Yêu Một Người Trầm Cảm: Bạn Phải Nhớ Điều Gì?

Trầm cảm không hề nương tay với bất kỳ một ai kể cả bệnh nhân và những người xung quanh. Việc chứng kiến người thân yêu của mình trải qua những cảm xúc bất ổn có thể khiến bạn lo …

Trầm cảm không hề nương tay với bất kỳ một ai kể cả bệnh nhân và những người xung quanh. Việc chứng kiến người thân yêu của mình trải qua những cảm xúc bất ổn có thể khiến bạn lo lắng, bức bối và thậm chí là vô cùng mệt mỏi. Nếu người yêu bạn phải đối mặt với trầm cảm thì đó sẽ là một thách thức lớn cho cả hai, nhưng không có nghĩa rằng hai bạn không thể vượt qua và tiếp tục một mối quan hệ lành mạnh.

Có lẽ phải mất kha khá thời gian và nỗ lực để để tìm thấy sự cân bằng giữa thời gian dành cho bản thân và và người ấy, cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào cũng đòi hỏi phải có sự nỗ lực và đồng lòng. Nhưng hãy nhớ rằng, việc ủng hộ lẫn nhau và cùng trải qua khoảng thời gian khó khăn sẽ giúp mối quan hệ của bạn bền chặt hơn bao giờ hết.

Sau đây là 7 điều mà mà bạn cần nhớ khi đang yêu một người trầm cảm.

1. Người trầm cảm luôn sợ phiền hà đến người khác.
Họ thường nói rằng dù bạn có muốn hỗ trợ nhiều đến đâu thì cũng không thể giúp được họ và như vậy nghĩa là họ đang phí phạm công sức của bạn. Với rất nhiều người, trầm cảm không chỉ đơn giản là một phản ứng tạm thời trước những tổn thương; mà có thể do sự mất cân bằng các chất hoặc một vấn đề trong não bộ. Do đó, họ không hề đòi hỏi một người không phải chuyên gia tâm lý như bạn phải giải quyết chúng. Nhưng họ trân trọng sự động viên và quan tâm của bạn (xin đừng dừng điều này lại nhé) và mong bạn đừng nản lòng nếu những triệu chứng của họ không suy giảm dù bạn đã cố gắng rất nhiều. Dù ý thức được đây là trận chiến của mình và ngoài mặt thường từ chối sự giúp đỡ của bạn nhưng họ thực sự luôn cần có bạn bên cạnh.

2. Hãy để họ chỉ bạn cách giúp đỡ họ
Tôi đã từng yêu một người trầm cảm, vì vậy mà tôi biết việc giữ cân bằng cho một mối quan hệ lành mạnh sẽ khó khăn đến như thế nào. Một mặt, tôi muốn mình có thể giúp họ cảm thấy vui vẻ – hoặc ít nhất là xoa dịu nỗi đau cho họ nhiều hết sức có thể – nhưng điều đó không kéo dài lâu cho đến khi sức khỏe tâm lý của tôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi không biết phải làm sao để đối phó với cả những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống của mình và những tổn thương từ trầm cảm mà người yêu tôi đang phải trải qua. Cô ấy mong rằng tôi có thể chia sẻ cảm giác bế tắc đó với cô ấy. Đôi lúc, một cuộc trò chuyện trải lòng là tất cả những gì hai bạn cần làm để hiểu đối phương cũng chính mình đang mong đợi và cần những gì.


3. Những ưu tiên của hai bạn có thể khác nhau

Bạn gái bạn có thể sẽ không tham dự một buổi tiệc mà cô ấy luôn trông đợi, bởi vì cảm thấy bị cạn kiệt cảm xúc. Trong khoảng thời gian ngừng các hoạt động vui chơi đó, họ sẽ dành chút phần năng lượng ít ỏi còn lại của mình để làm những thứ mà họ buộc phải làm, như bài tập hay việc nhà, thay cho những thứ họ muốn làm. Việc đó cũng giống như khi bạn muốn ở nhà do quá mỏi mệt. Chúng ta ai cũng cần được nạp lại năng lượng cả.


4. Trầm cảm không chỉ đơn giản là nỗi buồn 

Quan niệm cho rằng trầm cảm chỉ là sự buồn bã và cạn kiệt năng lượng là một quan niệm sai và thường gây hiểu lầm. Ít người ý thức được rằng lo âu cũng có thể là triệu chứng của trầm cảm, và bồn chồn, cáu gắt cũng không phải ngoại lệ. Thật sự rất khó để có thể biết được trầm cảm có dấu hiệu như thế nào ở mỗi người. Thậm chí, trầm cảm cũng có triệu chứng về sức khỏe thể chất, một vài trong số đó không thuyên giảm dù được chữa trị, “như là đau đầu, rối loạn tiêu hóa và đau không rõ nguyên nhân” (Hiệp hội về lo âu và trầm cảm Hoa Kỳ).

5. Người trầm cảm có thể bị đãng trĩ và họ mong bạn thông cảm cho điều đó.

Trầm cảm có thể để làm làm chậm đi quá trình suy nghĩ cũng như những hoạt động cơ thể của bệnh nhân. Người yêu bạn có thể sẽ thường xuyên quên địa điểm hoặc thời gian của những bức hình hai người đã chụp; hoặc sẽ rất khó để họ có thể suy nghĩ sắp xếp các sự kiện theo thứ tự. Sẽ không có gì kỳ lạ đâu khi họ thậm chí quên mất điều mình đang nói dở, và kể cả tên của mọi người. Điều này thật khó chịu nhưng đây là thực tế, và họ đang học cách để thích ứng những thứ mình đang có. Họ biết sự đãng trí đem lại nhiều bất tiện cho đối phương. Nên bạn hãy cố gắng kiên nhẫn nhé! 


6. Người trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định

Khi trầm cảm khiến bệnh nhân mất đi những hứng thú và niềm vui, họ sẽ không còn mặn mà với những thứ mà mình thích nữa. Sẽ rất khó để biết được mình thích cái gì khi mọi thứ đều vô hồn, mệt mỏi và trông thật khốn khổ, nên bạn hãy cho họ thời gian nếu họ cần suy nghĩ khá lâu mỗi khi quyết định việc gì. Những quyết định của họ có thể chưa vẹn toàn như khi chưa bị bệnh, nhưng sẽ ổn thôi nếu những người xung quanh bình tĩnh và có suy nghĩ tích cực. Họ không hề có ý định muốn làm mọi thứ phức tạp hơn.


7. Một sự động viên nhỏ thôi cũng có thể giúp người yêu bạn rất nhiều trong cuộc chiến trầm cảm. 

Họ không mong rằng bạn sẽ từ bỏ mọi thứ và chiều theo những yêu cầu bất chợt của họ. Họ hiểu rằng bạn cũng có những trách nhiệm riêng của mình, chúng cũng quan trọng như của họ vậy. Miễn là hai bạn đều cùng nỗ lực và nói chuyện cởi mở với nhau, họ sẽ không bao giờ nổi giận nếu bạn cần có khoảng lặng riêng để chăm sóc cho bản thân. Tất cả những gì họ mong muốn ở người yêu là sự thành thật và luôn ủng hộ họ, dù là một cú điện thoại, một cái ôm thật dài, hay một bức hình hài hước đều có tác dụng to lớn cả. 

———————————–

Dịch: CHN

Biên tập: Mai

Nguồn ảnh: Pexels

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan