Vốn dĩ tình yêu là chuyện khó nói

Tình yêu và khủng hoảng, dẫu chẳng có định nghĩa hoàn chỉnh, nhưng luôn gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Nên tình yêu là thứ khó nói và vượt qua khủng hoảng chỉ là ngôn từ hoa mỹ...

Chuyện tình yêu là chuyện khó nói. Khó đến nỗi kẻ trong cuộc thì mù mờ, còn kẻ ngoài cuộc, tưởng chừng thông thái, lại thành ra phiến diện. Cái gì tốt, cái gì xấu. Thế nào là chân thành, thế nào là giả dối. Hết thảy đều chẳng thể chỉ dựa vào điểm số IQ với mớ công thức, lý thuyết gom góp được để chứng minh hay biện luận. Như cách “O Captain, my Captain” (Mr.Keating - Dead Poets Society) đã nói về công thức toán đo lường sự xuất sắc của một bài thơ dựa trên sự hoàn hảo và tầm quan trọng, “excrement”. Bởi sao có thể gọi là tình yêu khi chối bỏ tất cả các khía cạnh đối lập và vô lý của con tim. Bởi sao có thể gọi là tình yêu khi chối bỏ vẻ đẹp hoàn hảo được chạm khắc bằng mọi chất liệu nối liền thể xác và linh hồn.



Phần 3: Nếu một ngày, chúng ta mất kết nối với thực tại...




Phần 3d: Tình yêu cũng chỉ là thứ được dán nhãn.




II


Tình yêu không phải lúc nào cũng đi kèm sự kiên nhẫn, tử tế và nhún nhường. Nó là bức tranh được vẽ bởi các mảng màu rối rắm; bố cục đối nghịch, lộn xộn; các đường kẻ ích kỷ và táo bạo. Một đoạn hành trình đòi hỏi sự nỗ lực và can đảm để tiến về phía trước, mà thậm chí dấu chân ta lấp đầy đoạn đường, thất bại vẫn là thất bại. Những cử chỉ chối từ, khoảng không im lặng, hay lời nói đay nghiến: “Bắt người khác chăm sóc một đứa trẻ hai mươi tuổi đầu là tội ác…”, chúng khác gì đâu vạn mảnh thủy tinh cắm sâu vào tim ta. Và cái hôn trán, ánh mắt đồng cảm ngày hôm ấy sẽ trở thành vũng nước đen ngòm sâu thăm thẳm, phản chiếu qua gương là hình ảnh một nhân vị chìm dần, không động đậy.

Một cảm giác phức tạp, rối rắm được đan bởi các cành hoa đầy gai cùng muôn màu cánh hồng. Nỗi buồn vô vọng, sự mất mát tàn khốc và niềm đau thương vô tận không đến từ trí tưởng tượng. Chúng không chỉ tồn tại trong tâm trí. Chúng gắn chặt với linh hồn, và hết thảy những gì ta cảm nhận được là hiện thân của vết thương rỉ máu nơi linh hồn. Sự tan vỡ đến từ tận sâu dưới gốc rễ, liệu hoa có thể nở rộ? Cành lá sẽ xanh trĩu một màu mơn mởn? Hay kết tinh sau cùng cũng chỉ có độc tàn của lá ngón, vị đắng ngắt của lá khổ đinh chè, hay chua chát của quả sơn trà? Mà có khi, nó đã xé toạc phần ruột trong thân cây, giết chết các tế bào nhu mô và cứ thế, chẳng còn gì để trông đợi ngoài sự héo úa, tàn lụi.

  



Ta ghét nỗi buồn vô vọng. Ta ghét sự mất mát tàn khốc. Ta ghét niềm đau thương vô tận. Ta ghét Tình yêu vì mỗi đêm, các mảnh Ký ức tràn ngập trong ta cứa lên trái tim vốn dĩ đã rỉ máu. Dẫu bi thương ngập tràn trong từng tế bào, ta vẫn khóc vẫn cười, vẫn hạnh phúc vẫn đớn đau trước hy vọng. Và đó là điều khiến các ngón tay ép chặt vào lòng bàn tay, mạch máu xanh rõ mồn một dưới trên bề mặt da. Ta căm ghét việc mình không căm ghét nỗi khát khao yêu và được yêu, dẫu chỉ bé tựa hạt cát cũng không.

Lắng nghe giọng nói ân cần gọi tên em bằng màu sắc và sự ấm áp. Ôm em bằng sự mềm mại và thấu cảm. Bởi sâu thẳm trong ảo vọng của mỗi người, ở một nơi nào đó không thể với tay tới, có một hình dung lung linh cào cấu tâm can bởi sự thèm muốn lớn hơn cả hy vọng, mạnh hơn cả ánh sáng, tên là Hạnh Phúc. Chính nó dâng hiến trái tim cho bất kỳ ai, mà không màng đằng sau bóng lưng xa dần là một màn đêm cô quạnh, tịch nhiên.

Mặc dù vậy, con người lại không được lập trình tiến trình yêu như thế nào để đáp ứng được khát vọng. Mà tựa hồ những kỹ năng, tri thức khác trong đời, chúng ta phải tự học hỏi và tích lũy. Thư mục “Tình yêu” được viết bởi đoạn mã phức tạp của hai biến: đứa trẻ và người chăm sóc. Từ mong muốn được nhìn thấy, được chú ý đến ý nghĩa đằng sau sự cáu kỉnh khi không có được điều mình muốn, mối quan hệ của cả hai nhập nhằng, khó hiểu và căng thẳng không chỉ là chuyện nhất thời. Có lẽ, đó cũng chính là bản chất thật sự của mối liên kết giữa người và người. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu thấu cảm giác của người khác, dù có hiểu nhau đến thế nào, dù có sống chung một mái nhà, và thậm chí, dù có chung huyết thống đi nữa. Cha mẹ không phân biệt được sự khác biệt trong mỗi âm thanh phát ra từ giọt nước mắt của con. Đàn ông sẽ chẳng đủ cảm tính để lý giải trái tim nhạy cảm của người mình yêu. Em sẽ không đủ bình tĩnh để cảm thông sự im lặng của anh ta. Người sẽ không giải nghĩa được tình bạn mang ý nghĩa gì với những khuôn mặt thân quen cùng cười đùa suốt bao năm.




Mà điều buồn cười là phàm nhân chúng ta rất thích phán xét chuyện yêu đương. Thế gian đâu đâu cũng thấy sự phân biệt đối xử với những hình dáng trái tim khác nhau của loài người. Kẻ quỵ lụy, luôn tìm cách gắn kết với người khác “bị” xem là thảm hại, yếu đuối. Còn kẻ, vì quá sợ hãi mà xây dựng tường thành vững chãi, ngăn cách hơi ấm chạm đến, “được” cho là mạnh mẽ, độc lập và tự tôn. Suy cho cùng, cả hai đều là cách mà đứa trẻ méo mó tỏ bày nhu cầu hạnh phúc của mình. Họ khiếp sợ trước cái lắc đầu, bóng lưng quay đi đổ dài trên sàn nhà và nhất là ánh mắt “vô hình”. Họ khiếp sợ trước việc “bị từ chối”. Hồi ức giằng xé tâm can với cuốn phim Hồi ức cắt ghép, chập chờn về đứa trẻ không ai cần. Nó khóc thét vì đói, hai má đỏ ửng, giọng khàn đặc. Tuyệt nhiên, không một ai đoái hoài. Nó té, đầu gối rướm máu, đôi mắt sững sờ: “Tại sao?”. Người mẹ lạnh lùng nép người sang một bên, lúc con bé từ xa chạy đến ôm, mặc dù sáng nay bà ta còn hôn trán nó. Người tin mình không cần ai, cũng chẳng mong ai cần mình. Người tỏ vẻ kiểm soát, bám víu với hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Hai trái tim méo mó theo cách khác nhau, nhưng chẳng phải đều là “méo mó” sao? 

Hai đứa trẻ chứng kiến bạo hành và bị bạo hành va vào nhau cuồng si và mê đắm. Cả thế giới chìm trong màu hồng phấn ngọt ngào. Mọi va chạm khỏa lấp khoảng trống mục ruỗng. Ngọn lửa nào cũng sẽ đến lúc tàn khi những tiếng giọng nói từ xa xưa vọng đến. Nỗi sợ hãi, lo âu, mệt mỏi, tức giận biến đôi Hồng Hoàng thành kẻ thù ngàn đời ngàn kiếp. Trong mắt chúng, đối phương đại diện cho hết thảy sự đổ vỡ, thất bại và ai thống đời mình. Song vào thời điểm lẽ ra nên chia rời nhau, mái nhà vẫn che chắn cho hai đứa trẻ lớn xác và một sinh linh bé bỏng. Thứ chất độc tàn nhẫn bên trong họ lây nhiễm cho đứa nhỏ, làm nó yếu đi và thế là một cuộc đời nữa lại vặn vẹo trong bể khổ. Giống như người, đứa bé là hiện thân của tình yêu, một kiểu tình yêu duy nhất với các giá trị cốt lõi đặc biệt và quy trình vận hành khoảnh khắc độc lập. Vậy người có quyền gì trách móc, nếu một ngày, nó sợ hãi cô đơn nhưng càng hãi hùng trước hơi ấm của một ai đó?








Khoảnh khắc đối mặt với cái chết cô độc của mình, em run rẩy trong nỗi bi thống. Tứ bề vắng lặng, chỉ duy nhất một lõm đất đợi chờ nhân thể hòa làm một. “It’s toasted”, chiếc vỏ thiếc xanh chứa đựng đê mê bên trong sự yên bình, không như đàn ông. Lucky Strike luôn biết chiều lòng phụ nữ theo cách thăng hoa và trân trọng nhất. Vào buổi chiều hôm ấy, gói thuốc chỉ còn vỏn vẹn một điếu thuốc vừa nhăn nhúm vừa ẩm ướt. “Chỉ là vô tình hay thật sự không còn bất kỳ ai hay điều gì cần ta?”, em ngước mắt về phía không trung và tự hỏi. Bầu trời, dường như đang kể một câu chuyện về màu xanh. Thiên Không dùng bút chì vẽ nên bức tranh về chính mình với sự kết hợp màu sắc phơi bày tất thảy giới hạn trong trí tưởng tượng của phù thế. Một số mảng trời có màu vàng, một số khác có màu xanh mềm mại nhất. Như cách mà ta dùng từ ngữ để nói về từ ngữ, cảnh sắc nào chẳng khiến con người ta mơ hồ. Chỉ là ngay cả khi em bẽ bàng chấp nhận cái chết đã đeo bám mình kể từ những ngày đầu tiên, đất trời vẫn ôm lấy nhau, hòa làm một và Bầu trời xanh vĩnh cửu. Điếu thuốc thứ 278 le lói cháy vào ngày 27/8. Cả đoạn đường đời lóe lên trước mắt, dừng lại vào đúng ngày bắt đầu của rất nhiều năm sau đó. Niềm căm phẫn như muốn thiêu đốt từng giây phút kinh tởm, dơ bẩn mà em đã trải qua. Niềm căm phẫn như muốn xé xác thân em để bi ai hóa thành lời. Song chẳng có gì! Chẳng có gì ngoài tiếng gào khóc thê thảm, tuyệt vọng không thành tiếng của một linh hồn tan vỡ thành triệu mảnh.

Điều khốn cùng nhất của sự bất lực nằm ở chỗ số lần trải qua không ảnh hưởng đến mức độ tàn phế của ta sau đó. Sự lặp đi lặp lại của nó trong đời chính là lời nguyền quấn quanh cổ linh hồn bị cướp đoạt ánh sáng. Kể từ đó, những gì còn lại chỉ là một xác người trần trụi che giấu cái thứ nhầy nhụa, bẩn thỉu và bóng tối của tội lỗi. Vỡ vụn, hỗn độn và nhem nhuốc là những cái tên người đời gán lên em. Hóa ra, thứ năm đó ác quỷ phá hủy không chỉ là đóa hoa ly trắng thanh khiết, mà còn là một nhân vị. Tên thật của em hóa thinh lặng. Ngôn từ xuyên thấu da thịt em để lại bao vết thương âm ỉ máu chảy. Thanh âm cùng chữ viết hà hiếp và xé nát chút hy vọng le lói trước bão giông.




Năm tháng qua đi, bóng tối giam cầm em trong cô độc, nơi tình yêu là thứ hư ảo tựa thiên đường. Từng cái siết chặt in hằn vào tâm trí. Từng nhịp thở đâm mạnh vào màng nhĩ một nỗi đau lớn lên qua ngày đoạn tháng. Nhưng Trái đất vẫn quay, thời gian vẫn rơi từng hạt, vỡ toang trên nền nhà dù nước mắt em đã chảy ngược vào trong tự bao giờ. Vòng tròn méo mó của các mối quan hệ được nắm giữ bằng đôi bàn tay tội lỗi, tê cứng được họa vài nốt ảm trầm. Loanh quanh luẩn quẩn, trò đuổi chạy của hai chữ yêu thương. Em sợ hãi chạy trốn khỏi bầu trời đêm đầy sao khi ánh trăng mượt mà khẽ vuốt ve làn da mình. Em vội vã lao vào giữa cơn bão giông điên cuồng chỉ để được trầm chìm trong mùi hương của màu xanh (blue). Bởi em khát khao ánh mắt si mê, chân thành và cũng thật xót xa lúc người nói: “Anh không nhìn thấy điều gì mà anh không thích ở em.” Bởi vận mệnh của em đã thừa hưởng đôi mống mắt mù lòa trước hết thảy sắc màu, ngoại trừ đen và trắng. Mặc dù không có đức tin, hằng đêm, lẫn trong mớ âm thanh đổ vỡ của xúc cảm, lời cầu nguyện của trái tim khốn khổ vẳng đến các vì sao và khắc ghi một ước vọng duy nhất: Cảm thấy tốt về bản thân. Thế nhưng, tựa hồ tận cùng sâu thẳm bên trong em có khe hở. Để rồi, mọi thứ theo đó tràn ra ngoài. Hoặc ở tận cùng sâu thẳm bên trong ấy, chưa từng tồn tại niềm tin rằng mình xứng đáng với Tình yêu.

Em đã cố gắng, và em thất bại. Cuộc sống vốn không thể đoán trước được và ý niệm kiểm soát nó cũng chẳng hơn gì một ảo vọng. Chúng ta chỉ là dăm ba hành khách đi đi về về giữa hai nơi. Cảm thấy khó thở thì cũng chỉ là dấu hiệu của lời tạm biệt cho đến khi gặp lại. Linh hồn nát tan thành triệu mảnh.

 





Em muốn trở về nhà. Trái khoáy thay, “về nhà” là lại một cách nói dụ hoặc. Về lý thuyết, “ngôi nhà” thực sự là tử cung của người mẹ, nơi được cho là an toàn nhất với một thai nhi. Và khi chúng ta mong mỏi “trở về nhà” nghĩa là ta cảm thấy bất an với thế giới xung quanh mình. Mọi thứ khiến em mệt mỏi, chán nản và tổn thương đến khốn cùng. Nhìn vào mắt nhau, liệu người có thấy tấm lòng em? Cơn sóng dập dìu chính là nhịp đập tâm can. Nào thể biển yên sóng lặng khi gần bên sự căm phẫn và tội lỗi cơ chứ. Giận dữ vì bị bỏ rơi, đối xử bất công và không được trân trọng, cũng đồng thời cảm thấy bản thân thật sự xấu xa và tàn ác vì đã làm tổn thương người khác bởi chính sự tồn tại của mình. Cơn thịnh nộ và nỗi đau đưa em đến với cuộc sống, những cảm xúc thuần khiết nhất và chân thật nhất. Nó thô, nó xé nát da thịt và làm nên con người của em. 

Chúng ta bắt gặp ánh mắt nhau, mà người thậm chí không nhìn thấy ta. Người hầu như không đáp lại khi ta thì thầm xin chào, dẫu đã có lúc ngỡ như bạn tâm giao, hai linh hồn đồng điệu. Người đã mang ta đến và kết nối ta với thế giới này, vậy mà, giờ đây người không thấy gì ngoài bộ phục trang ta mặc. Mọi người bảo ta không sao, người mỉm cười và gật đầu. Đáng thương cho ta hay đớn đau cho người khi để nó kết thúc ở đó. Trăm ngàn lần ta muốn hét “Làm ơn, đừng chỉ nhìn bằng mắt của người. Hãy cởi bỏ chiếc mặt nạ bằng xương bằng thịt này và nhìn thấy linh hồn tôi.” Nhưng rồi vì sợ hãi bị bỏ rơi, bị trút giận mà ta im lặng, mỉm cười và gật đầu, “Ừ! Không sao.




Thế nhưng, người chẳng nhìn thấy và không một ai nhìn thấy, dẫu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Là do em quá đỗi giỏi giang trong việc che giấu cảm xúc và suy nghĩ của mình? Hay do sự quan tâm chưa bao giờ đủ để soi tỏ bộn bề ưu phiền? Em muốn trở về nhà. Chỉ là “nhà” ở đâu, nó là gì thì em không biết. Em không biết ý tưởng về sự an toàn và hạnh phúc là như thế nào. Ngay cả lúc ngồi dưới mái nhà mình lớn lên, em cũng không chắc rằng nó mang lại những cảm giác đó. Bởi vì cũng giống như căn hộ ở thành phố xa lạ, thứ duy nhất luôn thường trực nơi tâm can là một mình, lạc lõng và áp lực phải “ổn”.

Em muốn trở về nhà. Song em lại không biết “nhà” mình ở đâu…






Đứng trước phần đất trũng sâu, em không biết mình nên cảm thấy như thế nào ngay lúc này. Tự tay đào mộ phần cho bản thân thì có gọi là quá chua xót? Từ lúc bắt đầu, em chưa từng dám nghĩ đến những hỏi câu như: “Bao giờ mọi người sẽ phát hiện ra sự mất tích của mình?”, “Mọi người sẽ cảm thấy thế nào nếu biết sự thật khổ đau này?” hay “Ai sẽ đến và cảm thấy gì khi đứng trước linh cửu đã thôi không cố gắng mỉm cười vì họ nữa?” Thật sự quá đau đớn để tự giễu cợt chính mình trước hy vọng khờ dại và ngu ngốc! Tự sát. Không quá nghiêm trọng, nhưng em đã suy nghĩ về nó rất nhiều lần trước đây. Đôi lúc, em cảm tưởng nó là lối thoát an toàn luôn chực chờ đằng sau mỗi bước đi. Và giờ đây, nó là chỉ là mảnh giấy ghi chú. Từng từ một. Em thuộc lòng vị trí của mỗi một dấu câu bởi vì bàn tay đã viết hàng chục lần trước khi gửi. Viết, vứt đi, rồi lại viết, vò nát, xé nát thành trăm mảnh nhỏ và thả vào gió. Nhưng tại sao ý niệm đó lại xuất hiện và tồn tại cùng nhịp thở? Em đã tự hỏi mình câu hỏi đó hàng trăm nghìn lần. Tại sao? Câu trả lời từng được phát âm tròn vành rõ chữ chính là niềm tin vào cái chết sẽ mang hết thống khổ của cả em và mọi người chôn sâu dưới lòng đất. Và bình minh sẽ mãi hiện hữu trên những nụ cười ở lại. Song đó lại là một lời nói dối. Em đã không thực sự nghĩ về nó. Không hẳn vậy. Không chi tiết. Ý nghĩ đó hiện hữu và em chấp nhận. Đơn giản thế thôi.




Chúng ta đủ thông minh để nhận ra cái chết của chính mình và tìm cách lấp đầy nó bằng hy vọng hão huyền (tôn giáo, thế giới bên kia, thần thánh, quyền lực). Chỉ vì hầu hết chúng ta không muốn chấp nhận rằng cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì. Ta không được sinh ra với bất kỳ mục đích gì. Sự sống và cái chết của chúng ta không ảnh hưởng gì tới thời gian, vũ trụ hay ngay cả Trái Đất này. Không là loài người thì cũng sẽ là một sinh vật khác, giống loài khác mà thôi. Nhân loại chỉ tồn tại trong một bình diện ý thức tại một khoảnh khắc ngắn ngủi. Có ai đó nhớ đến mình sau khi ta rời khỏi nơi này hay không? Hồi ức có thật sự quan trọng đến thế? Thể xác đã chết, linh hồn đã tan biến vào không khí thì cần gì đắn đo một cuộc sống tầm thường, đáng quên? Người cảm thấy sợ hãi trước cái chết, không sao cả. Đó là cách người ứng phó và học cách chấp nhận sự thật: Người không quan trọng và điều đó không sao. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta có quyền phán xét về cách một ai đó tự chọn cách suy nghĩ của mình.




"Mọi người phản đối." Việc tự tay đặt dấu chấm cho cuộc đời mình là sự ích kỷ. Một số phong trào trỗi dậy kêu gọi một cuộc tấn công hèn nhát đối với người sống. Các nhà thông thái lập luận dòng suy đoán này vì nhiều lý do khác nhau: để trốn tránh những ngón tay đổ lỗi; để gây ấn tượng với khán giả cùng màn biểu diễn để đời về tinh thần của một người xơ xác; để trút giận; hoặc chỉ vì thiếu sự đau khổ cần thiết để cảm thông. Đôi lúc, em tự hỏi sự thật có như những gì “mọi người” vẫn nói. Tự sát là nhát gan, là hành động của một đứa trẻ không biết suy nghĩ hay là câu chuyện của một nữ hoàng bi kịch, tự sát để thu hút sự chú ý. Liệu đó có thật sự là sự thật?

Nếu người có thể nghe được suy nghĩ của người khác, người sẽ tình cờ nghe được một vài điều đúng cũng như một vài điều hoàn toàn ngẫu nhiên. Và người sẽ không biết cái này từ cái kia. Nó sẽ khiến người phát điên. Điều gì là sự thật? Cái gì không? Một triệu ý tưởng, nhưng chúng có ý nghĩa gì? Người không thể quay lại nơi mọi thứ đã bắt đầu như thế nào. Người đã nghĩ như thế nào. Tất cả những gì người thực sự có là ... bây giờ. Một bức màn tối tăm, không lối thoát. 

Vậy nên, tự sát cần có dũng khí đáng kể. Bởi ích kỷ là đòi hỏi người khác phải chịu đựng một sự tồn tại không thể chịu đựng được.








Có lẽ nếu thỉnh thoảng em quên mọi thứ, thì tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn một chút. Quên rằng em là người tồi tệ đến thế nào, quên rằng nỗi đau hiện hữu trên gương mặt của mọi người đến từ em, thì có lẽ tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn một chút. Nhưng đôi khi, chẳng còn gì để bước tiếp nữa.

Cũng như tiếng hát ngân vang mỗi sáng, em muốn mình cảm thấy vui mừng vì “được sống”. Cũng như số đông ngoài kia, em muốn tin rằng em không phải, nhưng em chỉ ... Em chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng nào. Chắc chắn, em có thể dành cả đời để tranh luận về nó nhiều lần, cân nhắc hết thảy ưu và khuyết điểm. Chỉ là, sự thật cuối cùng ngả bài, em vẫn không có bất kỳ bằng chứng nào. Em chỉ ... Em chẳng có gì để tranh luận về nó nữa. Làm thế nào chúng ta có thể tháo bỏ lớp mặt nạ khi nó chưa bao giờ là mặt nạ? 



Cái chết có đau không? Tại sao lại phải chọn cái chết khi phía trước vẫn còn nhiều thứ chờ đợi? Câu trả lời chỉ có một mà thôi, nếu tiếp tục sống thì còn đau hơn rất nhiều. Khi nào thì cảm giác này kết thúc? Sự tồn tại lạc lõng, cô đơn, vô nghĩa này. Một mớ hỗn độn, giằng co sau đó của tội lỗi, vì ngoài kia có hàng trăm người khác đang chịu đựng hàng triệu điều đó tồi tệ hơn em. Vì vậy, em cảm thấy tồi tệ vì cảm thấy đau đớn và thậm chí khóc. Cuộc sống gần như trọn vẹn, không lo lắng, không thiếu thốn, và cả cơ thể lẫn linh hồn vẫn gào thét vì ray rứt, bức bối và nhức nhói. Nó ở khắp mọi nơi, hiện hữu trong hết thảy dáng hình, cất tiếng gọi mỗi giây mỗi phút. Mỗi giấc ngủ, mặc cho vỏ bọc, chăn gối có khác nhau, Hồi ức vẫn ùa về trong tâm trí. Khi ánh nhìn lướt qua làn da của mình, các vết sẹo dài ngắn chi chít trên da như những dấu tay ghê tởm của tháng ngày ấy. Khi ngôi nhà ấy, khoảng không ấy lướt qua tâm trí, tro tàn của những mảng màu kinh hoàng ấy rơi xuống tâm khảm. Cơ thể em cố gắng đẩy chúng ra ngoài một cách mạnh mẽ qua phổi và ống dẫn nước mắt.




Thế mà, người đã nói: “Đừng sử dụng ngôn từ để biến đây thành một vấn đề cảm tính và nó có thể chuyên nghiệp như các chính trị gia phát biểu về hoà bình thế giới hay đoàn kết dân tộc nhưng đâu phải ai cũng bị đánh lừa.” Tàn tro hóa “Bi thương ngược dòng thành sông”. Thượng nguồn đặt nơi cuống họng, các chi lưu hướng vào bên trong. Dạ dày, phổi hay gan, cả thể xác lẫn tâm hồn họ đều lênh đênh trên mặt nước mênh mông, hoăm hoắm sâu. Ngoại trừ mắt, mũi và môi miệng, mọi thứ đều chìm vào lòng sông. Không phải được giữ lại sẽ không đau, chúng vẫn cam khổ đấy thôi. Chỉ là chúng cảm thấy xấu hổ đến mức không thể chấp nhận được. Chỉ là chúng cảm thấy dơ bẩn đến mức, không bùn đất nào dung thứ cho bất kể cái chạm nào của gốc rễ. Bao nhiêu rượu cũng chẳng thể rửa trôi sự bẩn thỉu khắc ghi trên thân cây. Bao nhiêu nỗ lực cũng chẳng thể thoát ra khỏi nơi đó, nên cái cây thối rữa từ bên trong.

Nhanh chóng và dễ dàng hơn là chìm vào giấc ngủ, cái chết chỉ có thế. Khoảng đất đã xong, điếu thuốc cũng đã tàn. Đất trời vẫn ôm lấy nhau, hòa làm một và Bầu trời xanh vĩnh cửu. Tất cả mọi thứ đều có ngày hết hạn. Sự sống cũng vậy thôi.








Tác giả: WorromotdaM

__________________________________

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.


BẢN THẢO
Bài viết liên quan