8 Đặc Điểm Ở Những Người Nhạy Cảm Cao Ngăn Họ Đến Với Tình Yêu

Được làm một người có tính nhạy cảm cao (HSP) là một món quà đẹp đẽ và quý giá, mặc dù đôi khi bạn lại không cảm thấy như vậy.

Được làm một người có tính nhạy cảm cao (HSP) là một món quà đẹp đẽ và quý giá, mặc dù đôi khi bạn lại không cảm thấy như vậy. Từ thuở lọt lòng mẹ, HSPs đã được “lập trình” để xử lý mọi thứ ở mức độ sâu sắc hơn so với những người khác, họ có xu hướng hướng vào nội tâm, tự nhận thức bản thân, khéo ăn nói, có trực giác cao và luôn tin tưởng vào cảm xúc của mình. Điều này cho phép họ có ý thức sâu sắc hơn về tình yêu, sự thân mật và kết nối cảm xúc trong mối quan hệ với người khác, với điều kiện họ biết cách điều khiển tính nhạy cảm của mình.

Tuy nhiên, một số HSPs không biết rằng họ là HSPs, và hầu hết mọi người lại không thực sự hiểu về định nghĩa của khái niệm này. Chính vì lẽ đó, HSPs có thể trông khó làm quen và khó xây dựng mối quan hệ thân tình với người khác. Họ thường bị mọi người xung quanh hiểu lầm và bị coi là những người “quá nhạy cảm”, “quá nghiêm trọng”, hay “quá nhiều cảm xúc”.

Dưới đây là 8 điều khiến những người nhạy cảm cao khó đến được với yêu thương:

1. Quan tâm đặc biệt đến mọi cảm xúc của bản thân.

Mặc dù việc yêu một người đồng điệu về mặt cảm xúc mang đến những điều tích cực, tuy nhiên mọi thứ cũng có thể trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Một người nhạy cảm cao không chỉ có khả năng nói ra cảm xúc hiện tại của bạn, họ còn tiếp nhận và trải nghiệm nó như cảm xúc của chính mình. Họ luôn đồng cảm với những cảm giác của bạn, dù là tốt hay xấu, dẫn đến việc đôi khi bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ khoảng cách với họ, đặc biệt khi bạn cảm thấy tức giận, cáu kỉnh, lo lắng hoặc ủ rũ. Vì vậy, đừng hy vọng người bạn nhạy cảm cao của bạn sẽ giữ bình tĩnh khi bạn buồn bã hoặc sẽ giúp cho tâm trạng của bạn vững vàng hơn.

2. Chú ý đến mọi chi tiết nhỏ.

Một bất lợi lớn cho những HSPs với đôi mắt tinh tường là khả năng nhận thấy những cảm xúc thoáng qua và trầm trọng hóa chúng. Dù bạn thay đổi tông giọng hay nét mặt, một người nhạy cảm cao sẽ nhanh chóng để ý và tự hỏi rằng điều đó có ý nghĩa gì. Họ rất giỏi trong việc đọc vị người khác, và đồng thời áp đặt những điều họ nghĩ người khác định biểu lộ vào những hành động nhỏ ấy, mặc dù những hành động ấy chẳng có ý gì cả. Họ chú ý đến những cử chỉ tiểu tiết, và đôi khi họ nghiêm trọng hóa mọi thứ lên.


3. Có khả năng phát hiện lời nói dối.

Bạn có thể tin rằng sự thành thật là vô cùng quan trọng trong các mối quan hệ lành mạnh, điều đó là không sai. Thế nhưng, khi bạn bắt đầu hẹn hò với một HSP, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy nặng nề khi biết rằng bạn không thể che giấu bất kỳ điều gì với họ cả. Chúng ta đều cần sự riêng tư, và thỉnh thoảng chúng ta muốn giữ những điều bí mật cho riêng mình vì chúng quá riêng tư để chia sẻ cho những người thân yêu. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy không thoải mái khi bị vạch trần, biết rằng người khác có thể thấy được những điểm yếu của ta ngay cả khi ta không muốn họ làm như vậy. Đó là lý do tại sao một số người cảm thấy khó khăn khi yêu một người nhạy cảm cao.

4. Tiếp nhận mọi thứ quá chậm.

Sự thay đổi có thể là một điều đáng sợ đối với bất kỳ ai, thế nhưng vì HSPs cảm nhận và xử lý mọi thứ sâu hơn nhiều so với những người khác, sự thay đổi này sẽ luôn cực kỳ ám ảnh đối với họ. Có lẽ trước đây họ chưa từng có mối quan hệ nghiêm túc nào, hoặc cũng có thể họ vẫn chưa hoàn toàn vượt qua mối tình tan vỡ trước đó. Dù lý do là gì, hầu hết các HSPs đều muốn cuộc tình của mình với đối phương tiến triển chậm, đặc biệt ở thuở mới bắt đầu. Điều này thường khiến họ trông có vẻ do dự hoặc dè chừng khi bạn bắt đầu hẹn hò với họ, và thậm chí có những lúc bạn tự hỏi liệu họ có đáp trả lại tình cảm của mình hay không. Việc yêu một HSP là không hề dễ dàng, đặc biệt khi bạn mong muốn một sự nghiêm túc ngay lập tức.

5. Dễ bị quá tải.

Một lý do khác khiến việc yêu một người có tính nhạy cảm cao trở nên khó khăn là vì họ có thể dễ dàng bị quá tải bởi mọi thứ. Họ không thích sự náo loạn, ồn ào hay những nơi đông người, họ cảm thấy kiệt sức khi phải tham gia quá nhiều hoạt động hoặc thực hiện các tương tác xã hội (điều này xảy ra ngay cả với những HSPs hướng ngoại). Họ không thuộc kiểu người thích đi chơi xuyên đêm hoặc khiêu vũ cả đêm tại vũ trường, Họ cảm thấy quá mệt mỏi khi phải đến các buổi hòa nhạc, trung tâm thương mại, lễ hội và công viên giải trí. Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một người thích phiêu lưu và luôn cởi mở, HSP không phải là sự lựa chọn của bạn.


6. Cần quá nhiều không gian riêng cho bản thân.

Bất kỳ người nào có tính nhạy cảm cao – cho dù là người hướng nội hay người hướng ngoại – luôn cần một ít thời gian riêng tư để nạp năng lượng vào cuối ngày. Họ không thể chịu nổi việc phải tiếp nhận quá nhiều kích thích trong một thời gian dài và do đó, cần có không gian riêng để thả mình theo những suy nghĩ của bản thân mà không bị bất kỳ điều gì làm gián đoạn. Họ có những ranh giới rạch ròi mà bạn cần phải tôn trọng, và thậm chí trong lúc đang dọn dẹp tâm trí của mình, họ thường xuyên biến mất vài ngày liên tục mà không để lại một cuộc gọi hay tin nhắn nào. Điều này có thể khiến mọi người xung quanh vô cùng chán nản, đặc biệt là những người thân yêu của họ, bởi hành động ấy khiến những người thân yêu cảm thấy mình thừa thãi và không được quan tâm chăm sóc.

7. Luôn chống lại những xung đột.

Không ai thích sự xung đột, đó là điều hiển nhiên, thế nhưng một số HSPs lại tuyệt đối chống lại nó. Họ không thích sự chia bè kết phái và cảm nhận sự căng thẳng hay tức giận giữa mọi người, vì vậy họ thường tránh các xung đột bằng mọi giá. Họ dễ dàng đồng tình và xuôi theo ý kiến của những người khác, ngay cả khi không thực sự muốn, và họ cẩn thận không bao giờ để bất kỳ lời chỉ trích hoặc ý kiến bất đồng nào của mình lọt ra ngoài. Họ không nói lên suy nghĩ của bản thân, thay vào đó, họ dồn nén mọi cảm giác tức giận và tổn thương vào bên trong. Họ không nhìn thấy sự thay đổi tích cực mà đôi khi xung đột có thể mang lại, đặc biệt là xung đột mang tính xây dựng. Chính vì điều này, các HSPs có thể trở nên quá dễ dãi, phục tùng và không sống thật với bản thân.

8. Bỏ bê việc chăm sóc bản thân.

Điều cuối cùng nhưng có lẽ là quan trọng nhất, thật khó để yêu một người trông có vẻ không quan tâm đến bản thân mình. Tất cả chúng ta đều muốn những người thân yêu của mình có thể tự chăm sóc bản thân bởi không phải lúc nào ta cũng luôn có mặt để chăm sóc cho họ. Chúng ta cảm thấy lo lắng hoặc chán nản khi họ không biết chăm sóc bản thân, và HSPs đã mắc phải sai lầm đó. Vì tính đồng cảm và giàu lòng trắc ẩn, rất nhiều người nhạy cảm cao đặt những nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của họ. Họ xem vấn đề của người khác như vấn đề của chính mình, và đôi khi họ phải vật lộn với việc trao trọn mọi thứ cho người khác.

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn bài viết: https://psych2go.net/8-things-hsps-do-that-make-them-hard-to-love/

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan