Vì Sao Những Người Nhạy Cảm Cao Lại Dễ Dàng Thấu Cảm Với Người Khác?

Những người nhạy cảm cao thường có khả năng thấu cảm rất tốt. Vì đặc điểm này, chúng ta có khuynh hướng theo đuổi sự nghiệp tâm lý trị liệu hay giảng dạy và trở thành những người mà gia …

Những người nhạy cảm cao thường có khả năng thấu cảm rất tốt. Vì đặc điểm này, chúng ta có khuynh hướng theo đuổi sự nghiệp tâm lý trị liệu hay giảng dạy và trở thành những người mà gia đình và bạn bè có thể trút bầu tâm sự. Lòng thấu cảm của chúng ta vượt ra xa định nghĩa thông thường của bản thân từ “thấu cảm”. Chúng ta thực sự đặt mình vào cảm xúc của người khác chứ không chỉ nhận biết cảm xúc đấy.

Mặc dù đôi lúc khả năng thấu cảm gây ra cho ta biết bao nhiêu mỏi mệt, khả năng này lại đóng vai trò quan trọng trong công việc hoặc những tình huống đòi hỏi năng lực đọc vị người khác. Tuy nhiên, khi sự thấu cảm đã hoạt động hết công suất, nó sẽ để lại bạn trong tình trạng kiệt quệ tinh thần.

Là một nhà tâm lý trị liệu, tôi có trách nhiệm phải lắng nghe câu chuyện của những người khác. Và không chỉ bản thân câu chuyện, tôi còn phải nắm giữ cả cảm xúc và những bài học rút ra mà câu chuyện đó đem lại. Đó là vinh hạnh của tôi khi được góp mặt trong câu chuyện của cuộc đời họ. Dù vậy, đôi khi có quá nhiều tình tiết trong đó tác động lên tâm trí tôi, khiến khả năng thấu cảm trong tôi trỗi dậy, biến những trải nghiệm và cảm xúc  ấy thành của riêng mình.

Đây là một trong những lý do lớn nhất góp phần làm các nhà tâm lý trị liệu và những chuyên gia sức khỏe tâm lý trở nên kiệt quệ, đặc biệt khi họ không thể chăm sóc bản thân đúng cách. Ngay cả khi bạn không phải là một chuyên gia chăm sóc sức khỏe và là một người nhạy cảm cao, bạn chắc hẳn đã trải qua những điều tương tự bên cạnh bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Vậy, hãy cùng tìm hiểu vì sao những người nhạy cảm cao lại có thể dễ dàng thấu cảm với người khác, và cách để chúng ta không bị vắt kiệt năng lượng bởi khả năng đặc biệt này nhé.

Vì sao những người nhạy cảm cao lại dễ dàng thấu cảm với người khác?

Những người nhạy cảm cao thường có khuynh hướng bị tác động mạnh bởi cảm xúc của người khác. Rất nhiều người trong số chúng ta đi vào một căn phòng và ngay lập tức cảm nhận được sự căng thẳng, bất ổn, buồn bã, v.v mà không cần phải giao tiếp bằng lời nói. Bằng cách nào đó, chúng ta là bậc thầy của giao tiếp phi ngôn ngữ.

Nhưng khả năng thấu cảm này không chỉ dừng lại ở đó. Những người nhạy cảm cao đã trải qua điều tương tự khi ở cùng một người bạn, nhận biết được cảm xúc của người bạn này, và chờ đợi họ bộc bạch. Đây là một trong số những lý do chúng ta ghét những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Chúng ta có thể cảm thấy sự tức tối, khó chịu từ các mâu thuẫn ấy dần bủa vây lấy tâm trí ta, để rồi bị cuốn vào dòng xoáy tâm trạng lúc nào không hay.

Những cảm xúc này không thực sự tách lìa khỏi tâm trí những người nhạy cảm cao. Việc phải góp mặt vào bầu không khí căng thẳng mà không cảm nhận được một xíu sự căng thẳng nào thường rất hiếm. Khi đa số những người bình thường chỉ cảm nhận được phần nào cảm xúc của người khác, những người nhạy cảm lại đồng cảm với cảm xúc của người khác ở mức độ cao và quyết liệt hơn nhờ vào các tế bào thần kinh gương.

Các tế bào thần kinh gương là gì?

Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải thích xác đáng cho chúng nhưng về căn bản, các tế bào thần kinh gương là những tế bào đặc biệt giúp chúng ta thấu cảm với những gì người khác đang trải qua. Chúng hoạt động bằng cách so sánh hành động của người khác với hành động trong quá khứ của bản thân trong quá khứ – “phản chiếu” lại các hành động của người đó để biết điều gì đang xảy ra với họ. Nói cách khác, chúng ta nhận biết được niềm vui hay nỗi đau của một ai đó đều là nhờ vào những tế bào này.

Các tế bào thần kinh gương cũng giúp chúng ta học hỏi những điều mới. Ví dụ như chúng ta sẽ vận dụng tối ưu các tế bào này để bắt chước người khác học một động tác yoga mới. Chúng còn khiến những tràng cười và cơn ngáp “lây lan” nữa!

Nói một cách cụ thể hơn, người nhạy cảm cao không nhất thiết có nhiều tế bào thần kinh gương hơn những người khác, chỉ là các tế bào thần kinh gương của họ hoạt động năng suất hơn mà thôi. Vài năm về trước, bộ phận nghiên cứu về chụp ảnh não đã tìm thấy sự khác biệt về cách các dây thần kinh được kết nối trong não của những người nhạy cảm cao so với người bình thường. Trong nghiên cứu này, những người nhạy cảm cao liên tục cho thấy sự hoạt động tích cực trong một số phần điều khiển cảm xúc và cách hành xử của não. Mức độ hoạt động cao hơn này được tìm thấy trong cả những tình huống tương tác với người lạ, hé lộ khả năng phi thường của người nhạy cảm trong việc bày tỏ sự thấu cảm với người họ không thực sự quen biết. Tuy vậy, không có gì lạ khi hiệu quả của sự thấu cảm vẫn cao nhất đối với những người thân yêu.

Nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của các tế bào thần kinh gương, những người nhạy cảm cao có khả năng thấu cảm tốt hơn người bình thường. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta dễ dàng đặt bản thân mình vào vị trí của người khác và cảm nhận nỗi buồn, sự tức giận cũng như stress mà họ đang gặp phải, cho dù chúng ta đang có một ngày hoàn toàn tốt đẹp!

Cảm xúc của những khách hàng tìm đến tôi làm tôi choáng ngợp

Là một nhà tư vấn tâm lý, tôi đã học được hai điều vô giá: ưu tiên bản thân và thiết lập ranh giới.


Những tháng đầu tiên thực tập, tôi liên tục hết cạn năng lượng: hoảng loạn trước khi gặp khách hàng và kiệt sức ngay sau đó. Tôi đã nghĩ về khách hàng của mình gần như mọi lúc và lên kế hoạch cho các buổi tối muộn thay vì ngủ. Tôi đã thuyết phục bản thân mình rằng tôi cần phải thật sự thấu hiểu họ để tạo ra sự thay đổi.

Trong các phiên gặp mặt, sự lo lắng của tôi tăng lên khi bầu không khí trong phòng trở nên căng thẳng. Khi khách hàng đến gặp tôi tăng lên, tôi dần học cách chấp nhận mức độ stress luôn tăng cao của mình và chịu đựng việc sống một cách suy nhược và mệt mỏi như vậy.

Đồng thời, khả năng tự điều hòa cảm xúc của tôi bắt đầu tuột dốc. Tôi không thể kiểm soát được sự lo lắng của mình và thường xuyên mất ngủ. Tôi lúc nào cũng mệt mỏi, không thể tập trung và cuộc sống thì dường như đang sụp đổ trước mắt.

Tôi đã học được điều gì

Cuối cùng thì một người bạn cũng chỉ ra cho tôi rằng tôi có quyền được ưu tiên sức khỏe của bản thân. Đó là lúc tôi nhận ra rằng cảm xúc của những người khách hàng của tôi đã tác động mạnh mẽ tới tôi đến nhường nào, ngay cả khi tôi nghĩ là tôi hoàn toàn ổn. Tôi không nghĩ mình đã kiệt quệ tới vậy cho đến khi tôi buông bỏ công việc và dành một khoảng thời gian để nghỉ ngơi.

Vấn đề này hiển nhiên đã ảnh hưởng tới những lĩnh vực khác trong cuộc sống của tôi. Một số người nhạy cảm cao có thể sẽ nhận ra sự kiệt quệ trong thâm tâm họ khi phải đối mặt với những mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và kể cả nhân viên thu ngân ở một tiệm tạp hóa nọ. Họ rất tinh tế trong việc phát hiện liệu đối phương có đang gặp phải chuyện gì đó – hay nói đúng hơn là giác quan thứ sáu của họ cực kỳ nhạy bén.

Tuy nhiên, chỉ vì chúng ta cảm thấy rằng một người cần giúp đỡ không đồng nghĩa với việc chúng ta chối bỏ quyền và trách nhiệm chăm sóc bản thân. Đối với tôi, “chăm sóc bản thân” là cho bản thân một ngày nghỉ làm, bật điện thoại ở chế độ “không làm phiền” vào ban đêm, và tìm kiếm sự trợ giúp bất cứ khi nào cần thiết.

Tìm kiếm sự trợ giúp có thể rất khó khăn đối với những người nhạy cảm cao, vì chúng ta không muốn làm phiền ai cả. Nhưng vì chúng ta luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, nên chúng ta cũng có quyền tìm tới sự giúp đỡ. Sau cùng thì chúng ta không thể nào giúp đỡ người khác hết mình được khi chính bản thân chúng ta lại gánh trên vai hành lý cảm xúc của họ.

Nếu bạn là một người nhạy cảm cao, hãy nhớ lấy điều này: Bạn có quyền được dựa dẫm vào người khác, được quyền nghỉ ngơi, và được quyền ưu tiên việc chăm sóc bản thân đó.

Bạn có quyền được chăm sóc bản thân

Đặt việc chăm sóc bản thân lên hàng đầu là bước đầu tiên giúp tôi vượt qua sự kiệt quệ về cảm xúc. Tôi cũng cần phải vạch ra ranh giới giữa khách hàng và tôi nữa. Khi tôi bắt đầu hành nghề, tôi vẫn chưa nắm rõ sự cần thiết trong việc phân chia rạch ròi cảm xúc của chính tôi và cảm xúc của khách hàng. Sự thấu cảm khiến tôi nhìn vào vấn đề dưới góc độ của khách hàng trong vòng một tiếng đồng hồ, nhưng sau khoảng thời gian đó, cảm xúc của họ đã quay trở về đúng với chủ nhân.

Học cách để phân rõ đời công và đời tư đã góp phần quan trọng trong việc giúp bản thân tôi chữa lành. Dù vậy, trong những lĩnh vực chăm sóc khách hàng, chúng ta thường gặp hạn chế khi ấn định một đường ranh giới lành mạnh bởi việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Từ chối giúp đỡ là một điều hết sức khó khăn đối với chúng ta. Là những người tư vấn tâm lý, chúng ta không thể làm ngơ trước cảm xúc của khách hàng.

Nếu bạn không làm việc trong lĩnh vực giúp đỡ khách hàng, có thể bạn đã trải qua những cảm xúc tương tự đối với những mối quan hệ cá nhân. Bạn cảm thấy có trách nhiệm phải lắng nghe và giúp đỡ, và thật khó để tránh đặt mình vào cảm xúc của người khác. Nếu đó là bạn, tôi mong bạn hiểu rằng bạn không có nghĩa vụ phải gánh chịu những cảm xúc của người khác tác động lên.

Vạch ra ranh giới giữa các mối quan hệ công việc và cá nhân là một điều khó nhằn, nhưng công sức bạn bỏ ra sẽ được đền đáp. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm khi đặt giới hạn thời gian cho sự giúp đỡ của bạn, cho phép bản thân nói không, hay chỉ đơn giản là ngủ một giấc ngon lành thay vì nói chuyện với một người bạn suốt một tiếng đồng hồ vào ban đêm. Vấn đề vẫn sẽ ở đó vào buổi sáng.

Tất nhiên, chúng ta cũng cần phải linh hoạt với ranh giới đã vạch ra, nhưng trong những tình huống như trên, ranh giới này trông giống như khoảng thời gian ta dành ra cho việc chăm sóc bản thân sau đó.

Tôi thường xuyên cảm thấy tội lỗi khi không để cảm xúc của người khác lấn át tôi. Nhưng trong thực tế, việc không khuất phục trước sự lấn át này để tôi cảm thấy như mình vẫn đang làm tốt công việc giúp đỡ đã là một sự minh chứng cho giới hạn mà bản thân đã đặt ra rồi.

———————————–

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Hương

Nguồn ảnh: Internet

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan