Vốn dĩ tình yêu là chuyện khó nói

Tình yêu và khủng hoảng, dẫu chẳng có định nghĩa hoàn chỉnh, nhưng luôn gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Nên tình yêu là thứ khó nói và vượt qua khủng hoảng chỉ là ngôn từ hoa mỹ...

Chuyện tình yêu là chuyện khó nói. Khó đến nỗi kẻ trong cuộc thì mù mờ, còn kẻ ngoài cuộc, tưởng chừng thông thái, lại thành ra phiến diện. Cái gì tốt, cái gì xấu. Thế nào là chân thành, thế nào là giả dối. Hết thảy đều chẳng thể chỉ dựa vào điểm số IQ với mớ công thức, lý thuyết gom góp được để chứng minh hay biện luận. Như cách “O Captain, my Captain” (Mr.Keating - Dead Poets Society) đã nói về công thức toán đo lường sự xuất sắc của một bài thơ dựa trên sự hoàn hảo và tầm quan trọng, “excrement”. Bởi sao có thể gọi là tình yêu khi chối bỏ tất cả các khía cạnh đối lập và vô lý của con tim. Bởi sao có thể gọi là tình yêu khi chối bỏ vẻ đẹp hoàn hảo được chạm khắc bằng mọi chất liệu nối liền thể xác và linh hồn.


Phần 3: Nếu một ngày, chúng ta mất kết nối với thực tại...




Phần 3c: Hồi ức trái tim đập mạnh là mũi dao đâm ngang họng.



I


Phải lòng một ai đó không giống như buổi cắm trại với nắng nhẹ, hoa quả tươi ngon cùng cơn gió mát lành thổi đi bao muộn phiền. Đúng! Nó không chỉ toàn niềm vui, cảm giác được thấu hiểu và an toàn. Nó không là một đường thẳng kéo dài từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc. Và tình yêu không tồn tại dòng chữ “Họ hạnh phúc mãi mãi về sau”. Bởi lẽ, không giống như câu chuyện cổ tích, chúng ta luôn có thứ gọi là “ngày mai”. Đằng sau mỗi khoảnh khắc đẹp đẽ, mỗi ngày chìm trong vui sướng, ngày mai luôn đến cùng câu hỏi: "Tiếp theo là gì?"


Tình yêu sẽ không thật sự dễ dàng. Nó sẽ rất khó khăn, vì vốn dĩ mối quan hệ giữa người và người luôn tồn tại trăm ngàn mâu thuẫn. Không ai sinh ra để hoàn thiện một người khác và tri kỷ không phải là người phù hợp một cách hoàn hảo với ta. 

Kể cả như vậy, sau cùng, nhân loại vẫn chọn tình yêu, vẫn chọn khổ đau vì một ai đó và kể cả cái chết cũng không thể chia lìa cái nắm tay vĩnh cửu của đôi trái tim.





Một ngày nọ, hoàng tử nhận ra công chúa không phải người mình muốn bên cạnh. Vào một đêm muộn, vầng trăng nghe thấy công chúa thỏ thẻ với mình rằng: “Ta không thể tiếp tục gắn kết với người nào đó chỉ vì anh ta là hoàng tử.” Điều gì sẽ xảy ra khi chuyện tình khép lại?

Thời gian vô hạn mà con người thì hữu hạn. Sinh tử và biệt ly trở thành quy luật bất khả kháng của sự sống. Song điều gì sẽ xảy ra đằng sau lời chào vĩnh biệt của người quan trọng với em?


Vô tình ngang qua trường cũ, em bỗng nhớ lại câu chuyện ngốc xít từ hồi bé xíu. Hình ảnh bé con nắm chặt hai mươi bảy chiếc nhẫn mua bằng tiền lấy trộm của bố tối qua. Miệng cười tíu tít, khuôn mặt hớn hở đến lạ. Mọi thứ sống động, như thể, đang thực sự diễn ra ngay trước mắt. Điều gì khiến những đoạn quá khứ ấy được lưu giữ lâu đến vậy?




Con người đặt ra rất nhiều định nghĩa cho hai chữ “Hồi ức” và tuyệt nhiên, không một ai chịu từ bỏ quan điểm của mình. Có lẽ, vì chúng ta không cố tình giảng giải đạo lý hay chứng tỏ sự thông thái. Chúng ta chỉ là đang bảo vệ giá trị của tháng ngày mình đã từng đi qua mà thôi. Quá khứ cần có tên gọi và cần được lưu giữ, nên nhân loại mới xuất hiện từ “Lịch sử”. Bản chất cả hai không khác nhau là mấy, Hồi ứcLịch sử. Có chăng giữa chúng xuất hiện sự chênh lệch về mức độ tác động đến nhân sinh, vạn vật mà thôi. 


Có người cảm thấy hoài niệm bắt nguồn từ khổ đau, khi ta đối diện với khát khao “được quay trở về” mãi mãi không có được. Có người lại cho rằng Hồi ức là tấm gương phản chiếu dối trá đầy tai tiếng, và lãng quên mới thực sự là tự do. Hay ở một nơi xa xôi nào đó, kỷ niệm là tất cả những gì chúng ta có. Từng khoảnh khắc và cảm xúc được khắc bởi các sợi dây lý trí loằng ngoằng. Tựa hồ vô số vết sẹo thâm tím, đỏ hỏn chồng chéo lên nhau, mỗi lúc trái gió trở trời, nhức nhối không yên. Hồ như lời nhắc nhở vọng lại từ xa xưa, tháng ngày ấy là thật. Hết thảy hành động đã từng thực hiện và bi thống, niềm vui đã từng có tạo nên ta ở hiện tại. 


Bên cạnh đó, Coco (Coco, Disney) cũng có một niềm tin khác về quá khứ: Kể cả cái chết cũng không thể xóa nhòa hình bóng một ai đó, miễn là họ vẫn luôn hiện hữu trong hằng hà câu chuyện được kể vào những đêm Giao thừa; hay một địa điểm, đồ vật, câu nói vu vơ cũng làm nỗi nhớ dậy sóng... Miễn là tâm trí ta, những người ở lại, luôn dành cho họ một khoảng trống. “Our memories, they have to be passed down by those who knew us in life – in the stories they tell about us.” 




Hồi ức trở thành hơi thở, tri thức, hoàng hôn và cũng có thể là bình minh. Nó trở thành mọi thứ với sức sống mãnh liệt hơn hết thảy sinh vật trên cõi đời này. Nó vận hành theo cách mà chúng ta không thể kiểm soát. Sẽ có một vài mảnh ghép mờ dần theo thời gian, bởi chúng là những bài hát không còn được ngân nga. Một số khác, tuy ẩn mình dưới sâu cùng mớ hỗn độn chồng chéo, vậy mà đau thấu trời. Phải chăng người ta ví rượu là Hồi ức vì lẽ đó?


Hương vị của ánh sáng mặt trời gợi lên chút hứng khởi, hân hoan trên nét mặt nhọc nhằn bụi đời. Suối mùa hè tươi mát thoảng chút đường tan, giòn và ngọt. Để rồi, khi tầng mây tan biến, bầu trời xám xịt cùng sấm chớp dần hiện rõ. Ta ngỡ ngàng nhận ra, ánh sáng mặt trời ấy lấp lánh trên mặt nước màu hổ phách và con suối mùa hè kia rẽ nhánh từ dòng sông Scotch Whisky. Cái chết và sự sống tồn tại trong cùng một chai rượu và Hồi ức có thể sưởi ấm nhưng cũng sẽ xé nát con tim ngay sau đó.





Thư mục “Tình yêu” được giải mã và trình chiếu dưới các thư mục nhỏ hơn mang tên Hồi ức, mà bên trong là những tệp tin Ký ức dưới dạng hình ảnh, chữ viết, mùi hương và rất nhiều hình thức khác. Lại là một quy trình không nằm trong sự kiểm soát của chúng ta, dù chúng thuộc về chúng ta. Vậy nên, tình yêu mới là chuyện khó nói.





Trái tim của Thành phố Hồi ức chứa Ký ức thơm mùi sách cũ nằm ở khu Phố Cổ. Nội tâm của người “đàn bà” và “phụ nữ” tượng trưng cho bản chất của một nửa trầm tư của thành phố. Tâm khảm cả một đời gánh lấy mọi bi ai, khổ hạnh thế gian khiến họ trở thành nhan sắc của cuộc đời, chứ không chỉ là những cánh hoa hay trăng, sao. Vẻ đẹp cao quý ấy được bao bọc bên trong công trình kiến trúc và mô hình đường phố “xương cá” theo hơi hướng Trung cổ. Vẻ đẹp cao quý ấy thoảng vào gió mùi hương của sách cũ và mực, mùi hương của đau thương, khốn khổ và bất hạnh. 


Nằm ở phía nam của tòa lâu đài trải dài từ ngọn núi lửa đã tắt, đến ranh giới giữa hai mảnh ghép bất cân xứng, Hồi ức là tiệm sách cũ trên con đường sỏi của Phố cổ. Nơi đây đã từng rơi vào thời kỳ đen tối của lịch sử nên đôi khi, dạo bước trên phố người ta ngửi thấy mùi tanh của máu.

Hồi ức là một ngôi nhà cổ kính nằm dưới ánh mặt trời khắc nghiệt, cạnh bên các quán rượu và cà phê cổ điển. Ngoài cảm giác ấm áp kỳ lạ, dáng vẻ của nó khiến em có chút bất an. Nếu nội thất của một tiệm sách cũ mô phỏng một người lang thang trong tiểu thuyết của Borges hoặc Eco, thì Hồi ức chắc chắn sẽ chiến thắng.


Không gian bên trong được điền bởi mấy chiếc kệ quá tải, cao đến tận trần nhà, đang rên rỉ như cột buồm trong tiếng kêu thảm thiết. Tấm thảm hơi hướng bán Phương Đông được đan bằng sợi chỉ kích thích sự chú ý của mắt và chân. Mấy chồng sách trên bệ cửa sổ hứng trọn ánh trời, tưởng chừng có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Dưới sàn giăng đầy hộp bìa cứng, đựng biết bao tinh hoa của thời đại bên dưới lớp bụi mỏng.




Cảnh tượng trông như một mê cung lộn xộn hoặc vốn dĩ, tất cả được bố trí hỗn độn có chủ ý theo bảng chữ cái. Có lẽ, sách được sắp xếp với mục đích lấp đầy khoảng trống của kệ, nên hướng dọc, ngang vô cùng tùy hứng. Và chúng đều là sách cũ, giấy nâu và bìa da hoặc vải. Lối đi chật cứng, hai người muốn đi cùng, gần như phải bám sát kệ sách mỗi bên. Chúng dẫn đến gian sau nơi chứa đầy những cuốn sách quý hiếm, các bản khắc gỗ và một bộ sưu tập ấn tượng của thời Victoria.


Khoảng không của Hồi ức quá chật chội với hàng ngàn cuốn sách. Nên về cơ bản em nghĩ cái tên “hang sách cũ” sẽ hợp hơn. Điểm khác biệt cũng đến từ chính khuyết điểm này bởi nó không được sinh ra để người ghé ngang, tìm cuốn sách định sẵn và rời đi. Một chiều mưa nặng hạt, Phố Cổ choàng lên em mùi mực ẩm ướt, cay, khô và đất tối tăm. Giai điệu sâu lắng của Lent et douloureux - Trois Gymnopédies (Erik Satie) ngập tràn đôi tai lạnh đến nỗi cứng đờ của em. Dù chỉ được biểu diễn bằng piano tiết tấu chậm, không quá phức tạp nhưng bản nhạc lại chạm đế tận cảm xúc mãnh liệt vốn đã được chôn giấu. Đôi chân lượn lờ khắp lối, thân hình cẩn thận luồn lách qua các kệ. Em dành hàng giờ si mê với việc khám phá mấy cuốn sách được chọn ngẫu nhiên. Khu vực tiểu thuyết hiện đại mở rộng sở hữu một vài ấn bản đầu tiên và nhiều bản sao sưu tầm hơn ở kệ trên cùng. Ánh sáng của thiên đường một lần nữa sưởi ấm linh hồn đầy thương tổn. 





Mùi hương tinh túy là ly cocktail tuyệt vời của cảm xúc và kỷ niệm. Suy nghĩ, thời khắc, chuyển động, lời nói không âm thanh, từ ngữ không ánh sáng; tất cả đều có ý nghĩa riêng biệt khi được cảm nhận bằng khứu giác. Hít vào là nhìn thấy, là chạm đến, là nghe thấy, hơn cả là nếm được! Tia nắng, ánh trăng hay giọng hát của đêm đầy sao, vạn vật trên Trái Đất đều có thể được trải nghiệm và ghi nhớ từ chính hương thơm của nó. Đó là cách mà Tình yêu được hình thành thông qua Hồi ức.


Một điểm độc đáo khác ở trái tim thành phố, hay nói cách khác là của khu Phố Cổ, chính là mùi sách cũ thơm nồng ngay từ cửa ra vào. Em ngửi thấy cảm nhận của những cuốn sách về cuộc đời của chúng, của bao người đã từng đến đây. Như một thước phim sống động, tháng năm cũ kỹ dẫn lối tâm hồn. Em ngửi thấy lịch sử, hương thơm của di sản và sự giao cảm của chính mình với quá khứ. Tựa hồ trong sách tồn tại một loại ma thuật bí ẩn, dụ hoặc lòng người. Giữa những tấm bìa cũ kỹ trên kệ, chứa các vết đen nhỏ xíu, trừu tượng trên giấy, là tiếng nói của xa xưa. Một loại hương thơm có khả năng khắc họa hình ảnh và tạo ra âm thanh để đưa ta đến đỉnh cao nhất của trải nghiệm khứu giác.




Các nhà nghiên cứu cho rằng mùi của sách cũ được tạo nên từ các chất hữu cơ trong sách (như cellulose từ bột gỗ) phản ứng với ánh sáng, nhiệt và nước. Theo thời gian hợp chất này giải phóng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hay còn gọi là VOC. Cấu tạo của nó phụ thuộc vào cách cuốn sách được tạo ra và lưu trữ. Tuy nhiên, các mùi hương thường gặp, như toluen hoặc ethylbenzene có mùi ngọt, benzaldehyde hoặc furfural có mùi giống như hạnh nhân hay vani. Một cách dễ hiểu thì mấy cuốn sách cũ có mùi xạ hương ngọt ngào thoảng qua mũi. Điều này khiến ta dễ liên tưởng đến thanh chocolate sữa 55% cacao và một ít hạnh nhân bùi béo.


Thế nhưng, mùi sách cũ của Hồi ức không chỉ dừng lại ở một nét vẽ mà người có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi. Hương thơm đặc trưng ấy sẽ bao bọc người trong những cuốn tiểu thuyết ố vàng đã lâu không được chạm đến. Không gian xung quanh là một thư viện cổ kính, lâu đời và một ít mảng rêu xanh bám trên tường. Tất cả nội thất được bày trí bằng gỗ sẫm màu, có đôi chút bong tróc tạo nên các mặt cắt sắc nhọn loang lổ các vệt đỏ thẫm. Có lẽ, nhân lúc ai đó không để ý, chúng đã dứt khoát cứa vào đầu ngón tay, lòng bàn tay, thậm chí là cả lưng và hông của họ. Có vẻ, vài vết thương khá sâu, máu phủ gần như hết phần thớ gỗ nhạt màu bên trong.




Thời gian chầm chậm trôi, muộn phiền của người tan vào lớp bụi dày. Không khí có mùi trong suốt, bụi bặm và dư vị của long não lạ thường. Tiết trời tuy lạnh nhưng dễ chịu như mặt trời mùa đông quạnh hiu, tươi mới. Cả khoảng không thinh lặng, ám mùi mốc của thảo mộc, mà chẳng hề gay gắt, khó chịu. Ngược lại, ngay từ giây phút đầu tiên, người tự mình hình thành cảm giác gắn bó kỳ lạ với mọi thứ ở đây. Đôi mắt ầng ậng nước báo hiệu một khung cảnh bất lực sắp sửa diễn ra: “Một khi châu lệ rơi xuống, người sẽ không có cách nào dừng lại.” Đôi chân nán lại càng lâu càng khó mang tâm trí ra về. Đúng! Không phải chỉ trái tim, cả tinh thần, não bộ đều đang trầm mình trong đê mê. 


Giống như Ký ức, Hồi ức không sở hữu vẻ ngoài sang trọng, quý phái hay kiêu kỳ. Ngược lại, nó bốc lên một thứ mùi “dơ bẩn” của tất, da, thảm cũ, vết bỏng rỉ máu, đồ lót chưa giặt dính chặt trên sàn nhà và đuôi mèo. Tưởng chừng như chẳng có gì đáng nói, vậy mà vết sẹo của nó rất lớn, dày, dài và thâm tím trong trái tim. Một cuộc dạo chơi trong thư viện, từng con chữ vuốt ve mái tóc, khuôn mặt cùng ánh nhìn gợi sắc. Người nghe rõ nhịp thở trúc trắc ngắt quãng, dần gấp gáp bên tai mình. Cả cơ thể hồ như rơi vào biển lửa sau mỗi cái chạm của trang giấy thô ráp, khó chịu, bứt rứt, nóng rực. Chiếc áo linen ướt đẫm bám chặt vào lưng, dẫu là mặt trời vẫn soi mình qua cửa sổ, song lý nào lại đổ mồ hôi giữa mùa đông? Hơi ẩm của người lẫn vào gió, quyện vào không khí, ám lên những cuốn sách đã lâu không được mở. Người bất giác đỏ mặt trước màn sương ám muội bao trùm lên vạn vật. Mùi sách cũ của Thành phố Hồi ức chứa Ký ức là hơi thở thoảng qua đầu mũi gợi tả ý niệm: Bên trong “không có gì”, hóa ra lại là “có một thứ gì đó”.




Thế nhưng, người đang trong thành phố của em, thành phố được xây dựng bởi em. Thứ người thấy, mùi hương người ngửi thấy, cả thảy đều là những gì được sắp đặt theo một bản thảo chi tiết và tâm cơ. Nó đủ đau để người đồng cảm. Nó đủ đẹp để người si mê. Nó đủ rực rỡ để người không quá bận tâm.


Người đã bao giờ tự hỏi tại sao con người ta cứ phải tạo nên các phiên bản khác nhau của chính mình không? Đã bao giờ? Hay người đang cười chê, khinh khi và chửi rủa những kẻ như vậy, những kẻ như em?


Tụi em đã dành rất nhiều thời gian cho con người thật của mình, và tin em đi, sẽ chẳng có ai yêu cô ta hay gã đó đâu. Vậy nên, mỗi một lần đối diện với người khác, tụi em luôn xem đó là cơ hội cuối cùng để khiến mọi người yêu mến mình một lần nữa.


Nếu điều này xảy ra, nếu người nhìn thấy con người thật của em, người có chắc chắn rằng sẽ không có gì thay đổi giữa chúng ta?






Tác giả: WorromotdaM

__________________________________

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan