Âm nhạc - phương tiện đánh thức những kí ức

Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau với âm nhạc: buồn, vui, ngạc nhiên, thậm chí có cả sợ hãi.

Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau với âm nhạc: buồn, vui, ngạc nhiên, thậm chí có cả sợ hãi. Nó là phương tiện đưa chúng ta đến những miền cảm xúc sâu thẳm và biến đổi chúng, làm cho một ngày xám xịt trở nên tươi sáng hơn hoặc nhắc nhở chúng ta về những con người hoặc sự kiện bỗng chốc hiện về trong tâm trí. Những giai điệu có sức mạnh mang chúng ta trở về với quá khứ.


Nguồn: Pinterest

Những bài học được gắn liền với một trạng thái cảm xúc nhất định sẽ dễ dàng để gợi nhớ lại hơn trong tương lai. Vì lí do đó, tất cả những kí ức khơi dậy một cảm giác sẽ có ấn tượng sâu đậm hơn.


Ngày nay các liệu pháp âm nhạc được sử dụng cho các bệnh như Alzheimer, với mục đích kích thích trí nhớ, cải thiện sự tập chung, tâm trạng và có tác dụng thư giãn. Việc kích thích giác quan thông qua âm nhạc giúp cải thiện những tình trạng khác nhau của chứng sa sút trí tuệ.


Âm nhạc trong não bộ của chúng ta


Thính giác là một trong những giác quan phức tạp nhất và đường đi của nó kết nối với nhiều vùng của não. Chúng bao gồm: hệ viền (limbic system), vùng nhân nucleus accumbens và nhân caudate; tất cả đều có liên quan đến quá trình xử lý cảm xúc.


Nghe nhạc kích thích cơ thể giải phóng ra hooc-môn “hạnh phúc” dopamine giống như cách hóc-môn đó được tạo ra khi có thức ăn, tình dục hoặc ma túy. Vì vậy, nó tác động đến tâm trạng của chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu. Âm nhạc tạo ra những thay đổi về mặt sinh lý giống như bất kỳ kích thích cảm xúc nào. Ai mà không từng dựng tóc gáy khi nghe một bài hát nào đó?


Âm nhạc có khả năng đánh thức những ký ức liên quan đến ca từ của bài hát, hoặc về một sự kiện đã xảy ra trong khi nghe giai điệu ấy. Nó có thể đưa chúng ta trở về khoảnh khắc đó và làm sống dậy những cảm xúc ngày xưa.


Cảm xúc giúp thúc đẩy trí nhớ


Việc ghi nhớ những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt hoàn toàn khác với những thứ không liên quan đến cuộc sống của chúng ta. Những tình huống có tác động sâu sắc sẽ dễ dàng in sâu vào kí ức hơn.


Não bộ của chúng ta ghi lại và lưu trữ tất cả những khoảnh khắc quan trọng đối với chúng ta. Theo lẽ đó, âm nhạc có mối liên hệ chặt chẽ với cảm xúc, vì thế nó có thể là một yếu tố kích thích giúp chúng ta ghi nhớ dễ dàng hơn.


Nghe lại một bài hát yêu thích năm 15 tuổi sẽ đưa chúng ta trở về những năm tháng ấy, vẹn nguyên cảm xúc như lúc ban đầu. Điều này dễ dàng đạt được thông qua âm nhạc hơn là cố gắng nhớ lại một cách thông thường.


Nguồn: Pinterest

Liệu pháp âm nhạc để rèn luyện trí nhớ


Liệu pháp này được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau, từ thư giãn đến cải thiện tâm trạng. Nó cũng đã được sử dụng để cải thiện sự tập trung và trí nhớ, đặc biệt là trong chứng sa sút trí tuệ như Alzheimer. Liệu pháp âm nhạc được áp dụng nhiều với những bệnh nhân mắc chứng này, đặc biệt là ở giai đoạn rất nặng.


Nó cải thiện sự gắn kết, giao tiếp xã hội và tâm trạng. Điều này có ý nghĩa rất tích cực ở những bệnh nhân có các rắc rối liên quan, những người thường phải chịu đựng sự thờ ơ, trầm cảm và cô lập. Thông thường, mục tiêu chính của liệu pháp là sử dụng âm nhạc như một phương tiện để kích hoạt cảm xúc và thông qua đó, ghi nhớ những khoảnh khắc đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân. 


Họ thường bật những bài hát thuộc thời điểm lúc bệnh nhân còn nhỏ, loại nhạc mà người đó đã thường nghe và thưởng thức để cố gắng khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp. Bằng cách này, họ sẽ cởi mở hơn để chia sẻ những câu chuyện của chính mình.


Với những người ở giai đoạn bệnh nặng, mặc dù họ không thể chia sẻ , nhưng họ được chứng minh là vẫn có khả năng hiểu và thưởng thức âm nhạc vì hệ thính giác thường không bị ảnh hưởng. Do vậy, âm nhạc được coi là một công cụ tốt để kích thích các giác quan của những người mắc chứng sa sút trí tuệ.


------------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Hải Nguyễn

Nguồn bài viết: <https://exploringyourmind.com/music-awakens-memories/>




BẢN THẢO
Bài viết liên quan