7 Dấu Hiệu Của Một Người Cầu Toàn – Nỗi Trăn Trở Mang Tên Chính Mình

Tôi trở nên bứt rứt và khó chịu khi không thể đạt được một mục tiêu (thú thật là, nó không thực tế) một cách hoàn hảo và hiệu quả. Liệu những người khác cũng có những phản ứng dữ …

Tôi trở nên bứt rứt và khó chịu khi không thể đạt được một mục tiêu (thú thật là, nó không thực tế) một cách hoàn hảo và hiệu quả. Liệu những người khác cũng có những phản ứng dữ dội như thế chăng, tôi tự hỏi. Trên thực tế, câu trả lời là, CÓ. Vậy, bạn đã bao giờ xem xét các dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn chưa? Nếu bạn luôn cảm thấy thất vọng với việc mình đã làm, và không dừng lại cho đến khi đạt được tất cả thành tựu trên mỗi cuộc hành trình, thì bài báo này sẽ giúp ích cho bạn nhiều đấy.Theo từ điển trực tuyến Merriam-Webster, chủ nghĩa cầu toàn được định nghĩa là “tính cách coi mọi thứ thiếu hoàn hảo là không thể chấp nhận được, đặc biệt là việc thiết lập các mục tiêu phi lý đi kèm với khuynh hướng bị tổn thương bởi thất bại và xem lỗi lầm đó như một dấu hiệu của sự vô dụng.”

Dù cho bạn là một người cầu toàn và nhạy cảm với từng suy nghĩ, xin đừng quá băn khoăn. Bằng cách hiểu một số dấu hiệu và học cách yêu thương bản thân hơn, bạn có thể giảm bớt căng thẳng và ổn định cảm xúc khi gặp kết quả không mong muốn. Như Trung tâm Health Central, Florida, Mỹ đã lưu ý, có một điều thú vị về sự cầu toàn, và đó là nỗ lực thành công. Bây giờ, hãy nghĩ về những mục tiêu đang hiện hữu. Liệu chúng có hợp lý? Nếu bạn tiếp tục theo đuổi những điều không thực tế như thế, bạn sẽ thấy bản thân luôn sống trong áp lực vô hình. Tập trung vào những điều bạn có thể hoàn thành, và sử dụng ý chí để đạt được những điều đó. 

Đối với tất cả những người cảm thấy có liên hệ với những điều ở trên, thì sau đây là bảy dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn, và tại sao điều đó lại bình thường.

1. Bạn không ngừng cố gắng làm hài lòng người khác (và chính mình)

Theo Huffington Post, thường thì chúng ta bắt đầu thấy những dấu hiệu của sự hoàn hảo từ thời thơ ấu, cụ thể như là khi học sinh cố gắng đạt thành tích cao trong lớp học. Nếu ngay từ xưa bạn đã liên tục nhắm đến điểm cao để làm hài lòng hoặc gây ấn tượng với giáo viên, cha mẹ và bản thân, hãy coi đây là dấu hiệu ban đầu của sự cầu toàn. Nhà tâm lý học Monica Ramirez Basco từng bày tỏ quan điểm trên tờ Huffington Post rằng, suy nghĩ kiểu này chính là nguyên nhân cho một vấn đề lớn trong tương lai, đó là nỗi thất vọng tột cùng khi mọi thứ “trật đường ray”. Basco cho biết, “Cố gắng đạt được sự hoàn hảo có thể sẽ đau đớn bởi nó thường bị thúc đẩy bởi sự mâu thuẫn giữa khát vọng trở nên xuất sắc và nỗi sợ hãi thất bại”. Hãy đè bẹp những nỗi sợ đó và nhớ rằng hoàn toàn không có cách nào để mọi thứ luôn tốt đẹp. Mong đợi như vậy là hão huyền.

2. Suy nghĩ của bạn cố định ở “được ăn cả, ngã về không”

Elizabeth Lombardo – tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng – đã giải thích ý tưởng “tất cả hoặc không gì cả” rất chi tiết trong bài viết của mình trên tờ Everyday Health. Bà lưu ý rằng điều này có thể đơn giản như việc làm rối loạn chế độ ăn kiêng của bạn bằng một cái bánh quy, và sau đó – vì đã lỡ phá hỏng nó – bạn sẽ ăn luôn toàn bộ gói bánh. Lombardo cũng sử dụng ví dụ về việc một người không có đủ thời gian để thiền trong 30 phút, và vì vậy anh ta hoàn toàn bỏ qua luôn điều đó. Được, hoặc không, vậy thôi. Mặc dù đây là một điều rất phổ biến đối với những người cầu toàn, nhưng nếu bạn thả lỏng và từ từ bóc tách lối suy nghĩ này, bạn sẽ dễ dàng hiểu rằng thế giới không phải lúc nào cũng chỉ có hai màu đen trắng – như Lombardo đã nói – mà thay vào đó, bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái trong vùng màu xám.

3. Bạn vô thức đặt ra tiêu chuẩn cho cách người khác hành động

Health Central lưu ý một dấu hiệu nữa của người cầu toàn: xu hướng thiết lập tiêu chuẩn cho người khác, bên cạnh các tiêu chuẩn mà họ giữ cho mình. Điều này có nghĩa là họ thường xuyên phán xét và chỉ trích, vì họ luôn hướng đến sự hoàn hảo xung quanh. Theo Psych Central, khi bạn cầu toàn, bạn thường thiếu kiên nhẫn với người khác và đối xử với họ một cách khắc nghiệt đặc biệt khi họ có phản ứng “không phù hợp”. Bạn đặt ra các tiêu chuẩn cho chính mình, điều đó ổn thôi, thế nhưng hãy cố gắng khoan dung với người khác. Đơn giản là không ai có thể kiểm soát kẻ khác, nên đừng quá nặng nề với chính mình vì việc đó.

4. Bạn không sự cởi mở với những lời nhận xét

Những phản hồi mang tính phê bình cao làm cho người cầu toàn có cảm giác như bị dìm xuống nước cho chết đuối. Theo Lombardo, người cầu toàn cho rằng các phản hồi là công kích vào giá trị cá nhân của riêng họ và chúng chẳng dẫn đến gì khác ngoài cảm giác hổ thẹn. Ngay cả một nhận xét đơn giản như “Anh đã rất cố gắng…” cũng tức khắc được phiên dịch thành “Anh ta thật không được tích sự gì!”. Cách tốt nhất để quản lý điều này, theo bà Lombardo, là ngừng biến những lời nhận xét thành mối tương quan trực tiếp vào giá trị cốt lõi; thay vào đó sử dụng chúng để hướng bạn tiến về phía trước.

5. Bạn không cần giúp đỡ

Yêu cầu giúp đỡ? Không đời nào. Những người cầu toàn cảm thấy chỉ khi họ độc lập làm việc, nhiệm vụ mới được hoàn tất một cách trọn vẹn. Theo Health Central, nếu bạn là người cầu toàn, bạn sẽ nghĩ rằng tìm kiếm sự hỗ trợ là dấu hiệu của sự yếu đuối – điều mà bạn luôn khinh thường. Cảm giác tự lập thật tuyệt vời – và hãy luôn tự tin với khả năng đó! Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết rằng, đôi khi mọi thứ sẽ đơn giản và hiệu quả hơn khi có ai đó góp sức cùng bạn.

6. Trớ trêu thay, bạn có xu hướng trì hoãn – một cách thường xuyên

Điều này có vẻ rất lạ, nhưng nó thật sự tồn tại – sự trì hoãn và cầu toàn song hành với nhau. Theo Huffington Post, chủ nghĩa hoàn hảo có liên quan đến hành vi tự đánh bại bản thân (ám ảnh với sai lầm), ví dụ như sự trì hoãn quá mức. Có một bài báo cáo ở lớp vào ngày mai? Thế nhưng, chiều nay, bạn lại chọn đi chơi ở biển thay vì luyện tập thuyết trình. Các nghiên cứu cũng chỉ ra sự cầu toàn theo định hướng khác – một hình thức của sự hoàn hảo được thúc đẩy bởi tiêu chuẩn xã hội có liên quan đến xu hướng trì hoãn nhiệm vụ. Tại sao lại như vậy? Một nghiên cứu từ tạp chí Social Behavior and Personality cho thấy thói quen chần chừ chủ yếu đến từ dự đoán rằng họ sẽ gặp phải phản đối từ người khác. Thay vì sợ sự từ chối từ người khác, hãy nhớ một điều rằng bạn rất giỏi trong cách định hướng mục tiêu, tập trung và làm việc một cách xuất sắc, và vì vậy hãy cố gắng làm việc càng sớm càng tốt thay vì chờ đến phút chót.

7. Bạn khó lòng ăn mừng thành công của chính mình

Theo Psychology Today, nếu bạn là người cầu toàn, bạn sẽ không thưởng cho bản thân trước những thành tựu đã vất vả đạt được, cũng không hề thấy vui sướng khi khoe khoang chiến thắng dù có lớn đến mức nào đi nữa. Có khả năng, bạn sẽ chỉ cho rằng bản thân may mắn. Chúng ta đã biết rằng những người cầu toàn rất khó tính khi làm việc để đạt được điều gì đó, nhưng ngay cả khi họ đã hoàn thành xuất sắc, họ có thể nói rằng họ ước gì họ đã làm nhanh hơn, hoặc làm tốt hơn. Chú ý rằng – điểm mấu chốt là bạn đã thành công, và đó thực sự là tất cả những gì chúng ta hy vọng. Hãy ăn mừng vì nó xứng đáng. Thành tích, huy chương là một ví dụ điển hình về thái độ làm việc chăm chỉ luôn xứng đáng được đền đáp. Và thôi nào, hãy cười tươi lên, vì bạn giỏi hơn bạn nghĩ nhiều đấy.

Bất cứ lúc nào bạn thấy bóng dáng bản thân trong những điều trên, hãy nhớ rằng không có gì sai khi là người cầu toàn, tuy nhiên, cố gắng để trở nên dễ chịu hơn với chính mình (và cả những người xung quanh nữa!). Sau cùng, chúng ta vẫn chỉ là những con người với nhau.

Dịch: Kuhe

Biên tập: #Zealous

Nguồn: https://www.bustle.com/articles/141016-7-signs-you-are-a-perfectionist-why-thats-ok

Ảnh: Ngọc Anh

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan