Vì sao các nội dung video ngắn lại mê hoặc bạn đến vậy?

Nếu thuật thôi miên là có thật, thì những người sản xuất/sáng tạo nội dung video ngắn ắt hẳn đã phải tu luyện rất lâu để làm người xem mê mẩn không thể rời mắt đến như vậy.


Bạn đã từng tự hỏi, tại sao mình không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại chỉ vì những video ngắn kéo dài vài phút thậm chí chỉ vỏn vẹn 15 giây. Nếu thuật thôi miên là có thật, thì các nhà sản xuất/sáng tạo nội dung video ngắn ắt hẳn đã phải tu luyện rất lâu để làm người xem mê mẩn không thể rời mắt đến như vậy.


“Mọi người cứ ăn trước đi, tao xem nốt đoạn này đang hay. Rồi 5 phút, 10 phút, 15 phút thậm chí đến cả tiếng chỉ ngồi lướt, lướt và lướt…Không tự nhiên mà Instagram reel, Tiktok, video ngắn trên Facebook hay Youtube short lại nổi như “cồn" trong thời gian vừa qua. Vậy thì có một nguyên nhân nào đằng sau phản ứng dây chuyền ấy, phải chăng do thuật toán hay do một bí mật tâm lý nào khác. Hãy cùng nhau lý giải trong bài viết này.


1. Khả năng tập trung giảm mạnh


Khả năng tập trung của con người chúng ta “xuống dốc không phanh" kể tử khi công nghệ phát triển, việc tiếp cận với thông tin trở nên quá đỗi bình thường. Trước hết, chúng ta xét đến việc mọi người, đặc biệt người trẻ ngại giao tiếp trực diện, nhất là những cuộc hội thoại kéo dài. Vì đơn giản là, họ có thể nạp thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng nhờ vào công nghệ mà chẳng cần phải qua trung gian. Mặt khác, chúng ta vẫn muốn làm quen và tương tác xã hội. Vì vậy, những video ngắn là “tấm vé thông hành" quyền lực nhất để nắm bắt được cuộc sống của người khác. 


Thứ hai, tốc độ “tiêu hoá" thông tin quá nhanh cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng mất tập trung. Những trào lưu hay tin nóng hổi trên mạng xã hội quay như chong chóng mỗi ngày, khiến bản thân chúng ta dù muốn hay không cũng không tránh khỏi việc bị cuốn theo và luôn trong tâm thế chờ đón thông tin mới lạ mỗi ngày.


Và cuối cùng, những nhà sản xuất video ngắn hẳn là phải “đi guốc trong bụng” người xem, khiến họ hài lòng khi những chủ đề họ thích luôn xuất hiện trên màn hình của họ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, hầu hết chúng ta sẽ mất hứng thú sau 8s nếu cảm thấy nội dung không đủ hấp dẫn. 


Một ví dụ điển hình cho việc kiểm soát nội dung để tận dụng tối đa khả năng tập trung của ngừoi xem là TED talks, một chuỗi các bài diễn thuyết của những chuyên gia hay ngừoi truyền cảm hứng về các vấn đề được quan tâm nhiều. Người diễn thuyết được yêu cầu trình bày nội dung không quá 18 phút. Thực tế, 18 phút là đủ dài để có một bài thuyết trình nghiêm túc nhưng cũng đủ ngắn để có thể duy trì sự chú ý của khán giả. 


2. Dopamine là phần thưởng hậu hĩnh cho mỗi lần xem video ngắn


Con người ta ai cũng muốn trải qua cảm giác hưng phấn, và Dopamine là một “chất xúc tác” hiệu quả. Dopamine là một dây thần kinh chuyển hoá từ cơ chế “khen thưởng” của bộ não, tạo động lực cho bạn để tiếp tục tìm kiếm sự thích thú khác. Theo giáo sư thần kinh học Sanam Hafeez, việc chúng ta lướt xem các video trên Tiktok, chúng ta thực chất là đang rượt đuổi để tóm lấy Dopamine nhiều nhất có thể.


Thực tế, khi chúng ta được tiếp cận với những nội dung làm ta sảng khoái và cười nhiều, não bộ sẽ nhận được một “Dopamine", bạn cảm nhận như có một ngọn lửa đang cháy ngày một lớn trong cơ thể mình, thôi thúc mình tiếp tục thổi lửa lên bằng những video ngắn khác có nội dung tương tự. 


Còn khi bạn nhìn thấy một thứ gì đó bạn không thích, bạn sẽ nhanh chóng chuyển sang những nội dung thúc đẩy “Dopamine” nhiều hơn. Cứ tiếp diễn như vậy, bạn sẽ càng nạp nhiều Dopamine và “cơn nghiện" của bạn lại càng dai dẳng hơn. Đó là lý do vì sao nhiều bạn trẻ có thể thức xuyên đêm để xem “Review phim" trên Facebook. 



Nguồn ảnh: Pinterest



3. Các video ngắn được thiết kế để tối đa hoá thời gian sử dụng


Đối với nhiều bạn trẻ, nhất là thế hệ Genz, thèm ăn có thể nhịn nhưng thèm Tiktok thì không. Các video ngắn được thiết kế theo hình thức persuasive design giúp dễ dàng tiếp cận với khán giả. 


Hình thức thiết kế này giúp rút ngắn và đơn giản hoá quá trình đưa ra quyết định của chúng ta. Thực tế, con người chúng ta rất ngại phải đưa ra quyết định, nó tốn thời gian. Thay vào đó, chúng ta sử dụng phần lớn năng lượng để tạo ra những “Shortcut of memory". Cái này gọi là phím tắt, cho phép chúng ta không đánh giá một thứ nhiều lần và đưa ra quyết định nhanh chóng. 


Thực tế, persuasive design giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng, không phải động não quá nhiều. Ví dụ như ngay khi ta mở app Tiktok, video ngắn sẽ tự hiển thị trên màn hình, nội dung liên quan đến những chủ đề mà bạn quan tâm và bấm vào xem trước đó. Còn nữa, không biết bạn có để ý không nhưng ngay khi bạn ấn nút like hay tương tác với các video trên Tiktok, Instagram hay Facebook, hàng loạt các video khác cùng thể loại sẽ được gợi ý cho bạn. 


Nếu bạn còn nghi ngờ về khả năng “thôi miên" chỉ bằng thiết kế đơn giản nhưng có sức hút của video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội thì hãy tìm hiểu phần dưới đây. 


4. Tò mò về cuộc sống chân thật của người khác


Dường như các video ngắn đã “nắm thóp" được những người xem. Thực tế, chúng ta có thể ngại giao tiếp xã hội nhưng lại không thể ngừng tò mò về mọi thứ xảy ra trong đó. Điển hình như Facebook và Instagram story, mọi người thường có xu hướng cập nhật tin tức từ story của người thân, bạn bè hàng ngày, thậm chí khi vừa mở mắt ra vào buổi sáng. Sở dĩ như vậy vì Story chỉ xuất hiện trong 24 giờ và mọi người thì không muốn bỏ lỡ bất kì “drama" nào cả. 


Cách để “tiêu hoá" nội dung từ những video ngắn mà không bị “bội thực"


1. Nghiêm khắc với bản thân hơn. Tuỳ vào nội dung bạn xem, hãy để đồng hồ báo thức nhắc nhở bạn khi nào phải dừng lại. Bạn có thể để 5 phút, 10 phút hay 15 phút hoặc hơn tuỳ bạn nhưng lưu ý hai điều: đừng để thời gian quá lâu hoặc cố xem tiếp khi đã hết giờ. 


2. Tối giản bớt những kênh/trang xem video mỗi ngày, chỉ thực sự theo dõi những trang hoặc kênh mạng xã hội về các chủ đề mà bạn quan tâm.


3. Biết khi nào bạn đã “vừa đủ no" để dừng lại, bạn càng xem thì các video bạn thích càng xuất hiện nhiều, bạn có thể duy trì sự hứng thú nhưng điều đó sẽ vắt kiệt sức lực của bạn. 


4. Nếu có thể, hãy tắt thông báo trên điện thoại hoặc ứng dụng về những tin tức hay nội dung của các video thường ngày bạn xem nhưng chúng không quá quan trọng. Điều này cho phép bạn ưu tiên cho những chủ đề cấp bách khác như video dạy kỹ năng sống, video truyền cảm hứng hay bài giảng online trên lớp chẳng hạn. 


Kết


Nếu ví các video ngắn là cái ao thì người sáng tạo ra nó là những thợ câu chuyên nghiệp và tinh ý, còn bạn là chú cá bé nhỏ trong hàng nghìn chú cá muôn màu muôn vẻ khác. Hãy rèn luyện đôi mắt và bộ não khôn khéo để biết đâu là thời điểm thích hợp nhất để rong chơi trong chiếc ao ấy, tránh trường hợp rơi vào bẫy của người đi câu một cách bất đắc dĩ. Cuối cùng, để trở nên thành công ở thời đại số, hãy kiểm soát công nghệ chứ đừng để công nghệ kiểm soát mình. 


Tác giả: Ori

Nguồn tham khảo: 

https://www.bustle.com/wellness/tiktok-attention-span-brain-effects-experts

https://www.psychologytoday.com/us/basics/dopamine

https://vietcetera.com/vn/vi-sao-nhung-noi-dung-video-ngan-lai-gay-nghien-den-the

BẢN THẢO
Bài viết liên quan