Bí ẩn khiến bạn không thể ngừng lo lắng

“Cho phép bản thân được thư giãn và bớt cảnh giác, đồng thời cũng cho phép mình được mềm yếu về mặt cảm xúc. Hãy nhớ rằng, đôi khi cần một chút dũng cảm để được hạnh phúc.” Một nghiên …

“Cho phép bản thân được thư giãn và bớt cảnh giác, đồng thời cũng cho phép mình được mềm yếu về mặt cảm xúc. Hãy nhớ rằng, đôi khi cần một chút dũng cảm để được hạnh phúc.”

Một nghiên mới tiết lộ lý do vì sao một số người trong chúng ta không thể ngừng lo lắng.

Chúng ta đều biết lo lắng là như thế nào. Những suy nghĩ đáng sợ len lỏi vào trong tâm trí chúng ta và dường như ta không thể gạt bỏ chúng. Sẽ ra sao nếu tôi mất việc? Sẽ ra sao nếu hôn nhân đổ vỡ? Sẽ ra sau nếu tôi không thể trả học phí đại học?

Một điều khiến những suy nghĩ này khó có thể được gạt bỏ là chúng ta không bao giờ biết chắc được tương lai của mình sẽ ra sao. Điều này khiến những câu hỏi “sẽ ra sao” không thể được giải đáp một cách thoả đáng.

Hầu hết mọi người đều mắc kẹt với việc nghĩ quá nhiều về một trong số những suy nghĩ này trong một khoảng thời gian dài và tưởng tượng ra những kết cục tồi tệ nhất. Nghiên cứu cho thấy rằng những nỗi lo phổ biến nhất bao gồm: mối quan hệ với những người khác, hiệu suất công việc hay học tập, tài chính, sức khoẻ và nhiều trách nhiệm khác.

Mặc dù lúc nào mọi người cũng lo lắng, nhưng lo lắng quá mức và vượt tầm kiểm soát là dấu hiệu chính của rối loạn lo âu lan toả (generalized anxiety disorder – GAD), một bệnh tâm thần với khả năng ngăn cản hoạt động của con người, hiện đang tác động xấu đến hơn 5% dân số thế giới – trong đó đa phần là phụ nữ. Những người mắc GAD lo lắng quá mức về nhiều vấn đề khác nhau, có thể khiến họ cảm thấy bồn chồn, căng cơ, khó tập trung và gặp vấn đề với giấc ngủ.

Thật không may, nghiên cứu cho thấy rằng lo lắng quá mức và kéo dài có thể gây ra hậu quả về nhiều mặt, như trục trặc trong quan hệ, hiệu quả công việc và học tập giảm sút, thất nghiệp, thậm chí về lâu dài còn ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe. (Nghe quen chứ? Đó là một vài trong số những chủ đề mà chúng ta lo lắng và quan tâm nhất!)

Nói tóm lại, lo lắng khiến chúng ta cảm thấy mọi thứ thật tệ hại, và nếu làm vậy quá nhiều, nó có thể vô tình dẫn tới những kết quả không mong muốn mà chúng ta đang nỗ lực né tránh. Nhưng dù vậy, nhiều người trong số chúng ta vẫn cảm thấy thật khó để có thể buông bỏ những mối lo này. Ngay cả những nhà trị liệu có chuyên môn cũng phải chật vật để giúp bệnh nhân của họ thoát khỏi nỗi lo. Tại sao lại có chuyện như vậy?

Nhiều năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng trả lời câu hỏi hóc búa này. Những gì họ đã tìm thấy có thể khiến bạn ngạc nhiên: Trớ trêu thay, dường như mọi người thường có niềm tin tích cực về việc lo lắng.

Chẳng hạn, nhiều người tin rằng lo lắng về một vấn đề cũng giống như giải quyết vấn đề. Đáng tiếc là, mặc dù chúng ta cảm thấy như đang làm gì đó có hiệu quả, nhưng lo lắng hiếm khi giải quyết được vấn đề đó. Dù cho nó đúng là có giúp ta tập trung vào những vấn đề đó, nhưng ta lại hay có xu hướng suy nghĩ quá nhiều về cách mà mọi thứ có thể hỏng bét, và chẳng còn thời gian để dành cho việc xác định giải pháp.

Trên thực tế, các nhà tâm lý học biết rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề tốt hơn khi thoát ra khỏi lối suy nghĩ lo lắng và tiến sâu hơn vào cách suy nghĩ khách quan, có chiến lược – ví dụ như chia nhỏ vấn đề hay tập trung vào mục tiêu (chẳng hạn, thay vì cứ chỉ nghĩ về biến đổi khí hậu, bạn có thể sử dụng năng lượng đó để viết thư cho đại biểu quốc hội, đi xe đạp tới nơi làm việc, …). Hãy nhớ rằng, thực sự giải quyết vấn đề thường sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn về điều đó, chứ không phải tệ đi.

Trớ trêu thay, một lý do khác và có lẽ còn ngớ ngẩn hơn nữa giải thích tại sao một số người không thể ngừng lo lắng là dường như họ chỉ đang tự bảo vệ bản thân trên cung bậc cảm xúc. Điều này nghe chẳng hợp lý tý nào – tại sao một thứ đau đớn và hành xác đến vậy lại đem lại cảm giác được bảo vệ? Thế nhưng, các nghiên cứu lại bắt đầu ủng hộ ý tưởng này.

Vài năm trước, tôi và Michelle đã tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (1), trong đó chúng tôi yêu cầu mọi người phải lo lắng hoặc thư giãn trước khi xem một video khiến họ cảm thấy buồn bã hoặc tức giận (như một cảnh phim có một cậu bé khóc bên cạnh ông bố đang hấp hối). Kết quả thu được là, những người lo lắng từ trước không thay đổi quá nhiều về cảm xúc khi phản ứng với những gì họ được xem, trong khi người đang thư giãn lại có cảm xúc tiêu cực tăng mạnh.

Sao lại có chuyện như vậy?

Vì những người lo lắng từ trước đã ở sẵn trong một trạng thái cảm xúc tiêu cực – thế nên họ vẫn tiếp tục cảm thấy tồi tệ. Hơn nữa, những người vốn thường hay cảm thấy lo lắng nói rằng họ thực sự thích như vậy hơn. Thế nhưng tại sao lại có người thích cảm thấy tồi tệ trước một trải nghiệm tiêu cực?

Có lẽ đó là do nó khiến chúng ta có chuẩn bị hơn về mặt cảm xúc cho những gì sắp xảy ra. Ví dụ như bạn vừa làm một bài kiểm tra khó nhằn và giờ bạn đang lo lắng về nó (Sẽ ra sao nếu tôi làm sai? Sẽ ra sao nếu nó kéo điểm tổng kết xuống và khiến tôi trượt môn?) Bằng cách làm như vậy, bạn có thể cảm thấy mình đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Và nếu thực sự có thất bại, bạn sẽ khó có thể bị tác động mạnh về mặt cảm xúc hơn khi nhận được kết quả – nói rõ hơn là trạng thái cảm xúc thay đổi ít hơn. Chúng tôi gọi đây là sự né tránh cảm xúc tương phản, vì bạn tránh né được tương phản giữa việc đang cảm thấy vui vẻ và ngay sau đó cảm giác như mọi thứ đang sụp đổ.

Nghe tuyệt đấy chứ? Nhưng hãy nhớ rằng, chuyện không phải kiểu cứ lo lắng trước là bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước kết cục xấu đâu. Sự thật đơn giản là cảm xúc không thay đổi quá nhiều vì bạn đã cảm thấy tệ sẵn rồi (có khi còn có chút thoả mãn, kiểu “Mình biết mà.”)

Và những suy nghĩ tích cực về lo lắng bắt đầu bám chặt lấy bạn ngay cả khi mọi thứ đều ổn thoả. Giả sử như, điểm số của bạn không quá tệ khi trả kết quả, và thay vì nhận ra rằng mình tốn quá nhiều thời gian cho việc lo lắng, bạn lại cảm thấy như thể bạn vừa tránh được một đòn chí mạng. Điều này lại càng củng cố thêm thói quen lo lắng vì cảm giác thở phào nhẹ nhõm cũng thật tuyệt.

Sự hấp dẫn của cách suy nghĩ này nằm ở chỗ những người lo lắng quá mức cũng thường là những người nhạy cảm. Thế nên, bằng cách nào đó, có vẻ hợp lý khi chúng ta “chơi an toàn” và mãi dựng lên lớp bảo vệ cho cảm xúc của mình. Nếu như không bao giờ nâng cao kỳ vọng lên thì chúng ta cũng đâu thể cảm thấy thất vọng, đúng không? Sau cùng thì, những chuyện không hay có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà.

Nhưng cái giá phải trả là gì?

Nếu chúng ta để mặc bản thân cho sự lo lắng không bị giới hạn, thì về cơ bản ta đang cố ý cảm thấy thật khổ sở chỉ để chuẩn bị cho một tình huống có thể không bao giờ xảy ra. Tệ hơn nữa, có thể ta sẽ vô tình coi những cảm xúc tích cực như mối nguy, vì vui vẻ hay lạc quan khiến ta cảm thấy cảm xúc của mình có thể bị tổn thương, như thể mình đang lơ là không cảnh giác. Nói cách khác, sự hạnh phúc bắt đầu đem lại sự bất an. Điều này cũng khiến thật khó để có thể ngừng lo lắng, ngay cả khi bạn muốn làm thế.

Vậy thay vào đó ta có thể làm gì?

Bạn có thể học cách tin vào khả năng đối mặt với những sự kiện tiêu cực nếu như chúng xảy ra chẳng hạn. Tin tốt là, có một nghiên cứu (2) chỉ ra rằng hầu hết những điều mà người mắc GAD lo lắng sẽ không bao giờ xuất hiện cả. Nhưng nếu điều gì đó không hay thực sự xảy ra, hãy nhớ rằng bạn sẽ được trang bị tốt hơn để xử lý nó nếu bạn đến từ một nơi có cảm xúc lành mạnh thay vì một trạng thái lo lắng và bi quan. Bạn cũng sẽ cảm thấy tâm trí cởi mở với việc thử nghiệm những giải pháp mới. (tham gia một nhóm học tập hay gửi thư cho giảng viên để hỏi thêm chẳng hạn.) Các nhà nghiên cứu đã cho thấy hành động duy trì một tư duy tích cực thực sự gia tăng sự sẵn sàng thực hiện những chiến thuật và giải pháp đó. 

Vậy thì làm thế nào nếu chừng đó chưa đủ để gạt đi sự lo lắng của bạn? Hãy thử một số cách chủ động hơn, như chánh niệm, thiền có hướng dẫn hay tập thư giãn. Ngày nay bạn có thể tìm thấy rất nhiều ứng dụng phù hợp cho những việc đó ngay trên điện thoại. Hoặc chỉ cần tập thể dục không thôi cũng đã đem lại những kết quả đáng khích lệ.

Còn nếu trong trường hợp sự lo lắng đã trở nên nghiêm trọng hay thành một căn bệnh mãn tính, đừng ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ, chẳng hạn như từ một chuyên gia sức khoẻ tâm lý để tham khảo hoặc nhận những lời khuyên. Và cũng đừng quá cứng nhắc với bản thân – những lối suy nghĩ kéo dài và lặp lại có thể rất khó để bạn có thể tự thay đổi. Nhưng bạn CÓ THỂ thay đổi điều đó.

Sau cùng, mục tiêu là loại bỏ lối tư duy tiêu cực kéo dài, và học cách xây dựng và tận hưởng những trạng thái cảm xúc tích cực hơn. Điều này có thể tương đương với việc đối mặt với những nỗi sợ hãi của bạn: cho phép bản thân được thư giãn và bớt cảnh giác, đồng thời cũng cho phép mình được mềm yếu về mặt cảm xúc. (Hãy nhớ rằng, đôi khi cần một chút dũng cảm để được hạnh phúc.)

———————————-
Dịch: #Zealous

Biên tập: Linh Vũ

Minh họa: Sailor L

Nguồn bài viết: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-courage-

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan