, khi bản thân đã là một “chuyên gia tất tần tật”, họ sẽ dùng chính tiêu chuẩn trên trời đó mà nhìn nhận, đánh giá người thân, bạn bè xung quanh, và cả chính bản thân họ. Những người hay có thói quen nhờ vả sẽ bị họ dán mác là “đồ dựa dẫm”, hoặc chẳng tài nào lý giải nổi vì sao có những chuyện bé tí teo như con kiến thế kia mà người khác cũng không làm được. Hệ giá trị này chi phối đến mối quan hệ giữa họ và thế giới quanh họ, thậm chí là trong mối quan hệ với chính bản thân mình. Đối với họ mà nói, việc nhờ vả người khác gần như không có trong cuộc sống thường nhật, mà nếu có đi chăng nữa thì chắc chắn họ đã phải trải qua quá trình đấu tranh rất dài.


Cũng có những lúc họ rơi tuột từ vị trí thần thánh trong lòng mình xuống cái hố của những cảm giác tự ti, sự thiếu vắng cảm giác tồn tại khi không thể đẩy tiềm năng của bản thân lên mức cao nhất, biến nó thành những hành động khiến họ cảm thấy mình thực sự đang sống, đang cống hiến là thứ dày vò họ thường xuyên. Những lúc như vậy, những gì họ cảm thấy về bản thân mình thường là nỗi thất vọng tràn trề, thậm chí là sự giận dữ, khi là sự mù mờ về chính những ưu khuyết điểm của chính mình. Cảm xúc trong họ khó mà giữ được ở cung bậc cố định bởi nó rất dễ bị thay đổi theo những gì họ cảm nhận về bản thân. Họ cũng thường thấy mình bị đeo bám bởi nỗi buồn cắc cớ không rõ nguyên nhân, dễ dàng nổi nóng chỉ vì những chuyện hết sức vụn vặt. Một khi cơn giận bùng phát, họ sẽ khó lấy lại trạng thái cân bằng. Rất nhiều khi “trống rỗng” là thứ duy nhất họ cảm nhận được bất kể bản thân đang ở đâu, làm gì. Việc định nghĩa những cảm xúc đang diễn ra trong họ vào lúc đó thường trở nên khó khăn. Họ lờ mờ nhận thấy có gì đó không ổn đang diễn ra trong lòng mình, nhưng đó chính xác là gì thì họ không tài nào nói rõ được. Ở trạng thái đỉnh điểm, họ thậm chí có thế vứt tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mình lại đằng sau, và sống như một kẻ biếng nhác vô kỷ luật thực thụ.


Khi bản thân thiếu đi những kết nối bền chặt với thế giời bên ngoài, họ quay về sống trong ốc đảo của chính mình – thích ở một mình, như thể bản thân họ là những ẩn sĩ thực thụ đang lặng lẽ quan sát cuộc sống bên ngoài. Họ chỉ tìm thấy cảm giác gần gũi khi thả mình vào thiên nhiên hoặc bầu bạn với động vật. Ở đó họ tránh được việc bị chi phối bởi những quy chuẩn thường gặp trong thế giới thường nhật. Qua thiên nhiên và động vật, họ tìm được cảm giác an toàn, thấy bản thân mình được đón nhận, yêu thương một cách vô điều kiện.


“Tổn thương về mặt cảm xúc ở dạng này thường hình thành trong giai đoạn ấu thơ của mỗi người, khi những nhu cầu về mặt cảm xúc của họ không nhận được sự hồi đáp một cách thích đáng. Chẳng hạn, cha mẹ bận bịu với công việc để mặc đứa trẻ sơ sinh gào khóc khi nó cần sự quan tâm, vỗ về; một đứa bé hớn hở chạy về nhà định khoe với mẹ bài kiểm tra vừa đạt điểm mười, nhưng thay vì dành cho đứa bé lời khen trìu mến, người mẹ ném cho nó sự cáu bẳn rồi gạt nó sang một bên, bởi bà đang bị bủa vây giữa áp lực đến từ nhiều phía v.v…Những tổn thương này sẽ theo người ta suốt nhiều năm, thậm chí ngay cả sau khi họ đã bước vào giai đoạn trưởng thành.”


Đọc những kết quả dò tìm mà ông thần Google đưa ra. Nó tần ngần một hồi lâu. Hình như không đúng cho lắm với trường hợp của nó. Cuộc sống của nó vẫn rất vui vẻ thoải mái trước khi nó bước chân vào đại học. Trong suốt quãng thời gian đó, nó vẫn thường được xem là điểm sáng trong đám bạn. Mọi mối quan hệ, mọi cuộc tụ họp đều diễn ra hết sức trơn tru và đầy ắp tiếng cười. Nhưng rồi mọi thứ dần thay đổi sau vấp ngã đầu tiên về mặt tình cảm của nó. Nó vẫn nhớ rất rõ khi ấy, nó thường cố ép mình vào mớ bài vở hoặc lao vào các hoạt động đội nhóm chỉ để bản thân thôi không phải nghĩ đến những gì đã xảy ra. Mỗi buổi sáng thức dậy nó đều cố nặn ra một vẻ mặt vui vẻ hết sức có thể, vì nó không muốn kể, và cũng không muốn cho ai biết về những gì nó đang trải qua. Mọi cảm xúc đều bị chôn chặt. Rồi lâu dần, nó thấy như lòng mình đang hóa đá…


Nó cũng thấy, thông tin Google cung cấp không phản ánh hết bức tranh toàn cục, và chúng dễ đưa người ta đến chỗ đổ lỗi cho người thân – cụ thể là cha mẹ hoặc những người trực tiếp chăm sóc họ khi họ còn bé. Theo suy nghĩ của nó, môi trường gia đình và những mối quan hệ hình thành trong giai đoạn trẻ sơ sinh có những tác động cực kỳ quan trọng đến phương thức người ta xử lý các mối quan hệ tình cảm và quan hệ xã hội khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên chúng không phải là nhân tố mang tính quyết định duy nhất. Đằng sau cái sự “vô tâm” của những bậc cha mẹ trong các câu chuyện mà nó đọc được, chắc hẳn tồn tại nhiều yếu tố khiến các bậc cha mẹ không thể không phản ứng như vậy được. Đó là những yếu tố mang tính kết cấu chặt chẽ. Chúng tạo thành thứ mạng nhện khổng lồ bao trùm lấy cả xã hội, để lại những ảnh hưởng lâu dài.


Nó ngồi lặng yên trước màn hình của chiếc laptop. Trong lòng nó giờ đã hoàn toàn trút bỏ được gánh nặng từ mớ cảm xúc nảy ra lúc ban chiều. Có lẽ nó khá may mắn khi không những có thể nhấc bỏ “cục đá cảm xúc” vừa thành hình kia ra khỏi tâm trí, mà còn có cơ hội nhận ra rằng, vốn dĩ trong lòng nó đã mang theo một cái bóng – hay nói đúng hơn là một bản thể bị phân tách của nó suốt nhiều năm qua. Lúc này đây nó tin rằng, đó chính là bước khởi đầu cho một sự tái hợp, để nó lại được trở về là nó. Vẹn toàn, dũng cảm, và đầy yêu thương.


Nó cũng nhận ra rằng, có những lúc người ta cần phải lắng mình xuống, như một người rảo bước trong màn đêm tĩnh mịch. Có những lúc cần phải đóng chặt tất cả các giác quan và tạm tách mình khỏi cái xô bồ của cuộc sống ngoài kia để quay lại hỏi chính bản thân mình: “Hôm nay ta có ổn?”, hoặc “Ta đang cảm thấy như thế nào?”. Khi tâm thái đã đạt được một độ lắng nhất định, người ta mới có thể nhìn ra những “tâm chấn” sâu trong lòng họ, nhìn ra ngọn nguồn của những cơn bão ngầm đang chuẩn bị dằng lên vồ lấy, nuốt chửng sự sáng suốt của lý trí và sự chín chắn của cảm xúc. Gào thét, oán trách, đổ lỗi cho người thân và làm đau chính bản thân mình sẽ chỉ tiếp thêm năng lượng giúp cho những cảm xúc tiêu cực kia ngày càng lớn lên thêm. 


Đừng trốn tránh, đừng chèn ép, mà hãy dũng cảm đối diện với những cảm xúc trong lòng. Rồi mày sẽ tìm thấy đường đi. Mày sẽ không phải sống cùng những cái bóng phân tách khỏi thực thể của chính mình nữa.


Nó tự nhủ với lòng mình như vậy.

———————————

Nguồn ảnh:

Ảnh bìa

Ảnh phụ 1

Ảnh phụ 2


Tác giả: Mèo Mun

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan