Bạn Nên Nói Gì Với Người Trầm Cảm?

Trầm cảm, như một số người vẫn nói, là bệnh cảm thường của tâm lý. Và dĩ nhiên là có lý do để họ nói như vậy. Ảnh hưởng đến hơn 17.3 triệu người Mỹ trưởng thành, với hàng ngàn …

Trầm cảm, như một số người vẫn nói, là bệnh cảm thường của tâm lý. Và dĩ nhiên là có lý do để họ nói như vậy. Ảnh hưởng đến hơn 17.3 triệu người Mỹ trưởng thành, với hàng ngàn ca mắc mới mỗi năm và còn rất nhiều ca chưa được chẩn đoán, trầm cảm đang trở thành bệnh tâm lý phổ biến và lan rộng nhất trên thế giới. (Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ NTMH, 2017).

Phụ nữ, trẻ vị thành niên, và những người có địa vị kinh tế xã hội thấp dễ mắc chứng trầm cảm hơn, nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai (Tổ chức Y tế thế giới WHO, 2020). Hiện vẫn chưa có nghiên cứu rõ ràng về nguyên nhân và bản chất chính xác của bệnh trầm cảm, vậy nên cũng không có được cách để ngăn ngừa căn bệnh này.

Dù là vậy, nếu ai đó trong cuộc sống của bạn cũng đang vật lộn với trầm cảm, dù đó là một người bạn, bố mẹ, anh chị em hay người thương, bạn vẫn sẽ rất muốn giúp dù không biết phải làm sao. Bệnh trầm cảm là một vấn đề rất nhạy cảm và dù ý định của bạn là tốt, bạn vẫn có thể thốt ra những điều không nên nói, và làm họ cảm thấy tệ hơn. Vậy nên, nếu bạn muốn cải thiện cuộc nói chuyện với một người trầm cảm, dưới đây là 7 ví dụ tuyệt vời để bắt đầu.

1.Tôi quan tâm đến bạn.” (I care about you.)

Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy để họ biết rằng bạn đang rất quan tâm đến họ. Đảm bảo với họ rằng họ luôn và sẽ luôn được yêu thương dù có bất kì điều gì xảy ra. Bởi ngay lúc này, họ có thể đang cảm thấy tệ về bản thân và chìm đắm trong sự ruồng bỏ chính mình. Bởi dù gì thì, một trong những triệu chứng gây suy nhược nhất của trầm cảm đó là cảm giác vô dụng mãnh liệt và những ý nghĩ tự tử (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ APA, 2013). Nên hãy nhắc để họ nhớ họ tuyệt vời nhường nào, rằng họ quan trọng với bạn nhường nào, và rằng họ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Ôm họ, hôn họ, nắm tay họ nếu bạn thấy khó khăn khi bày tỏ bằng lời. Hãy cứ để họ biết bạn yêu họ và rất nhiều người khác cũng thế.


2. “Luôn có tôi ở đây vì bạn.” (I’m here for you.)

Trầm cảm đáng sợ và choáng ngợp đến mức nó có thể làm con người ta thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao họ rất cần đến những nguồn động viên to lớn để giúp họ đối diện với căn bệnh này (Lin, Dean, & Ensel, 2013). Vậy nên nếu ai đó trong nhóm bạn bè, người yêu hay gia đình của bạn mắc trầm cảm, hãy nói với họ rằng bạn luôn luôn ở đó vì họ và sẽ luôn sát cánh cùng họ dù mọi chuyện có tồi tệ đến mức nào đi chăng nữa.

Động viên những người thân yêu của bạn nhiều nhất có thể, theo mọi cách mà bạn có thể làm được. Đừng để họ cô độc và chịu đựng trong im lặng. Nắm lấy tay họ và để họ biết rằng họ không hề cô đơn trong trận chiến chống lại trầm cảm, rằng bạn luôn ở đây với họ và cổ vũ họ trên mỗi bước đi, mỗi chặng đường.

3. “Chẳng có gì sai khi bạn có những cảm xúc này.” (It’s okay to feel this way)

Đừng bao giờ hỏi ai đó vì sao họ trầm cảm hoặc cái gì làm họ trầm cảm, bởi nó chỉ làm họ thấy tệ hơn thôi. Nếu bạn thực sự muốn giúp đỡ, hãy hiểu và ghi nhận sự chật vật của họ và cho họ biết rằng chẳng sao cả nếu họ đang có những cảm xúc tiêu cực, rằng đó không phải là lỗi của họ khi cảm thấy trầm cảm. Hãy trở thành nơi trú ẩn an toàn cho họ và cho phép họ thể hiện bản thân một cách thoải mái mà không sợ bị đánh giá, thay vì bác bỏ cảm xúc của họ và có những nỗ lực sai lầm để làm họ vui lên hay “giúp họ nhìn thấy khía cạnh tươi sáng của vấn đề.” Họ không cần phải cảm thấy tồi tệ vì có những cảm xúc tồi tệ.

4. “Tôi có thể làm gì để giúp bạn?” (What can I do to help you?)

Hãy chủ động bước vào cuộc chiến chống lại trầm cảm với họ và hỏi họ liệu bạn có thể giúp gì không. Thường thì trầm cảm sẽ bòn rút cảm giác hạnh phúc, khiến ta kiệt sức về cả thể lực, cảm xúc lẫn tinh thần (Nyklicek & Pop, 2005). Lời đề nghị chia sẻ bớt gánh nặng này sẽ có ý nghĩa rất nhiều với họ, chỉ là đừng khiến họ cảm thấy bản thân là gánh nặng với bạn. Hỏi thăm họ thường xuyên, giúp đỡ họ việc nhà, chuẩn bị một bữa ăn cho họ, cùng nhau đi chợ, dắt chó đi dạo. Những hành động nhỏ bé chân chân thành này có thể tạo ra một thế giới hoàn toàn khác với những người trầm cảm.

5. “Bạn đã bao giờ chia sẻ điều này với một nhà trị liệu?” (Have you talked to a therapist about this?)

Có lẽ một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho một người mắc trầm cảm là động viên họ tìm kiếm sự trợ giúp và tìm đến các chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Theo như Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ NIMH (2017), đến 80% bệnh nhân tìm đến các phương pháp điều trị trầm cảm đã bắt đầu cho thấy sự tiến bộ trong vòng 4-6 tuần đầu, nhưng gần như ⅔ trong số được chẩn đoán trầm cảm không tìm đến bác sĩ. Trị liệu tâm lý (và, trong một số trường hợp, thiền định) là rất cần thiết để nâng cao khả năng hồi phục khỏi trầm cảm, nhưng vì sự kỳ thị áp lên những căn bệnh tâm thần, rất nhiều người cảm thấy xấu hổ khi đi gặp một nhà tâm lý học. Vậy nên, việc bạn luôn động viên và nói cho họ rằng chẳng có gì sai khi đến gặp một nhà trị liệu là rất quan trọng.

6. “Bạn có cần ai đó nói chuyện cùng không?” (Do you need someone to talk to?)

Nếu một người bạn quan tâm mắc trầm cảm, đôi khi điều tốt nhất mà bạn có thể làm đó là lắng nghe họ, đặc biệt là khi họ không thể nói điều đó với một nhà trị liệu. Việc có thể nói ra cảm xúc của bản thân là một điều rất tốt với họ, xoa dịu đi một vài những hỗn loạn trong lòng họ. Vậy nên hãy để họ mượn đôi tai của bạn. Hãy thấu cảm khi họ nói về những điều làm phiền họ và luôn giữ một cái nhìn cởi mở với những điều họ kể. Tập trung lắng nghe cũng là cách để bạn bộc lộ sự thấu cảm và điều đó giúp bạn có được sự chú ý của họ, cũng như hiểu hơn về những mâu thuẫn nội tâm mà họ đang gặp phải.

7. “Bạn có thể hồi phục.” (You can get better)

Trầm cảm là một bệnh tâm lý rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng nó hoàn toàn có thể chữa trị được, và khả năng hồi phục là rất hứa hẹn (Depression and Bipolar Support Alliance, 2014). Vậy nên hãy đảm bảo rằng người thân của bạn không bao giờ mất đi hy vọng trong trận chiến chống lại trầm cảm.

Chẳng có giải pháp dễ dàng nào cho những cảm giác trong họ và nó cũng không phải chuyện một sớm một chiều. Sẽ có những ngày mà họ tưởng như đã vượt qua nó, để rồi lại rơi vào một pha trầm cảm khác khi họ ít ngờ đến nhất. Nhưng bạn đừng bao giờ từ bỏ họ và cũng đừng để họ từ bỏ chính mình. Với rất nhiều sự kiên nhẫn, tận tụy, tình yêu và sự hỗ trợ, mọi thứ rồi sẽ ổn hơn. Bạn vẫn có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và hài lòng kể cả khi bạn không bao giờ hồi phục hoàn toàn khỏi bệnh trầm cảm.

Sự thật là, chẳng có ngôn từ nào là hoàn hảo để nói với những người trầm cảm. Chẳng có lời nói hay hành động nào có thể chắc chắn chữa khỏi bệnh tâm lý hay lấy đi sự chịu đựng của họ, song nó có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Nói những lời tích cực và cổ vũ có thể truyền cảm hứng và hy vọng cho những người bạn yêu thương tiếp tục chiến đấu và đợi chờ những điều tốt đẹp. Vậy nên đừng đánh giá thấp sức mạnh của những cử chỉ hay lời nói ấm áp. Hãy để ý đến cách mà lời nói và hành động của bạn ảnh hưởng đến họ. Và hãy bộc lộ nhiều nhất tình yêu thương, lòng tốt, sự trân quý dành cho họ, đồng thời hãy là nguồn động viên tinh thần to lớn của họ, bạn nhé.

Dịch: Murph

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: rawpixel.com

Nguồn bài viết: 7 things to say to someone with depression.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan