Viết về nỗi đau mất mát

Chào tạm biệt cậu - đám mây nặng trĩu trong lòng mình. Viết cho ngày đi qua, viết để tưởng nhớ những người đã xa.

Chào cậu - đám mây u uất suốt những tháng ngày qua…


Những dòng chữ sau đây được viết ra bởi mình - người đã từng không may phải đối mặt với cậu, nhưng đang từng bước thoát ra khỏi hố đen của nỗi đau mất mát, và ở đây để nói với cậu rằng mình vẫn ổn, đã sẵn sàng để viết nên những trang mới trong cuộc đời.


Hôm qua, con mèo gắn bó nhiều năm với mình đã lựa chọn rời bỏ mình theo cách thức tàn nhẫn nhất. Có lẽ, sự mất mát của một chú mèo đã khiến bản thân mình trở nên “tràn ngập”. Mình trơ trọi giữa những đợt sóng cảm xúc cuộn trào không ngừng nghỉ. Hình ảnh về chú mèo với hai mắt to tròn, đôi chân bé xíu nhưng bước đi vững chãi cứ không ngừng ẩn hiện trong tâm trí mình. Hơn cả nỗi đau, đó là sự trơ trọi, im lặng của chính bản thân. Mình như bị đóng băng ngay tại thời điểm đó. Bởi nỗi đau này lại một lần nữa nhắc nhở mình về những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, đi cùng với sự bất lực, và cả những nỗ lực, kiên cường ở bản thân.


Trải nghiệm mất mát ở một đứa trẻ luôn là câu chuyện khiến người lớn mang nhiều cảm giác day dứt. Bởi với cùng một sự kiện đau buồn, nếu như người lớn có thể hiểu được quy luật sinh - tử trong cuộc đời mỗi người, và biết cách giải tỏa những cảm xúc đau khổ, căng thẳng thông qua công việc, trò chuyện, chơi thể thao, đi dạo; thì ngược lại, một đứa trẻ lúc ấy chỉ biết trơ ra, ngồi lì như một pho tượng. Những đứa trẻ trông thật bất hạnh làm sao! Chúng không thể bày tỏ những cảm xúc đau buồn, giận dữ, hay nuối tiếc… bởi chúng làm sao hiểu hết được, người thân đã mất ấy rồi sẽ không thể đồng hành cùng chúng suốt chặng đường sau này. Nỗi đau ấy thật khó để có thể miêu tả đủ đầy và trọn vẹn bằng lời, bằng cử chỉ, khi mà chuyện bị mất một món đồ chơi cũng đã đủ khiến những đứa trẻ phải đau đớn suốt hàng tuần liền…



Người lớn hỏi: “Con có nhớ bà không?”

“Dạ nhớ…” - đứa trẻ thản nhiên trả lời.


Sự thơ ngây của một đứa trẻ đôi lúc thật khiến người lớn phải đau lòng. Khi đi qua một cánh rừng vắng, vài đứa trẻ bị dọa sợ đến phát khóc lên, nhưng cũng có vài đứa trở nên gan lì, cứng cỏi. Thật không may, bất hạnh lại xảy đến với những đứa trẻ luôn tỏ ra “mạnh mẽ” như thế. Đứng trước những trải nghiệm tiêu cực, nhiều đứa trẻ chọn bộc lộ cảm xúc cho người lớn được biết, lúc này chúng nhận được nhiều sự quan tâm, vỗ về. Chúng được người lớn xoa dịu, ủi an; thế nên chúng biết chắc rằng, những cảm xúc khó của bản thân vẫn luôn được người lớn công nhận trong gia đình. Tuy nhiên, những đứa trẻ chọn cách im lặng, và phản ứng thì trông thật “bình thường” trước những nỗi đau, chấn thương trong quá khứ… lại càng dễ gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc đối mặt những sự kiện đau buồn trong tương lai. Phần lớn chúng luôn chọn cách né tránh, phủ nhận những cảm xúc thật sự của bản thân. Lâu dần, những cảm xúc không được giải phóng sẽ dẫn đến sự tràn ngập. Cảm giác này hoàn toàn có thể nhấn chìm một con người xuống hố đen của đầy rẫy sự tiêu cực, tuyệt vọng về chính mình, và về tương lai.


Mình đã từng là một đứa trẻ trông thật “bình thường” như thế, cho đến khi những sang chấn thứ hai, thứ ba… tiếp tục ập đến, mình như những hạt cát vô tội bị vô số đợt sóng nước cuốn trôi. Liên tục là những khoảng thời gian mình tự lừa dối chính mình về sự tồn tại của ai đó, hay vô số giây phút cố đè nén sự đau khổ cùng cực của bản thân vào bên trong. Nhưng rồi, hình như có một người lớn nào đó… đã đến, và kéo mình ra khỏi những huyễn hoặc tự bản thân tạo nên. Mình bỗng chợt nhận ra, mất mát là điều mà mỗi cá nhân đều phải trải qua trong đời. Và việc bộc lộ những cảm xúc như tức giận, đau khổ, tiếc nuối… là hoàn toàn bình thường và vô cùng cần thiết. Nếu bắt gặp một đứa trẻ im lặng trước những mất mát, hãy ở bên cạnh, hãy xoa dịu, và ôm chúng vào lòng. Chúng không thể mô tả cụ thể được cảm xúc của bản thân, vậy nên hãy chỉ cần ôm lấy chúng thôi, và vỗ về chúng - một tâm hồn đầy run rẩy đang cố phát những tín hiệu cầu cứu ra bên ngoài…


Đi qua những tháng năm mệt nhoài với nỗi đớn đau của một đứa trẻ, tâm hồn mình đã may mắn được một người lớn “cưu mang” như thế đó. Mình dần vượt qua những nghi hoặc, thiếu tin tưởng ở bản thân, và nhận thức được rằng sự mất mát của một ai đó hoàn toàn không phải là lỗi của mình. Luôn có những tiếng gọi mà khi chúng bắt đầu được vang lên, ai đó phải mặc nhiên từ bỏ thế giới này. “Ra đi” không có nghĩa là biến mất, “ra đi” có nghĩa là thăng hoa, là vĩnh viễn được ở bên cạnh người mà mình hằng thương mến.


Nhắc lại về chuyện con mèo, mình tin rằng đâu đó trên thế giới này, con bé muốn được tồn tại dưới một dạng thức khác - để có thể đồng hành và dõi theo mình, dù trong thinh lặng. Chắc con bé đủ biết rằng, mình không muốn khóc. Nhưng lúc này đây, mỉm cười thì trông “bất bình thường” quá nhỉ? Nhưng mình chắc rằng bản thân đang có rất nhiều sức mạnh, nguồn lực từ quá khứ đến hiện tại… để ôm trọn đứa trẻ bên trong đang run rẩy lúc này.


Chào tạm biệt cậu - đám mây nặng trĩu trong lòng mình.

Viết cho ngày đi qua, viết để tưởng nhớ những người đã xa...


---


Tác giả: Trúc Phạm

Ảnh: Bailey Mariner

BẢN THẢO
Bài viết liên quan