Bạn yêu đương như thế nào dưới lăng kính khoa học?

Qua những lời bài hát, những dòng thơ ca, đến những câu chuyện tiểu thuyết và từ những bộ phim, tình yêu lãng mạn chính là một trong những đề tài tồn tại lâu nhất qua nhiều thế hệ. Nhưng còn với khoa học, tình yêu là gì?

Qua những lời bài hát, những dòng thơ ca, đến những câu chuyện tiểu thuyết và từ những bộ phim, tình yêu lãng mạn chính là một trong những đề tài tồn tại lâu nhất qua nhiều thế hệ. Nhưng còn với khoa học, tình yêu là gì?

Xuyên suốt thời cổ đại và vượt qua nhiều biên ải thế giới, tình yêu đã được ghi nhận trong sử sách, trong văn hoá và trong cả những bằng chứng tiến hoá của loài người. Tình yêu đã tồn tại trong 147 trên 166 văn hoá đã được nghiên cứu.

Mỗi người có những trải nghiệm khác nhau với tình yêu, cho dù độ phức tạp của nó thay đổi theo thời gian.


Thích, yêu, hay “đang yêu”?

Hơn 50 năm qua, một nghiên cứu tâm lý học đã tìm hiểu sâu về sự khác biệt giữa “thích” một người, “yêu” một người và “đắm chìm trong tình yêu”.

Người ta miêu tả việc thích một người như là dành những suy nghĩ, cảm xúc tích cực cho người khác và nhận thấy việc nói chuyện với người đó thật thú vị. Chúng ta còn cảm nhận được hơi ấm và cả sự thân thiết từ những người mà chúng ta thích. Nói ngắn gọn là chúng ta thường phụ thuộc vào mặt cảm xúc nhiều hơn khi ở bên những người này.

Và khi chúng ta yêu ai đó, chúng ta đều trải qua những suy nghĩ, trải nghiệm tích cực như cách chúng ta thích người khác. Nhưng trái tim chúng ta còn hình thành một cảm giác săn sóc mãnh liệt và một sợi dây liên kết chặt chẽ với người đó.

Còn khi “đang yêu”, chúng ta trải qua tất cả những cảm giác trên bao gồm cả việc xúc cảm mãnh liệt về mặt tính dục và thu hút. Tuy vậy, nghiên cứu cho thấy mỗi người có cái nhìn khác nhau về tình yêu rằng mỗi lần yêu là những lần khác nhau.

Tình yêu là sự đam mê hay đồng cảm?

Tình yêu lãng mạn bao gồm hai loại: tình yêu đam mê nồng cháy và tình yêu đồng cảm. Bất cứ chuyện tình lãng mạn nào, cho dù là sự thu hút khác giới hay đồng giới, cũng đều có hai đặc tính này.

Người ta thường nghĩ tình yêu nồng cháy chính là cảm xúc khi ở trong trạng thái “đang yêu”. Nó bao gồm sự đam mê, sự trông ngóng mong đợi mãnh liệt. Cảm xúc lớn đến nỗi người ta chỉ muốn người mình yêu ở bên cạnh, nằm trong vòng tay của bản thân.

Phần còn lại của tình yêu chính là sự đồng cảm. Không cần sự đam mê nồng cháy mãnh liệt, đồng cảm có riêng cho mình sự phức tạp và một sự kết nối cảm xúc thân thuộc, và cuối cùng là sự cam kết gắn bó sâu sắc với người mình yêu.

Ngày qua ngày, tình yêu đã thay đổi như thế nào?

Qua nhiều giai đoạn, người ta nhận thấy rằng cho dù tình yêu khởi đầu bằng những đam mê và nồng nhiệt cao độ, thì sau cùng chúng sẽ hạ nhiệt theo thời gian.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải việc này.

Thói quen dần hiện rõ ra khi hai người ngày càng tìm hiểu nhau kĩ hơn, và cũng là khi hai cá thể tự tin vào mối quan hệ sẽ diễn ra tốt đẹp và sâu đậm hơn. Những trải nghiệm mới lạ và sự thích thú như buổi đầu mới yêu cũng từ đó mà giảm sút, kéo theo cả hoạt động thân mật thể xác. Chính điều này đã làm cho mức độ đam mê trong tình yêu ngày càng phai nhạt.

Tuy không phải cặp đôi nào cũng hạ nhiệt tình yêu như vậy, nhưng nghiên cứu cũng đã tìm ra được khoảng 20-40% các cặp yêu nhau trải qua giai đoạn này. Còn đối với những cặp vợ chồng đã yêu nhau cả một thập kỷ thì mười năm tiếp theo, niềm đam mê ấy cũng sẽ nhạt nhòa mà thôi.

Các sự kiện và sự đổi mới diễn ra trong cuộc sống cũng làm ảnh hưởng tới nhiệt độ tình yêu của chúng ta. Trong cuộc sống, con người phải đương đầu với nhiều trách nhiệm và điều đó làm tiêu tốn năng lượng của chúng ta. Cũng vì đó mà bản thân mỗi con người quên mất việc nuôi dưỡng niềm đam mê tình yêu của chính mình. Trở thành cha mẹ cũng là một ví dụ điển hình cho việc vì cuộc sống bộn bề mà quên đi tình yêu dành cho đối phương.

Đổi lại, đồng cảm trong tình yêu ngày càng tăng cao theo thời gian.

Mặc dù các nghiên cứu cho thấy tình yêu chứa đựng cả hai đặc tính là đam mê và đồng cảm, nhưng sự thiếu vắng của cảm thông, hay việc đam mê quá mãnh liệt lấn át sự đồng cảm ấy, sẽ khiến mức độ bền chặt của tình yêu ngày càng phai nhạt.

Nhưng rốt cuộc, con người yêu là để làm gì?

Tình yêu là xúc cảm giữ con người kết nối và gắn kết với nhau. Dưới góc nhìn tâm lý học tiến hoá, tình yêu phát triển để giữ cho các bậc phụ huynh bên nhau đủ lâu trước khi những con trẻ bước vào con đường trưởng thành và phát triển về mặt sinh lý.

Con người trải qua thời thơ ấu lâu hơn bất kì loài động vật nào khác. Tình yêu cũng đặc biệt quan trọng với con người khi con non phải nương nhờ sữa mẹ và dựa vào bố của chúng trong nhiều năm để sống sót và phát triển các kỹ năng cần thiết cho một tương lai thành công, tươi sáng.

Nếu không có tình yêu, chúng ta sẽ không biết bản thân mình đã tiến hoá thành giống loài gì.

Cơ thể con người cũng chứa đựng tình yêu

Không chỉ nền tảng tiến hoá cho thấy tình yêu, mà tình cảm con người còn ăn sâu bám rễ vào mặt sinh học của chúng ta. Theo các nghiên cứu về tình yêu lãng mạn qua lĩnh vực Sinh học thần kinh, người ta nhận thấy hoạt động mạnh mẽ tăng dần của các khu vực não bộ liên quan đến cho thưởng và sự hài lòng khi con người yêu cuồng nhiệt.

Trên thực tế, những khu vực não bộ này trùng khớp với những khu vực được kích hoạt khi sử dụng thuốc phiện.

Lúc này, não sản sinh ra các loại chất như oxytocin, vasopressin và dopamine, những chất này giúp hình thành nên cảm giác vui vẻ và hưng phấn, liên kết đến việc gia tăng ham muốn quan hệ thể xác và phấn khích.

Điều thú vị là những vùng não này sẽ không kích hoạt nếu con người không nghĩ đến những chuyện tình cảm yêu đương, ví dụ như chuyện bạn bè. Điều này cũng chứng tỏ rằng thích một người khác xa hoàn toàn với việc yêu một người.

Vậy bạn yêu kiểu gì?


Các nhà nghiên cứu tìm ra ba kiểu yêu chính của con người. Nhà tâm lý học John Lee là người tiên phong trong việc phân loại các kiểu yêu, con người có thể yêu theo kiểu eros, ludus hoặc là storge.

Eros

Kiểu eros chính là tình yêu liên quan đến xác thịt, tập trung nhiều vào sự gắn kết thân thể và quan hệ thể xác, con người nhanh chóng phát triển các cảm giác đam mê cuồng nhiệt cho người khác và các cử chỉ thân mật cũng không bị hạn chế.

Ludus

Kiểu yêu này không bao gồm sự gắn kết về mặt cảm xúc mà thay vào đó là “cuộc chơi tình thú.” Nhưng ai ủng hộ ludus thường không thích sự cam kết dài hạn, họ sẽ cảm thấy thoải mái khi một cuộc tình đã trôi qua và có thể bắt đầu một tình yêu mới dù vẫn đang trong mối quan hệ với người cũ.

Storge

Storge thường được xem như là một kiểu yêu đương trưởng thành. Con người với kiểu yêu này ít bị thu hút bởi các cử chỉ thân mật liên quan đến thể xác, người ta thường ưu tiên cho những sở thích của người mình yêu, thoải mái biểu lộ tình cảm của mình cho người đó. Những người yêu kiểu storge tin tưởng vào người yêu của mình và thường không đòi hỏi hay phụ thuộc lẫn nhau.

Có lẽ bạn không hoàn toàn thuộc vào một nhóm nhất định?

Có thể bạn biết bạn không thuộc về bất cứ nhóm yêu nào hoàn toàn, mà là sự trộn lẫn giữa các kiểu yêu.

Người ta cũng chứng minh được rằng con người tồn tại nhiều hơn một kiểu yêu, và đó là sự kết hợp của ba kiểu yêu chính. Những kiểu kết hợp này được John Lee gọi tên là mania (tạm dịch: yêu điên cuồng), pragma (tạm dịch: yêu thực dụng) và agape (tạm dịch: yêu cống hiến).

Mania bao gồm những cảm xúc mãnh liệt dành cho người yêu, song song đó cũng là những lo lắng về việc phải gắn kết với nhau trong một mối quan hệ lâu dài. Mặt khác, những người yêu theo kiểu pragma thường nhạy cảm trong việc tìm kiếm người yêu có thể làm tốt vai trò là người bạn đồng hành và đơn thuần là một người bạn. Agape chính là tình yêu thương bất vụ lợi, vì người khi yêu không màng đến bản thân và chỉ xem trọng nghĩa vụ hay trách nhiệm của mình.

Tại sao bạn lại yêu như vậy?

Tình yêu con người chẳng liên quan gì đến hệ thống gen của mình. Thật ra, tình yêu gắn kết với sự phát triển tính cách và những trải nghiệm yêu đương trong quá khứ.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những ai có thiên hướng xấu, như ái kỷ, thái nhân cách và thủ đoạn, thường ủng hộ kiểu yêu ludus hay pragma nhiều hơn.

Những người xu hướng nghiêng về tình yêu điên cuồng mania thường có sự gắn kết không bền chặt, sự liên kết này khiến con người ta có nhu cầu cao về sự xác thực và bận tâm về đối phương. Trong khi đó, những người cảm thấy không thoải mái với việc thân mật và gần gũi sẽ không ủng hộ tình yêu eros.

Cho dù tình yêu có khác nhau như thế nào đi chăng nữa, điểm chung duy nhất còn đó chính là: con người chúng ta vốn dĩ là loài động vật xã hội, là giống loài bị mê hoặc bởi tình yêu.


Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2020-07-what-is-love.html

Dịch:  Irene

Biên tập: Ngọc

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan