[Viết sáng tạo] Gửi chúng ta - Những đứa trẻ mang hình hài người lớn.

Sau khi trải qua nhiều biến cố và thất bại trong đời, tôi vẫn không biết thực sự mình đã trưởng thành đúng nghĩa hay chưa? Liệu rằng chúng ta có phải là những đứa trẻ vụng dại ẩn mình trong vỏ bọc của người lớn?

GỬI CHÚNG TA – NHỮNG ĐỨA TRẺ MANG HÌNH HÀI NGƯỜI LỚN.


Tết thiếu nhi với tôi không chỉ là dịp dành cho các em nhỏ, đó còn là dịp để tôi nhìn nhận lại một phiên bản trẻ thơ của chính mình. Bởi ai trong chúng ta cũng đã từng là một đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên nhưng ẩn sâu bên trong là những thương tổn không đáng có.


“Lớn rồi, con phải tự giác chứ”. Câu nói vô thưởng vô phạt đã của ba mẹ khiến tôi bất giác hiểu rằng: “Mình đã lớn rồi đấy!”. Sự trưởng thành đến từ những việc rất nhỏ ví dụ như tôi có thể tự xúc cơm ăn, tự chơi một mình khi ba mẹ đi vắng, tự tô màu và làm bài tập…Nhưng sau khi trải qua nhiều biến cố và thất bại trong đời, tôi vẫn không biết thực sự mình đã trưởng thành đúng nghĩa hay chưa? Liệu rằng chúng ta có phải là những đứa trẻ vụng dại ẩn mình trong vỏ bọc của người lớn?


Tôi có một người anh, người mà tôi hay gọi là tiền bối, anh đã chỉ bảo và giúp đỡ tôi rất nhiều. Từ nhỏ anh đã là một tấm gương, là niềm tự hào của gia đình. Anh có ngoại hình điển trai, thành tích học tập tốt, ba mẹ luôn kì vọng thành công sẽ mở ra một chân trời mới cho con trai mình. Tốt nghiệp cấp ba, anh đạt học bổng du học Pháp. Nghe anh kể đến đây, trong lòng tôi vô cùng ngưỡng mộ, tôi cũng từng nuôi ước mơ được đi du học, được gặp gỡ bạn bè đó đây, nhưng thực tế không chỉ toàn màu hồng như tôi hằng nghĩ. Anh sang đó học đến năm ba, cảm nhận các thầy cô giảng dạy không hợp ý mình, phương pháp học truyền thống không tạo cho anh được hứng thú tìm tòi, khám phá. 21 tuổi, anh quyết định bỏ học và trở về Việt Nam. Ba của anh hẳn đã rất sốc khi đón nhận quyết định đột ngột ấy, ba nói anh “Mày mà không cố học, mày là nỗi ô nhục của gia đình!”. Đầy đủ những mĩ từ đẹp nhất mà ba đã không hề thương tiếc dành tặng tâm hồn vụn vỡ của anh. “Hồi bằng tuổi em, anh bị rối loạn tâm lý, khủng hoàng tinh thần. Một phần là do ba mẹ liên tục gây sức ép nên anh phải thi cố vào Nhạc viện, lấy cái nghề, sau đó sẽ tính tiếp. Nên cô bé ạ, em còn trẻ mà đã tiến bộ như thế này đã là hạnh phúc lắm, hãy trân quý những điều em đang có nhé!”. Đón nhận lời chúc thiếu tự nhiên của anh mà lòng tôi nghẹn đắng. Kì vọng để rồi thất vọng, từ nhỏ anh bị giáo dục theo kiểu đòn roi, các bố mẹ luôn nghĩ rằng “Thương cho roi cho vọt” với mong muốn con cái mình tỉnh ngộ và sửa đổi. Anh theo đuổi piano chuyên nghiệp từ bé, những năm tháng học đàn, tập đàn là khoảng thời gian anh sợ đến lớp, bàn tay anh liên tục bị đánh bởi cây thước quá khổ của thầy “Thằng này đánh không biết đau, nên phải đánh nhiều cho nó đàn đỡ bị sai”.

Bản thân tôi cũng từng chịu nhiều đòn roi như thế. Đũa nấu, roi mây, dây nhảy dây… là những thứ làm cho tôi khóc mà không dám kêu ca nửa lời, bởi “ Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Đứa trẻ trong tôi và anh đã từng đau đớn, đã từng muốn thử thách và khám phá cuộc sống này, nhưng đòn roi và những hình phạt “úp mặt vào tường” tự vấn đã ngăn đứa trẻ tò mò trong tôi ngày một lớn dần lên.

Nếu có thể dùng cỗ máy thời gian, tôi muốn gặp lại anh cách đây mười năm trước, khi đứa trẻ trong anh còn hoang mang, lạc lối và bất định. Tôi muốn được ôm lấy anh lúc ấy và vỗ về đứa trẻ những tưởng đã trưởng thành, tôi muốn nắm lấy bàn tay anh và an ủi: “Anh không hề cô đơn và mọi chuyện nhất định sẽ ổn, em ở đây để xoa dịu những nỗi đau vô hình ấy”.


Lắng nghe câu chuyện của anh, tôi gần như chết lặng. Con người anh bên ngoài mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ, tôi chưa hề nhận ra anh có những tổn thương hay suy nghĩ tiêu cực bên trong. Cái cách anh cười với mọi người, những câu nói bông đùa hài hước, cái cách anh động viên đồng nghiệp hay truyền cảm hứng cho tôi, tất cả đều đang ẩn giấu những thương tổn từ những ngày thơ bé.


Nỗi đau của tôi và anh có thể đã từng là nỗi đau của một ai đó.

Những đứa trẻ mang trong mình kì vọng của mẹ cha?

Những đứa trẻ đã đánh mất tuổi thơ tìm tòi khám phá chỉ vì sợ hãi những hình phạt?

Liệu đứa trẻ ấy có thể sống hạnh phúc trong quãng đời còn lại ?

Khi thương tổn sâu kín kia tưởng chừng đã rơi vào quên lãng nhưng vẫn hiển hiện trong tâm trí mỗi khi nhớ về.

Tôi sẽ không nói với anh rằng hãy quên đi nỗi đau hay gạt bỏ chúng ra khỏi tâm tưởng mình, điều mà anh có thể làm chính là thực sự tha thứ cho quá khứ và chính bản thân mình năm ấy.


Hãy tha thứ, nhưng đừng cố quên, nếu không bạn sẽ bị tổn thương một lần nữa. Tha thứ sẽ thay đổi thế giới quan. Lãng quên sẽ mất đi bài học.

- Nhà giả kim | Paulo Coelho –


Và tôi mong đứa trẻ ấy sẽ được sống hạnh phúc.


THẦY CÔ GIÁO HẠNH PHÚC

Qua thời gian, nỗi đau trong tôi được chuyển hóa trở thành niềm hạnh phúc. Tôi không muốn các bé học sinh của mình phải trải qua cảm giác sợ hãi, đau đớn như tôi đã từng. Các em xứng đáng được yêu thương đúng cách, được quyền vấp ngã và tự chịu trách nhiệm với những sai lầm. Tôi đã làm được điều đó. Mặc dù chuyên ngành của tôi là Luật, không phải giáo viên sư phạm, nhưng tôi yêu tính cách hồn nhiên của trẻ thơ, của những nụ cười khi các em gọi “Cô Linh ơi, con chờ cô mãi để đến giờ cô dạy”, “Sao cô Linh về muộn thế mẹ nhỉ?”, “Sao cô Linh dạy ít thế ạ, hết giờ rồi ạ?”. Tôi tin rằng mục tiêu của giáo dục không nằm ở kiến thức mà nằm ở cách thổi hồn nhân cách và tình yêu thương đến các em. Thiết kế một bài giảng hay, kể một câu chuyện tâm tình, tôi luôn ở bên các em như một người bạn, cô và trò nằm tay nhau để tận hưởng niềm vui trên hành trình kiếm tìm tri thức. Và tôi hạnh phúc khi viết những dòng này, tôi biết ơn thời niên thiếu khắc nghiệt khổ đau để tôi trân trọng hơn những gì mình đã, đang và sẽ làm. Chúng ta không thể thay đổi được thế giới nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ việc thay đổi chính mình. Từng giây, từng phút trôi qua, tôi mỉm cười mãn nguyện, biết ơn quá khứ, biết ơn những đòn roi đã làm nên tôi ngày hôm nay, để tôi biết mình đã từng mạnh mẽ, đã từng tranh đấu để tìm kiếm hạnh phúc từ sâu thẳm tâm hồn mình.

“ Tác giả: Lily Trương

——————

Ảnh: Pinterest

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/cuocthiVDDT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”




BẢN THẢO
Bài viết liên quan