Mình nói gì khi nói về người "hiền lành"?

Đối với chúng ta, những người hiền lành giống như một làn gió heo may vậy. Họ không đối đầu với ta và có lối cư xử rất đỗi nhẹ nhàng. Những người hiền lành khiến ta thấy thoải mái và vui lòng. Nhưng đó là do bản chất của họ à? Hay vì đâu mà họ phải sống "hiền lành" như vậy? Có vũng bùn nào mà người "hiền lành" vẫn luôn vùng vẫy? Và có hy vọng nào sẽ cứu vớt họ khỏi chuỗi ngày bị tăm tối bủa vây?...

KHI BẠN NÓI VỀ MỘT NGƯỜI “HIỀN LÀNH”, Ý BẠN LÀ SAO?


Một đứa trẻ ngoan ngoãn - chăm chỉ học hành và vâng lời người lớn?


Một người luôn thuận theo ý người khác, không bao giờ nổi giận hay thể hiện sự bất bình? 


Đối với chúng ta, những người hiền lành giống như một làn gió heo may vậy. Họ không đối đầu với ta và có lối cư xử rất đỗi nhẹ nhàng. Những người hiền lành khiến ta thấy thoải mái và vui lòng. 


ĐÓ LÀ BẢN CHẤT CỦA HỌ À? 


Người ta có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Có những người hiền lành là do sinh ra đã vậy. Trời cho họ cái bản tính hiền lành. Dù vậy, bản chất chỉ có thể tồn tại bền lâu, chứ không thể tồn tại vững chãi. Một người hiền lành bẩm sinh vẫn sẽ có lúc nổi giận nếu có đủ điều kiện và cơ sở để cơn thịnh nộ của họ bùng cháy. Chỉ có điều, để sự kiện này xảy ra, họ cần nhiều thời gian và yếu tố hơn người khác mà thôi. 


Nếu những người hiền lành không bao giờ tỏ thái độ bất bình hoặc nổi nóng, đó không phải vì họ không muốn. Họ chỉ đang cố tình làm ngơ và kìm nén những cảm xúc tiêu cực mà thôi. Người “hiền lành” suy cho cùng cũng chỉ là những người đặt mong muốn của người khác lên trên bản thân mình. Họ chính là kiểu người luôn đối tốt với thế giới, nhưng tàn nhẫn với bản thân.


VÌ ĐÂU MÀ PHẢI SỐNG “HIỀN LÀNH”?


Khi còn nhỏ, những đứa trẻ ngoan ngoãn thường được yêu quý. Có một sự thật là nhiều bậc cha mẹ tin rằng những câu nói kiểu “con phải ngoan thì mẹ mới yêu”, “con mà làm thế này hay làm thế kia thì bố sẽ rất phiền lòng”,.. sẽ thực sự khiến con cái họ trở nên tốt đẹp như họ mong muốn. Đúng là vậy thật! Nhưng liệu đó có phải một chiến lược đường dài? Khi mà cái vỏ bọc tốt đẹp kia có lẽ còn không đủ chắc chắn để bảo vệ những đứa trẻ khỏi những tiêu cực bủa vây từ thời thơ trẻ. 


Ý nghĩ về một vụ cho đi nhận lại sòng phẳng giữa tình yêu thương và sự đáp ứng yêu cầu bắt đầu nảy nở và đâm rễ thật sâu vào tận tiềm thức. Để rồi khi lớn lên, những đứa trẻ ấy trở thành những người lớn “hiền lành” - điên cuồng đáp ứng nguyện vọng của người thân và xã hội với mong cầu sự công nhận và tình yêu thương. 


Tất nhiên, tôi không mong đây sẽ là cơ sở để các độc giả của tôi quay về oán hận cha mẹ của họ hay của người khác. Tôi vẫn luôn tin rằng một người không tự nhiên mà đi tổn thương người khác. Cha mẹ của chúng ta cũng từng là những đứa trẻ. Họ đã trải qua điều gì tồi tệ mà ngay cả bản thân họ, cũng giống như chúng ta ngày hôm nay, còn chẳng thể ý thức được mức độ tồi tệ của cách thức yêu thương đó.  


Vậy nên, điều mà chúng ta cần làm sau khi đọc xong bài viết này không phải là tức giận hay oán trách, mà là cảm thông hơn cho đấng sinh thành và điều chỉnh lại cách thức ta đang định nghĩa và truyền đạt tình yêu thương. Tình yêu thương chân chính không bao giờ đi kèm điều kiện và mong chờ sự hồi đáp. Bản thân việc yêu thương đã là một món quà đẹp đẽ đến với cuộc đời của mỗi chúng ta rồi. 


VŨNG BÙN CỦA NHỮNG NGƯỜI “HIỀN LÀNH” MỘT CÁCH TRƯỜNG TỒN 


Những người luôn sống “hiền lành” dễ rơi vào tiêu cực. Đơn giản là vì họ đang đi ngược lại với xu hướng tự nhiên của con người - luôn nghĩ cho bản thân trước hết. Có những người vi đã sống hiền lành quá lâu mà mất đi khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực, dù cho thâm tâm họ vẫn luôn gào thét muốn được làm điều đó. Việc nhận ra một thảm kịch đang bày ra trước mắt nhưng không cách nào né được, quả thật là một cực hình. 


Việc liên tục đè nén những cảm xúc tiêu cực mà người đời thường cho là vụn vặt cũng khiến tâm hồn họ bị chật cứng. Những cảm xúc tiêu cực sẽ không vì bị làm ngơ hay kìm nén mà dần mất đi. Năng lượng tiêu cực không được giải phóng thường xuyên và công khai tích tụ ở thế giới nội tại rồi cứ thế âm ỉ cháy. Một ngọn lửa âm ỉ sẽ ăn mòn ta một cách nhẹ nhàng, chậm rãi, và giết chết ta khi ta còn say giấc nồng. 


Người “hiền lành” cũng có nhiều khả năng trở thành người nghiện công việc, nếu họ có một quá khứ thiếu thốn tình thương hoặc sự công nhận đến cùng cực. Nỗi lo lắng về việc mất đi những thứ đã từng là điều khan hiếm khiến họ luôn vô thức nhắc nhở bản thân phải cố gắng và phải làm hài lòng ai đó. Đặc biệt, nếu họ từng bị trừng phạt một cách quá hà khắc khi còn nhỏ, chứng nghiện công việc còn trở nên dễ hiểu hơn vì cảm giác bất an qua nhiều năm đặt họ vào tình thế: nếu không thực hiện nhiệm vụ được giao thì sẽ bị trừng phạt. 


Khi còn nhỏ, người trao đổi tình thương với ta là một ông bố gia trưởng hay một bà mẹ có kỳ vọng lớn. Lúc lớn lên rồi, đó lại chính là xã hội - một xã hội đang ngày một trở nên khốc liệt - đo đạc con người bằng những tiêu chuẩn bão hoà và quá đỗi vật chất.  


ÁNH SÁNG VẪN LUÔN TỒN TẠI, DÙ CÓ LÀ ÁNH TRĂNG KHUYẾT TRONG ĐÊM TỐI 



Lời khen 

Bản thân tôi từng là một đứa trẻ “hiền lành”. Tôi học hành rất chăm chỉ và luôn làm mọi thứ người lớn yêu cầu. Bố mẹ tôi là mẫu authoritarian parents điển hình. Hai người đặt lên tôi rất nhiều kỳ vọng nhưng không mấy khi tiếp cho tôi sức mạnh tinh thần. Dù cho sau này, với sự nỗ lực của tôi và sự mở lòng của bố mẹ, mọi thứ cũng dần trở nên bớt hà khắc hơn, nhưng tàn tích của một kẻ nghiện công việc vẫn cứ ở đó và khiến tôi chẳng thể có một ngày nghỉ đúng nghĩa. 


Mẹ tôi, như một thói quen, vẫn thường nói với cô em gái nhỏ: “Con phải học giỏi thì mẹ mới vui lòng được”, hay em vẫn tâm sự với tôi rằng mẹ chỉ mỉm cười với em khi em đạt thành tích cao. Thật ra, không riêng gì cha mẹ, việc nói ra lời khen có vẻ rất khó khăn đối với bất kỳ ai trong chúng ta. 


Ta không thể ỷ lại rằng họ sẽ tự nhận ra lời khen ngợi của mình mà mãi im lặng được. Nhiều khi hãy sống ngay thật và rõ ràng một chút. Riêng tôi cảm thấy việc đoán ý của người khác hoặc để người khác đoán ý mình thực sự rất khó chịu. Những lời khen đẹp rực rỡ như ánh nắng vậy. Chúng có thể đem lại niềm vui cho người đối diện và cho cả bản thân người nói ra. Vậy thì sao phải tiếc một lời khen chân thành nhỉ?



Bản thân sự tồn tại đã đáng được trân trọng 

Tôi có một người bạn lớn tuổi. Cô có những đứa con nhỏ và chúng cũng mang vác những mong đợi từ bố mẹ, nhưng có kèm theo nguồn động viên tinh thần rất lớn là cô - mẫu người tích cực đến chói mắt. Cô kể với tôi rằng, để con cô không cho rằng tình thương của cha mẹ cần được trao đổi với thành tích học tập, cô hay bất chợt hỏi chúng: “Nếu con không học giỏi thì mọi người còn yêu thương con không?”. Thật tốt, chúng đều trả lời là có. 


Có một sự thật là bản thân sự tồn tại của ta trên đời đã là một điều đáng giá, đáng được trân trọng, đáng được yêu thương. Tình yêu thương không bao giờ là một vụ cho đi nhận lại sòng phẳng để mà phải có điều kiện đi kèm. Nếu một ai đó chỉ vì bạn không thoả mãn được mong muốn của họ mà rời bỏ bạn, mối quan hệ đó ngay từ đầu đã không phải một sự hiện diện chân thật và tốt đẹp. 



Đừng làm người hiền lành… 

Hơn hết, tôi tin rằng hãy làm hài lòng bản thân mình trước khi muốn làm hài lòng người khác và mong đợi thế giới yêu thương ta. Sự đáp ứng và tình yêu nội tại còn không tồn tại thì bạn lấy đâu ra cái tự tin rằng mình có thể gìn giữ được tình yêu mà người khác dành cho mình và đáp ứng được mong cầu của họ?


Đứng làm một người “hiền lành” nếu bạn chưa cảm thấy đủ đầy và yêu lấy bản thân!


KẾT 


Nếu xung quanh bạn có một người thân thiết luôn luôn sống “hiền lành”, hãy quan tâm đến họ nhiều hơn. Để họ thấy rằng tình yêu thương không phải một món hàng để mua được bằng sự chiều lòng hoặc đáp ứng.


“Khi những người khác đều ăn mì tương đen nhưng bạn muốn ăn cơm rang, hãy đường hoàng nói ‘Tôi muốn ăn cơm rang.’ Trở thành người tốt đối xử tử tế với người khác là một việc tốt, nhưng trước hết ta có nghĩa vụ phải trân trọng chính mình.” - Đại đức Hae Min. 


Tác giả: Diệu Nguyễn

Nguồn ảnh: Pinterest


BẢN THẢO
Bài viết liên quan