Vì Sao Nhiều Người Không Thể Nói Ra Lời Xin Lỗi?

Trong bài đăng trước của mình, “Lý Do Chúng Ta Cần Xin Lỗi,” tôi đã bàn về lý do tại sao lời xin lỗi lại quan trọng. Nhưng nói lời xin lỗi với những người chúng ta đã gây tổn …

Trong bài đăng trước của mình, “Lý Do Chúng Ta Cần Xin Lỗi,” tôi đã bàn về lý do tại sao lời xin lỗi lại quan trọng. Nhưng nói lời xin lỗi với những người chúng ta đã gây tổn thương hoặc làm tổn hại không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng. Có thể có rất nhiều chướng ngại trên con đường thực hiện điều đúng đắn.

1.Vấn đề về lòng kiêu hãnh. 

Xin lỗi tức là gạt lòng kiêu hãnh của chúng ta sang một bên đủ lâu để thừa nhận những khiếm khuyết của bản thân. Đối với một số người, điều này quá nhạy cảm, quá nguy hiểm. Điều đó có nghĩa rằng họ phải thừa nhận mình có sai sót, có điểm yếu, điều mà họ từ chối phải làm. Và xin lỗi cũng có nghĩa là kiểm soát khuynh hướng biện hộ hoặc đổ lỗi cho người khác của chúng ta. Việc nhận trách nhiệm cho hành động của chính bản thân chúng ta quá trái với con người ta đến mức nó gần như là không thể.

2. Dấu hiệu của sự yếu đuối. 

Đối với nhiều người, nhất là đàn ông, xin lỗi thể hiện sự yếu đuối. Những người này có xu hướng cần được công nhận là đúng và cần luôn được nhìn nhận là người mạnh mẽ và quyền lực. Nhưng sự thật là, xin lỗi cho những tổn hại bạn đã gây ra và nhận trách nhiệm cho những lỗi lầm của bạn thực ra có thể được nhìn nhận như một dấu hiệu của sự mạnh mẽ. Ví dụ như Tướng Mark Milley gần đây đã xin lỗi vì xuất hiện trong một “cơ hội chụp ảnh” (một cơ hội được sắp xếp để chụp ảnh một chính trị gia, người nổi tiếng hoặc sự kiện đáng chú ý nào đó) cùng với tổng thống Trump. “Đó là nhầm lẫn của tôi,” ông ấy thừa nhận, “Đáng lẽ ra tôi không nên ở đó.” Đối với hầu hết mọi người, nghe lời xin lỗi của một đại tướng không làm giảm hình ảnh của ông ấy trong mắt họ, trái lại còn nâng tầm ông ấy lên. Sự thật là, một người cần có sự mạnh mẽ để nói ra lời xin lỗi.

3. Nỗi sợ sự hổ thẹn.

Một số người đã chịu nỗi hổ thẹn quá nặng nề trong thời thơ ấu đến mức họ không thể chịu đựng được sự nhục nhã nào nữa. Điều này bao gồm việc thừa nhận khi họ sai hoặc xin lỗi về lỗi lầm của mình.

4. Nỗi sợ hậu quả.

Nhiều người sợ rằng nếu họ mạo hiểm xin lỗi, họ có thể bị khước từ. “Lỡ như anh ấy không bao giờ nói chuyện với tôi nữa thì sao?” và “Lỡ đâu cô ấy rời bỏ tôi thì sao?” là hai nỗi sợ phổ biến nhất. Những người khác thì sợ rằng bằng việc xin lỗi, họ sẽ có nguy cơ bị vạch trần trước mặt người khác hoặc danh tiếng của họ sẽ bị huỷ hoại. “Lỡ như cậu ta nói với mọi người điều tôi đã làm thì sao?” là câu nói phổ biến của những người sợ hãi hậu quả này. Một số người sợ rằng khi thừa nhận lỗi lầm của mình, họ sẽ mất đi sự tôn trọng của người khác. “Lỡ như cô ấy nghĩ tôi kém cỏi thì sao?”. Ngoài ra, cũng có những người sợ sự trả đũa, như trong, “Lỡ như anh ta hét vào mặt tôi thì sao?” hay “Lỡ như cô ta cố gắng trả thù thì sao?”. Cuối cùng, nỗi sợ bị vạch trần hay thậm chí là bị bắt giữ có thể ngăn chúng ta làm điều mà ta cần làm. Kể cả những người muốn xin lỗi vì hành động sai của mình cũng chần chừ vì sợ bị kiện hay bị bắt, hoặc vì nghe theo lời khuyên của cố vấn pháp lý.

5. Thiếu nhận thức

Nhiều người không xin lỗi vì họ hoàn toàn không biết hậu quả từ hành động của họ đối với người khác. Họ không xin lỗi vì họ đơn giản là không nhận thức được rằng họ có điều gì cần phải xin lỗi. Có thể họ quá tập trung vào điều người khác đã làm tổn hại đến họ, đến mức họ không thể thấy được mình đã làm tổn hại đến người khác như thế nào, hoặc có lẽ họ chỉ quan tâm đến bản thân mình nên không thể thấy hành vi của mình ảnh hưởng như thế nào đến người khác.

Mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Và mỗi người trong chúng ta đều đang cố gắng để chấm dứt sự khổ sở bằng mọi cách có thể. Đôi khi, trong nỗ lực cuối cùng để chấm dứt sự khổ đau, chúng ta chọn cách đóng cửa tâm trí hay hóa đá trái tim của mình. Khi làm điều này, chúng ta hoàn thành được mục tiêu của mình là không cảm nhận nỗi đau của bản thân nữa, nhưng đó cũng là lúc chúng ta không còn cảm nhận được nỗi đau của người khác. Khi điều này xảy ra, chúng ta cư xử một cách ích kỉ, vô tình, thậm chí là tàn nhẫn mà không hề hay biết. Điều này có thể gây ra ấn tượng rằng chúng ta không quan tâm, trong khi sự thật là chúng ta chỉ không thấy được tác động của những hành vi của mình.

6. Không có khả năng thấu cảm.

Cho đến bây giờ, lý do quan trọng nhất đằng sau việc nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc xin lỗi chính là: chúng ta thiếu sự thấu cảm đối với người khác, một phẩm chất giúp ta có thể đặt mình vào vị trí của người khác. Để có thể xin lỗi một cách thành thực, chúng ta cần hình dung được rằng hành vi hay thái độ của mình đã ảnh hưởng đến người kia như thế nào. Không may là, nhiều người không thể làm điều này. Một vài người cần phải được ôn lại cách thấu cảm, một số khác thì cần phải được dạy.

Lời xin lỗi có khả năng làm cho người kiêu ngạo nhất cũng trở nên khiêm nhường. Khi chúng ta có được cái gan để thừa nhận mình sai, để vượt qua nỗi sợ và sự kháng cự đối với việc xin lỗi, chúng ta hình thành một sự tôn trọng sâu sắc đối với chính bản thân mình. Lòng tự trọng này sau đó có thể tác động đến lòng tự tôn, sự tự tin và cái nhìn tổng quát của chúng ta về cuộc sống nói chung.

Khi tôi xin lỗi bạn, tôi cho bạn thấy rằng tôi tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của bạn. Tôi cho bạn biết rằng tôi không cố ý làm bạn tổn thương và rằng tôi sẽ đối xử công bằng với bạn trong tương lai. Bằng việc chấp nhận lời xin lỗi của tôi, bạn không chỉ cho tôi (và bản thân bạn) thấy rằng bạn có một tấm lòng rộng lượng, mà còn thể hiện rằng bạn đang cho tôi và mối quan hệ của chúng ta thêm một cơ hội nữa. Hơn nữa, bạn cũng được nhắc nhở về lỗi lầm của chính mình và điều này có thể khuyến khích bạn đối xử với tôi và người khác tôn trọng và chu đáo hơn.

Một lời xin lỗi có ý nghĩa là như thế nào?

Nhiều người cần được dạy cách nói lời xin lỗi như thế nào để được lắng nghe và chấp nhận. Trong cuốn sách của mình, The Power of Apology [tạm dịch: Sức mạnh của lời xin lỗi], tôi đã giải thích rằng một lời xin lỗi có thành ý và hiệu quả là lời xin lỗi truyền tải được điều mà tôi gọi là 3 chữ “R” – regret (sự ân hận), responsibility (trách nhiệm), và remedy (cách giải quyết).

  1. Bày tỏ sự ân hận vì đã gây ra phiền toái, tổn thương, hay thiệt hại.

Để cảm nhận được nỗi ân hận thật sự, chúng ta cần phải thấu cảm với người mà ta đã làm tổn hại. Điều này bao gồm việc tưởng tượng người kia cảm thấy như thế nào và nhận thức được sự phiền toái, tổn thương hay thiệt hại mà bạn đã gây ra cho họ. Thấu cảm với người mà bạn làm tổn thương hay tức giận thực ra là phần quan trọng nhất của việc xin lỗi. Khi bạn thực sự thấu cảm, người kia sẽ cảm nhận được điều đó. Lời xin lỗi của của bạn sẽ có tác dụng giống như thuốc bôi chữa lành vết thương vậy. Trái lại, nếu bạn không có sự thấu cảm, lời xin lỗi của bạn sẽ nghe và cảm giác rất trống rỗng.

2. Thừa nhận trách nhiệm cho hành động của bạn

Điều này có nghĩa là không đổ lỗi cho người khác về việc bạn đã làm và không biện hộ cho hành động của mình mà thay vào đó nhận toàn bộ trách nhiệm.

3. Khẳng định sự sẵn lòng hành động để xoa dịu tình huống – bằng cách hứa sẽ không tái phạm, hay hứa rằng sẽ tìm cách để không lặp lại lỗi lầm cũ nữa, hoặc khẳng định sẽ cải thiện tình huống như thế nào (đi tham vấn trị liệu tâm lý chẳng hạn), hoặc bằng cách bồi thường cho những tổn hại đã gây ra. Chỉ nói bạn xin lỗi thì sẽ rất xúc phạm trừ khi bạn đảm bảo rằng sẽ không lặp lại điều đó một lần nữa.

Lời xin lỗi là một tương tác đầy quyền năng, gần như có một năng lực kì diệu giúp chữa lành cho cả bị hại và bị can. Đừng vứt bỏ những cơ hội để chữa lành, phát triển và thay đổi cuộc sống của chúng ta và người khác một cách tốt đẹp hơn bằng cách từ chối thừa nhận sai sót của bản thân hoặc đưa ra những lời xin lỗi hời hợt, thiếu hiệu quả và đầy xúc phạm.

Dịch: Topaz

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài viết:  https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-compassion-chronicles/202006/why-apology-is-so-difficult-some-people

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan