7 mẹo để trở thành một người lắng nghe tuyệt vời

Giao tiếp giống như việc “cho và nhận”, vì thế, nói không thôi là chưa đủ, bạn cần học cách lắng nghe.

Yếu tố then chốt trong một cuộc giao tiếp không nằm ở những gì bạn nói, mà nằm ở cách bạn lắng nghe. Nếu bạn không phải là người lắng nghe tốt thì rất khó để trở thành một người giao tiếp giỏi, cho dù những thông tin bạn đưa ra có mạch lạc và rõ ràng đến đâu. Bởi giao tiếp giống như việc “cho và nhận”, vì thế, nói không thôi là chưa đủ, bạn cần học cách lắng nghe.

 

Nguồn: Christina @ wocintechchat.com

 

Rất nhiều người có lẽ đang hiểu lầm về lắng nghe. Họ hiểu nó đơn giản là nghe một cách thuần túy. Nhưng “nghe” và “lắng nghe” hoàn toàn khác nhau. Khi còn là người giáo dục về bạo hành và kế hoạch hóa gia đình, tôi đã dành rất nhiều thời gian để giúp mọi người học được cách lắng nghe nửa kia của mình. Lắng nghe chủ động bao gồm việc chú ý tới ngôn ngữ cơ thể, suy ngẫm những điều đối phương nói, và cố gắng đặt mình vào góc nhìn của họ thay vì chỉ giữ yên lặng và nói khi “đến lượt” của của mình.

 

Lắng nghe một cách chủ động sẽ giúp cho đối phương cảm thấy được thấu hiểu, đồng cảm ngay cả khi hai bạn đang có những ý kiến đối lập. Những mẹo sau đây sẽ không chỉ giúp ích cho bạn trong những cuộc tranh luận, cãi vã mà còn đóng vai trò quan trọng trong cả những cuộc trò chuyện thường ngày. Hãy thử ngay một số mẹo sau và xem liệu chúng có thể làm bền chặt thêm mối quan hệ và thúc đẩy sự thấu hiểu không nhé!

 

1. Tập trung

 

Tôi là một người mắc chứng ADHD (tăng động giảm chú ý) nên mọi người có thể tin những gì tôi chuẩn bị chia sẻ. Tôi hiểu việc tập chung khó khăn tới mức nào. Nhưng không có gì là không thể. Bước đầu tiên là hãy đặt điện thoại sang một bên. Sau đó, bạn cần chú ý tới đối phương. Tránh việc tập trung vào những thứ xung quanh như thú cưng, TV hoặc thứ gì đó khiến bạn bị phân tâm. Hãy để người đối thoại cảm nhận được bạn đang ở đây, muốn lắng nghe và thực sự quan tâm tới những gì họ nói.

 

2. Đừng cắt lời

 

Việc cắt lời người khác thể hiện sự thiếu tôn trọng, cho dù bạn đang gấp hay có điều cực kỳ quan trọng muốn nói, hay những điều bạn chuẩn bị nói ra là độc nhất vô nhị, trước nay chưa từng có. Nếu đối phương đang nóng giận và mất bình tĩnh, bạn có thể ngắt lời, nếu không thì bạn nên để họ nói trước. Và bạn nên đảm bảo rằng họ cũng dành cho bạn sự tôn trọng như thế.

 

3. Đưa ra những dấu hiệu rằng bạn đang lắng nghe

 

Những cái gật đầu hay những từ ngữ như “ừ”, “đúng rồi” không có nghĩa rằng bạn đang ngắt lời. Đây là tín hiệu thể hiện rằng bạn thực sự đang lắng nghe và hiện diện trong cuộc trò chuyện. Vì vậy, những cử chỉ trên giúp đối phương cảm thấy bạn đang thực sự đầu tư thời gian, chú ý và muốn nghe họ nói. Nếu có thể, hãy đặt những câu hỏi để thể hiện sự hứng thú và thấu hiểu.

 

Nguồn: grantshawcroftmarketing.com

4. Thực sự để tâm

 

Điều này khó hơn bạn tưởng, đặc biệt đối với những người có khả năng tập trung kém như tôi. Nó có thể đòi hỏi kỉ luật và sự tập trung cao độ khi đối phương đang nói. Ngay cả khi bạn đã nghe câu chuyện đó cả triệu lần, hãy cứ để tâm lắng nghe và đừng xao nhãng. Nếu đây là người bạn yêu thương thì họ xứng đáng được lắng nghe và tôn trọng.

 

5. Thể hiện sự đồng cảm

 

Điều này có thể khá khó khăn và nó đòi hỏi bạn phải đặt mình vào vị trí của người khác. Vì vậy, đồng cảm vô cùng cần thiết, đặc biệt trong những lúc bất đồng. Ngay cả khi bạn không đồng tình với quan điểm của ai, hãy có đặt mình vào hoàn cảnh và góc nhìn của họ. Nhờ vậy, chí ít bạn có thể hiểu họ đang cảm thấy như thế nào. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn phải đồng tình với họ mà thiên về việc giúp bạn có góc nhìn đa chiều hơn.

 

6. Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của bạn

 

Khi đối phương đang nói, bên cạnh việc lắng nghe chủ động, bạn cần chú ý tới cả ngôn ngữ cơ thể. Hãy để ý tới ánh mắt, điệu bộ và cả dáng vẻ của mình: điểm nhìn, sự chuyển động của cơ thể, khoanh tay, lắc đầu,.. Và nhớ rằng đừng bỏ đi chỗ khác trừ phi bạn cần thời gian để bình tĩnh hay suy nghĩ. Hiểu ngôn ngữ cơ thể của chính mình là một yếu tố vô cùng quan trọng của sự lắng nghe chủ động.

 

7. Đừng lắng nghe chỉ để “bắt lỗi"

 

Mục đích của cuộc trò chuyện không nằm ở việc bạn muốn họ phải thay đổi hay thể hiện sự phản đối với những gì họ đang nói. Bạn không lắng nghe ai đó để “bắt lỗi” họ, mà ngược lại, bạn muốn giữ một thái độ cởi mở với những góc nhìn khác nhau. Nếu bạn quá để tâm tới việc tìm ra lỗi sai của đối phương, bạn có xu hướng sẽ thể hiện sự chê bai, chỉnh lại lỗi của họ, thậm chí cắt ngang và nói rằng: “KHÔNG!”, “Bạn sai rồi”. Bạn đánh mất tư duy cởi mở và dễ dàng rơi vào lối suy nghĩ bảo thủ. Thay vào đó, hãy dần dần loại bỏ lối tư duy ấy và coi những cuộc tranh luận là nơi để tìm ra giải pháp thay vì mâu thuẫn.

 

Nếu bạn có thể thành thạo những kỹ năng này, bất kì ai, đặc biệt là nửa kia của bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái, an toàn và sẵn sàng chia sẻ với bạn khi những vấn đề khó khăn xảy đến. Và chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn điều này phải không?

 

 

-------------------------------------

Translator: Ivoanh

Editor: July

Nguồn dịch: https://www.bustle.com/articles/148658-7-tips-for-being-an-excellent-listener-in-your-relationship

 

 

 

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan