8 ưu điểm vượt trội khiến người hướng nội hơn hẳn người hướng ngoại

Khi bạn nạp càng nhiều những điều sâu sắc từ chia sẻ của người khác, đặc biệt là khi bạn thật sự nhập tâm vào những dòng cảm xúc hay suy nghĩ của đối phương, thì không khác gì bạn đang nạp càng nhiều “nhựa sống” vào mớ cảm xúc vốn đã thành hình rất rõ của mình

1. Lắng nghe chủ động hay còn gọi với tên tiếng Anh là “ Active Listening”

 

Bởi vì thế giới mà người hướng nội theo đuổi là thế giới “nội tâm”, họ có xu hướng làm giàu hay làm phong phú hơn thế giới đó càng nhiều càng tốt. Và một trong số những cách tuyệt vời là lắng nghe chủ động. Lắng nghe vốn dĩ đã rất khác với “nghe” thông thường. Thế nhưng, lắng nghe chủ động còn vượt xa khỏi phạm vi và tính chất thông thường của “lắng nghe”. Có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, bạn chủ động tìm đến một người bạn tin tưởng hay chủ động gợi mở câu chuyện, để bạn được “lắng nghe” và thấu hiểu họ. Trường hợp khác là khi bạn được họ chia sẻ câu chuyện, hoặc đơn giản là nói về những chuyện hết sức bình thường hàng ngày và bạn cực kỳ chú tâm vào câu chuyện ấy. Điểm đặc biệt ở đây là, khi bạn lắng nghe chủ động tức là bạn muốn mình không chỉ dừng lại ở việc nghe và hiểu mà còn phản hồi lại một cách “CHÂN THÀNH”. Từ khoá ở đây là “chân thành”.


Sau khi lắng nghe một cách chân thành, bạn sẽ hiểu được câu chuyện và đôi khi là một phần nào đó con người của đối phương. Bạn có thể phản hồi lại họ bằng sự im lặng - rằng bạn đã hiểu và ánh mắt bạn nói lên điều đó. Hoặc bạn có thể đặt ra những thắc mắc mang tính đóng góp chứ không hoàn toàn là bồng bột hay thiếu quán tính như khi bạn chỉ tranh phần của họ hoặc chen ngang vào khi họ chia sẻ. Vậy nói như này thì người hướng ngoại chẳng nhẽ không chân thành ư? Họ không chủ động ư? Hay họ kém cỏi trong việc giao tiếp hàng ngày. Hoàn toàn không. Điểm mấu chốt ở đây là “CẢM XÚC”. Khi bạn nạp càng nhiều những điều sâu sắc từ chia sẻ của người khác, đặc biệt là khi bạn thật sự nhập tâm vào những dòng cảm xúc hay suy nghĩ của đối phương, thì không khác gì bạn đang nạp càng nhiều “nhựa sống” vào mớ cảm xúc vốn đã thành hình rất rõ của mình. Đó chắc chắn là điểm đặc biệt chỉ riêng có ở những người hướng nội (nếu họ biết phát huy) mà không phải người hướng ngoại nào cũng có. CẢM XÚC có thể nói, là tài sản vô giá của họ.

 

2. Giữ bí mật rất tốt

 

Theo một nhận định từ trang Psych2go, người hướng nội hơn hẳn người hướng ngoại ở khả năng giữ bí mật hoặc những thông tin nhạy cảm. Tại sao ư? Một phần vì người hướng nội không hẳn hoạt ngôn như người hướng ngoại. Vì thế mà phần nào họ “dè dặt” trong việc nói những điều mình không chắc hay những điều có thể quay lưng lại với họ. Không chỉ dừng lại ở tính cách, người hướng nội còn có một thế giới nội tâm khá sâu sắc. Họ luôn muốn làm giàu nó mỗi ngày bằng cách phản chiếu lại những điều tích cực. Và đặc biệt, không biết bạn có để ý không. Khi bạn được ai đó tâm sự điều gì đó, đặc biệt là khi bạn thực sự đồng cảm với họ, bạn sẽ cảm thấy như có một luồng khí mát lạnh hay ấm nóng trong lồng ngực, khiến bạn càng tin tưởng bản thân hơn bao giờ hết. Vậy thì tất nhiên, bạn tự nhiên sẽ muốn giữ bí mật quan trọng ấy cho riêng mình mà phải không. 

 

3. Xem xét nội tâm sâu sắc


Không có gì phải bàn cãi khi người hướng nội có một khả năng tự phản chiếu khó ai có được. Nói một cách dễ hiểu, chỉ có họ mới biết rõ họ nghĩ gì và cần gì nhất. Và cũng chỉ có họ mới hiểu rõ những mảng màu sáng tối bên trong mình nhất. Vì sao ư? Vì xu hướng “thu mình” lại đôi khi lại khiến họ đặc biệt. Nếu người hướng ngoại thường đi theo trật tự là lời nói - suy nghĩ - lời nói thì dường như người hướng nội lại ngược lại hẳn, “suy nghĩ-lời nói-suy nghĩ”. Họ luôn luôn chú trọng vào việc “SUY NGHĨ”. Suy nghĩ giúp họ không chỉ nhìn vào một mặt của vấn đề mà còn nhìn rộng ra nhiều mặt hơn nữa. Đặc biệt hơn cả, họ không chỉ có khả năng phản chiếu nội tâm của bản thân mà đôi khi còn có khả năng đặc biệt là “hiểu được suy nghĩ của người khác” và trôi theo mạch suy nghĩ của họ. Vì sao ư? Vì một khi cảm xúc của bạn đã được nuôi dưỡng và đủ đầy, nó sẽ có nhu cầu chia sẻ với những mảng màu cảm xúc khác. Đó cũng là lý do vì sao những người hướng nội rất mê các bộ môn như nhiếp ảnh, vẽ tranh, chơi nhạc, viết sáng tạo, làm vườn,....Những bộ môn này đặc biệt giúp người hướng nội sống trọn từng khoảnh khắc với suy nghĩ và cảm xúc của họ.


4. Nằm vùng và đọc vị được cảm xúc của người khác


Đâu đó người ta nói rằng đây thực sự là một khả năng thiên bẩm của những người hướng nội. Kể cũng đúng thôi. Một trong những đặc điểm nổi bật của người hướng nội là quan sát kỹ lưỡng và thấu cảm sâu sắc. Nếu bạn là người hướng nội hay có người quen là người hướng nội, chỉ cần tinh ý một chút, bạn rất dễ nhận ra họ nắm bắt cảm xúc của người khác rất nhanh, hệt như đã quen biết nhau lâu lắm rồi. Họ có thể đọc vị được suy nghĩ hay cảm xúc thậm chí đoán được tính cách một người chỉ qua những cử chỉ trên khuôn mặt, giọng điệu hay đơn giản như cách người đó di chuyển. Nhưng có một điểm đặc biệt là, những người hướng nội rất ít khi nói ra những điều họ nhận thấy về người đối diện, trừ khi giữa họ và người đó có một “tần sóng” nào đó hút họ lại gần nhau hơn. Và một khi người hướng nội đã quen dần với “tần sóng” ấy, mọi thứ xung quanh chẳng còn là vấn đề gì cả. 

 

5. Quan sát (rất) tỷ mỷ, cẩn trọng

 

Một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa người hướng nội và hướng ngoại nằm ở cách mà họ xử lý thông tin. Trong khi những người hướng ngoại xử lý thông tin một cách khá nhanh gọn thì người hướng nội lại có xu hướng “tiêu hoá” thông tin một cách chậm rãi hơn. Nói cách khác, họ phải “xào đi xào lại” thông tin họ tiếp cận nhiều nhất có thể trước khi họ quyết định chia sẻ hay thảo luận với người khác. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ giúp cho cuộc thảo luận có chiều sâu hơn bao giờ hết. Và khi cuộc thảo luận đã có chiều sâu rồi, có khi bạn không phải nói bất cứ điều gì mà chỉ cần nhìn vào ánh mắt đối phương cũng đủ hiểu ngọn ngành. Không biết bạn có để ý không, khi bạn nói chuyện với người hướng nội, họ thường có xu hướng nghĩ nhiều hơn nói, nhất là khi bắt đầu một câu chuyện. Nhưng đến khi họ đủ quan sát tỷ mỷ để “hiểu” và lắng nghe để “thấu”, họ chắc chắn sẽ bộc lộ phiên bản hoàn chỉnh nhất của mình, đó là một người thấu cảm. 


6. Đặc biệt cuốn trong những cuộc đối thoại sâu “Deep Conversation”


Trong khi người hướng ngoại có tài bẩm sinh là giao tiếp xã hội, tạo lập các cuộc hội thoại ngắn và nhất là kết bạn cùng lúc với rất nhiều người một cách dễ dàng, người hướng nội có thể gọi là “bậc thầy” trong những cuộc hội thoại sâu (deep talk). Bạn có để ý rằng những người hướng nội tuy nhút nhát, tuy khép mình đấy nhưng một khi tìm được “mảnh ghép” cùng tần số, họ sẽ nói chuyện như chưa từng được nói không? Đúng vậy, đó chính là một điều mà các mối quan hệ bền bỉ thường phải có để duy trì lâu dài. Chỉ khi bạn hiểu được đối phương một cách sâu thẳm bên trong, bạn sẽ thực sự tìm ra được điểm kết nối. Và một khi bạn đã có điểm kết nối, ban sẽ lại càng dễ để gắn kết họ lại bên bạn lâu hơn. 

 

7. Suy nghĩ mang tính chiến lược


Nếu bạn còn ý nghĩ rằng “những người hướng nội tại sao phải suy nghĩ quá nhiều như vậy, có tốt cho họ khi bắt đầu hay duy trì bất cứ điều gì không cơ chứ? hay “suy nghĩ nhiều làm gì, thế giới này đã đủ phức tạp rồi” thì có lẽ bạn nên xem xét lại. Thực tế, nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy suy nghĩ nhiều mà biết cách thì sẽ quay ngược trở lại trở thành một vũ khí rất lợi hại. Suy nghĩ nhiều lúc này không phải là dặm đi dặm lại một mớ suy nghĩ quẩn quanh nhiều lần mà nó phải là suy nghĩ một chuyện hay nhiều chuyện một cách chín chắn. Nếu bạn biết cách “dẫn dắt” mớ suy nghĩ thành hình bên trong bộ não hướng nội của mình, bạn nhất định sẽ đưa ra những quyết định bất ngờ. Lấy ví dụ nhanh, bạn đang trong một mối quan hệ “nửa vời”, rõ ràng bạn thấy đối phương đã ra tín hiệu muốn dừng lại, nhưng mớ suy nghĩ trong đầu bạn rất lộn xộn. Bạn nghĩ hay là mình cứ nghĩ quá lên. Bạn nghĩ mình không đủ tốt nên họ mới vậy, và bạn tìm cách để thay đổi bản thân. Hoặc thậm chí bạn nghĩ đối phương đã có người khác mà cứ ngập ngừng muốn có cả bạn?....Một vũng lầy suy nghĩ đó, làm sao để bạn thoát ra được? Câu trả lời là bạn không cần cố gắng thoát ra, vì nó sẽ chẳng có ích gì khi bạn đang rối đâu. Hãy bình tĩnh (dù sẽ rất khó) để gỡ rối. Vận dụng dòng suy nghĩ trong chính bên trong bạn để suy nghĩ, không phải suy nghĩ về đối phương mà về chính bản thân bạn, xem điều gì sẽ níu giữ bạn trở lại với những điều tích cực.

 

8. Lãnh đạo đầy lòng trắc ẩn


Cuối cùng, cũng là một trong những đặc điểm nổi bật nhất, đó là lòng trắc ẩn khi trở thành một nhà lãnh đạo, hay thậm chí đơn giản là một leader nhỏ bé. Cả người hướng nội và hướng ngoại đều có thể trở thành những nhà lãnh đạo xuất chúng. Thế nhưng, bạn cứ để ý mà xem, mức độ thấu cảm và tận tâm về mặt cảm xúc của những nhà lãnh đạo hướng nội ra sao? Họ có phải hơn hẳn những người hướng ngoại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo hướng nội có hiệu quả hơn trong việc xây dựng mối quan hệ, nuôi dưỡng lòng trung thành và thúc đẩy mọi người vì nhu cầu ít được chú ý hơn của họ cho phép người khác cảm thấy được nhìn nhận nhiều hơn về những đóng góp của họ. Họ cũng cởi mở hơn trong việc lắng nghe ý kiến và đề xuất của người khác vì họ có xu hướng có phong cách lãnh đạo “thu mình” hơn (Nobel, 2010). Tóm lại, để một người tin tưởng ai đó và đồng hành cùng họ trong công việc, chúng ta có thể thu hút họ bằng lời nói, bằng hành động, thậm chí cả bằng sự trân trọng. Nhưng để ai đó tự nguyện cống hiến và đồng hành ngay cả khi bạn không hoặc chưa có gì quá nhiều trong tay, thì thực sự cần sự “thấu hiểu” tận đáy lòng. 

 

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan