[VĐTT] Và con gái đã hiểu mẹ rồi!

Tại sao một người phụ nữ có gia đình tốt theo đúng chuẩn - chồng công nhân viên chức, con cái ngoan ngoãn, hoàn cảnh gia đình đầy đủ - lại cảm thấy tuyệt vọng, chán nản với chính cuộc sống thoải mái đầy đủ đó dù vẫn luôn yêu thương chồng và các con?

Và con gái đã hiểu mẹ rồi!


Hàng năm cứ đến ngày Quốc tế Phụ nữ hay ngày Phụ nữ Việt Nam nhìn mẹ, mình lại thấy có gì đó thật buồn.


Mình sinh ra trong một gia đình chuẩn mực theo đúng những tiêu chuẩn của xã hội. Năm nào cũng đạt danh hiệu gia đình văn hoá, được Hội phụ nữ phường tuyên dương. Mẹ mình còn được tín nhiệm bầu vào chi hội phụ nữ phường vì là tấm gương mẫu mực, luôn toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, không bao giờ có điều tiếng gì, chồng công nhân viên chức, con cái ngoan ngoãn, hoàn cảnh gia đình đầy đủ. Nghe thật tuyệt vời đúng không? Ai lấy chồng chắc cũng mơ ước được như mẹ mình, mình luôn yêu thương mẹ nhưng mình biết một điều mình ghét trở thành một người phụ nữ như bà. Hơn nữa hơn mình còn biết bà cũng ghét chính cuộc sống của bà.


'Đừng bao giờ sống giống như mẹ.' Trong đầu mình luôn vang lên câu nói này của mẹ.


Tại sao một người phụ nữ có gia đình tốt theo đúng chuẩn lại cảm thấy tuyệt vọng, chán nản với chính cuộc sống thoải mái đầy đủ đó? 



Ông ngoại là bộ đội, những năm kháng chiến luôn đi chiến đấu xa nhà. Một mình bà ngoại vừa đi làm vừa phải chăm lo cho bốn đứa con thơ. Mẹ là chị cả nên gánh nặng phụ mẹ chăm em dồn hết lên vai. Gia cảnh không phải thiếu thốn nhưng do bị phân tâm lo lắng cho mấy đứa em, đỡ đần mẹ nên mẹ mình bỏ học khi chưa hết cấp ba. Có lẽ đức tính hi sinh, tảo tần đã thấm vào con người mẹ từ bé. Sau đó mẹ đi làm công nhân xí nghiệp giày vải, rồi gặp và kết hôn với bố. Năm mình học cấp hai thì mẹ xin nghỉ mất sức ở nhà làm nội trợ, bố trở thành trụ cột tài chính nuôi cả gia đình. (Thật ra mãi sau này mình mới biết được mẹ nghỉ làm ở nhà là theo ý muốn của bố.)


Mẹ ở nhà nội trợ, chăm sóc, đưa đón con cái đi học, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng chờ chồng và con về ăn, lo mọi việc đối nội đối ngoại, cho con học, cho con đi ngủ. Những công việc nhà rời rạc, đơn điệu không tên này ngày nào cũng như ngày nào, để rồi đến cuối mỗi ngày mình thấy mẹ mệt nhoài, và không có thời gian dành cho bản thân, đến ngồi đọc báo còn không quá mười lăm phút vì bà đã không còn sự tập trung. Suốt những năm thơ bé, mình không thấy mẹ có buổi gặp gỡ, hẹn ra ngoài với bạn dù chỉ một lần.


Sự tần tảo hi sinh của mẹ còn tạo ra một ông chồng phó thác toàn bộ chuyện gia đình cho vợ - đó là bố mình. Ông không bao giờ giúp vợ mình làm bất cứ một công việc nhà nào. Ngay cả đến cốc nước vợ con còn phải bưng đến tận nơi. Một ông sếp chỉ tay năm ngón từ cả ở cơ quan cho đến khi về nhà. Mẹ cũng không được phép hỏi hay can thiệp vào bất cứ quyết định nào của chồng cả trong công việc lẫn gia đình. Mọi việc đều do bố quyết, mẹ chỉ im lặng làm theo mà không phản kháng và không được phép phản kháng. Đàn ông lo việc lớn, phụ nữ quán xuyến những việc nhỏ. Mình không hiểu việc lớn là những việc gì, nhưng từ việc lớn việc bé trong nhà mình đều thấy có bóng dáng lo toan vất vả của mẹ.


Bố còn chi phối, cấm đoán cả những ước mơ của con cái. Mình không được tự do theo đuổi ước mơ trở thành người thiết kế. Bố gây áp lực bằng cách cắt tài trợ không cho mình tiếp tục học vẽ. Lúc đó mình giận bố là đương nhiên rồi, tuy nhiên mình còn giận mẹ ghê gớm hơn. Giận vì tại sao mẹ ủng hộ ước mơ của mình nhưng lại không đấu tranh với bố cho mình được tiếp tục theo đuổi ước mơ. Tại sao không bảo vệ mình. Mình lúc đó với suy nghĩ của một đứa trẻ đã cảm nhận được sự cam chịu, bất lực của mẹ trước bố và mình không chấp nhận nổi điều đó. Mẹ đã phản bội, bỏ rơi mình khi mình cần.



Tốt nghiệp đại học, đi làm, tự chủ về tài chính, mình đã bắt đầu nói lên ý kiến của mình trước bố. Mình nói với mẹ là mẹ hãy nghỉ ngơi đi, chị em mình đã lớn rồi, không cần mẹ phải nhọc công chăm sóc từng chút một nữa nhưng mẹ vẫn vậy. Mẹ luôn muốn quán xuyến mọi việc cho các con, chăm sóc từng li từng tí một mà không cần biết chúng có còn cần đến sự chăm sóc đó không. Dù mình đã xếp đồ vào một góc riêng bà vẫn lôi ra đem giặt, rồi vào phòng riêng của mình dọn dẹp và nhiều lần vô tình vứt đi những thứ đồ quan trọng. Bà thấy mọi người khen món gì ngon thì cũng mua cho hai chị em. Dù ngày hè nóng nực hay ngày đông lạnh giá, dù các con đi làm hết, mẹ vẫn lụi hụi đẫm mồ hôi dưới bếp cả ngày để chuẩn bị những món ăn. Dù có thể thuê người lau dọn, mẹ vẫn tự mình làm, v.v… Mình cảm thấy ngộp thở trong sự quan tâm săn sóc của mẹ. Mình cảm thấy bất lực vì phải nhìn thấy hình ảnh tần tảo đó của mẹ mà không thể làm được gì.


Mình không thể nào hiểu nổi tại sao mẹ không ngơi tay lấy một giây nghỉ ngơi dù bây giờ không còn gì vướng bận nữa. Mình đã từng cho rằng chính vì chị em mình, vì bố mà mẹ mới lúc nào cũng tất tả ngược xuôi nên mình luôn cố gắng tự lập. Phải luôn độc lập, tự lo cho bản thân, không cần đến ai chăm sóc đã thành nỗi ám ảnh của mình. Mình phải thú thực rằng cuộc sống gia đình chuẩn mực của mẹ theo đúng vị thế và nghĩa vụ mà xã hội định nghĩa về một người phụ nữ làm mình sợ hãi. Mình ghét việc mình là phụ nữ. Mình thấy sợ khi phải trở thành một người vợ, một người mẹ. Mình ghét mọi thứ liên quan đến bếp núc, nuôi dạy con cái, chăm sóc nhà cửa, v.v... "Nếu sống trong hoàn cảnh giống của mẹ, mình sẽ phát điên mất", mình tự nhủ.



"Nếu ngày nào tao không làm nữa thì chắc cũng là ngày tao chết," mẹ đều trả lời như vậy mỗi khi nghe mình cằn nhằn.


Sao mẹ lại nói như vậy? Hình như mình đã nhầm rồi, chồng con chỉ là một phần, chỉ là cái cớ mà thôi. Đức hy sinh là phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ ba đảm đang, phụ nữ là phải lấy chồng sinh con, những câu nói này là lời khuyên cửa miệng dành cho phụ nữ thời mẹ và đến thời mình vẫn vậy. Ngoài tư cách là bà nội trợ mẹ không biết mình tồn tại với tư cách gì khác. Lấy chồng, sinh con, nuôi con và chờ chồng con về nhà là tất cả cuộc đời bà. Bà không hề có ước mơ của riêng mình. Trước khi kết hôn thì mục tiêu là làm sao lấy được chồng, ước mơ của bà khi đó chắc là lấy được tấm chồng tử tế, con cái học giỏi, ngoan ngoãn. Còn sau khi kết hôn thì thậm chí chẳng có thời gian để mà mơ ước. Và rồi mình đã nhận ra được rằng nếu không làm việc nhà liên tay và không chăm sóc những đứa con đã trưởng thành, sau này là cháu chắt, mẹ sẽ không biết mình là ai nữa và không biết mình tồn tại vì điều gì. Bà thấy cuộc đời mình hoàn toàn vô nghĩa và vô dụng nếu như không có những công việc đó.


Khác thế hệ, khác trình độ, khác về điều kiện lẫn trải nghiệm sống nhưng mình và mẹ lại chia sẻ cùng một vấn đề, một nỗi đau. Mình luôn ghét sự phụ thuộc của mẹ vào bố, sự chăm sóc bao bọc quá đà của mẹ dành cho những đứa con nhưng mình liệu cũng đang trên con đường trở thành một người giống hệt mẹ, có chăng khác ở hình thức mà thôi?


Nhìn vào mẹ, vào những người phụ nữ xung quanh, mình luôn tự hỏi rằng sau khi kết hôn, có người phụ nữ nào tưởng tượng ra hình ảnh của mình 20 năm nữa theo đuổi niềm đam mê cá nhân hay không? Hay tất cả ước mơ và những hình ảnh đẹp đẽ về tương lai cho chính bản thân đều tắt lịm? Tất cả đều phải liên quan đến gia đình con cái mới là hạnh phúc, mới là mục tiêu để tiến tới? Ước mơ ‘20 năm nữa con tôi sẽ trở thành ông nọ, bà kia’ chứ không phải là ước mơ ‘20 năm nữa tôi sẽ trở thành…’


Rốt cuộc mình đã hiểu được tại sao mẹ lại không hạnh phúc trọn vẹn dù bà vẫn rất yêu thương chồng và các con. Thời khắc đó mình đã cảm nhận được trọn vẹn nỗi đau, những trăn trở khúc mắc của mẹ.



Mới đầu mình nghĩ mình sẽ giúp mẹ bằng cách rủ mẹ đi mua sắm, đi ăn hàng, giải phóng mẹ khỏi những công việc nội trợ mà bà tự ràng buộc vào mình. Nhưng rồi mình lại nhận ra một vấn đề là nếu mình không có mặt ở đây nữa, nếu mình không còn làm những việc này thì mẹ sẽ lại như cũ. Sẽ lại đắm chìm với những công việc kia vì bà chỉ tìm thấy ý nghĩa của bản thân trong đó.


Không biết đâu là nhân, đâu là quả, tất cả là một vòng tuần hoàn liên kết với nhau, cái này dẫn tới cái kia và ngược lại. Mình và mẹ tuy hai mà một, ràng buộc chặt chẽ với nhau. Hai người bị buộc lại một chỗ thì phải có một trong hai vùng lên. Những việc mình làm trước kia chỉ là thay đổi ở bên ngoài mà thôi, chỉ khi mình thay đổi thì mẹ mới có thể thay đổi và ngược lại. Nếu mình vẫn chấp nhận an phận dưới mái nhà thân thuộc, an phận tuân theo dòng chảy và tiếp tục sống với những bất mãn, với những đổ lỗi cho mẹ vì những ước mơ dang dở của bản thân thì mẹ mình cũng vẫn như vậy. Mình làm sao có thể mong muốn giúp được mẹ khi mình còn không thể giúp nổi chính mình.


Mình không thể giống như mẹ. Trong tương lai mười hay hai mươi năm nữa mình thực sự mong ước bản thân trở thành một con người như thế nào? Mình cần phải tìm một hình ảnh mới cho bản thân mình. Ở mẹ không có hình ảnh người phụ nữ mà mình muốn trở thành. Mình có cơ hội mà mẹ mình không có được và thậm chí còn chưa từng nghĩ đến. Cuộc sống gia đình hiện tại thật sự không có vấn đề gì nhưng nó đã trở nên chật hẹp so với sự phát triển của bản thân mình. Mình cần phải thay đổi, tìm kiếm không gian để phát triển. Phát triển vì chính bản thân mình và vì cả mẹ nữa.


Tác giả: Mộc Yên


Theo dõi tác giả tại:

https://gardenonthecloud.blogspot.com/


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan