11 rào cản phổ biến trong giao tiếp và cách khắc phục

Rất nhiều người trong chúng ta trở nên nhạy cảm hoặc lo lắng trong các cuộc đối thoại, đồng nghĩa với việc chúng ta gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân mình một cách rõ ràng. Điều này làm cho các cuộc trò chuyện trở nên thực sự khó khăn, thậm chí đi vào ngõ cụt. Trong bài viết này, bạn sẽ khám phá được lý do đằng sau sự nhạy cảm trong giao tiếp và cách giải quyết vấn đề đó nhanh nhất.


Rất nhiều người trong chúng ta trở nên nhạy cảm hoặc lo lắng trong các cuộc đối thoại, đồng nghĩa với việc chúng ta gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân mình một cách rõ ràng. Điều này làm cho các cuộc trò chuyện trở nên thực sự khó khăn, thậm chí đi vào ngõ cụt.

Trong bài viết này, bạn sẽ khám phá được lý do đằng sau sự nhạy cảm trong giao tiếp và cách giải quyết vấn đề đó nhanh nhất.


1. Cố gắng nói quá nhanh


Cố gắng nói quá nhanh có thể khiến bạn gặp khó khăn theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể nói lướt, nói quá nhanh để người khác hiểu và đôi khi bạn nhận ra mình đang nói điều gì đó mà bạn thực sự không có ý định nói. 


Cho bản thân một chút thời gian


Cho phép bản thân nói chậm hơn sẽ giúp bạn ít mắc lỗi hơn. Hãy thử hít thở trước khi bắt đầu nói thay vì lao thẳng vào cuộc trò chuyện. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận thức được những gì mình sắp nói trước khi bắt đầu cuộc hội thoại.


Khi bạn đang ở trong cuộc hội thoại, hãy cố gắng nói chậm hơn. Các chuyên gia về kỹ năng nói trước đám đông khuyên mọi người nên nói chậm hơn để cảm thấy tự nhiên hơn. Bạn có thể luyện đối thoại chính mình trước gương đến khi bản thân cảm thấy đủ tự tin để “mở lòng" với một người hoặc nhiều người khác. 


2. Sử dụng quá nhiều từ "lấp"


Rất nhiều người trong chúng ta nhận ra mình nói “ừm,” “ờ” hoặc “như là” lặp đi lặp lại khi chúng ta cố gắng tìm từ thích hợp để nói, những từ này có thể hữu ích trong vài trường hợp. Tuy nhiên, cần phải có chừng mực. Nếu bạn sử dụng chúng quá nhiều, lời nói của bạn trở nên kém thuyết phục hơn hoặc bạn có thể sẽ tự khó chịu với bản thân vì không thể đi thẳng vào vấn đề.


Tập nói những câu đơn giản


Hãy thử viết ra giấy những suy nghĩ của bạn hoặc ghi âm lại chính bạn đang nói. Hãy nghĩ về những câu bạn đã sử dụng và tự hỏi liệu bạn có thể diễn đạt nó đơn giản hơn không. Ví dụ, bạn có thể nói:


“Hôm qua, tôi đã nói chuyện với Laura, người dắt chó của tôi, về việc liệu chúng ta nên tập trung vào việc gọi về hay là cải thiện cách mà Oak chú ý đến tôi khi chúng tôi đi dạo trước.”


Thành thật mà nói, bạn có thể phải đọc một vài lần để hiểu. Sẽ đơn giản hơn nếu bạn nói:


“Ngày hôm qua, tôi đã nói chuyện với Laura, người dắt chó của tôi. Chúng tôi muốn làm cho Oak cư xử tốt hơn khi đi dạo và chúng tôi đã đưa ra hai lựa chọn. Đầu tiên là tập trung vào việc gọi về. Hai là làm cho nó chú ý đến tôi trong khi đi dạo trước, và sau đó chúng tôi có thể gọi về sau."


Việc chia rõ nội dung bạn cần nói ra làm nhiều phần chính như vậy sẽ giúp cách diễn đạt của bạn trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều, thay vì nói lan man không có điểm dừng.


Nếu bạn thấy mình đang loay hoay không biết phải nói gì tiếp theo, hãy thử dừng lại một chút thay vì sử dụng một từ lấp. Bạn thậm chí có thể không ý thức được khi bạn sử dụng chúng, vì vậy hãy nhờ một người bạn nhắc nhở mỗi khi bạn mắc lỗi.


3. Khó nói về cảm xúc


Nhiều người cảm thấy dễ dàng khi nói về những sự thật hiển nhiên hoặc các vấn đề trong tầm với nhưng thực sự lại phải đấu tranh tinh thần để bộc bạch cảm xúc thật của mình. Điều này có thể là do bạn không muốn làm cho người đối diện mất hứng thú hoặc sợ bị hiểu lầm là bạn đang cố than vãn để tìm sự đồng cảm.


Việc không muốn chia sẻ cảm xúc của chúng ta thường xuất phát từ sự thiếu tin tưởng vào đối tượng mà chúng ta đang trò chuyện. Cũng dễ hiểu thôi, vì nhiều bạn sẽ nghĩ đến mình còn không hiểu mình thì làm gì có ai đủ bao dung để chấp nhận cảm xúc thật của mình chứ. 


Phát triển niềm tin dần dần


Việc xây dựng lòng tin hiếm khi dễ dàng và điều quan trọng là đừng vội vàng. Cố gắng ép buộc bản thân tin tưởng mọi người quá dễ dàng có thể dẫn đến việc bạn tin tưởng ai đó nhiều hơn những gì họ xứng đáng và kết quả là mọi thứ trở nên tồi tệ.


Thay vào đó, hãy cố gắng chắt chiu niềm tin từng chút một . Bạn không cần phải nói trực tiếp ngay về những cảm xúc đau thương nhất, sâu sắc nhất của mình. Hãy thử thể hiện sở thích, chẳng hạn như “Mình rất mê ban nhạc đó” hoặc “Bộ phim đó khiến mình khóc rất nhiều"


Để ý cách mọi người chia sẻ lại với bạn. Bạn sẽ thấy rằng những người khác sẽ bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về cảm xúc của họ khi bạn làm điều tương tự. Chỉ chia sẻ nhiều khi bạn cảm thấy an toàn, nhưng hãy cố gắng nhích dần dần ra phía rìa của vùng an toàn của bạn.



4. Cố gắng tìm từ thích hợp 


Cảm giác khi từ ở ngay trên đầu lưỡi nhưng lại không thể nhớ ra được vô cùng khó chịu và có thể dễ dàng làm cuộc trò chuyện của bạn bị chệch hướng. Điều này xảy ra thường xuyên hơn với danh từ và tên riêng. Hầu hết mọi người đều gặp phải trải nghiệm này khá thường xuyên (khoảng một lần một tuần), [1] nhưng điều đó vẫn có thể khiến bạn cảm thấy lúng túng và xấu hổ.


Hãy trung thực với bản thân


Hãy bao dung hơn với bản thân. Thành thật về sự thật là bạn đã quên từ này và coi nó như một động lực để bạn cố gắng “xoay chuyển tình thế" ở những lần giao tiếp sau.


Cố gắng trung thực khi bạn không thể nhớ ra từ phù hợp. Bởi vì mọi người đều biết cảm giác đó, hầu hết mọi người sẽ cố gắng giúp bạn tìm từ phù hợp ngay khi họ nhận ra. Thừa nhận rằng bạn đang gặp khó khăn cũng có thể khiến bạn trông tự tin hơn với người khác và với chính bạn, hãy xem đó như một phần thưởng. 


Bạn có thể cười thân thiện và nói :”Chết thật, tự nhiên mình lại quên mất tiêu mình định nói gì rồi, đúng là não cá vàng mà”

Thay vì lúng túng để cuộc đối thoại “đi vào ngõ cụt", hãy tìm một lối thoát cho cả bạn và người nói chuyện cùng bạn bằng những tiếng cười. 


5. Truyền đạt không rõ ràng


Đôi khi, vấn đề không nằm ở việc tìm từ, mà là bạn không thể tìm ra cách nào để diễn đạt suy nghĩ của mình thành lời. Bạn có thể biết rõ những gì bạn muốn nói nhưng không thể giải thích cho người đối diện hiểu. 


Đôi khi, bạn biết rằng mình đang giải thích không tốt, và đôi khi, bạn nghĩ rằng những gì bạn đã nói là hoàn toàn rõ ràng, nhưng người khác lại không thể hiểu. Điều này có thể khiến các cuộc trò chuyện trở nên vô cùng khó chịu và khiến bạn cảm thấy bị cô lập.


Suy nghĩ rõ ràng trong đầu trước


Đa phần chúng ta giải thích mọi thứ tốt hơn nhiều khi chúng ta thực sự hiểu sâu về chủ đề. Khi chúng ta không biết rõ những gì chúng ta đang cố gắng nói, suy nghĩ của chúng ta có thể trở nên lẫn lộn. Điều đó có thể gây hoang mang cho người mà bạn nói chuyện. 


Hãy dành một chút thời gian trước khi nói để hiểu rõ những gì bạn đang cố gắng nói. Nếu bạn đang cố gắng nói một điều khá phức tạp và bạn lo lắng sẽ mất nhiều thời gian để suy nghĩ, bạn thậm chí có thể đưa ra gợi ý.


Hãy thử nói, “Cho mình vài giây. Điều này hơi phức tạp, mình muốn đảm bảo rằng mình có thể giải thích nó một cách hợp lý. ” Điều đó có thể giúp bạn có thời gian để suy nghĩ trước khi nói.


Nghĩ về những gì đối phương đã biết đôi khi cũng giúp ích. Giao tiếp không giống như viết một cuốn sách giáo khoa. Bạn nên điều chỉnh những gì bạn nói để phù hợp với trải nghiệm và sự hiểu biết của đối phương.


Ví dụ: nếu tôi đang nói chuyện với một nhà tư vấn tâm lý, tôi có thể sử dụng các từ "mối quan hệ trị liệu" vì tôi biết rằng họ hiểu những gì tôi đang nói. Nếu tôi đang nói chuyện với một người chưa được đào tạo về tư vấn, tôi có thể nói, "cách một nhà tư vấn tâm lý và khách hàng làm việc cùng nhau để giúp đỡ khách hàng."


6. Quá mệt mỏi để tập trung vào cuộc trò chuyện


Kiệt sức hoặc thiếu ngủ có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên vô cùng khó khăn. Bạn càng mệt mỏi, bạn càng nói sai, nói nhỏ và (đôi khi) nói những thứ vô nghĩa. Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt nếu bạn thức nguyên đêm, thiếu ngủ lâu dài có thể làm cho các cuộc đối thoại trở nên “thiếu muối"


Nghỉ ngơi và tránh các cuộc trò chuyện quan trọng khi bạn buồn ngủ


Tất cả chúng ta đều biết rằng ngủ đủ giấc là tốt, nhưng điều này có thể khó khăn, đặc biệt là trong thế giới hiện đại bận rộn hoặc khi bạn thực sự căng thẳng. Chất lượng giấc ngủ rất quan trọng.


Việc tự theo dõi và cố gắng nhận biết khi nào bạn không ở trạng thái tốt do thiếu ngủ cũng rất hữu ích. Nếu bạn nhận ra rằng mình đang mệt mỏi (và có thể hơi cáu kỉnh), hãy cố gắng hoãn các cuộc trò chuyện quan trọng đến thời điểm mà bạn có thể thực hiện chúng tốt hơn.


7. Líu lưỡi khi nói chuyện với “người ấy"


Cho dù bạn có tự tin đến đâu, nói chuyện với một người bạn thích có thể khiến bạn trở nên căng thẳng. Điều này có thể khiến chúng ta phải vật lộn để thể hiện bản thân, hoảng sợ và nói điều gì đó ngu ngốc hoặc tự tạo ra vỏ bọc cho mình và im lặng. 


Khi chúng ta nhìn ai đó từ xa, chúng ta tạo ra một hình ảnh trong tâm trí về việc họ là người như thế nào. Hãy cố gắng nhớ rằng đây là hình ảnh của bạn về họ, không phải là bản thân họ. Trước khi bạn thật sự quen biết với ai đó, bạn chính xác là bị thu hút bởi hình ảnh của bạn về họ.


Giảm tầm quan trọng của cuộc trò chuyện


Trò chuyện với người bạn thích không nhất thiết phải làm họ thích bạn ngay lập tức hay khiến họ kinh ngạc bằng sự thông minh và hóm hỉnh của bạn. Mục đích cuộc trò chuyện là cho họ thấy bạn là ai và cố gắng tìm hiểu về họ. Hãy thử nhắc nhở bản thân, “Tôi đang không cố gắng tán tỉnh. Tôi đang cố gắng làm quen với người này. "


Những cuộc trò chuyện thường xuyên hơn, ngắn hơn có thể hữu ích. Nếu bạn nghĩ rằng một cuộc trò chuyện là cơ hội duy nhất để gây ấn tượng với họ, thì bạn có thể sẽ lo lắng về điều đó hơn là nếu bạn coi đó chỉ là một trong vô số cuộc trò chuyện khác. Điều này có thể giúp bạn thả lỏng và là chính mình hơn.


8. Không chú ý


Việc không tập trung đủ tệ và có thể khiến bạn cực kỳ khó để tham gia lại cuộc trò chuyện. Điều này là do bạn có thể không hoàn toàn hiểu những gì mọi người đang nói hoặc lo lắng về việc lặp lại điều mà người khác đã nói trước đó.


Cải thiện khả năng chú ý 


Trong trường hợp này, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu bạn nhận thấy mình đã lơ đãng, giải pháp tốt nhất thường có thể là xin lỗi và sau đó tập trung lại vào cuộc trò chuyện. Miễn là bạn không làm điều này quá thường xuyên, hầu hết mọi người sẽ hiểu và thông cảm vì sự trung thực của bạn.


9. Tránh các chủ đề đau thương


Đôi khi chúng ta hoàn toàn thoải mái khi trò chuyện về các chủ đề thường ngày nhưng lại gặp khó khăn khi nói về những vấn đề khó khăn mà chúng ta hiện đang gặp phải. Không thể chia sẻ nỗi đau hiện tại có thể khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập, dễ tổn thương, dễ trầm cảm và tự làm hại bản thân. [2]


Yêu cầu những thứ bạn cần


Khi mọi thứ trở nên thực sự khó khăn, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu chính xác những gì bạn cần. Trên thực tế, hầu hết mọi người sẽ vui lòng khi bạn đã đưa cho họ chỉ dẫn, vì họ có thể đã lo lắng không biết làm sao để giúp bạn.


Thông thường, có thể yêu cầu họ chỉ ngồi đó với bạn, không cần bạn phải nói chuyện. Nếu đó là những gì bạn cần, hãy thử nói, “Tôi thực sự không thể nói về điều này ngay bây giờ, nhưng tôi không muốn ở một mình. Bạn chỉ cần ngồi với tôi một lúc được chứ? ”


Bạn có thể nhận ra rằng bạn muốn nói về mọi chuyện sau một khoảng thời gian ngồi cùng nhau, hoặc có thể không. Bạn cần gì cũng được.



10. Cảm thấy rằng việc nói chuyện không đáng để nỗ lực


Có hai khía cạnh cần xem xét trong vấn đề này. Một là nói chuyện với người khác có thể tốn rất nhiều năng lượng. Hai là việc nói chuyện với mọi người có thể làm bạn cảm thấy không thoải mái. Một trong hai điều này có thể khiến bạn cảm thấy rằng việc trò chuyện là không đáng để nỗ lực.


Nếu chỉ có một vài người khiến bạn cảm thấy như vậy, hãy cố gắng chấp nhận rằng vấn đề có thể không nằm ở bạn. Đó cũng có thể không phải là lỗi của họ. Chỉ là hai người không hợp nhau. Nếu bạn cảm thấy như vậy về hầu hết hoặc tất cả mọi người, bạn nên xem xét lại bản thân mình.


Tìm kiếm điều bổ ích trong các cuộc đối thoại


Những cuộc nói chuyện phiếm thường không bổ ích, đặc biệt nếu bạn là người hướng nội hơn là hướng ngoại. Cố gắng thay đổi tư duy của bạn và xem cuộc nói chuyện phiếm là để xây dựng mối quan hệ và lòng tin. Hãy tự nói với bản thân:


“Tôi có thể không quan tâm đến những câu chuyện về thời tiết/ giao thông/ người nổi tiếng, nhưng tôi đang cho thấy rằng tôi đáng tin cậy. Đây là cách tôi có được những cuộc trò chuyện và tình bạn sâu sắc hơn ”.


11. Các vấn đề về tâm lý


Nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý khác nhau có liên quan đến khó khăn trong giao tiếp hoặc việc tận hưởng những cuộc trò chuyện đó. Hội chứng ám ảnh xã hội, trầm cảm, hội chứng Asperger và ADHD được cho là có ảnh hưởng đến việc giao tiếp của bạn, cũng như các triệu chứng cụ thể hơn như chứng im lặng chọn lọc.


Tìm kiếm phương pháp trị liệu thích hợp


Nhớ rằng bạn không cần phải chịu đựng trong im lặng. Tìm kiếm sự điều trị với một bác sĩ mà bạn tin tưởng. Hoặc đơn giản, bạn có thể “sống thật" với người mà bạn thực sự tin tưởng. 



Tham khảo

Brown, A. S. (1991). A review of the tip-of-the-tongue experience. Psychological Bulletin, 109(2), 204–223.


Stänicke, L. I., Haavind, H., & Gullestad, S. E. (2018). How Do Young People Understand Their Own Self-Harm? A Meta-synthesis of Adolescents’ Subjective Experience of Self-Harm. Adolescent Research Review, 3(2), 173–191. https://doi.org/10.1007/s40894-018-0080-9


------------

Dịch bởi: Trần Khánh Huyền

Biên tập: Ori

Ảnhburst.shopify.com

Tham khảo

Viktor Sander B.Sc., B.A (2021). Hard To Talk? Reasons Why And What To Do About It [Online] Available at: https://socialpronow.com/blog/hard-to-talk/ [Accessed 06 August 2021]

----------



BẢN THẢO
Bài viết liên quan