10 bước để tránh các cuộc trò chuyện rơi vào ngõ cụt

Có nhiều phương pháp đơn giản có thể giúp các cuộc trò chuyện tự nhiên hơn, cho phép bạn tận hưởng cơ hội được trò chuyện này thay vì sợ hãi chúng.


Khi các cuộc trò chuyện trở nên gượng ép, việc giao tiếp với mọi người trở thành một khó khăn và khiến bạn né tránh việc gặp gỡ, kết bạn hay thậm chí có một đời sống xã hội lành mạnh. Tuy vậy, vẫn có nhiều phương pháp đơn giản có thể giúp các cuộc trò chuyện tự nhiên hơn, cho phép bạn tận hưởng cơ hội được trò chuyện này thay vì sợ hãi chúng.


1. Đặt câu hỏi cho người đối diện


Đặt câu hỏi là một cách tuyệt vời để chuyển sự tập trung ra khỏi bản thân và giảm bớt áp lực bắt buộc phải nói những điều đúng đắn hoặc đưa ra một chủ đề thú vị. Những câu hỏi mở gợi chuyện nhiều hơn những câu hỏi có thể trả lời ngắn gọn. Chúng là những câu hỏi thích hợp cho những buổi hẹn hò đầu tiên và thậm chí cả những cuộc trò chuyện bình thường với đồng nghiệp hoặc bạn bè. Đối phương càng bị cuốn vào cuộc trò chuyện, cảm giác gượng ép sẽ càng giảm đi.


Ví dụ: Thay vì hỏi “Cuối tuần vui vẻ chứ?”, Hãy thử hỏi một câu hỏi mở như “Bạn đã làm gì vào cuối tuần?”. Các câu hỏi mở khuyến khích các câu trả lời dài hơn, chi tiết hơn bởi vì họ cũng thể hiện sự quan tâm đến đối phương, các câu hỏi mở cũng tạo ra cảm giác gần gũi và đáng tin hơn. 


2. Chủ động lắng nghe


Những người giao tiếp giỏi không chỉ là những người diễn thuyết xuất sắc mà còn là những người có khả năng lắng nghe tuyệt vời. Chủ động lắng nghe là một cách để thể hiện sự quan tâm và hiểu biết của bạn về những gì ai đó đang nói bằng cách sử dụng các kỹ năng và cấu trúc cụ thể. Chủ động lắng nghe là một kỹ thuật bí mật mà các nhà tư vấn trị liệu sử dụng để xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng của họ và là một cách hiệu quả để khiến mọi người tin tưởng và cởi mở với bạn hơn. 


Lắng nghe tích cực bao gồm bốn kỹ năng:


  • Câu hỏi mở: Những câu hỏi không thể trả lời trong một từ. Ví dụ: "Bạn nghĩ gì về cuộc họp đó?"


  • Khẳng định: Những lời xác thực cảm xúc, suy nghĩ hoặc trải nghiệm của ai đó. Ví dụ: "Có vẻ như bạn đã rất vui."


  • Nhắc lại: Lặp lại một phần những gì người kia đã nói để xác nhận điều đó. Ví dụ: “Xác nhận lại một chút - bạn muốn có chính sách mới bao gồm 10 ngày nghỉ ốm, 2 tuần nghỉ phép và 3 kỳ nghỉ?”


  • Tóm tắt: Tóm tắt những gì người kia đã nói. Ví dụ: “Dù làm việc tại nhà thoải mái hơn, bạn vẫn cảm thấy mình có ít thời gian cho bản thân”.


3. Nói ra suy nghĩ của mình


Khi các cuộc trò chuyện trở nên gượng ép, đó có thể là do bạn đang suy nghĩ quá nhiều về những gì nên nói thay vì thoải mái bày tỏ. Nghiên cứu cho thấy thói quen này thực sự có thể làm chứng lo âu xã hội trầm trọng thêm, khiến bạn cảm thấy mất tự tin và bất an hơn. Thay vì cố tìm điều gì đó để nói, hãy thử nói những gì bạn thực sự nghĩ.


Nếu bạn đang suy nghĩ về việc phải làm gì vào cuối tuần này, hãy thử nhớ lại một chương trình hài mà bạn đã xem, hoặc khi đang băn khoăn thời tiết chiều nay sẽ thế nào, hãy nói thẳng ra. Bằng cách nói ra suy nghĩ, bạn cho phép người khác hiểu rõ hơn về bạn và thậm chí có thể khiến họ cảm thấy thoải mái hơn khi mở lòng với bạn. Điều này đôi khi có thể dẫn lối những cuộc trò chuyện thú vị và bất ngờ.


4. Nói chậm, dừng lại một chút hoặc im lặng


Tạm dừng và im lặng là những dấu hiệu gợi ý rằng đã đến lượt đối phương nói chuyện. Không có chúng, các cuộc trò chuyện có thể trở nên một chiều. Bằng cách thoải mái im lặng, cuộc trò chuyện của bạn sẽ bớt gượng ép hơn. Khi bạn nói chậm lại hoặc tạm dừng, bạn đã cho người kia cơ hội để nói và giúp cuộc trò chuyện trở nên cân bằng hơn.


Khi lo lắng, bạn có thể cảm thấy cần phải lấp đầy những khoảng lặng khó xử nhưng hãy cố gắng dừng hành động đó. Thay vào đó, hãy đợi một lát và xem cuộc trò chuyện sẽ đi đến đâu. Điều này cho phép cuộc trò chuyện diễn ra ở một tốc độ thoải mái hơn, giúp bạn có thời gian suy nghĩ và cho phép người kia có thời gian để nói.


5. Tìm các chủ đề được quan tâm


Bạn không cần phải “ép” mọi người nói về những điều họ thích, vì vậy hãy thử nói về những điều thú vị khác. Có thể nói về những chủ đề họ biết rất nhiều, một mối quan hệ quan trọng đối với họ hoặc một hoạt động mà họ yêu thích. Ví dụ, hỏi ai đó về con cái của họ, kỳ nghỉ vừa qua, hoặc những cuốn sách hoặc chương trình mà họ thích là những chủ đề tuyệt vời.


Khi bạn đánh trúng một chủ đề mà ai đó quan tâm, bạn có thể thấy ngôn ngữ cơ thể của họ thay đổi. Họ có thể mỉm cười, trông hào hứng, nghiêng người về phía trước hoặc tỏ ra háo hức muốn nói. Các cuộc trò chuyện diễn ra trực tuyến hoặc qua văn bản thường khó để đánh giá mức độ quan tâm hơn. Tuy nhiên, các câu trả lời dài hơn, dấu chấm than và biểu tượng cảm xúc có thể thể hiện rằng họ đang khá hào hứng.


6. Bắt đầu những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn


Hầu hết các cuộc giao tiếp xã giao đều nằm trong vùng an toàn, ví dụ: "Bạn có khỏe không?" và "Mình khỏe, còn bạn?" hoặc “Thời tiết thật đẹp”, tiếp theo là “Đúng vậy!”. Nói chuyện phiếm không xấu, nhưng nó có thể khiến bạn rơi vào tình trạng thường xuyên tương tác ngắn hạn với mọi người. Nhiều người sử dụng những cách này để chào hỏi và tỏ ý lịch sự, đây không phải là cách để bắt đầu một cuộc trò chuyện thân mật.


Bạn luôn có thể mở đầu bằng vài lời xã giao và sau đó sử dụng một câu hỏi mở, quan sát hoặc nhận xét khác để đi sâu hơn một chút. Ví dụ: nếu bạn đang trong buổi hẹn hò đầu tiên, hãy bắt đầu bằng cách hỏi họ quê quán ở đâu hoặc họ làm nghề gì, nhưng sau đó hãy tiếp tục với những câu hỏi cụ thể hơn về lý do họ chọn công việc đó hoặc những gì họ nhớ về quê hương mình. Bằng cách đặt những câu hỏi phù hợp, bạn thường có thể chuyển từ xã giao sang một cuộc trò chuyện cá nhân và sâu sắc hơn.



7. Tránh các chủ đề gây tranh cãi hoặc nhạy cảm


Khi bạn vô tình thảo luận về một chủ đề gây tranh cãi, nhạy cảm hoặc quá riêng tư, mọi thứ có thể bắt đầu trở nên căng thẳng và gượng ép. Tôn giáo, chính trị và thậm chí những bình luận bình thường về các sự kiện hiện tại có thể nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện. Ngay cả những câu hỏi vô hại như, "Bạn có con không?" cũng có thể xúc phạm ai đó đang phải vật lộn với chứng vô sinh, bị sảy thai, hoặc đơn giản là đã chọn không sinh con.


Đặt những câu hỏi mở hoặc chung chung là một chiến thuật tốt vì nó cho phép người kia tự do lựa chọn nội dung và mức độ họ chia sẻ. Ví dụ, hỏi, "Công việc mới diễn ra như thế nào?" hoặc, "Bạn có làm gì thú vị vào cuối tuần không?" cho phép mọi người có cơ hội chia sẻ mọi thứ theo cách riêng của họ đồng thời tránh làm họ khó chịu.


8. Cho phép bản thân từ chối giao tiếp nếu cần


Nếu bạn cảm thấy bị ép phải nói chuyện với những người bạn không thích hoặc khi bạn không vui, cuộc trò chuyện của bạn chắc chắn sẽ rơi vào thế gượng ép. Mọi người đều có những lúc cảm thấy không muốn trò chuyện hoặc muốn ở một mình. Trừ khi có nhu cầu cấp bách phải trò chuyện ngay lập tức, bạn có thể tự cho phép bản thân từ chối lời đề nghị đó khi không muốn nói chuyện.


Đa phần bạn bè, gia đình và đồng nghiệp sẽ thông cảm nếu bạn không muốn đi chơi. Bạn có thể tìm một cái cớ nếu lo lắng về việc làm mất lòng đối phương, tuy nhiên hãy nhớ rằng nếu làm vậy quá nhiều lần thì nó có thể phá hỏng các mối quan hệ và thậm chí có thể trở thành một phương thức tránh né không lành mạnh đối với những người mắc chứng lo âu xã hội. 


9. Hãy hiếu kỳ và cởi mở


Khi bạn cảm thấy lo lắng và cảnh giác, bạn thường bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Những thói quen này dẫn đến sự bất an và lo lắng đồng thời khiến bạn mất tập trung. Bạn có thể thay đổi bằng cách tập trung toàn bộ sự chú ý vào người kia hơn thay vì tập trung vào suy nghĩ của mình.


Theo nghiên cứu, những người hiếu kỳ cho biết họ cảm thấy ít lo lắng hơn, ít bất an hơn và có thể thích trò chuyện với mọi người hơn. Khi bạn thấy mình quá bị cuốn vào những suy nghĩ của bản thân, hãy thoát ra bằng cách suy nghĩ về đối phương. Hòa mình vào cuộc trò chuyện bằng cách chủ động lắng nghe để tập trung hoàn toàn vào những gì họ đang nói.


10. Biết khi nào nên kết thúc cuộc trò chuyện


Các cuộc trò chuyện dài không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt là khi chúng bắt đi vào ngõ cụt. Nếu bạn cảm thấy rằng người kia muốn rời đi, không quan tâm hoặc có vẻ như họ không có tâm trạng để nói chuyện, thì tốt nhất bạn nên kết thúc cuộc trò chuyện.


Có nhiều cách để kết thúc cuộc trò chuyện mà không trở nên bất lịch sự. Bạn có thể cảm ơn họ vì đã dành thời gian, nói với họ rằng bạn phải đi hoặc chỉ cần nói rằng bạn sẽ hẹn họ vào lúc khác. Khi bạn cảm sẵn sàng với việc kết thúc một cuộc trò chuyện, đôi khi bạn có thể tạo ra một "lối thoát" trước khi mọi thứ bắt đầu trở nên khó xử hoặc gượng ép.


Lời kết


Bằng cách đặt nhiều câu hỏi hơn, nhưng đồng thời cũng lắng nghe nhiều hơn và biết chờ đợi mọi người trả lời, bạn cho đối phương thế chủ động trong cuộc trò chuyện đồng thời giảm bớt áp lực cho bản thân. Tìm các chủ đề khơi dậy sự quan tâm, tránh tranh cãi và có các cuộc đối thoại sâu sắc hơn, các cuộc trò chuyện trở nên thoải mái và thú vị hơn. Nếu bạn đang phải đấu tranh với chứng lo âu xã hội, hãy chậm lại và chú ý đến các tín hiệu từ đối phương, điều đó cũng có thể giúp bạn trở nên thoải mái và tự tin hơn.



------------

Dịch bởi: Trần Khánh Huyền

Biên tập: Thu Thủy

Ảnh: burst.shopify.com

Tham khảo: 

Hailey Shafir (2021). Do Your Conversations Feel Forced? Here’s What to Do [Online] Available at: https://socialpronow.com/blog/get-better-at-talking/ [Accessed 12 August 2021]

----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan