[VĐTT] TƯƠNG TƯ THUỞ TRƯỞNG THÀNH

Trưởng thành là cái chi chi? Người lớn là ai mà mọi người tương tư nhiều thế nhỉ?

TƯƠNG TƯ THUỞ TRƯỞNG THÀNH


Trưởng thành là cái chi chi? Người lớn là ai mà mọi người tương tư nhiều thế nhỉ?


Thực sự thì, khi nào mình trưởng thành? Trưởng thành là cái chi, có ăn được không, mà sao ai cũng nhắc hoài, nhắc mãi, nhắc từ đời này sang đời sau, từ kiếp này sang kiếp khác. Thế hệ đi trước đến thế hệ mai sau, ai cũng nhắc về nó, như một thứ màu vừa hỗn độn, vừa trong trẻo, một thứ mà trước khi trải qua thấy nó màu hồng, đầy háo hức, khi đang trải qua thì thấp thỏm, vui buồn lẫn lộn, và sau đó thì, không biết sau đó là khi nào vì người ta bảo trưởng thành là vô biên, đến khi mình ko còn trên đời nữa. 



Sự vô biên ấy thật dài, đôi khi còn mệt mỏi, thậm chí tệ hơn là tạo ra những nỗi sợ cho những người vừa trải qua 18 năm cuộc đời “suôn sẻ”, “đầy tự do”. Nhiều người chẳng thể chịu nổi sự ám ảnh tương lai trưởng thành chưa tới mà vội từ bỏ; hoặc có những tình cảnh trớ trêu khi người ta chưa nếm vị trưởng thành mà đã hy sinh, dừng lại ở cái tuổi mà “đáng lẽ” ai cũng nên và cũng phải đi qua - tuổi trưởng thành.


Mà kể cũng lạ, sao “họ” “bôi” ra lắm thứ phải làm thế nhỉ, hồi bé đâu phải làm những việc như wikihow vẽ ra cho tuổi trưởng thành. Trưởng thành hay là có thêm chức năng? Chúng ta nói gì về trưởng thành: béo phì, thừa cân, ôn hòa, tĩnh lặng, cách giúp mình trưởng thành (nhưng không có ai chỉ ra cách giúp mình nuôi dưỡng đứa trẻ trong ta), người trưởng thành biết sợ (có lẽ đây chính là cái phân biệt rạch ròi nhất giữa người lớn và trẻ con). Dường như khi lớn lên ta càng ý thức rõ việc tự quyết định cuộc đời mình, thậm chí là có cả người trưởng thành “tự kỉ” (vì sao vậy, có phải đó sinh học hay do xã hội này càng ngày càng đơn độc?)


“Quả thực, làm người lớn cũng thật chẳng dễ dàng gì, vẫn cứ “ngốc nghếch” tự đặt ra các câu danh ngôn để tự răn mình nhưng sau khi gật gù khen hay, thì làm ngược lại... Đó là những “phát hiện” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi bằng con mắt trẻ thơ nhìn về thế giới người lớn,”

_____________________________________


Khung trời xanh kia - bầu trời của người trẻ ra sao, được nhìn ra những lăng kính và cảm xúc như thế nào nhỉ? Có những dịp ẩm ương như Hà Nội mấy ngày nay, mưa dông, ảm đạm, sáng lao vào đời tìm cơ hội, tối ôm thấp thỏm về nhà. Hay cũng có những ngày tìm thấy niềm vui, ngày nắng vàng rực rỡ, sôi sục. Năm tháng tuổi trẻ như những quãng 365 ngày nối tiếp nhau, ngày Tết trầm lại để tổng kết, suy nghĩ, rồi sau Tết, đường phố lại đông trở lại như tâm trí con người vội vã bận rộn, đầy lại sau một quãng nghỉ ngắn ngủi, hiếm hoi. 


Nhưng sao phải làm việc liên tục như thế nhỉ? What are they putting on their plates? Chiếc đĩa của người trưởng thành có gì? Chiếc đĩa ấy có hình thù và màu sắc gì. Mỗi hình thù có ảnh hưởng như thế nào: nếu là hình vuông, mình chọn những gia vị gì cho tuổi trẻ? Nếu là hình tam giác, liệu tuổi trẻ có “đều”, có “cân bằng”, có góc cạnh không? Chúng ta sẽ tạo ra chiếc đĩa trưởng thành cho mình như thế nào?


(ảnh: Soviet Visuals)



Trưởng thành là khi mình biết mẹ đã già. Bước qua tuổi 50, cái tuổi người ta có thể nghĩ đến chuyện tận hưởng cuộc sống sau mấy chục năm quần quật với gia đình, có phải sẽ rất buồn nếu không có một thú vui riêng cho bản thân không? Người ta chả bao giờ nói khi nào hết tuổi trưởng thành cả, cũng không có định nghĩa cố định về nó. Nhưng đã khi nào mẹ từng nghĩ đến cái gọi là tuổi trưởng thành bao giờ chưa nhỉ?


Mẹ không biết có một ngày, khi lớn lên, bằng đúng cái tuổi ngày xưa mẹ đã phải đi lấy chồng, mình lại viết về mẹ với sự ngậm ngùi như thế này. Mình đã sống chiếm khoảng 1/3 thời gian cuộc đời mẹ, nhưng có lẽ những điều bản thân làm được cho mẹ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi khi tôi đạt được điều gì đó, mẹ chỉ bảo cố gắng, không chủ quan. Hình như ở tuổi xế chiều, mẹ hiểu rõ về sự không gì là mãi mãi của đời người hay sao. Mẹ bảo cố gắng học giỏi, tốt nghiệp bằng xuất sắc để mẹ ra Hà Nội chụp ảnh cùng con gái. Tôi chỉ lặng im, mẹ chẳng đi đâu nhiều cả, mà ở cái tuổi xế chiều mẹ chỉ đi đâu xa vì con cái. 4 năm nữa, kể khi tôi hoàn thành đúng kỳ vọng của mẹ, lúc đó mẹ đã già hơn nhiều rồi, mọi sự chắc cũng thay đổi nhiều, nhưng có mẹ là vẫn lo, lo con tìm việc rồi lập gia đình…

_____________________________________


Hồi mình apply vào một trường đại học giáo dục khai phóng, ba không cho phép. Lần đầu tiên trong 18 năm ở đời, mình phản kháng lại một cách gay gắt, vì cứ nghĩ ước mơ của mình là phải theo đuổi (khi ấy thì mọi sự đúng sai cũng không tách biệt). Rồi tự nhiên một hôm, ba bảo mình không còn nhiều thời gian nữa. Mình lặng thinh, không nghĩ được gì nhiều, sau nghĩ lại thì thấy sợ. Đứng trước quá nhiều lựa chọn, đứng trước cánh cửa bước vào đời, mình không hề sẵn sàng cho việc trưởng thành, càng không hề tự tin khi mất đi chỗ dựa gia đình. Ngày mong ước đã đến, ngày mong được tự do, bớt kìm kẹp bởi ba mẹ hơn cũng chính là ngày mình bắt đầu thấy trưởng thành sao mà khó khăn quá. Trưởng thành mà không có một xu dính túi khiến mình thấy vô dụng, bản thân non nớt, lúng túng, tập tễnh, hoang mang, ngạo nghễ trong lo sợ. Hoá ra, cái thứ trưởng thành tự do từng mộng tưởng chỉ nằm mãi trong mơ, còn khi ba mẹ đã già, mình có muốn tự do cũng chẳng ai ngăn. 



Nhiều ngày rồi, sau cái Tết đầu tiên không quây quần cùng gia đình, mình bắt đầu thấy sợ, mẩm tính mình còn được gặp ba mẹ bao nhiêu lần nữa, có thể nói gì với ba về những điều đã qua, sẽ thể hiện tình cảm như thế nào...


Mình muốn chúng mình mãi là những đứa trẻ cười tươi trong khung ảnh chụp hơn chục năm về trước - bức ảnh duy nhất từ khi sinh ra đến giờ. Không có gì là mãi mãi, trưởng thành dạy cho mình điều đó, nhưng chính trưởng thành lại mãi mãi trong thời hạn đời người. 

_____________________________________


“Càng lớn thì càng cảm thấy sức nặng và sự phức tạp của thế giới người trưởng thành đè lên mình. Giống như việc biết nhiều quá thì thế giới của quan càng rộng lớn và phức tạp, nhưng là những cái phức tạp rất chân thật và phàm trần, kiểu những điều thực tế như cơm áo gạo tiền hay mối lo của cuộc sống bình thường. Trưởng thành có những mối lo và dự định khác khiến mình không thể tìm được cảm giác vô tư, tận hưởng một thứ gì đó như khi còn nhỏ nữa. Như trong biên niên sử Narnia, khi lớn lên thì 2 anh chị nhà Pevensive không thể quay lại Narnia được nữa. Nó như cái giá của trưởng thành, không được quay về nơi mình từng thuộc về nữa…”


Bạn mình bảo vậy, nhưng mà, chúng ta có thể quyết định không trở thành chị em nhà Pevensive được không? Có thể chứ, nhưng khó đấy. Chúng ta có chọn và có muốn chọn trưởng thành không? Câu trả lời tùy vào bạn.

_____________________________________


Thực ra, mình nghĩ 18 năm qua mỗi ngày đều đã là một ngày trưởng thành hơn về tất cả mọi mặt. Không vô lý khi ta nhớ lại kỉ niệm, ước mơ hồi bé lúc chọn nghề, lúc buồn chán, bởi chúng ta đã trưởng thành theo một cách khác so với sự trưởng thành đầy ngây dại thuở nhỏ. Cũng giống như tinh chất hoa phải ủ 5-10 năm mới chế thành nước hoa, con người cũng phải mài giũa vấp ngã mới trở nên sâu sắc, tinh tường hơn. 


Nhưng nếu tất cả chúng ta không bao giờ trưởng thành thi sao? Có phải trưởng thành mới là “dấu mốc” đánh dấu sự tồn tại của chúng ta trên thế gian này không?

_____________________________________


Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: chuyện của N

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT


BẢN THẢO
Bài viết liên quan