Vì sao sáng tạo cần đến thất bại?

Cách chúng ta chấp nhận thất bại thường quyết định khả năng sáng tạo của bản thân.


NHỮNG Ý CHÍNH

  • Thất bại là một yếu tố quan trọng cho quá trình sáng tạo.
  • Những gì chúng ta học được từ việc vấp ngã có thể sẽ quan trọng hơn những gì ta học được từ sự thành công.
  • Thất bại là điều không thể tránh khỏi - thật vậy, nhưng nó có thể trở thành một cơ hội để học tập. 


Atychiphobia (cũng như việc sợ độ cao, sợ bóng tối, v.v, atychiphobia là nỗi sợ thất bại) không phải là từ sẽ xuất hiện ở các cuộc nói chuyện xung quanh máy nước nóng lạnh ở chỗ làm việc. Mặc dù vậy, nỗi sợ thất bại là một nguyên nhân phổ biến ngăn chặn sức sáng tạo của chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước trong cuộc sống.


Dù cho chúng ta đều trải nghiệm thất bại trong cuộc sống, cách mỗi người chúng ta đối mặt với nó là khác nhau. Một vài người trong chúng ta nhìn nhận thất bại như một cách để chuyển hướng và thay đổi suy nghĩ của mình. Số khác lại phản ứng bằng cách thu người lại như một trái banh (ta có thể liên tưởng đến cách con tatu bị đe dọa bởi những điều nguy hiểm) và cắt đứt kết nối giữa họ với thế giới bên ngoài. Có một lượng đáng kể những bằng chứng chứng minh cho quan điểm rằng một số người thì can đảm đối mặt với thất bại trong khi số khác lại tránh né nó bất cứ khi nào họ có cơ hội. Đối với một vài người, thất bại là điều tốt; đối với một số khác, nó là điều xấu.


Một bộ phận lớn những nghiên cứu đã nhấn mạnh quan điểm rằng có những người có thể chấp nhận đối mặt với thử thách và sự thất vọng như những cơ hội để họ chuyển hướng suy nghĩ của họ. Đây là những người có “tư duy phát triển (growth mindset)”. Cũng có những người khác xem sự thất bại như là một sự sụp đổ hoàn toàn. Họ tin rằng họ vốn dĩ không có tài năng hay năng khiếu, và trong tương lai họ cũng sẽ như thế mà thôi. Những người này là những người có “tư duy cố định (fixed mindset)”. Những cá nhân này giữ mãi những suy nghĩ như hoặc là bạn sinh ra với tài năng, hoặc là bạn sinh ra chẳng có gì cả. Nói ngắn gọn, bạn chỉ có thể ở trong một trong hai nhóm này.


Nhà tâm lý học Carol Dweck đã nghiên cứu sâu rộng về những loại trạng thái tâm thần này và cung cấp cho ta bằng chứng lâm sàng rằng đa số người ta thường cố ý tự đặt bản thân họ vào một trong hai nhóm này. Dweck nói rằng nhóm mà bạn lựa chọn đặt bản thân vào thường quyết định cách mà bạn đối mặt với những thử thách về mặt trí tuệ. Nếu bạn trải nghiệm sự thất bại và rồi bỏ cuộc, vậy thì bạn đã nhân lúc đó đặt bản thân vào nhóm “cố định”; nhưng nếu bạn trải nghiệm sự thất bại rồi dùng nó như một cơ hội để học hỏi hoặc như một bàn đạp dùng để cải thiện, vậy thì bạn đã đặt bản thân vào nhóm “phát triển”.


Nghiên cứu của cô ấy hàm ý rằng thất bại là một yếu tố không thể tránh khỏi trong cuộc sống thường ngày của chúng ta (chúng ta lỡ bỏ qua khúc cua bên trái trên đường đến nhà một người bạn; chúng ta quên mất phải trả tiền điện đúng hạn và bị bắt phải nộp phạt; chúng ta quyết định là sẽ giảm cân khoảng 9 kilogram trước thềm năm mới, và sáu tháng sau, cân nặng của chúng ta vẫn không thay đổi). Cách chúng ta tiếp cận với thất bại quyết định liệu chúng ta mang trong mình suy nghĩ “cố định” hay chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự “phát triển”. Hơn cả thế, như bạn có thể tưởng tượng ra, những người tin rằng họ là thành viên của nhóm “phát triển” thường sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn những người tự ấn định mình ở nhóm “cố định”.


Một ví dụ quen thuộc của tư duy phát triển


Để làm rõ hơn, hãy cùng xem xét Thomas Alva Edison. Vào cuối thế kỷ 19, Edison đã rất cố gắng để cải thiện bóng đèn điện. Trong hơn 2 năm, ông ấy đã thử nghiệm với rất nhiều nguyên liệu tiềm năng để làm dây tóc bóng đèn - như là cành non của cây trúc, lông động vật, mạng nhện, chì, và đồng. Hơn 400 lần, 600 lần, một ngàn lần, ông ấy đã cố gắng để tìm ra một nguyên liệu có thể duy trì ánh sáng.


Đôi khi trong suốt quá trình dài đằng đẵng và gian khổ này, một phóng viên đã được gửi đến để phỏng vấn ông ấy. Trong suốt buổi phỏng vấn, phóng viên dã hỏi Edison rằng “Có vẻ như dù ông đã cố gắng rất nhiều để sáng chế ra đèn dây tóc và cứ như vậy thất bại mãi. Theo ông là vì sao?” Edison đã nhìn thẳng vào mắt phóng viên và nói rằng “Tôi không thất bại. Tôi chỉ mới tìm ra 10,000 cách không hiệu quả thôi.”


Thomas Alva Edison | Nguồn ảnh: www.nydailynews.com


Edison biết rằng cách ông ấy định nghĩa thất bại là một phần quan trọng cho quá trình khám phá của ông ấy.


Ông ấy tin rằng cứ mỗi lần không thành công như vậy, ông lại đến gần hơn với mục tiêu cuối cùng của mình. Trong những nghiên cứu về những người có trí sáng tạo, các nhà tâm lý học đã khám phá ra rằng một trong những đặc điểm nổi bật tách biệt người có trí sáng tạo và người không có trí sáng tạo là người có trí sáng tạo thường mắc lỗi sai rất nhiều và vẫn tiếp tục vượt qua chúng, trong khi người không có trí sáng tạo thì chỉ cần mắc một lỗi sai là bỏ cuộc. Nhiều người xem thành công và thất bại như hai thái cực đối lập; trong thực tế, chúng là hai mặt của một quá trình.


Nhà khoa học về tên lửa học tiền nhiệm Ozan Varol (người chắc chắn đã chứng kiến nhiều lần thất bại về kỹ thuật của bản thân) làm rõ tầm quan trọng của quy luật này: “Nếu chúng ta không thừa nhận rằng bản thân đã thất bại - nếu chúng ta phớt lờ cách nhận định đúng - chúng ta chẳng thể học được gì. Trên thực tế, thất bại có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn nếu chúng ta tiếp nhận ý nghĩa sai từ nó. Khi chúng ta qui thất bại của bản thân cho những yếu tố bên ngoài - như người ban hành chính sách, khách hàng, các đối thủ cạnh tranh - chúng ta không có lý do gì để thay đổi con đường mình đi. Chúng ta ném số tiền đúng đắn vào cùng một chiến lược sai lầm mang đến thất bại nhiều lần, và mong rằng ngọn gió sẽ thổi theo chiều hướng tốt hơn.”


Chỉ những người dám té ngã thật đau đớn mới có thể đạt được thành công vang dội.” — Robert Kennedy


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: July

Nguồn bài viết: <https://www.psychologytoday.com/intl/blog/creative-insights/202112/why-failing-is-necessary-creativity

Tham khảo:

Carol Dweck. Mindset: The new psychology of success (New York: Ballantine Books, 2006).

Anthony D. Fredericks. From fizzle to sizzle: The hidden forces crushing your creativity and how you can overcome them (Indianapolis, IN: Blue River Press, 2022).

Ozan Varol. Think like a rocket scientist: Simple strategies you can use to make giant leaps in work and life. (New York: Public Affairs, 2020).

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan